Cụ thể, Chỉ số nhà quản lý mua hàng (PMI) của lĩnh vực chế tạo tăng thêm 1,5 điểm lên 56 - mức cao nhất kể từ tháng 11/2014 khi giá dầu bắt đầu trượt dốc. 10 trên 18 ngành công nghiệp được khảo sát đều tăng trưởng cao hơn mức ghi nhận hồi tháng 12/2016 nhờ nhu cầu từ thị trường Trung Quốc đi lên và kinh tế tại khu vực châu Âu khởi sắc.
Chỉ số đơn đặt hàng mới cũng tăng 0,1 điểm so với tháng 12/2016 và đạt mức 60,4. Chỉ số sản xuất tăng 2 điểm lên 61,4 và chỉ số việc làm tại khu vực công nghiệp cũng tiến thêm 3,3 điểm trăm lên 56,1 - mức cao nhất kể từ tháng 8/2014.
Báo cáo của ISM cũng cho thấy chi tiêu cho nguyên liệu thô cũng tăng lên và là tháng tăng thứ 11 liên tiếp, thể hiện sức ép lạm phát lên các doanh nghiệp đang gia tăng. Chi tiêu xây dựng của Mỹ cũng tăng 4,2% trong tháng 1/2017, sau khi đã giảm 0,2% hồi tháng 12/2016.
Ảnh minh họa. (Nguồn: World Top Most) |
Trong cùng ngày, báo cáo việc làm quốc gia do ADP (công ty cung cấp dịch vụ và phần mềm quản lý nguồn nhân lực của Mỹ) công bố cho thấy các doanh nghiệp tư nhân đã tuyển dụng thêm 246.000 lao động trong tháng Một, tăng so với con số 151.000 người hồi tháng 12/2016.
Số lao động trong lĩnh vực dịch vụ cũng tăng thêm 201.000 người trong tháng Một, còn số lao động thuộc lĩnh vực sản xuất tăng thêm 46.000 lao động – mức tăng cao nhất trong vòng 2 năm qua.
Nền kinh tế Mỹ lớn nhất thế giới đã tăng trưởng 1,9% trong quý IV/2016, thấp hơn đáng kể so với mức tăng 3,5% của quý trước đó, chủ yếu do xuất khẩu sụt giảm, qua đó kéo nhịp độ tăng trưởng cả năm 2016 của nền kinh tế lớn thế giới xuống mức thấp nhất kể từ năm 2011.
Các chuyên gia cho rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tăng lãi suất thêm ít nhất ba lần trong năm nay. Tuy nhiên sau cuộc họp đầu tiên (kết thúc hôm 1/2) kể từ khi Tổng thống Donald Trump chính thức lên nắm quyền, cơ quan này quyết định chưa thay đổi mức lãi suất hiện tại, đồng thời để ngỏ khả năng từng bước nâng mức lãi suất.