📞

Kinh tế Mỹ: Chứng khoán tới 'lằn ranh đỏ', Phố Wall suy sụp, suy thoái đã đến rất gần, quá muộn để hoảng sợ?

Chu Văn 19:53 | 21/06/2022
Nỗi lo suy thoái đối với nền kinh tế Mỹ không phải là không có cơ sở, khi nhìn vào những biến động khó lường trên toàn thị trường do tác động kép gây ra bởi đại dịch Covid-19 và cuộc xung đột Nga-Ukraine.
Kinh tế Mỹ: Chứng khoán tới 'lằn ranh đỏ', suy thoái đã đến rất gần, quá muộn để hoảng sợ?. (Nguồn: Getty Images)

Tỷ lệ lạm phát tại nền kinh tế số 1 thế giới đã liên tục tăng ở mức cao kỷ lục trong hơn 40 năm qua. Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Ellen đã công khai thừa nhận tình trạng lạm phát của nước Mỹ sẽ chưa thể sớm dừng lại, trong khi niềm tin của người tiêu dùng không ngừng "xuống dốc".

Trong một khảo sát mới đây do The Economist phối hợp với Hãng Nghiên cứu thị trường YouGov, có tới 51% người được hỏi cho rằng, nước Mỹ đang trải qua thời kỳ suy thoái về kinh tế và chỉ có 21% người được hỏi cho biết, họ không tin điều đó sắp xảy ra.

Trước đó, vào tháng Năm, cuộc thăm dò ý kiến do hãng tin Bloomberg thực hiện đối với giới chuyên gia kinh tế cũng chỉ ra rằng, nguy cơ nước Mỹ rơi vào suy thoái ngày càng rõ rệt, với khả năng xảy ra là 30%, cao hơn hẳn hơn so với tỷ lệ dự đoán mà Bloomberg đưa ra trước đó 3 tháng.

Các thị trường tài chính Mỹ đã chạm đáy hay chưa?

Các thị trường tài chính Mỹ đã biến động quá mạnh trong thời gian gần đây. Trong đó, lực bán mãnh liệt đối với chỉ số S&P 500 cho thấy chỉ số này vẫn chưa thoát ra khỏi vùng “lằn ranh đỏ” của thị trường giá xuống (bear market) được thiết lập vào tháng trước.

Câu hỏi được quan tâm nhiều nhất lúc này là liệu rằng sau một thời gian sóng gió, thị trường đã thật sự chạm đáy hay chưa? Liên quan đến vấn đề này, chuyên gia nghiên cứu kỳ cựu ở Phố Wall Ed Yardeni không cho rằng, “việc thoát ra khỏi một thị trường giá xuống sẽ diễn ra nhanh chóng trong bối cảnh hiện nay”.

"Tôi nghĩ các nhà đầu tư đã học được một bài học trong năm nay, đó là đừng chống lại Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed)", chuyên gia Ed Yardeni nói với CNBC. Điều này có nghĩa là giới đầu tư nên chủ động điều chỉnh chiến lược đầu tư của mình thay vì đi ngược lại với chính sách tiền tệ của Fed.

Ông Yardeni, cũng là Chủ tịch công ty tư vấn Yardeni Research, cho biết: “Trong nhiều năm, ý tưởng về sự đồng thuận với Fed được thực hiện trong bối cảnh chính sách tiền tệ lỏng lẻo được duy trì. Khi đó, dòng vốn đầu tư sẽ đổ dồn về thị trường chứng khoán”.

Tuy nhiên, những điều này đã thay đổi đáng kể trong năm nay. Giờ đây, sự đồng thuận đối với Fed lại có nghĩa là hãy đồng thuận với thể chế này trong công cuộc chống lại lạm phát.

Và điều này có nghĩa là triển vọng đối với thị trường chứng khoán trong ngắn hạn là không sáng.

Với lạm phát liên tục thiết lập các mức cao kỷ lục mới trong năm nay, Fed đã tăng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản vào tuần trước – mức tăng từng lần cao nhất kể từ năm 1994 và báo hiệu sẽ tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ trong thời gian tới. Chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết, nhiều khả năng thể chế này sẽ tăng lãi suất thêm 50 hoặc 75 điểm cơ bản trong cuộc họp tiếp theo vào tháng Bảy.

Tuy nhiên, kinh tế Mỹ hiện đang đối mặt với nguy cơ lạm phát đình trệ, với tăng trưởng kinh tế giảm và giá cả tiếp tục tăng.

Trước những động thái thắt chặt của Fed, Phố Wall đã suy sụp. Chỉ số S&P 500 hồi tuần trước đã ghi nhận tuần giảm thứ 10 trong 11 tuần qua, và hiện đang ở trong thị trường giá xuống. Ngày 16/6, chỉ số công nghiệp trung bình Dow Jones cũng đã lần đầu tiên rơi xuống dưới ngưỡng 30.000 điểm kể từ tháng 1/2021.

Ông Yardeni khẳng định xu hướng này "sẽ không kết thúc" cho đến khi có những dấu hiệu rõ ràng rằng lạm phát, do giá thực phẩm và năng lượng tăng cao, đã đạt đến đỉnh điểm.

Các nhà quan sát thị trường cũng cho rằng, một trong những nguyên nhân khiến lạm phát tăng là do Fed đã kích thích nền kinh tế quá mức trong bối cảnh đại dịch Covid-19. Chuyên gia này nói: “Lạm phát cần phải đạt đỉnh trước khi thị trường phát đi những tín hiệu tích cực hơn”.

Theo ông Yardeni, tại thời điểm này, đối với giới đầu tư, đã quá muộn để hoảng sợ. Tôi cho rằng các nhà đầu tư dài hạn sẽ nhìn thấy những cơ hội tuyệt vời tại đây”.

"Người giàu cũng khóc"

Kinh tế Mỹ mất động lực tăng trưởng đang làm dấy lên tranh luận về việc liệu nền kinh tế lớn nhất thế giới rơi vào suy thoái hay chưa. Nhiều nhà kinh tế định nghĩa đơn giản rằng, một cuộc suy thoái xảy ra khi tăng trưởng của một nền kinh tế suy giảm 2 quý liên tiếp.

Trong khi đó, Chủ tịch Fed Jerome Powell phát biểu trong cuộc họp báo ngày 15/6, cho biết, Ngân hàng Trung ương Mỹ hy vọng sẽ tránh được một cuộc suy thoái. Ông tin tưởng, các động thái của Fed có thể làm giảm lạm phát, tạo ra một cuộc “hạ cánh mềm” cho nền kinh tế, trong khi nền kinh tế và thị trường lao động vẫn tiếp tục tăng trưởng.

Tuy nhiên, một số nhà kinh tế cho rằng một cuộc suy thoái đã xảy ra rồi.

Những lời đồn đoán về khả năng kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái đang ngày một lớn hơn, giữa bối cảnh giới quan sát tỏ ra nghi ngờ về khả năng “hạ cánh mềm” của Fed. Thị trường giá xuống thường là biểu hiện, chứ không phải nguyên nhân gây ra suy thoái.

Mark Jolley, chiến lược gia toàn cầu tại hãng dịch vụ tài chính CCB International Securities, nhận định: “Trong một thời gian dài, đây là cuộc suy thoái đầu tiên sẽ gây tổn hại đến người giàu hơn là những người dân bình thường khác”.

"Nếu nhìn vào những gì đã xảy ra với giá trái phiếu và cổ phiếu và nhìn vào sự sụt giảm đồng thời của giá trái phiếu và cổ phiếu, có lẽ năm 2022 sẽ là một năm tồi tệ nhất kể từ năm 1938 về sự tàn phá của cải", chiến lược gia Mark Jolley chia sẻ với CNBC.

Khi lãi suất cao hơn, giá trị tài sản được mua bằng tiền đi vay sẽ giảm, khiến các khoản thế chấp có rủi ro cao hơn. “Hãy tưởng tượng điều gì sẽ xảy ra với hệ thống ngân hàng trong bất kỳ nền kinh tế nào nếu giá nhà của bạn đang giảm đến 20% giá trị?”, ông Jolley đặt câu hỏi.

(theo CNBC, TTXVN)