Kỳ cuối: Chuyển sang tình trạng bình thường mới - sống chung với Covid-19
Như đã đề cập ở (Kỳ I), so sánh với cách làm của Việt Nam, có thể thấy rõ một số điểm giống và khác nhau. Tuy nhiên, cách xử lý dịch bệnh ở mỗi nước sẽ có những đặc thù riêng, có thể tham khảo.
Bước đầu chính phủ Malaysia đánh giá chiến lược vaccine Covid-19 đã bắt đầu phát huy hiệu quả, giảm rủi ro cho tuyến đầu và nền tài chính vẫn ổn định. (Nguồn: Straitstimes) |
Kinh nghiệm chống dịch trong các khu công nghiệp và đề xuất mở cửa kinh tế thời Covid-19: Trường hợp Malaysia (Kỳ I) Xác định tình hình dịch bệnh kéo dài và rất phức tạp, chính phủ Malaysia đang chuyển mạnh từ chiến lược ngăn chặn sang chiến ... |
Chiến lược thoát dịch NRP
Có một điểm rất đáng chú ý là trong công tác điều trị, Malaysia không xử lý triệt để các F0 như ở Việt Nam. Việt Nam điều trị từng cá nhân người bệnh rất kỹ, rất tốt nhưng cũng rất tốn kém. Với các F0 không có triệu chứng và các F1, họ cho phép đăng ký, đeo vòng theo dõi và tự cách ly từ lâu. Malaysia cũng phân loại bệnh nhân Covid-19 rất kỹ, thành 5 cấp độ.
Đối với các trường hợp bị bệnh nhẹ (cấp độ 1,2) và thậm chí là cấp độ 3, chính phủ Malaysia chủ trương không điều trị tại các cơ sở y tế, mà chủ yếu đưa vào các khu vực cách ly tập trung hoặc tự cách ly và điều trị tại nhà trong khoảng từ 10-14 ngày và sau đó trả về với cộng đồng. Chính phủ Malaysia chỉ tập trung điều trị cho các trường hợp bị phân loại là cấp 4 và cấp 5 (phải sử dụng ICU hoặc ECMO).
3 tiêu chí làm cơ sở để đánh giá chuyển giai đoạn là: - Số ca lây nhiễm mới trung bình hàng ngày; - Năng lực của hệ thống y tế và - Tỷ lệ % dân chúng được tiêm chủng xong cả hai mũi vaccine. |
Mặc dù có lúng túng ban đầu và kinh tế - xã hội bị ảnh hưởng nặng nề, nhưng đến nay về cơ bản hệ thống y tế của Malaysia vẫn đứng vững. Bước đầu chính phủ Malaysia đánh giá chiến lược vaccine đã bắt đầu phát huy hiệu quả, giảm rủi ro cho tuyến đầu và nền tài chính Malaysia vẫn ổn định (chưa phải đi vay nợ nước ngoài).
Song song với công tác phòng chống dịch bệnh, chính phủ Malaysia đã ban hành Chương trình phục hồi quốc gia (NRP). Đây thực chất là một chiến lược thoát dịch, đồng thời từng bước mở cửa nền kinh tế và xã hội Malaysia để chuyển sang trạng thái “bình thường mới”.
NRP đề ra 3 tiêu chí làm cơ sở để đánh giá chuyển giai đoạn là (i) Số ca lây nhiễm mới trung bình hàng ngày; (ii) Năng lực của hệ thống y tế và (iii) Tỷ lệ % dân chúng được tiêm chủng xong cả hai mũi vaccine.
Riêng tiêu chí về năng lực của hệ thống y tế lấy tỷ lệ sử dụng giường bệnh, đặc biệt là tỷ lệ sử dụng phòng điều trị đặc biệt (ICU) và được chia thành 4 mức: Mức an toàn, mức thoải mái, mức vừa phải và mức quá tải.
Chiến lược mở cửa, phục hồi quốc gia bao gồm giai đoạn, trong đó giai đoạn 1 hiện nay là thực hiện phong tỏa toàn quốc, với tỷ lệ ca nhiễm mới vẫn ở mức cao (trên 4.000 ca/ngày), năng lực của hệ thống y tế đạt ngưỡng gần 100% hoặc đang bị quá tải về tỷ lệ phòng ICU và tỷ lệ tiêm vaccine ở mức thấp. Trong giai đoạn này hiện chỉ có các ngành dịch vụ thiết yếu được phép mở cửa.
Malaysia sẽ chuyển sang giai đoạn 2 khi số ca nhiễm Covid-19 mới hàng ngày giảm xuống dưới 4.000 ca, tỷ lệ tiêm chủng (cả hai mũi tiêm) đạt 10% dân số trở lên và tỷ lệ sử dụng giường ICU trở về mức vừa phải. Khi đó, một số ngành kinh tế như điện-điện tử, chế tạo sẽ được mở cửa (nhưng chỉ với tối đa 80% công suất), nhưng các hoạt động xã hội vẫn phải đóng cửa.
Giai đoạn 3 bắt đầu khi số ca nhiễm về mức dưới 2000 ca/ngày, tỷ lệ sử dụng ICU tại các bệnh viện giảm xuống mức thoải mái và tỷ lệ tiêm chủng đạt mức 40% dân số. Trong giai đoạn này, tất cả các ngành sản xuất, chế tạo… sẽ hoạt động bình thường trở lại, trừ các ngành có rủi ro cao như hội nghị, quán bar, hộp đêm, vũ trường, tiệm spa, làm đẹp. Các ngành công nghiệp mà 100% công nhân đã được tiêm chủng có thể được mở cửa. Các cơ sở giáo dục, đào tạo, các hoạt động văn hóa, xã hội, thể thao… có thể được nối lại. Quốc hội liên bang và hội đồng lập pháp cấp bang có thể họp trở lại, nhưng phải đảm bảo tuân thủ quy định tiêu chuẩn về phòng dịch SOP.
Giai đoạn 4 bắt đầu khi số ca nhiễm mới hàng ngày giảm xuống còn dưới 500 ca, tỷ lệ sử dụng ICU được đảm bảo an toàn và tỷ lệ dân số được tiêm chủng đạt mức 60% trở lên. Trong giai đoạn này, tất cả các ngành kinh tế và phần lớn các ngành, hoạt động văn hóa, xã hội, thể thao được phép hoạt động trở lại. Việc đi lại liên bang, du lịch nội địa sẽ được nối lại (không thấy nhắc tới mở cửa biên giới và du lịch nước ngoài), nhưng vẫn phải đảm bảo tuân thủ các quy định phòng dịch. Dự kiến giai đoạn 4 bắt đầu sớm nhất từ tháng 11-12/2021 trở ra.
Cần sớm chuyển đổi tư duy
Với kinh nghiệm và chiến lược như trên của Malaysia, có thể rút ra một số điểm và một vài kiến nghị chủ chốt như sau:
Tình hình dịch bệnh Covid-19 sẽ còn tiếp tục kéo dài và diễn biến phức tạp. Cần sớm chuyển sang tư duy vừa phòng chống dịch bệnh, vừa lấy thích ứng và sống chung với dịch bệnh, dựa trên chiến lược vaccine làm nòng cốt. Với bối cảnh thực tiễn của Việt Nam hiện nay, để tiến tới mở cửa và chuyển sang tình trạng bình thường mới, ta có thể cân nhắc 2 điều kiện quan trọng:
Một là, với chiến lược vaccine, trước khi chúng ta có thể tự chủ hoàn toàn về vaccine ở trong nước, cần chủ động đảm bảo nguồn cung ứng vaccine (đủ về số lượng, kịp về thời gian), cần sớm xây dựng lộ trình tiêm chủng phù hợp với các bước tiến, trình tự mở cửa kinh tế, mở cửa đất nước. Cần có kế hoạch và ưu tiên vaccine rõ ràng, công khai đối với một số khu vực, đối tượng… ngay từ đầu.
Hai là, với năng lực của hệ thống y tế, kinh nghiệm của Malaysia về phương án cách ly, khoanh vùng, truy vết và cách tiếp cận trong điều trị bệnh nhân độ 4 và 5 cũng rất đáng được lưu ý. Nên chăng khi chuyển sang chiến lược vaccine, chúng ta cũng cần thay đổi tư duy trong điều trị bệnh nhân Covid-19.
Về mở cửa, thoát dịch, qua thực tiễn ở Malaysia cho thấy có 4 hình thức, cấp độ mở cửa rất đáng chú ý:
Một là, việc mở cửa quốc gia cũng sẽ phải có lộ trình và điều kiện. Việc “be bờ, đắp đập” vẫn phải được tiến hành thêm một thời gian nữa, nhưng đồng thời phải đẩy nhanh hình thành các “an toàn khu”, tạo thành hình thế da báo mới trong đó các khu vực an toàn phải ngày một lớn và cần được công khai.
Một số biện pháp đáng chú ý như xây dựng các làn xanh đối ứng, bong bóng du lịch, công nhận lẫn nhau về chứng chỉ vaccine và giảm dần số ngày buộc phải cách ly dành cho các đối tượng đã tiêm chủng đủ hai mũi. Bộ Ngoại giao cũng có thể tham mưu với chính phủ lập danh mục các nước an toàn, có nguy cơ hoặc nguy cơ cao để thúc đẩy tiến trình mở cửa phù hợp với chiến lược chung.
Hai là, về mở cửa doanh nghiệp, một khi đảm bảo được nguồn cung vaccine, cần cho phép các doanh nghiệp có 100% công nhân đã tiêm chủng được mở cửa sớm nhất có thể, kết hợp với các biện pháp phòng dịch thông thường. Đối với các chuỗi cung ứng/chuỗi giá trị khép kín, chính phủ Malaysia vẫn cho phép mở cửa, hoạt động bình thường (nhưng phải xin phép Bộ Công Thương). Đối với các khu công nghiệp, Malaysia đang hướng tới chiến lược các khu công nghiệp, các cụm công nghiệp an toàn (hình thế da báo về phòng dịch). Đây là những kinh nghiệm hay, đáng chú ý.
Ba là, về việc mở cả các ngành nghề, do mỗi ngành nghề có đặc thù riêng và bản chất khác nhau, nên chính phủ Malaysia chủ trương kinh tế mở trước, xã hội mở sau, trong đó các ngành ưu tiên, có sử dụng nhiều lao động hoặc công nghệ cao, khép kín sẽ được ưu tiên mở trước. Các ngành nghề nhạy cảm như quán bar, vũ trường, các cơ sở mát-xa, spa, karaoke… mở sau và cũng nhân dịp này Malaysia siết chặt quản lý và tổ chức lại các ngành dịch vụ nhạy cảm này để giảm thiểu tệ nạn xã hội.
Bốn là, về mở cửa khu vực, Malaysia đang chuẩn bị thí điểm mở cửa đảo Langkawi, tương tự như các biện pháp mà chính phủ Thái Lan đang làm ở Phuket. Ở Việt Nam, một số địa phương như Phú Quốc cũng có thể làm tương tự. Với các thị trường, các khu vực có chuỗi liên kết sâu rộng với bên ngoài, chính phủ Malaysia đang giao cho Bộ Công Thương lên danh sách để thảo luận và tiến tới sẽ xây dựng lộ trình mở cửa cho từng khu vực, từng thị trường, từng chuỗi kinh tế.
Với những biện pháp quyết liệt và bước đi như trên, chính phủ Malaysia đang hy vọng có thể sẽ hoàn thành chương trình tiêm chủng toàn quốc và mở cửa trở lại từ cuối năm 2021 và chuyển hẳn sang trạng thái “bình thường mới” từ đầu năm 2022.
(* Tác giả Trần Việt Thái là Đại sứ Việt Nam tại Malaysia)