Ông Vương Thái Dũng, Phó TGĐTổng Công ty Xăng dầu Việt Nam |
Xin ông cho biết những khó khăn và thuận lợi khi doanh nghiệp triển khai thực hiện Nghị định 84?
Mặc dù, Nghị định 84 chỉ mới chính thức có hiệu lực một thời gian nhưng cũng đã giúp chúng tôi vận hành tốt hơn, trách nhiệm doanh nghiệp cao hơn. Nhưng hiện nay, vấn nạn nhái nhãn hiệu đang là vấn đề rất đau đầu. Nhái nhãn hiệu thể hiện ở một số mặt hàng không đảm bảo cả về chất lượng lẫn số lượng, gian lận thương mại,…làm thiệt hại đến quyền lợi người tiêu dùng, còn doanh nghiệp bị thiệt hại về uy tín. Bởi khi phát hiện vi phạm Petrolimex ở các địa phương, cũng chỉ có cách duy nhất là báo cáo với cơ quan quản lý Nhà nước địa phương, còn việc xử lý lại phải chờ cơ quan chức năng vào cuộc.
Nhiều người lo ngại doanh nghiệp sẽ "lợi dụng" Nghị định 84 để tăng giảm giá không hợp lý, gây thiệt hại cho người tiêu dùng và ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế xã hội. Ông bình luận gì về ý kiến này?
Tư tưởng cơ bản của Nghị định 84 là chuyển toàn bộ kinh doanh xăng dầu trong nước theo cơ chế thị trường có sự kiểm soát và giám sát của Nhà nước, tạo ra được sự bình ổn thị trường xăng dầu, tạo ra sự minh bạch hơn và công khai hơn trong vấn đề kinh doanh xăng dầu. Tuy nhiên, sau một thời gian thực thi Nghị định tôi nhận thấy có vấn đề cần phải có sự điều chỉnh như Cần xây dựng các quy định, quy chế việc kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện Nghị định này.
Ví dụ như Quy định các doanh nghiệp phải dự trữ lưu thông tối thiểu 30 ngày. Nếu không sẽ tạo nên sự thiếu hụt và tạo sức ép cho các doanh nghiệp còn lại, khi thị trường thế giới có biến động. Bên cạnh đó, phải có cơ chế kiểm tra và có chế tài xử lý. Nếu không thực hiện theo quy định thì sẽ xử lý ra sao? Những vấn đề đó không thể nói một cách cảm tính mà phải dựa trên các quy định, không loại trừ bất cứ doanh nghiệp nào, không cứ là doanh nghiệp to hay doanh nghiệp bé, để đảm bảo sự công bằng. Quan trọng là đảm bảo được bình ổn thị trường...
Hay như việc thu thuế nhập khẩu, từ trước tới nay Nhà nước vẫn thu theo tỷ lệ phần trăm (5-7%), song tôi xin đề xuất nên quy định giá trị tuyệt đối trong thu thuế. Ví dụ như bao nhiêu đồng/tấn/m3 xăng dầu nhập khẩu. Có nghĩa là quy đổi % thành một khoản tiền cụ thể, khi đó Chính phủ sẽ chủ động trong kế hoạch nguồn thu ngân sách, theo đó, cũng giảm bớt những thủ tục hành chính phức tạp trong quyết toán thuế.
Sau khi vận hành trở lại, Nhà máy Lọc dầu Dung Quất sẽ cung cấp một khối lượng xăng dầu lớn ra thị trường. Vậy liệu rằng Nghị định 84 có còn phù hợp với tình hình lúc đó?
Rõ ràng, sẽ tạo ra khoảng chênh lệch nếu như vận hành chính sách giá của Nhà nước quy định không đảm bảo được tính công bằng. Nghị định 84 là nghị định khung rất chuẩn, nhưng quan trọng là các thông tư, quyết định của các bộ, ban ngành liên quan đến quyết định giá thành phẩm của nhà máy dầu Dung Quất phải đảm bảo và tính đến yếu tố thị trường, bởi vì mặt hàng xăng dầu là mặt hàng Nhà nước quản lý, nó khác với các sản phẩm khác. Thủ tướng đã ra Quyết định vận hành giá xăng dầu theo thị trường thay vì bù lỗ cho người tiêu dùng thông qua doanh nghiệp như trước đây.
Ví dụ, 1 lít xăng nhập về Việt Nam, nếu tính đầy đủ giá là 20 nghìn đồng/lít thế nhưng Nhà nước quy định chỉ được bán 15 nghìn tức là doanh nghiệp sẽ bị lỗ 5 nghìn đồng/lít. Và đương nhiên để bình ổn thị trường, Nhà nước phải có chính sách bù lại số tiền lỗ đó cho doanh nghiệp. Các loại thuế như thế nào? Các mặt hàng bán trong nước không phải chịu thuế Nhập khẩu, thì giải quyết như thế nào? Để đảm bảo rằng nó không bị phá vỡ tổng thể.
Xin cảm ơn ông!
Thu Thủy(thực hiện)