Giá dầu giảm được cho là một trong những nguyên nhân khiến Eurozone rơi vào giảm phát. |
Trước đó, trong tháng 12, tỷ lệ lạm phát của khu vực bất ngờ giảm xuống âm 0,2%. Trong khi đó, theo số liệu của Cục Thống kê Liên bang Đức, nền kinh tế nước này cũng đã chính thức rơi vào giảm phát khi giá tiêu dùng giảm 0,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Áp lực lạm phát tại Tây Ban Nha thậm chí giảm mạnh hơn với tỷ lệ lạm phát xuống âm 1,5% trong tháng 1.
Theo Eurostat, lạm phát tại Eurozone giảm chủ yếu do giá năng lượng giảm mạnh. Trong tháng 12, giá năng lượng tại khu vực đã giảm 6,3% so với cùng kỳ năm ngoái, sau khi đã giảm 2,6% trong tháng trước đó. Mặt khác nếu không tính giá năng lượng và thực phẩm tươi sống, tỷ lệ lạm phát lõi của Eurozone lại giảm xuống 0,6% so với mức 0,7% ghi nhận được trong tháng 12. Đây cũng là mức lạm phát lõi thấp nhất kể từ năm 1999.
Riêng với nền kinh tế lớn nhất Eurozone, giá tiêu dùng của nước này đã tiếp tục trong tháng 1/2015, giảm 0,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là lần đầu tiên kể từ năm 2009, tỷ lệ lạm phát của Đức xuống dưới 0%. Như vậy, Đức đã tiếp tục rơi vào giảm phát tháng kế tiếp. Việc Đức bất ngờ trở lại thời kỳ giảm phát sẽ gây áp lực rất lớn lên chính phủ liên minh Eurozone, trong những nỗ lực cứu nền kinh tế thoát khỏi tình trạng giảm phát.
Tuần trước, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cam kết sẽ chi ít nhất 1,1 nghìn tỷ Euro (1,2 nghìn tỷ USD) từ tháng 3/2015 để mua trái phiếu chính phủ và các tài sản khác để thúc đẩy lạm phát của khu vực. Hiện tại, giới đầu tư đang chờ đợi đến thời điểm ECB bắt đầu triển khai chương trình này. Với gói nới lỏng định lượng (QE), ECB hy vọng lạm phát sẽ tăng dần lên mức mục tiêu 2%, tuy nhiên, theo dự đoán của giới chuyên gia, giá tiêu dùng tại Eurozone sẽ tiếp tục giảm 0,5% trong tháng này do đà lao dốc của giá dầu.
Minh Châu (Theo CNBC, Bloomberg)