BoE cho rằng chưa phải thời điểm thích hợp để tăng lãi suất. (Nguồn: Huffingtonpost) |
Sau các cuộc khủng hoảng trong thập niên 1970, 1980 và 1990, kinh tế Anh thường nhanh chóng lấy lại đà phục hồi và tăng trưởng tương đối nhanh. Tuy nhiên, lần này mọi chuyện lại diễn ra không được suôn sẻ như vậy. Nhìn chung trong suốt thời gian kể từ sau cuộc suy thoái năm 2008-2009, Chính phủ Anh mỗi năm đều đưa ra những dự báo về một sự phục hồi kinh tế mạnh mẽ, song hầu như năm nào họ cũng thất vọng. Giờ đây, 7 năm sau khi cuộc “đại suy thoái” kết thúc, người ta phải thừa nhận rằng kinh tế nước Anh đang ở giữa điều mà giới kinh tế ví von là “thập niên bị đánh mất”, cụm từ dùng để ám chỉ thập niên kinh tế tăng trưởng yếu.
Xét về mặt năng suất, động lực tăng trưởng kinh tế và nâng mức sống là tăng năng suất. Tăng sản lượng kinh tế trên mỗi giờ làm việc đồng nghĩa với việc thúc đẩy tăng trưởng GDP và tăng lương mà không gây ảnh hưởng tiêu cực đến lạm phát. Nhưng năng suất tại nước Anh lại sa sút kể từ sau năm 2008.
Kể từ sau khủng hoảng tài chính, GDP của Anh tăng trưởng yếu. Nhưng nếu điều chỉnh theo nhịp độ tăng dân số, thì rõ ràng tăng trưởng kinh tế của "xứ sở sương mù" có lẽ “dậm chân tại chỗ” kể từ năm 2008.
Năng suất và GDP trên đầu người chững lại là những lý do chủ yếu khiến cho mức tăng lương tại Anh trở nên đặc biệt yếu. Lương trung bình của người dân Anh chạm mức 12,75 Bảng/giờ hồi năm 2009, nhưng hiện nay mức lương đó thấp hơn 1 Bảng. Theo dự báo của Văn phòng Ngân sách Vương quốc Anh, lương trung bình tại nước này chưa thể trở lại mức của năm 2009 vào trước năm 2021.
Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) đã hạ lãi suất xuống mức thấp kỷ lục 0,5% hồi năm 2009, để hạn chế tác động của suy thoái kinh tế, đồng thời khuyến khích vay mượn và chi tiêu nhằm vực dậy kinh tế đất nước. Các thị trường tài chính kỳ vọng rằng sau khi giai đoạn suy thoái kết thúc, BoE sẽ nâng lãi suất để ngăn chặn nguy cơ lạm phát. Mặc dù vậy, đến thời điểm này, kinh tế “xứ sở sương mù” chưa thể tăng trưởng hết tốc lực.
Trong bối cảnh kinh tế nước Anh có phần tăng trưởng chậm lại, triển vọng kinh tế toàn cầu ảm đạm và thị trường tài chính toàn cầu biến động mạnh từ đầu năm đến nay, BoE cho rằng, giờ chưa phải thời điểm thích hợp để tăng lãi suất. Trong bối cảnh tỷ lệ lạm phát hàng năm giảm xuống khoảng 0,3%, thấp hơn rất nhiều so với mục tiêu lạm phát 2% mà BoE đã đề ra, các thị trường tài chính dự báo ngân hàng trung ương này chưa thể tăng lãi suất trước năm 2019.
Một số nhà kinh tế Anh bày tỏ mối lo ngại “đảo quốc sương mù” sẽ rơi vào trạng thái “đình đốn kéo dài”, do ảnh hưởng của tình trạng mất cân đối cán cân cung cầu tại Anh nói riêng và trên toàn cầu nói chung. Trong khi đó, một số nhà kinh tế lại phân vân rằng liệu có cần xóa các khoản nợ tích tụ từ giai đoạn tiền khủng hoảng trước khi kinh tế thế giới có thể bắt đầu thực sự phục hồi. Mặc dầu vậy, không ít chuyên gia phân tích cảm thấy triển vọng ảm đạm của kinh tế Anh có phần bị cường điệu và nền kinh tế này sẽ bước vào giai đoạn năng suất tăng trưởng ở mức tương đối cao.