📞

Kinh tế Eurozone: Khi những 'đầu tàu' gặp khó và suy thoái dường như không thể tránh khỏi

Việt An 11:14 | 28/10/2022
Nhận định về hoạt động kinh tế của Khu vực sử dụng đồng Euro (Eurozone), báo La Tribune dẫn lời chuyên gia kinh tế của S&P Global cho rằng, suy thoái dường như không thể tránh khỏi.
Kinh tế Eurozone 'vẫy vùng' trong khủng hoảng. (Nguồn: Reuters)

Kinh tế đang "co lại"

Theo bài viết, tháng 10 là tháng thứ tư liên tiếp khu vực Eurozone chứng kiến hoạt động trong lĩnh vực tư nhân suy giảm mạnh do khủng hoảng chi phí sinh hoạt khiến người tiêu dùng thận trọng hơn, làm ảnh hưởng đáng kể đến nhu cầu.

Tại Pháp, nếu như hoạt động của khu vực tư nhân tỏ ra có sức chống chịu tốt hơn, thì triển vọng nhìn chung cũng đang tối dần.

Những đám mây dự báo nền kinh tế châu Âu đang tích tụ lại. Được tính toán trên cơ sở khảo sát các doanh nghiệp, chỉ số Flash PMI (chỉ số dự báo trước chỉ số PMI, là chỉ số nhà quản trị mua hàng) trong tháng 10 của khu vực mà S&P Global công bố ngày 24/10 đã giảm xuống mức 47,1 so với 48,1 của tháng 9 và 48,9 của tháng 8 và là mức thấp nhất trong 23 tháng qua.

Kết quả dưới 50 sẽ báo hiệu sự co lại trong hoạt động kinh tế và ngược lại, một chỉ số trên ngưỡng này sẽ đánh dấu những tiến triển tích cực.

Điều này làm gia tăng lo ngại về một cuộc suy thoái ở Đức cũng như toàn bộ khu vực đồng tiền chung trong bối cảnh giá cả tăng vọt.

Ông Chris Williamson, một chuyên gia kinh tế của S&P Global có trụ sở tại New York (Mỹ) cảnh báo rằng, tốc độ chậm lại của các hoạt động kinh tế và sự suy giảm nhu cầu trong tháng 10 đã cho thấy sự co lại của các nền kinh tế trong khu vực đồng Euro và "suy thoái kinh tế khu vực này dường như không thể tránh khỏi".

Theo chuyên gia này, sự sụt giảm nhanh chóng của chỉ số Flash PMI trong tháng 10 tương ứng với sự sụt giảm Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) hàng quý khoảng 0,2% trong quý IV/2022.

Nhu cầu đang giảm với tốc độ nhanh hơn, trong khi các doanh nghiệp rất lo lắng về lượng hàng tồn kho cao và doanh số bán hàng khiêm tốn hơn dự kiến khi mùa Đông đến gần.

Bên cạnh đó, nguy cơ thu hẹp hoạt động kinh tế sẽ trở nên rõ ràng hơn nữa trong những tháng tới và chính sách thắt chặt tiền tệ của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) có thể sẽ gây ra những tác động tiêu cực.

Ngày 27/10, ECB đã quyết định nâng lãi suất chủ chốt thêm 0,75 điểm phần trăm. Ngân hàng này cũng có thể sẽ tiếp tục tăng lãi suất trong thời gian tới để đảm bảo lạm phát trở lại với mức mục tiêu 2% trong trung hạn.

Trong khi các áp lực về nguồn cung đã giảm rõ rệt, giá năng lượng liên tục tăng cao và giá trị của đồng Euro sụt giảm đã làm tăng áp lực lạm phát, đẩy cao chi phí kinh doanh và làm giảm sản lượng của các doanh nghiệp.

Đồng thời, cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt và tình hình kinh tế bất ổn nói chung cũng đè nặng lên sức mua của người tiêu dùng, khiến lĩnh vực dịch vụ cũng bị ảnh hưởng nặng nề.

Những "đầu tàu" gặp khó

Trong số các nước thuộc Eurozone, Đức - nền kinh tế "đầu tàu" châu Âu - một lần nữa ghi nhận kết quả tồi tệ trong tháng 10 tính ở cả lĩnh vực sản xuất và dịch vụ, với chỉ số Flash PMI giảm xuống mức 44,1, tức là mức thấp nhất kể từ tháng 6/2009 nếu không tính giai đoạn đại dịch Covid-19.

Theo ông Phil Smith, chuyên gia tại S&P Global, sự suy giảm này làm rõ nét hơn các dấu hiệu về một cuộc suy thoái sắp xảy ra đối với nền kinh tế lớn nhất khu vực đồng Euro.

Trong khi đó, kinh tế Pháp đang rơi vào tình cảnh đình đốn trong tháng 10 nếu nhìn vào chỉ số Flash PMI. Chỉ số này được thiết lập ở mức 50 so với 51,2 của tháng 9, và là mức thấp nhất trong 19 tháng do hoạt động trong lĩnh vực sản xuất bị thu hẹp.

Theo số 750 doanh nghiệp được S&P Global khảo sát, "giá cả tăng cao, điều kiện thị trường không thuận lợi và lượng hàng tồn kho cao là nguyên nhân khiến khách hàng ngừng các đơn đặt hàng mới".

Trong khi đó, lĩnh vực dịch vụ cho thấy khả năng cầm cự tương đối, nhưng vẫn quá yếu để bù đắp cho sự sụt giảm mạnh về sản lượng trong tháng 10.

Dự báo, lĩnh vực dịch vụ tại Pháp tiếp tục cho thấy một sự vững chắc nhất định trước xu hướng suy thoái chung của nền kinh tế, nhưng sẽ sớm không thể tiếp tục gánh vác sự tăng trưởng của toàn bộ nền kinh tế của nước này.

Thị trường lao động tại Pháp tiếp tục là điểm sáng trong bầu trời u ám. Cụ thể, khu vực tư nhân tiếp tục chứng kiến tăng trưởng về việc làm trong tháng 10, đánh dấu tháng thứ 22 Pháp chứng kiến tăng trưởng việc làm.

Tại Anh, khi khủng hoảng chính trị làm gia tăng các lo ngại về lạm phát và lãi suất, hoạt động kinh tế trong khu vực tư nhân vẫn tiếp tục giảm trong tháng 10.

Niềm tin của các chủ doanh nhân cũng đã giảm xuống mức chưa từng thấy kể từ khi cuộc khảo sát được thực hiện lần đầu cách đây 25 năm, minh chứng cho sự thất vọng hoàn toàn của họ đối với cuộc khủng hoảng chính trị.

Ngoài bất ổn chính trị, căng thẳng thị trường tài chính và sự sụp đổ niềm tin, chi phí đi vay cao hơn cũng làm gia tăng suy đoán về một cuộc suy thoái nghiêm trọng và rất đáng lo ngại đối với nền kinh tế của Vương quốc Anh.

(theo La Tribune)