Ảnh minh họa. |
Theo báo cáo của Công ty Tư vấn Kinh tế C&T, trong tháng 9/2014, toàn bộ nền kinh tế Argentina tăng trưởng -3% so với cùng kỳ năm 2013 và tích lũy tăng trưởng -1,3% trong 9 tháng đầu năm 2014. Trong số 11 lĩnh vực kinh tế quan trọng nhất, có 07 ngành tăng trưởng âm bao gồm: tài chính, thương mại, công nghiệp lắp ráp, xây dựng, khai khoáng, sản xuất điện năng – gas – nước sạch và nông nghiệp; 01 ngành giữ mức tăng trưởng gần như bằng 0% là bất động sản; và 03 ngành giữ được tăng trưởng dương là các lĩnh vực có chi tiêu công: dịch vụ xã hội – y tế, quản lý hành chính và giao thông vận tải – truyền thông. Thậm chí, Báo cáo của Orlando J. Ferreres and Associates (OJF) còn đánh giá tăng trưởng tích lũy 9 tháng đầu năm của Argentina là -2%.
Sự trượt dốc này được các công ty tư vấn cho rằng do hàng loạt các nguyên nhân cả khách quan và chủ quan:
Thứ nhất, tình hình kinh tế thế giới và khu vực không mấy khả quan với tăng trưởng thấp ở hầu hết các nền kinh tế trọng yếu. Đặc biệt là việc Brazil thắt chặt nhập khẩu nhiều mặt hàng có nguồn gốc Argentina.
Thứ hai, do bị thắt chặt nguồn vốn tài chính quốc tế sau khi Argentina bị tuyên “phá sản kỹ thuật” và vỡ nợ.
Thứ ba, để giúp Ngân hàng Trung ương tăng cường dự trữ ngoại tệ nhằm chuẩn bị cho việc thanh toán khoản nợ khoảng 1,7 tỉ USD cho các quỹ “kền kền” của Mỹ vào tháng 1/2015, Chính phủ đã ban hành các biện pháp thắt chặt nhập khẩu, thậm chí đóng băng trong một số mặt hàng trong những tháng gần đây. Việc này dẫn đến sự thiếu thốn hàng hóa, nguyên liệu sản xuất.
Thứ tư, việc hạn chế bán ngoại tệ khiến tỉ giá ngoại tệ tự do tăng mạnh hơn 12% chỉ trong 2 tuần. Điều này khiến cho doanh thu và lợi nhuận của nhiều công ty giảm sút, thậm chí lỗ.
Tuy nhiên, trong các lĩnh vực có tăng trưởng dương chủ yếu do ngân sách tiếp tục đổ tiền vào chi tiêu, đầu tư, với mục đích tạo thêm việc làm, kích cầu sản xuất và tiêu dùng. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng đây là mâu thuẫn của chính sách khi một mặt hối thúc người tiêu dùng tăng chi tiêu, nhưng mặt khác lại hạn chế nhập khẩu hàng hóa và gây khó khăn cho các hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp nội địa.
Mặc dù vậy, sự suy thoái cũng đem lại một kết quả tích cực đó là xu thế giảm tốc của lạm phát. Tháng 10/2014 sẽ là tháng đầu tiên của năm 2014, lạm phát chỉ ở mức 1,65%, thấp hơn hẳn so với mức 1,95% của tháng 8/2014 và 1,96% của tháng 9/2014.
Theo dự báo của IMF, tăng trưởng của Argentina trong năm 2014 sẽ là -1,7%, và lạm phát tích lũy cho cả năm 2014 sẽ rơi vào khoảng 43%. Trớ trêu thay, tăng trưởng dương mà Argentina đạt được trong hai năm 2012 và 2013 sẽ chỉ bù đắp chút ít cho tăng trưởng âm mà Argentina sẽ phải chịu trong hai năm 2014 và 2015.
So sánh mức tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn 2012 -2015 của các nước Mỹ La tinh, Argentina ở vị trí thấp nhất, với tăng trưởng chỉ là 0,5% (thấp hơn cả mức tăng trưởng 2,7% của Venezuela, vốn đang lún sâu trong khủng hoảng chính trị, kinh tế, xã hội); và lạm phát cao thứ hai sau Venezuela (64%).
Đánh giá về nỗ lực tạo thêm nhiều công ăn việc làm của Chính phủ, các huyên gia kinh tế nhận xét, Chính phủ Argentina đã cố gắng tạo ra thêm nhiều việc làm trong các ngành nghề, lĩnh vực sử dụng ngân sách. Tuy nhiên, khu vực đầu tư tư nhân – xương sống của nền kinh tế, thì lại chỉ tạo ra số lượng việc làm hạn chế, có chiều hướng suy giảm. Thống kê cho thấy, khu vực tư nhân tạo ra 214.000 việc làm/năm trong giai đoạn những năm 90; 194.000 vị trí việc làm mỗi năm trong giai đoạn 2000 -2010, nhưng chỉ tạo ra được trung bình 40.000 việc làm mỗi năm trong giai đoạn từ 2011 đến nay.
Có thể thấy, tình hình kinh tế Argentina hiện nay đang rơi vào khủng hoảng, đòi hỏi Chính phủ nước này có các biện pháp chèo lái phù hợp và nhanh chóng. Việc đưa đất nước ra khỏi tình trạng “vỡ nợ”, sớm kết nối lại nguồn tài chính quốc tế sẽ là biện pháp duy nhất phục hồi tăng trưởng kinh tế, đảm bảo uy tín và vị thế của lực lượng cầm quyền hiện nay trong năm bầu cử Tổng thống 2015.
Cúc Nhi (Nguồn: ĐSQVN tại Argentina)