Kinh tế Mỹ đang đối mặt với một môi trường toàn cầu "thiếu chắc chắn" và tỷ lệ lạm phát có thể tiếp tục gây "bất ngờ". (Nguồn: Getty Images) |
Theo một cuộc khảo sát mới đây, tỷ lệ lạm phát cao kỷ lục đã khiến giá tiêu dùng tăng cao và một số hộ gia đình Mỹ gặp khó khăn để duy trì các khoản dự phòng khẩn cấp.
Hơn một nửa (58%) trong số 1.025 người tham gia cuộc khảo sát của công ty dịch vụ tài chính Bankrate, có trụ sở tại New York (Mỹ), trong khoảng thời gian từ ngày 3-5/6, bày tỏ lo ngại về số tiền tiết kiệm trong quỹ dự phòng khẩn cấp, tăng so với mức 48% năm 2021 và 44% năm 2020.
Trong số những người lo ngại về số tiền tiết kiệm khẩn cấp, 75% cho biết họ không có tiền tiết kiệm hoặc không đủ trang trải chi phí sinh hoạt trong ít nhất ba tháng.
Chỉ 24% người trưởng thành được Bankrate khảo sát cho biết họ có nhiều tiền hơn trong quỹ khẩn cấp so với một năm trước. Trong khi đó, hơn một phần tư (27%) hộ gia đình được khảo sát cho biết họ có đủ tiền tiết kiệm để trang trải chi phí ít nhất sáu tháng - tăng so với mức 25% trong hai năm qua. Trong khi đó, 22% hộ gia đình được khảo sát có đủ tiền tiết kiệm để trang trải chi phí từ 3 đến 5 tháng - tỷ lệ cao nhất kể từ năm 2011.
Bộ Lao động Mỹ ngày 10/6 công bố báo cáo cho thấy, Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tháng 5/2022 tăng 8,6% so với cùng kỳ năm 2021, mức tăng mạnh nhất kể từ tháng 12/1981. Đáng chú ý, giá năng lượng đã tăng 34,6% so với cùng kỳ năm ngoái, tốc độ tăng nhanh nhất kể từ tháng 9/2005, trong khi giá lương thực tăng 10,1%, đánh dấu lần đầu tiên vượt mức 10% kể từ tháng 3/1981.
Tại cuộc họp vào ngày 15/6, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã tăng lãi suất 0,75 điểm phần trăm - mức tăng mạnh nhất kể từ năm 1994 trong nỗ lực kiềm chế lạm phát phi mã. Với động thái chính sách mới nhất này, Fed đã nâng lãi suất thêm 1,5 điểm phần trăm tính từ đầu năm đến nay và đưa lãi suất chuẩn lên khoảng 1,5-1,75%.
Trong phiên điều trần trước các thượng nghị sỹ mới đây, Chủ tịch Fed Jerome Powell cảnh báo dù nền kinh tế lớn nhất thế giới đang vững mạnh, song một loạt đợt tăng lãi suất nhằm kiểm soát lạm phát vẫn có thể dẫn tới suy thoái. Ông Powell cho biết kinh tế Mỹ đang đối mặt với một môi trường toàn cầu "thiếu chắc chắn" và tỷ lệ lạm phát có thể tiếp tục gây "bất ngờ".
Kịch bản lý tưởng sẽ là những biện pháp của Fed có thể đủ để giảm bớt sức ép lạm phát, mà không làm giảm tốc độ tăng trưởng, tạo ra tình trạng "hạ cánh mềm" được hy vọng. Tuy nhiên, ông Powell thừa nhận nhiệm vụ này không hề dễ dàng.
Các ngân hàng như Goldman Sachs, Bank of America và Deutsche Bank đều đã nâng cao khả năng kinh tế rơi vào suy thoái năm 2022 hoặc 2023.
Theo một cuộc khảo sát do công ty nghiên cứu Conference Board tiến hành, hơn 60% giám đốc điều hành dự đoán suy thoái kinh tế Mỹ sẽ diễn ra trong 12-18 tháng tới.
| Giá vàng hôm nay 24/6: Giá vàng đi đâu giữa lo ngại lạm phát và suy thoái; Nga tìm cách lập quỹ vàng huy động khẩn cấp Độ biến động của giá vàng tương đối thấp so với các tài sản khác vì kim loại quý vẫn giữ trạng thái "thị trường ... |
| Giá cà phê hôm nay 24/6: Quay đầu lao dốc mạnh Xu hướng tổng thể của thị trường có nhiều biến động do vẫn chịu ảnh hưởng bởi nút thắt trong chuỗi cung ứng cà phê ... |