Kinh tế Mỹ: Điểm bất thường đến kỳ lạ, suy thoái hay chưa suy thoái, ‘sóng thần’ có thể xảy ra? (Nguồn: Newsweek) |
Suy thoái hay chưa suy thoái?
Đầu năm 2022, giữa các đơn đặt hàng vẫn còn đang bị tồn đọng từ Giáng sinh năm trước, nhưng nhu cầu liên tục tăng cao và các dòng sản phẩm đến từ khắp nơi trên thế giới nhanh chóng được cải thiện, hàng hóa tràn vào Mỹ trong 3 tháng đầu năm với tốc độ kỷ lục 3,4 nghìn tỷ USD.
Đó là tin tốt, là bằng chứng cho thấy người tiêu dùng Mỹ cảm thấy thoải mái khi xuất tiền khỏi hầu bao, trong khi chuỗi cung ứng toàn cầu đã phần nào được chữa lành sau nhiều tháng gián đoạn do đại dịch Covid-19.
Nhưng chính điều này cũng gây ra một trong những cú sốc lớn nhất từ trước đến nay, khi nhập khẩu là yếu tố dẫn đầu trong GDP của Mỹ, khiến có vẻ như nền kinh tế số 1 thế giới đang ốm yếu hơn so với một thế giới bên ngoài đang dần trở lại bình thường.
Công cụ đo đường tăng trưởng GDPNow của chi nhánh Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tại Atlanta cho thấy, sản lượng kinh tế Mỹ trong quý I/2022 giảm 1,6%. Con số này cũng được tính toán trong bối cảnh về sự mơ hồ về tương lai của một chuỗi cung ứng, hiện đang dẫn đến một cuộc tranh luận nhạy cảm về mặt chính trị, rằng liệu nền kinh tế Mỹ có đang trên bờ vực suy thoái hay không? khi GDP quý II/2022 được công bố vào tuần tới, có thể lại âm.
Và theo một nguyên tắc chung, GDP tăng trưởng âm trong hai quý liên tiếp, có nghĩa là nền kinh tế Mỹ đã rơi vào suy thoái.
Tuy nhiên, số liệu trên vẫn còn khác xa so với các tiêu chuẩn chính thức mà các nhà kinh tế sử dụng, đặc biệt là khi yếu tố tuyển dụng - cơ sở quan trọng nhất, vẫn còn tương đối mạnh mẽ. Một cuộc thăm dò gần đây của Reuters cho thấy, các nhà kinh tế đã nâng cao khả năng suy thoái của kinh tế Mỹ trong năm tới lên 40%, nhưng phải đi kèm điều kiện tỷ lệ người lao động mất việc - điều khó có thể xảy ra trong lúc này.
Nhưng số liệu GDP đang phản ảnh gì về sức khỏe của nền kinh tế lớn nhất thế giới trong lúc này và liệu các biện pháp tính toán khác có thể phản ánh tốt hơn những gì đang xảy hay không?
Nhiều nhà kinh tế và các nhà hoạch định chính sách có chung quan điểm rằng, GDP của Mỹ âm trong quý đầu tiên "bị nhiễu" do những tác động sau đại dịch Covid-19, khiến khó có thể phân biệt rõ ràng các tín hiệu kinh tế. Con số quý II được kỳ vọng sẽ phản ánh các bằng chứng chắc chắn hơn về sự suy giảm thực tế.
Suy thoái kỹ thuật sẽ biến thành suy thoái toàn diện?
Những xôn xao về viễn cảnh nền kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái ngày càng gia tăng. Nhiều chuyên gia đã chia sẻ nhận định một cách tự tin rằng, nền kinh tế Mỹ sẽ sớm rơi vào suy thoái khi Fed càng thắt chặt chính sách tiền tệ mạnh mẽ vào thời điểm lạm phát gia tăng, chi phí năng lượng leo thang và tác động mạnh mẽ từ xung đột Nga-Ukraine đang làm suy giảm niềm tin.
Manu Bhaskaran, CEO của Trung tâm nghiên cứu Centennial Asia Advisors (Singapore), lưu ý suy thoái kinh tế không chỉ đơn thuần là sự sụt giảm của GDP như một số nhà phân tích chỉ ra, mà còn phản ánh thực trạng sâu xa hơn. Đó là sự suy giảm về thu nhập, việc làm, sản xuất công nghiệp và dịch vụ kéo dài và lan rộng trên phần lớn nền kinh tế. Ông cho rằng, sự suy thoái với tính chất như vậy không phải là kịch bản đối với Mỹ.
Đúng là có “những làn gió ngược” tác động làm chậm tăng trưởng kinh tế Mỹ, nhưng hiện chưa có bằng chứng thuyết phục cho thấy sự suy thoái kỹ thuật sẽ biến thành một cuộc suy thoái toàn diện.
Theo vị chuyên gia này, diễn tiến suy thoái của nền kinh tế Mỹ có thể hình dung như sau, Fed đang tiến hành thắt chặt chính sách tiền tệ cực kỳ quyết liệt khi tăng lãi suất nhanh chóng và mạnh mẽ kết hợp với việc giảm đáng kể thanh khoản trong hệ thống tài chính. Kể từ những năm 1950, các mô hình thắt chặt này thường kết thúc bằng các cuộc suy thoái, lịch sử này làm dấy lên lo ngại từ những nhà phân tích lạc quan nhất.
Thế giới đang trải qua cú sốc về giá năng lượng với mức độ chưa từng thấy trong nhiều thập kỷ và kéo theo là giá cả từ thực phẩm đến nguyên liệu sản xuất cũng tăng chóng mặt. Những yếu tố này ảnh hưởng trực tiếp tới túi tiền của người tiêu dùng, họ sẽ thận trọng hơn trong việc chi tiêu, trong khi các công ty buộc phải cắt giảm sản lượng vì chi phí nhiên liệu, năng lượng cao hơn đáng kể, có thể khiến một số hoạt động kém lợi nhuận.
Cùng với đó, những mâu thuẫn địa chính trị và tác động đối với nền kinh tế rất khó đoán định càng gia tăng sự bất ổn lên các doanh nghiệp.
Một số lo ngại này đã thành hiện thực khi có bằng chứng về niềm tin bị tổn hại và một số dấu hiệu cho thấy nhu cầu ở Mỹ đang chậm lại. Các cuộc khảo sát gần đây đã cho thấy sự suy giảm đáng kể về niềm tin người tiêu dùng. Chỉ số về tâm lý người tiêu dùng đã giảm mạnh trong tháng Sáu, xuống mức thấp kỷ lục 50 từ mức 58,4 trong tháng trước đó, theo Đại học Michigan (Mỹ).
Cuộc khảo sát của Ủy ban Hội nghị Mỹ về các CEO cho thấy sự sụt giảm niềm tin kinh doanh trong điều kiện kinh tế hiện tại. Chỉ số Lạc quan doanh nghiệp nhỏ NFIB trong tháng Năm cũng duy trì ở mức thấp nhất trong nhiều năm qua.
Tuy nhiên, song hành cùng với những lo ngại này là một số tín hiệu lạc quan. Điểm thực sự quan trọng cần lưu ý là chi tiêu thực tế không phù hợp với sự sụt giảm niềm tin. Chi tiêu của người tiêu dùng thực tế ở Mỹ đã tăng đều đặn trong suốt tháng Tư, ngay cả khi niềm tin của họ đang giảm sút nghiêm trọng. Điều này có ý nghĩa, thị trường lao động đang phát triển và việc làm dồi dào, phản ánh thực tế các hộ gia đình đang tận hưởng mức tăng thu nhập giúp duy trì chi tiêu.
Hơn nữa, việc chi tiêu ít hơn hơn trong đại dịch Covid-19 đã mang lại khoản tiền tích lũy trị giá khoảng 2.000 tỷ USD trong các hộ gia đình. Khoản ngân sách này đang hỗ trợ cho chi tiêu của người tiêu dùng ngay cả khi đối mặt với chi phí sinh hoạt cao hơn.
Đáng lưu ý, đầu tư thực tế của các doanh nghiệp đang được duy trì khá tốt. Đơn đặt hàng hàng hóa lâu dài được duy trì đều đặn, tăng 12% so với cùng kỳ vào tháng 5/2022. Trong thời gian này, thước đo Đơn đặt hàng hóa lâu bền lõi đã tiếp tục tăng trong những tháng qua bất chấp bất ổn tài chính, chính trị và niềm tin kinh doanh giảm.
Tỷ lệ thuê nhân công của các doanh nghiệp đang ở mức ấn tượng. Vào tháng Năm, số việc làm phi nông nghiệp đã tăng thêm đáng kể với 390.000 việc làm mới. Việc mở rộng biên chế nhanh chóng đã đưa tổng số việc làm gần đến mức trước đại dịch. Đây giống như cuộc bỏ phiếu tín nhiệm đối với nền kinh tế. Tín hiệu lạc quan này sẽ tạo ra thị trường lao động mạnh mẽ với tỷ lệ thất nghiệp thấp.
Ngoài ra, một số tín hiệu cho thấy, các liên đoàn lao động đang giành được ảnh hưởng đáng kể đối với các nhà tuyển dụng. Giành thắng lợi trong một số cuộc chiến pháp lý, rất có khả năng người lao động sẽ đàm phán thành công các mức lương tốt hơn trong những tháng tới, góp phần làm cho mức lương thực tế cao hơn.
Vấn đề đặt ra hiện nay là liệu các công ty có đặt cược lớn vào tương lai nếu điều kiện thực sự tồi tệ như những gì họ chia sẻ trong các cuộc khảo sát?
Đúng, một số khoản đầu tư đã bị kìm hãm do các vấn đề của chuỗi cung ứng hoặc từ sự không chắc chắn do đại dịch gây ra. Nhưng khi đại dịch cơ bản được kiểm soát, nhu cầu mới bị dồn nén có thể sẽ được giải phóng.
Một trong những lý do thuyết phục nhất đó là nhiều công nghệ mới thú vị mang lại lợi nhuận đáng kể. Những tiến bộ trong lĩnh vực điện toán và truyền thông đã mở ra những khả năng mới trong một loạt các lĩnh vực như robot, trí tuệ nhân tạo và điện toán đám mây, do đó thúc đẩy nhu cầu về chất bán dẫn và thiết bị sản xuất chất bán dẫn.
Đầu tư hiện cũng đang được kích thích bởi sự tiến bộ trong lĩnh vực năng lượng Mặt Trời và năng lượng gió cũng như phạm vi mở rộng để thương mại hóa những tiến bộ trong khoa học y sinh và vật liệu mới. Với quá nhiều tiến bộ kỹ thuật, đặt các nhà đầu tư vào tình thế không thể lùi bước, hoặc chớp ngay thời cơ hoặc sớm bị đối thủ khai tử.
Chính vì vậy, các chuyên gia tại Centennial Asia Advisors tin rằng, đầu tư sẽ được duy trì tốt hơn so với dự kiến.
Thêm vào đó, suy thoái là hệ quả khi sự suy giảm trong nền kinh tế được khuếch đại bởi các lỗ hổng khác, chẳng hạn như sự sụp đổ bất động sản hoặc căng thẳng tài chính làm ảnh hưởng đến khả năng cung cấp tín dụng trong hệ thống. Những sự mất cân đối này dường như không xuất hiện trong nền kinh tế Mỹ. Hơn nữa, có những yếu tố đối kháng cũng đang mang lại một số hỗ trợ cho nền kinh tế.
Từ những diễn biến trên, chuyên gia Manu Bhaskaran kết luận, một cuộc suy thoái chỉ có thể xảy ra nếu có những cú sốc nghiêm trọng hơn có thể ảnh hưởng đến đầu tư hoặc khiến giá năng lượng tăng cao hơn nhiều. Một rủi ro khác là nếu nền kinh tế Trung Quốc không thể phục hồi như mong đợi từ tình trạng bất ổn gần đây. Nhiều thông số hiện tại đang cho thấy nền kinh tế Mỹ sẽ giảm tốc, nhưng không phải là suy thoái.
| Nga quyết mở cửa Biển Đen, gỡ nút thắt khủng hoảng lương thực, Ukraine chỉ việc xuất hàng? Biển Đen - nút thắt của cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu. Điều gì xảy ra nếu lệnh phong tỏa Biển Đen được dỡ ... |
| Nga-Ukraine: Bằng cách nào bám trụ ở Nga, doanh nghiệp mở ‘chiến dịch tung hỏa mù, án binh' chờ thời Trường Quản lý Yale của Mỹ mới đây công bố thông tin rằng, nhiều doanh nghiệp quốc tế vẫn đang nói không đúng sự thật ... |