Giữa bối cảnh căng thẳng địa chính trị diễn ra ở nhiều khu vực trên thế giới và tăng trưởng kinh tế toàn cầu phục hồi chậm, tỷ lệ lạm phát cao, ASEAN vẫn là một trong những trung tâm có tốc độ tăng trưởng kinh tế khả quan.
Các đại biểu tham dự Hội nghị Bộ trưởng kinh tế ASEAN hẹp lần thứ 30, tại Luang Prabang, Lào ngày 9/3/2024. |
Bước sang năm 2024, ASEAN được kỳ vọng tiếp đà phục hồi tăng trưởng, có những bước tiến mạnh mẽ nhằm cải thiện rõ rệt bức tranh kinh tế - xã hội.
Điểm sáng năm 2023
Cùng sự nỗ lực phục hồi kinh tế của các nước thành viên sau đại dịch, ASEAN tiếp tục thúc đẩy tầm nhìn Cộng đồng, duy trì và củng cố vai trò trung tâm trong cấu trúc khu vực với chủ đề “Các vấn đề của ASEAN: Tâm điểm tăng trưởng”, tập trung triển khai những sáng kiến hợp tác trong chuỗi cung ứng khu vực, phục hồi kinh tế, phát triển bền vững. Đồng thời, lãnh đạo các nước ASEAN đạt được nhiều thỏa thuận về thúc đẩy tăng trưởng và xây dựng Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau năm 2025.
Tính đến nay, 16 sáng kiến ưu tiên hợp tác kinh tế do Indonesia, Chủ tịch ASEAN 2023 lựa chọn, tập trung vào ba định hướng lớn đã hoàn thành, bao gồm tái thiết tăng trưởng khu vực thông qua kết nối thị trường và nâng cao tính cạnh tranh; đẩy mạnh chuyển đổi và tham gia kinh tế số một cách bao trùm; thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững.
Các sáng kiến này đều được sự đồng thuận của các nước thành viên; không chỉ tập trung vào việc dỡ bỏ các rào cản về thương mại và đầu tư để thuận lợi cho lưu thông sau đại dịch, mà còn tìm những cách thức hợp tác mới để đem lại giá trị cao nhất cho từng nước trong khu vực.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế của ASEAN năm 2023 đạt khoảng 4,3%. Sự phục hồi sản xuất và xuất khẩu bắt đầu từ quý III tại Indonesia, Thái Lan, Malaysia, Việt Nam, Singapore và Philippines. Sản xuất của một số nước ghi nhận kết quả tích cực. Sản xuất điện tử của Singapore lần đầu tiên đạt mức tăng sản lượng hai con số sau gần hai năm.
Chỉ số quản lý thu mua - sản xuất đạt trên 50 ở Singapore, Philippines và Indonesia, cho thấy rõ quá trình phục hồi sản xuất và tăng trưởng trong lĩnh vực thương mại ngày càng rõ nét. Chi tiêu tiêu dùng duy trì ổn định là động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế ở Đông Nam Á, tầng lớp trung lưu trong dân cư ASEAN chiếm tỷ lệ ngày càng nhiều.
Việc thông qua Khung thuận lợi hóa đầu tư ASEAN phản ánh cam kết của ASEAN trong việc cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư và kinh doanh trong khu vực. Theo Báo cáo Đầu tư thế giới năm 2023 của Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD), dòng vốn FDI vào khu vực tăng 5% so với cùng kỳ năm 2022 lên 223 tỷ USD, mức mạnh nhất từng được ghi nhận. Lạm phát của các quốc gia trong khu vực đã dần được kiểm soát với mức trung bình 3,6% do giá cả hàng hóa ổn định, các nút thắt trong chuỗi cung ứng được nới lỏng và chính sách tiền tệ thắt chặt hơn.
Điểm sáng về hợp tác kinh tế năm 2023 là các quốc gia ASEAN đã chính thức khởi động đàm phán Hiệp định khung ASEAN về Kinh tế số (DEFA). Bên cạnh đó, nhóm các quốc gia có quy mô kinh tế lớn đã ký thỏa thuận thanh toán xuyên biên giới (QRIS) - thông qua một mã QR đơn giản - một bước ngoặt nhằm mở rộng không gian tăng trưởng kinh tế số.
Nhìn chung, trong tình hình kinh tế ảm đạm trên toàn cầu, ASEAN đã thể hiện là một khu vực hòa bình, ổn định và phát triển thịnh vượng, với mức tăng trưởng chung toàn khối cao hàng đầu thế giới. Các nước ASEAN tiếp tục cam kết duy trì ổn định tài chính và thúc đẩy hội nhập tài chính sâu rộng hơn để đưa khu vực trở thành “tâm điểm tăng trưởng” năm 2024 với “chiến lược phi thường” trong bối cảnh tình hình thế giới vẫn chưa được cải thiện.
Triển vọng tăng trưởng kinh tế của Đông Nam Á dự kiến sẽ cải thiện hơn nữa vào năm 2024. |
Triển vọng năm 2024
Dự báo trong năm 2024, các nước trong khu vực ASEAN sẽ tiếp tục đầu tư vào cơ sở hạ tầng, năng lượng và các chương trình xã hội. Những khoản đầu tư này sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tạo thêm việc làm; tạo nên sự kỳ vọng của người dân trong khu vực về sự cải thiện mức sống và an sinh xã hội so với năm 2023.
Các nhà phân tích dự báo tăng trưởng GDP của các nước ASEAN sẽ cải thiện và cân bằng hơn trong năm 2024 nhờ sản xuất và dịch vụ. Trong phát biểu khai mạc Hội nghị thượng đỉnh Đầu tư và Kinh doanh ASEAN (ABIS) ở Jakarta vào ngày 1/9/2023, Tổng thống Indonesia Joko Widodo dự báo, tăng trưởng kinh tế của ASEAN năm 2024 cao nhất thế giới với mức tăng 4,5%.
Phó Tổng thư ký ASEAN phụ trách Cộng đồng kinh tế Satvinder Singh cho rằng, ASEAN cần tiếp tục xây dựng năng lực và củng cố nền móng khu vực nhằm tối đa hóa lợi ích của kết nối ASEAN và Cộng đồng kinh tế ASEAN. Hiện nay, các nước ASEAN cũng cam kết xây dựng Chương trình nghị sự kết nối ASEAN sau năm 2025 như một phần của Cộng đồng ASEAN sau năm 2025.
Tăng trưởng kinh tế của khu vực Đông Nam Á nhiều triển vọng cải thiện hơn nữa trong năm 2024, nhưng điều kiện kinh tế vĩ mô bất ổn có thể dẫn đến mức tăng không đồng đều giữa các quốc gia. Động lực tăng trưởng trước hết đến từ quá trình phục hồi của nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào khu vực và sự dịch chuyển chuỗi cung ứng sản xuất. Việc chuyển đổi vốn FDI được phê duyệt sang FDI thực tế sẽ tăng tốc khi nhu cầu bên ngoài ngày càng tăng.
Các nước ASEAN có cơ sở sản xuất và xuất khẩu lớn cũng như lượng phê duyệt FDI vượt trội sẽ có mức tăng trưởng nhanh hơn. Sự phục hồi xuất khẩu mạnh mẽ hơn sẽ giúp mở rộng thặng dư thương mại, tăng dự trữ ngoại hối và ổn định tiền tệ vào năm 2024. Bên cạnh đó, chi tiêu tài chính mạnh mẽ của Hoa Kỳ, sự tăng trở lại chi tiêu của người tiêu dùng, quá trình nâng cấp công nghệ, cải thiện mẫu mã sản phẩm và việc giá hàng hóa chạm đáy sẽ thúc đẩy tăng trưởng của ASEAN.
Lạm phát dự kiến sẽ tiếp tục giảm vào năm 2024 và vẫn nằm trong vùng an toàn. Yêu cầu đặt ra đối với các nước ASEAN trong năm 2024 vẫn là kiểm soát lạm phát, tiếp tục chi tiêu công và hạ lãi suất chính sách để giảm chi phí kinh doanh. Những nỗ lực kiềm chế lạm phát tập trung vào kiểm soát tốt giá năng lượng và lương thực sẽ góp phần tạo thuận lợi cho đầu tư, sản xuất kinh doanh cũng như thúc đẩy sức mua của người dân.
Bên cạnh những yếu tố bên trong, nền kinh tế các nước ASEAN năm 2024 cũng chịu tác động từ tốc độ phục hồi của thế giới, đặc biệt là của các đối tác chính: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu. Trong đó, nhu cầu tiêu dùng nội địa và sự phục hồi của các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp có quan hệ thương mại với Đông Nam Á của các nước này sẽ thúc đẩy ngành sản xuất và kim ngạch thương mại ASEAN, tạo động lực để cải thiện đà tăng trưởng trong năm 2024.
Trong bối cảnh nền kinh tế các nước ASEAN có những bước phục hồi đáng khích lệ, trong năm 2024, chính phủ mỗi quốc gia sẽ tiếp tục dành nhiều ưu tiên cho an sinh xã hội và an dân trong bối cảnh mới. Trong đó, nổi bật là việc Chính phủ, doanh nghiệp và người dân cùng hành động để bảo đảm phát triển kinh tế đi đôi với công bằng, ổn định và mang lại lợi ích cho người dân. Đặc biệt là những chính sách đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, nhóm doanh nghiệp hoạt động trở lại sau đại dịch, giúp họ vượt qua khó khăn, khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh.
Trên cơ sở thành tựu phục hồi kinh tế, các nước ASEAN tiếp tục chú trọng giúp đỡ các nhóm yếu thế, dễ bị tổn thương, như: người khuyết tật, người cao tuổi, phụ nữ, trẻ em và các nhóm đối tượng đặc thù khác. Từ đó, góp phần thực hiện Tuyên bố Tầm nhìn ASEAN 2025, Kế hoạch tổng thể Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN đến năm 2025 phục vụ mục tiêu phát triển bền vững.