Ấn Độ đã sẵn sàng để trở thành nền kinh tế 5.000 tỷ USD? (Nguồn: Economic Times) |
Mục tiêu đầy tham vọng nói trên do Thủ tướng Narendra Modi đặt ra, phản ánh tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh chóng của đất nước.
Ấn Độ là một trong những nền kinh tế lớn tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo, tốc độ tăng trưởng ấn tượng của quốc gia Nam Á là 7,4% vào năm 2023 và 6,1% vào năm 2024, vượt mức trung bình toàn cầu.
Sự tăng trưởng bền vững được thúc đẩy bởi quá trình cải cách chính sách, tập trung vào một số yếu tố.
Thứ nhất, về vấn đề kỹ thuật số. Cuộc cách mạng kỹ thuật số của Ấn Độ, dẫn đầu bởi các sáng kiến như Digital India và Aadhaar, đã thay đổi cách thức hoạt động của các doanh nghiệp và cá nhân.
Điều này thúc đẩy thương mại điện tử, tài chính toàn diện và khả năng tiếp cận thông tin, tạo ra những cơ hội mới và thúc đẩy hoạt động kinh tế.
Thứ hai, sáng kiến “Make in India” đã được chính phủ phát triển mạnh mẽ, nhằm biến nước này thành một trung tâm sản xuất toàn cầu.
Hoạt động sản xuất của New Delhi được chú ý nhiều hơn. Điều này thu hút đầu tư nước ngoài đáng kể và thúc đẩy sản xuất trong nước, góp phần tạo việc làm và tăng trưởng xuất khẩu.
Thứ ba, về cơ sở hạ tầng. Chính phủ đã bắt tay vào một kế hoạch đầy tham vọng nhằm nâng cấp và hiện đại hóa cơ sở hạ tầng của quốc gia, bao gồm đường bộ, đường sắt, sân bay và cảng.
Sự cải thiện cơ sở hạ tầng này giữ vai trò quan trọng để tạo thuận lợi cho thương mại, vận chuyển hàng hóa và phát triển kinh tế tổng thể.
Thứ tư, đất nước đang sở hữu một nguồn tài nguyên con người phong phú và đa dạng về hệ sinh thái khởi nghiệp mới nổi.
Ấn Độ đã chứng kiến sự gia tăng mạnh mẽ về tinh thần kinh doanh, với hệ sinh thái khởi nghiệp sôi động đang thúc đẩy sự đổi mới và năng động kinh tế. Các chính sách và sáng kiến hỗ trợ của chính phủ đã giúp nuôi dưỡng hệ sinh thái này, tạo ra nhiều doanh nghiệp và việc làm mới.
Tuy nhiên, Times of India nhận thấy, trong môi trường kinh tế toàn cầu bất ổn như hiện nay, New Delhi cần phải chuẩn bị để có thể đối mặt với một số cơn gió ngược, bao gồm căng thẳng địa chính trị và lãi suất tăng cao, có thể ảnh hưởng đến quỹ đạo tăng trưởng kinh tế quốc gia.
Nhật báo trên viết: "Trước khó khăn, cam kết cải cách của chính phủ, cùng với các yếu tố cơ bản vững chắc và lợi tức dân số của đất nước sẽ tạo nền tảng vững chắc cho tăng trưởng bền vững. Nếu Ấn Độ đạt thành công mốc quy mô kinh tế 5.000 tỷ USD vào năm 2028, điều này sẽ có ý nghĩa sâu sắc đối với đất nước và nền kinh tế toàn cầu".