📞

Kinh tế miền Trung: “Mệt mỏi” chờ cất cánh

15:48 | 12/09/2014
Tại Diễn đàn Kinh tế miền Trung được tổ chức trung tuần tháng 8 vừa qua, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng miền Trung có nhiều tiềm năng nhưng nếu không đột phá thì miền Trung sẽ tiếp tục "ngủ yên" trong nhiều năm nữa.
Khu kinh tế Dung Quất (Quảng Ngãi) - một trong những khu kinh tế ven biển thành công ở Việt Nam. (Ảnh minh họa)

"Mặt tiền" chưa phát

Vùng duyên hải miền trung gồm năm tỉnh, thành phố thuộc Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung gồm Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định và bốn tỉnh thuộc vùng duyên hải Nam Trung bộ gồm Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận và Bình Thuận, với diện tích tự nhiên là 49.409,7 km2, chiếm 14,93% diện tích cả nước.

Là "mặt tiền" của đất nước nhìn ra Biển Đông, miền Trung có nhiều thế mạnh "tự nhiên, vốn có" và có ưu thế đặc biệt quan trọng về kinh tế biển, giàu tiềm năng mở cửa - giao thương - kết nối toàn cầu, một lợi thế phát triển to lớn trong thời đại toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, miền Trung vẫn nghèo, kinh tế miền Trung vẫn chưa thể "cất cánh".

TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nhận định, chỉ khi nào miền Trung, với vị trí và chiều dài tạo thành "xương sống quốc gia" hay "đòn gánh gánh hai đầu đất nước", chưa "cất cánh" thì cả nước, với hai động lực phát triển hai đầu - Bắc Bộ và Nam Bộ, dù có Hà Nội và TP. HCM là "đầu tàu" mạnh, cũng chưa thể bay lên thật sự.

Ông Thiên phân tích, với tất cả sự khác biệt của mình, miền Trung không thể phát triển công nghiệp và nông nghiệp giống như ở Bắc Bộ và Nam Bộ. Với phân bố địa lý và kiểu dáng đặc biệt của mình, miền Trung cũng không thể liên kết nội vùng, liên kết liên vùng, liên kết với thế giới giống như liên kết của hai vùng Bắc Bộ và Nam Bộ. Trong mấy năm gần đây, tư duy phát triển và việc thiết kế chiến lược vẫn chưa thoát khỏi sự ám ảnh của công thức phát triển mang nặng tính khuôn mẫu cứng nhắc "nước công nghiệp, tỉnh công nghiệp" được áp dụng cho hầu như tất cả các vùng và các tỉnh.

Với những kết quả đạt được nhờ nỗ lực của vùng duyên hải miền Trung trong vài năm gần đây, câu trả lời dường như đang rõ dần. Nhưng ông Thiên cho rằng "cũng chỉ mới rõ dần chứ chưa đủ định hình chắc chắn, vẫn chưa được bảo đảm và hỗ trợ bằng các thể chế và chính sách "chính danh quốc gia", bằng một mô hình phát triển và thể chế liên kết phát triển Vùng chính thống, có đủ hiệu lực và thực sự hiệu quả".

"Vậy miền Trung phát triển cái gì, như thế nào, với ai - để có thể bứt phá phát triển, thậm chí, mở đường cất cánh cho cả nước?", ông Thiên đặt câu hỏi.

Đánh thức thế nào?

Tại Diễn đàn, nhiều chuyên gia kinh tế đã gợi mở một số giải pháp tăng cường liên kết Vùng và phát triển kinh tế - xã hội các tỉnh duyên hải miền Trung. Theo đó, trong lộ trình từ nay đến năm 2020 và tầm nhìn 2030, thực hiện chiến lược kinh tế biển ở vùng duyên hải miền Trung cần tập trung vào ba nhóm ngành kinh tế chính: Ngư nghiệp (gồm đánh bắt và chế biến hải sản), Du lịch biển đảo (gắn với du lịch văn hóa lịch sử) và Khu kinh tế ven biển (gắn với ưu thế về cảng biển).

Theo TS. Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương, để lợi thế biến thành hiện thực, miền Trung phải nghiên cứu, nhìn nhận một cách đầy đủ và nghiêm túc những lợi thế so sánh vùng biển của khu vực so với những vùng biển khác trong nước... Và phải gắn phát triển kinh tế với bảo vệ an ninh, quốc phòng. "Miền Trung phải làm thế nào để hài hoà hiệu quả kinh tế với an ninh quốc phòng để đảm bảo phát triển bền vững. Đây là hai thách thức lớn nhất đối với việc phát triển kinh tế biển ở miền Trung", ông Thành nhấn mạnh.

Ông Thành đề xuất, miền Trung không phải là vùng có điều kiện thuận lợi để phát triển nông nghiệp truyền thống. Do vậy, các địa phương khu vực này nên chọn biển và những ngành kinh tế dựa vào biển làm lối thoát cho mình. Đây được xem là giải pháp hữu hiệu, đảm bảo phát triển kinh tế gắn với an ninh quốc phòng. Thực tế cũng cho thấy, ngành ngư nghiệp ở các địa phương ven biển miền Trung đang từng bước chuyển biến cả về quy mô và phương thức sản xuất.

Cùng chung quan điểm, TS Trần Du Lịch, Trưởng nhóm nghiên cứu của Ban Điều phối Vùng kiến nghị phải xem dải đất miền Trung là trọng điểm chiến lược kinh tế biển của nền kinh tế Việt Nam và phải có chương trình chiến lược phát triển cấp quốc gia, trong đó có ba nhóm mạnh phải tập trung gồm: ngư nghiệp tập trung đánh bắt xa bờ, đào tạo ngư dân, xây dựng cảng biển, trung tâm hậu cần, chế biến, đóng tàu và khai thác cảng biển gắn với các khu công nghiệp, khu kinh tế những lĩnh vực gắn với biển.

Bên cạnh đó, Trung ương và địa phương cần nhanh chóng tập trung đầu tư khai thác đánh bắt thủy sản xa bờ bằng những công nghệ hiện đại để kết hợp bảo vệ chủ quyền biển đảo.

GS.TS Võ Đại Lược, Giám đốc Trung tâm Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương khuyến nghị, cần thành lập một cấp chính quyền quản lý vùng kinh tế trọng điểm miền Trung trên các mặt, như quy hoạch phát triển vùng, xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng vùng, hệ thống giáo dục và đào tạo của vùng, hợp tác kinh tế trong vùng và giữa vùng kinh tế với bên ngoài …

"Yếu tố quyết định cho sự bứt phá của miền Trung là những thể chế có tính đột phá, cho phép sử dụng được những tiềm năng này. Không có những thể chế có tính đột phá đó tiềm năng to lớn của miền Trung sẽ tiếp tục ngủ yên nhiều năm nữa", ông Lược khẳng định.

6 thách thức với vùng duyên hải miền Trung

Thứ nhất, hạ tầng kinh tế-xã hội còn yếu kém, thiếu đồng bộ; kể cả hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội. Sự chênh lệch khá lớn đời sống giữa đô thị và nông thôn.

Thứ hai, xuất phát điểm của nền kinh tế thấp, tích lũy đầu tư nhỏ, nguồn lực tài chính ít, ngân sách địa phương khó khăn; nhưng đầu tư còn dàn trải nên hiệu quả chưa cao.

Thứ ba, hạ tầng giao thông yếu kém, chưa có hệ thống giao thông đường bộ đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế. Do đó, đã hạn chế khả năng thu hút đầu tư và liên kết phát triển toàn vùng.

Thứ tư, môi trường kinh doanh chưa thuận lợi, sức mua thị trường nội vùng không lớn, chưa có các sản phẩm chủ lực có thương hiệu tầm cỡ quốc gia và quốc tế. Trừ lĩnh vực du lịch, chưa có sản phẩm cạnh tranh đặc thù trên thương trường.

Thứ năm, lực lượng lao động dồi dào, nhưng lao động được đào tạo chưa đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp. Thị trường lao động chưa phát triển.

Thứ sáu, doanh nghiệp trong vùng chủ yếu là nhỏ và vừa. Trên phạm vi cả vùng chưa thu hút được những doanh nghiệp lớn đặt trụ sở chính hoạt động.

(Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Thân Đức Nam)

Việt Anh