Thêm nhiều dấu hiệu tích cực
2017 được coi là một năm rộng mở con đường làm giàu cho doanh nghiệp Việt Nam. Trong bối cảnh kinh tế thế giới hồi phục khó khăn, kinh tế Việt Nam có dấu hiệu cải thiện tích cực cả ở góc độ sản xuất kinh doanh cũng như ổn định kinh tế vĩ mô, TS. Nguyễn Sĩ Dũng - nguyên Phó Chủ nhiệm VPQH khẳng định, 2016 là năm có nhiều khởi sắc đối với các doanh nhân, khi vai trò của kinh tế tư nhân, doanh nghiệp đã được nhìn nhận một cách đầy đủ.
Toàn cảnh hội thảo. (Nguồn: ĐBND) |
Cụ thể, năm 2016, lần đầu tiên sau nhiều năm, kinh tế tư nhân đã được ghi nhận là động lực phát triển của nền kinh tế. Việt Nam cũng xây dựng xong bộ máy nhà nước các cấp với tư duy và tâm thế phục vụ người dân và doanh nghiệp. Một Nhà nước kiến tạo phát triển được thúc đẩy, điều này tạo điều kiện cho một giai đoạn làm ăn dễ dàng và đáng tin tưởng hơn.
Theo nhiều đại biểu dự Hội thảo, một điểm nhấn quan trọng nữa là việc kinh tế vĩ mô được giữ ổn định. Môi trường kinh doanh cũng được cải thiện 9 bậc, phong trào khởi nghiệp được Chính phủ quan tâm, 110.100 doanh nghiệp mới thành lập.
Trong năm 2016, Việt Nam cơ bản đạt được các mục tiêu kinh tế vĩ mô như tốc độ tăng trưởng, kiểm soát lạm phát, giải quyết việc làm, xuất khẩu ròng tạo nền tảng củng cố giá trị đồng tiền dự trữ ngoại hối... Song song đó, Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh quá trình xử lý những vấn đề ngắn hạn của kinh tế vĩ mô, ví dụ như nợ xấu, thanh khoản ngân hàng thương mại, giảm lãi suất cho vay, xử lý tái cơ cấu các doanh nghiệp cổ phần hóa… Tất cả những điều này sẽ tạo nên một năm 2017 nhiều dấu hiệu khởi sắc.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Đức Kiên, Việt Nam không nên quá lạc quan với bức tranh kinh tế của năm 2016. Mặc dù môi trường kinh doanh được cải thiện theo xếp hạng của Ngân hàng Thế giới, song khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam trong năm 2016 lại bị đánh tụt 23 bậc. “Môi trường kinh doanh là của những người làm công tác quản lý, còn khả năng cạnh tranh là của chính các doanh nghiệp”, ông Kiên lưu ý.
Tạo mọi điều kiện cho doanh nghiệp
Trước những khó khăn của kinh tế Việt Nam năm vừa qua, ông Nguyễn Đức Kiên khẳng định, Quốc hội và Chính phủ sẽ tạo mọi điều kiện cho doanh nghiệp phát triển.
Tuy nhiên, cũng theo ông, Nhà nước sẽ không hỗ trợ doanh nghiệp phát triển bằng thuế mà chỉ có thể bằng cơ chế, chính sách đất đai trong việc xây nhà máy, khu công nghiệp hay thông qua các chính sách đào tạo nhân sự, an sinh xã hội với người lao động. Giải thích điều này, ông Kiên cho biết, Luật Ngân sách Nhà nước năm 2015 áp dụng từ 1/1/2017 quy định rõ kế hoạch tài chính trung hạn, trong đó có kế hoạch ngân sách đến năm 2020.
Nếu giảm thuế sẽ kéo theo giảm ngân sách, sẽ sai luật và Nhà nước không bù được khoản thiếu hụt này. “Trách nhiệm của QH và Chính phủ là ban hành những luật, nghị định để hỗ trợ doanh nghiệp phát triển. Tuy nhiên tất cả những người làm chính sách như chúng tôi không ai đủ can đảm đề nghị sửa ngay khi Luật vừa có hiệu lực từ 1/1/2017. Chính vì vậy, doanh nghiệp không nên hy vọng vào việc sửa luật để hỗ trợ giảm thuế”, ông Kiên khẳng định.
Ông Hà Văn Thắng - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần 26.3, nguyên Chủ tịch Hội doanh nhân trẻ Hòa Bình cho rằng: “Để phát triển nông nghiệp công nghệ cao, cần có sự vào cuộc quyết liệt hơn của các ngành, các địa phương trong mục tiêu xây dựng một Chính phủ kiến tạo, cải cách mạnh mẽ thể chế để thay đổi phương thức quản lý Nhà nước từ Trung ương đến địa phương. QH và Chính phủ cần có những chính sách hỗ trợ và khuyến khích mạnh hơn sự tham gia của bà con nông dân và cộng đồng doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp. Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp nông nghiệp mong muốn có sợi chỉ kết nối giữa doanh nghiệp trong và ngoài nước cũng như các nhà khoa học, nghiên cứu hợp tác với nhau”. |
Chia sẻ về sức bật 2017 đối với kinh tế Việt Nam, TS. Nguyễn Đức Kiên cho rằng phải tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, trong đó tiếp tục tái cơ cấu gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, đặc biệt cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, tiếp tục thực hiện thoái vốn tại các doanh nghiệp nhà nước. Thứ hai, cần tiếp tục đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp. Đây vẫn là mảnh đất màu mỡ, nếu biết phát triển sẽ tận dụng được lợi thế về điều kiện địa lý, khí hậu, thổ nhưỡng. “Nếu có quyết tâm, có tư vấn tốt cộng với quản trị doanh nghiệp tốt thì lĩnh vực nông nghiệp trong năm 2017 có khả năng đi 5 về 10”, ông Kiên nhấn mạnh.
Về phía các doanh nghiệp, nguyên Phó Chủ nhiệm VPQH Nguyễn Sĩ Dũng cho rằng, bản thân doanh nghiệp cần nắm vững môi trường vĩ mô để hoạch định chiến lược của mình; phải xác định khả năng mở rộng thị trường trước, mở rộng sản xuất sau; tập trung đầu tư vào nông nghiệp - lĩnh vực Chính phủ đang thúc đẩy; tìm cách tiết kiệm chi phí và tăng năng suất lao động. Khi Chính phủ khẳng định sẽ cởi trói vốn cho các doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao, các doanh nghiệp cần tranh thủ thời cơ này trên nền tảng tìm hiểu kỹ thị trường trong và ngoài nước.