Trong bài nghiên cứu đăng trên tờ Business World, GS. Malcolm Cook - nhà nghiên cứu cao cấp tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (Singapore) cho rằng, hiện có một thực tế được chấp nhận một cách vô điều kiện ở Đông Nam Á, đó là Trung Quốc trở thành đối tác kinh tế tối quan trọng trong khu vực và sự lệ thuộc vào nền kinh tế này sẽ chỉ tăng lên.
Có hay không sự lệ thuộc?
Malcolm Cook cho rằng, quan niệm phổ biến này đang định hình và ảnh hưởng đến một số nhà lãnh đạo và phân tích chính trị trong khu vực khi nhìn nhận quan hệ của nước mình với Trung Quốc và các nước khác. Thậm chí nhiều nước Đông Nam Á được cảnh báo nên cẩn trọng trong việc thúc đẩy quan hệ với các cường quốc khác, do e ngại làm phật lòng “người khổng lồ”. Rằng, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới hoàn toàn có thể sử dụng áp lực kinh tế nhằm đạt các mục tiêu chiến lược của họ.
Nhưng trên thực tế, tình trạng lệ thuộc kinh tế vào Trung Quốc không hoàn toàn diễn ra như vậy. Những dẫn chứng về sự áp đảo kinh tế Trung Quốc đối với Đông Nam Á có vẻ đã bỏ sót một số vấn đề quan trọng. Trong bài phân tích, Malcolm Cook cho rằng, những người ủng hộ quan điểm thống trị của kinh tế Trung Quốc thường thích sử dụng các số liệu thương mại tổng hợp, bởi nó chắc chắn đưa ra lý lẽ thuyết phục rằng Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất, nhì của tất cả các nền kinh tế trong khu vực. Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi các số liệu về vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Trung Quốc với các nước Đông Nam Á phần lớn đều bị lờ đi.
Sự tăng vọt trong trao đổi thương mại giữa Trung Quốc và Đông Nam Á có thể chỉ mang tính ngắn hạn. (Nguồn: Sea-globe) |
Theo số liệu của Liên hợp quốc, tính tới cuối năm 2012, Trung Quốc mới chỉ là nguồn vốn FDI lớn thứ bảy ở Đông Nam Á cả về tổng số vốn đăng ký lũy kế, cũng như các dòng vốn mới. Khối lượng FDI trong khu vực của Malaysia lớn gần gấp rưỡi so với Trung Quốc, vốn của Nhật Bản hay Mỹ đều lớn hơn khoảng năm lần.
Tính riêng ở một số nước, vốn của Nhật Bản đầu tư vào Thái Lan lớn gấp đôi so với đầu tư của Trung Quốc vào tất cả 10 quốc gia trong khu vực. Vào cuối năm 2013, Mỹ chiếm 1/7 lượng tiền đầu tư trực tiếp vào Singapore, trong khi Trung Quốc chỉ chiếm dưới 1/50. Tại quốc gia bị coi là có sự phụ thuộc lớn vào kinh tế Trung Quốc như Philippines thì lượng vốn mà Bắc Kinh bỏ vào cũng chỉ chiếm khoảng 1,2% tổng số vốn FDI. Vốn đầu tư của Nhật Bản lớn gấp 20 lần, còn Mỹ gấp 25 lần Trung Quốc. Thậm chí lượng tiền đầu tư của các doanh nghiệp Philippines vào Trung Quốc còn gấp đôi vốn mà các doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư ngược lại.
Các số liệu gần đây vẫn cho thấy tình trạng tương tự. Đến năm 2014, Trung Quốc vẫn chỉ là nguồn vốn FDI lớn thứ sáu tại Đông Nam Á, chiếm 6,1% tổng số vốn được phê duyệt. Nhật Bản là nguồn lớn nhất chiếm 19,1%, theo sau là Hà Lan với 17,5%. Thực tế là, dù các hoạt động đầu tư ra nước ngoài của Trung Quốc đang diễn ra mạnh mẽ tại các thị trường trọng điểm như Mỹ hay châu Âu, dường như Đông Nam Á không nằm trong mục tiêu của họ.
Một đặc điểm không kém phần quan trọng là dù chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu trong thị trường điện tử và ô tô chiếm phần lớn trong thương mại của một số nước Đông Nam Á với Trung Quốc, thì các doanh nghiệp Nhật Bản, Mỹ, châu Âu, Hàn Quốc và Đài Loan mới là chủ thể kiểm soát phần lớn các chuỗi giá trị, cũng như nơi đặt các mắt xích sản xuất. Xét về sự áp đảo tiềm năng kinh tế, thì tương quan thương mại giữa các doanh nghiệp khu vực và Trung Quốc chỉ hợp lý nếu Trung Quốc sở hữu các doanh nghiệp và các chuỗi giá trị này. Nhưng thực tế không phải vậy. Mối lo ngại về tính “độc quyền” của kinh tế Trung Quốc tại Đông Nam Á chưa có cơ sở. Tương lai, khi kinh tế Đông Nam Á càng giàu có và càng mở thì càng bớt lệ thuộc vào Trung Quốc.
Cuộc “so găng” Mỹ - Trung
Tại “võ đài” Đông Nam Á, có vẻ như cuộc tranh giành vị trí ảnh hưởng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã đi đến hồi kết. Qua các chỉ số về quan hệ kinh tế, đầu tư và thương mại giữa các nước Đông Nam Á với hai cường quốc này, đã có thể nhìn nhận phần nào tầm ảnh hưởng của họ.
Theo đó, Trung Quốc đang chiếm ưu thế về thương mại khi giữ vị trí đối tác thương mại lớn nhất với các quốc gia trong khu vực. Ngược lại, với Trung Quốc các quốc gia Đông Nam Á là đối tác thương mại lớn thứ ba, trong khi với Mỹ thì khu vực này chỉ đứng vị trí thứ tư. Tuy nhiên, Mỹ lại chiếm ưu thế tuyệt đối về đầu tư, Đông Nam Á là khu vực nhận được nhiều đầu tư nhất từ các doanh nghiệp Mỹ trên khắp thế giới, với tổng giá trị khoảng 226 tỷ USD trong năm 2015.
Theo phân tích của tờ The Diplomat, về lâu dài tình trạng hiện tại sẽ thay đổi theo chiều hướng gia tăng ảnh hưởng kinh tế của Mỹ và giảm dần vai trò của Trung Quốc. Việc Trung Quốc trở thành đối tác thương mại lớn nhất của các nước Đông Nam Á trong vài năm trở lại đây là kết quả của việc nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng nóng, nhu cầu nhập khẩu năng lượng, nguyên vật liệu thô và hàng hóa từ các nước trên thế giới lớn, trong đó, do cơ cấu hàng hóa, các quốc gia Đông Nam Á đã chiếm một tỷ lệ quan trọng. Vì thế, khi nền kinh tế thứ hai thế giới bắt đầu tăng trưởng chậm lại và nhu cầu nhập khẩu giảm hẳn, thì tất yếu tỷ trọng trao đổi thương mại giữa Trung Quốc với khu vực này cũng giảm.
Việc một loạt các nước như Thái Lan, Philippines hay Malaysia tăng trưởng chậm lại trong năm 2015 là một dẫn chứng, khi hầu hết các nước này rơi vào tình trạng giảm mạnh xuất khẩu do bị tác động từ sự giảm tốc của kinh tế Trung Quốc. Như vậy, có thể nói, sự tăng vọt trong trao đổi thương mại giữa Trung Quốc và Đông Nam Á chỉ mang tính ngắn hạn. Trong khi, so sánh về mức độ đầu tư có quy mô lớn, bài bản và lâu dài, thì rõ ràng Trung Quốc không thể so sánh với Mỹ.
Đặc biệt, với một loạt các hiệp định thương mại Mỹ vừa ký kết với các nước trong khu vực, trong đó có TPP, cùng với dự báo về tiềm năng của các nước Đông Nam Á, thì cục diện này chắc chắn sẽ có sự thay đổi lớn trong thời gian tới. Quan hệ kinh tế với Đông Nam Á mà Mỹ đang hướng tới không chỉ là các con số thương mại. Washington quan tâm đến việc đặt ra luật chơi về kinh tế tại khu vực này - một yếu tố sẽ nâng cao ảnh hưởng về kinh tế của Mỹ tại khu vực lên mức lớn nhất có thể.