TIN LIÊN QUAN | |
Thấy gì ở nước Mỹ từ một đồng USD suy yếu? | |
Kinh tế Mỹ có thể hứng hậu quả 'thảm khốc' nếu gói cứu trợ mới không được thông qua |
Đại dịch Covid-19 chưa nhìn thấy điểm dừng thì tình trạng bất ổn chính trị-xã hội do đói nghèo sẽ chỉ là một trong số những thách thức lớn đối với tăng trưởng kinh tế. (Nguồn: Retalkasia) |
Nhiều quốc gia cũng tỏ rõ sự lo lắng về những gì xảy ra ở nền kinh tế đang chiếm khoảng 1/4 GDP toàn cầu. Đại dịch và thất nghiệp đã khiến nhu cầu tiêu dùng tại nền kinh tế lớn nhất thế giới sụt giảm, đồng nghĩa hoạt động nhập khẩu bị thu hẹp. Trong khi đó, kinh tế khó khăn khiến các nhà đầu tư chọn phương án an toàn, giảm đầu tư ra nước ngoài.
Cuộc đấu riêng của Tổng thống Trump
Với bảng thành tích nổi bật về kinh tế, cũng như giành được sự ủng hộ và tín nhiệm cao của người dân khi thực hiện chính sách “Nước Mỹ trước tiên” trong suốt ba năm cầm quyền vừa qua, những tưởng không gì có thể khiến Tổng thống đương nhiệm Donald Trump và đảng Cộng hòa phải lo lắng vào khả năng tái cử. Thế nhưng, những diễn biến khó lường trong hơn bảy tháng qua đang đẩy ông Trump vào thời kỳ được coi là khó khăn nhất kể từ khi lên nắm quyền, đối mặt với cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất kể từ Đại suy thoái những năm 30 của thế kỷ trước.
Từ đầu năm, kinh tế Mỹ phải chịu tác động nặng nề từ dịch Covid-19 khi chi tiêu tiêu dùng giảm mạnh và số người nộp đơn thất nghiệp tăng kỷ lục. Quý I, GDP thực tế của Mỹ tính theo năm giảm 5%. Quý II, dịch bệnh lan trên quy mô lớn và các biện pháp giãn cách khiến tình hình kinh tế Mỹ càng tồi tệ hơn và chính thức rơi vào suy thoái, khi GDP giảm đến 32,9%.
Giới phân tích cho rằng, để cơ hội tái đắc cử của ông Trump thành công thì không có điều gì quan trọng bằng “sức khỏe” nền kinh tế Mỹ. Tờ Straits Times mới đây nhận định, cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào tháng 11 là cuộc đấu giữa Tổng thống Trump với chính bản thân hơn là với đối thủ Joe Biden. Trong bối cảnh này, nỗ lực tái cử của ông sẽ được quyết định bởi các lá phiếu của cử tri như một cuộc trưng cầu dân ý về những gì ông đã làm trong nhiệm kỳ đầu.
Bị mất đi yếu tố kinh tế vốn là một lợi thế đáng tin cậy nhằm thu hút lá phiếu cử tri, Tổng thống Trump đã phải nỗ lực cải thiện tỷ lệ ủng hộ bằng những biện pháp mới, tất nhiên, trong đó không thể thiếu các gói kích thích kinh tế “khủng”. Xét về góc độ hiệu quả, một mặt chính sách tài khóa đã đảm bảo đời sống người dân ở mức độ nhất định trong thời gian dịch bệnh, tránh làn sóng phá sản của doanh nghiệp diễn ra trên phạm vi lớn hơn. Tất nhiên, việc tăng chi tiêu ngân sách sẽ đẩy cao thâm hụt ngân sách, trong khi đó liệu thâm hụt ngân sách lớn có thể tiếp tục kéo dài được hay không; có khiến lạm phát tăng cao trong thời gian tới hay không, vẫn là vấn đề còn gây tranh cãi.
Ngoài ra, để ứng phó với sự biến động của thị trường tài chính và rủi ro suy thoái kinh tế, Fed liên tục gia tăng liều lượng của chính sách tiền tệ nới lỏng. Sau khi tiếp tục giảm lãi suất quỹ liên bang xuống mức 0%, Fed lại lần lượt đưa ra nhiều công cụ chính sách không bình thường để giảm bớt rủi ro thanh khoản. Trải qua hàng loạt động thái nới lỏng, quy mô bảng cân đối kế toán của Fed tăng từ 3.800 tỷ USD năm 2019 lên 7.000 tỷ USD vào đầu tháng 6/2020.
Không thể phủ nhận, việc Fed kịp thời áp dụng các biện pháp mạnh đã ổn định được thị trường, tránh để xảy ra khủng hoảng tài chính do thiếu thanh khoản, tuy nhiên các biện pháp giải cứu thị trường cường độ lớn này đã khiến cho quy mô bảng cân đối kế toán phình to chưa từng có, việc chuyển giao trách nhiệm tài chính cho Fed dẫn đến tính độc lập của nó bị suy yếu, đây là những vấn đề rất đáng quan tâm.
Mịt mù đường phục hồi
Tin liên quan |
Dù được hưởng 'đặc quyền cắt cổ', kỷ nguyên của đồng USD sắp kết thúc? |
Trong thời gian tới, con đường phục hồi của kinh tế Mỹ không thực sự sáng sủa. Trước hết, đợt bùng phát dịch Covid-19 mới trên quy mô lớn, tỷ lệ lây nhiễm ở một số bang khởi động lại hoạt động kinh tế đã xuất hiện dấu hiệu tăng mạnh, nhiều bang tuyên bố tạm ngừng hoặc trì hoãn kế hoạch tái khởi động, ở mức độ rất lớn, việc Mỹ cân nhắc được mất giữa dịch bệnh và khởi động lại nền kinh tế như thế nào sẽ quyết định con đường phục hồi kinh tế của Mỹ.
Tiêu dùng vốn là động lực chính của tăng trưởng kinh tế Mỹ, nhưng một số biện pháp cứu trợ của Chính phủ hỗ trợ tiêu dùng hiện nay đã chấm dứt vào cuối tháng Bảy, khi đó liệu có phương án cứu trợ mới để tiếp sức hay không? hoặc liệu nền kinh tế có thể khởi động lại bình thường giúp những người thất nghiệp có việc làm trở lại hay không? những điều đó sẽ quyết định đến việc liệu phục hồi tiêu dùng có tiếp tục được duy trì. Nguy hiểm hơn, nếu tỷ lệ thất nghiệp ở mức cao trong một thời gian tương đối dài khiến nhiều người bị thất nghiệp tạm thời trước đó trở thành thất nghiệp lâu dài, sẽ còn gây thiệt hại lâu dài.
Đến nay, hai đảng Dân chủ-Cộng hòa vẫn còn tranh cãi về gói hỗ trợ mới, với quy mô được đánh giá là tương đương với gói hỗ trợ Mỹ từng thực hiện trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008. Tổng thống Trump đã không chờ Quốc hội đồng ý mà quyết định thông qua bốn sắc lệnh hành pháp nhằm hỗ trợ người dân vượt qua khó khăn, nhằm đưa tiền cứu trợ đến tay người thất nghiệp một cách nhanh chóng. Ông Trump còn cam kết nếu tái đắc cử, ông sẽ cắt giảm lâu dài thuế tiền lương.
Tuy nhiên, động thái được cho là “vượt mặt” Quốc hội trên không chỉ vấp phải sự chỉ trích của đảng Dân chủ. Giới truyền thông cho rằng, một số biện pháp trong sắc lệnh của ông Trump có thể còn phải đối mặt với thách thức pháp lý. Điều này đặt ra nghi vấn phải chăng sắc lệnh mới chỉ là giải pháp tạm thời xoa dịu dư luận của nhà lãnh đạo trong bối cảnh dịch bệnh tại Mỹ chưa thể kiểm soát.
Cách ứng phó này của cường quốc hàng đầu thế giới trong đại dịch Covid-19 đang đem lại nhiều rủi ro cho bất kỳ sự phục hồi nào trên thế giới. Năm 2018, chính nước Mỹ đã thúc đẩy nền kinh tế thế giới tăng trưởng trở lại sau hơn một thập kỷ, bằng việc cắt giảm thuế và đẩy mạnh chi tiêu, giúp có thêm tiền chảy vào thị trường trong nước và thế giới. Tuy vậy, nếu chính sách của Mỹ vào hai năm trước là chất xúc tác giúp nền kinh tế thế giới trở lại mạnh mẽ hơn, thì giờ đây, nó cũng chính là nguyên nhân kéo cả thế giới đi xuống.
IMF nhận định, toàn cầu sẽ còn nhiều năm tháng khó khăn ở phía trước, đặc biệt khi đại dịch chưa nhìn thấy điểm dừng thì tình trạng bất ổn chính trị-xã hội do đói nghèo sẽ chỉ là một trong số những thách thức lớn đối với tăng trưởng kinh tế. Nguy cơ phía trước là phần lớn dân số Mỹ sẽ phải đối mặt với sự sụt giảm của chất lượng cuộc sống và tình cảnh đặc biệt khó khăn về kinh tế trong vài năm tới. Điều này có thể khiến nhu cầu tiêu dùng suy yếu và cản trở sự tăng trưởng về lâu dài không chỉ đối với nước Mỹ.
| Quan chức Nhà Trắng: Kinh tế Mỹ có thế tăng trưởng 20% trong nửa cuối năm 2020, bắt đầu hồi phục hình chữ V TGVN. Cố vấn Kinh tế của Tổng thống Mỹ Larry Kudlow ngày 26/7 (giờ địa phương) cho biết, kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng 20% trong ... |
| Kinh tế thế giới nổi bật tuần qua (16/7-22/7): Tương lai bấp bênh giá vàng tăng vọt, Mỹ muốn trả đũa, Ông Tập gửi 'liều thuốc' trấn an nhà đầu tư TGVN. Kinh tế thế giới đang "gồng mình" trên con đường phục hồi đầy bấp bênh, hàng loạt yếu tố đang hỗ trợ để giá vàng tăng vọt. Mỹ ... |
| Giới chức Fed lo ngại về triển vọng phục hồi của kinh tế Mỹ TGVN. Các quan chức Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) ngày 8/7 đã làm dấy lên những nghi ngại mới về triển vọng phục ... |