Quay cuồng với những vụ kiện
Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới chưa thực sự thoát khỏi khủng hoảng, bên cạnh sự sụt giảm về số lượng các đơn hàng ở hầu khắp các thị trường, hàng hóa Việt Nam còn phải đối mặt với một loạt rào cản, đáng kể nhất là các biện pháp phòng vệ thương mại. Trên thực tế, năm 2009 là năm giữ kỷ lục về số lượng các vụ kiện chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ đối với hàng hóa xuất khẩu Việt Nam với 42 vụ kiện.
Các mặt hàng thường bị kiện bán phá giá nhất là dệt may và da giầy; hóa chất, kim loại và sản phẩm từ kim loại; máy móc, thiết bị cơ khí, thiết bị điện; nhựa, cao su; bột giấy, giấy; nông sản, thực phẩm; đá, nhựa và sản phẩm từ đá, nhựa.
Một trong những vụ điển hình nhất, ngày 22/12/2009, liên minh châu Âu (EU) đã bỏ phiếu chính thức thông qua đề xuất của Ủy ban châu Âu (EC) kéo dài thời hạn áp thuế chống bán phá giá đối với giày mũi da nhập khẩu từ Việt Nam và Trung Quốc thêm 15 tháng. Mới đây, sản phẩm túi nhựa PE của Việt Nam bị kiện chống bán phá giá và chống trợ cấp tại Hoa Kỳ - đây cũng là lần đầu tiên hàng hóa của Việt Nam bị vướng phải vụ kiện đúp. Vì là lần đầu, lại là một vụ kiện hết sức phức tạp nên đòi hỏi các doanh nghiệp cần có sự chuẩn bị kỹ mọi nguồn lực để theo đuổi kháng kiện. Song thực tế, các doanh nghiệp đã mất quá nhiều thời gian để huy động nguồn lực (nhân lực và vật lực), lại chậm chạp trong việc quyết định thuê luật sư tư vấn nên đã bỏ lỡ một số thủ tục và cơ hội quan trọng.
Luật sư Trần Hữu Huỳnh - Phó Tổng Thư ký Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Trưởng ban Pháp chế VCCI cho biết, hầu hết các ngành có sản phẩm bị kiện phòng vệ trong năm 2009 của Việt Nam đều gặp rất nhiều khó khăn, lúng túng trong quá trình kháng kiện vì không hiểu hoặc hiểu một cách không đầy đủ về tính chất và tác động của các vụ kiện. Từ chỗ thiếu hiểu biết dẫn tới việc nhiều doanh nghiệp có cách hành xử tiêu cực như lẩn tránh vụ kiện, không hợp tác, không đoàn kết với hiệp hội… gây ra những hậu quả bất lợi toàn cục.
“Thách thức đặt ra với các doanh nghiệp xuất khẩu năm 2010 là vượt được các rào cản thương mại ở các thị trường xuất khẩu, đặc biệt là các vụ kiện chống bán phá giá và chống trợ cấp”, ông Huỳnh cảnh báo. Còn theo bà Nguyễn Thị Thu Trang – Hội đồng Tư vấn chống bán phá giá – chống trợ cấp tự vệ, trong thời kỳ suy giảm kinh tế, nhiều nước coi kiện chống bán phá giá và chống trợ cấp là công cụ rất tốt để chặn hàng xuất khẩu, bởi vậy, con số 42 vụ kiện trong năm 2009 là con số đáng chú ý, bởi kinh tế Việt Nam phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu.
Cần chuẩn bị kỹ lưỡng
Từ thực tế cho thấy, bài học chung cho các doanh nghiệp xuất khẩu là phải nhanh nhạy trong việc nắm bắt thông tin để có sự chuẩn bị đối phó kịp thời trước mọi diễn biến của thị trường. Trường hợp doanh nghiệp đã bị khởi kiện thì cần phối hợp chặt chẽ với hiệp hội trong nước và nhà nhập khẩu ở nước sở tại để có cách hành xử phù hợp. Luật sư Peter John Koenig, thành viên Hãng luật Squire Sanders khuyên các doanh nghiệp Việt Nam phải luôn có đầy đủ sổ sách ghi chép rõ ràng về nguồn gốc, xuất xứ… của hàng hóa, các loại giấy tờ tài chính kế toán, vì đó sẽ là những bằng chứng quan trọng giúp doanh nghiệp kháng kiện. Ngoài ra, các nhà xuất khẩu cũng cần “lên dây cót” tinh thần để trả lời minh bạch, công khai, thống nhất các câu hỏi của phía khởi kiện, cũng đừng nản lòng hay run sợ khi đối mặt với các vụ kiện.
Theo đại diện Cục Quản lý cạnh tranh, những nội dung quan trọng cả cơ quan chủ quản và doanh nghiệp cần thực hiện trong thời gian tới là: giám sát và cảnh báo xuất khẩu đối với những mặt hàng xuất khẩu tăng trưởng quá nhanh tại một thị trường, hoàn thiện chế độ hạch toán kế toán và sổ sách tài liệu của doanh nghiệp, tích cực hợp tác và tuân thủ thời gian quy định trong từng giai đoạn điều tra, tăng cường vai trò định hướng và điều tiết xuất khẩu của Nhà nước… Ngoài ra, doanh nghiệp có thể chuẩn bị lập luận theo các câu hỏi mà Trung tâm Thương mại Quốc tế (ITC) đã tuyển chọn đăng trên website của ITC
Cũng theo ông Hùynh, Chính phủ là chỗ dựa vững chắc giúp doanh nghiệp vững tin trong quá trình kháng kiện. Mới đây, Việt Nam đã mạnh dạn đưa vụ kiện áp thuế chống bán phá giá của Mỹ đối với mặt hàng tôm xuất khẩu lên WTO. Điều này đồng nghĩa với việc Chính phủ đã gửi một thông điệp ra thế giới, Việt Nam quyết tâm đấu tranh bảo vệ các quyền lợi của nhà xuất khẩu trong các vụ kiện chống bán phá giá ở Mỹ hay ở bất kỳ nước nào khác.
Việt Nguyễn