📞

Kinh tế Nga: Người dân ít sắm hàng xa xỉ; Ruble chông chênh, bộc lộ rắc rối

Linh Chi 17:15 | 17/07/2023
Doanh số bán ô tô đi xuống, thặng dư tài khoản vãng lai lao dốc, đồng Ruble rơi tự do... là tín hiệu bộc lộ những rắc rối của nền kinh tế Nga.
Nền kinh tế Nga bộc lộ khó khăn. (Nguồn: Ukrinform)

Khó khăn của nền kinh tế Nga đã tăng lên gấp bội kể từ chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine vào đầu năm ngoái. Xung đột đã gây ra một làn sóng trừng phạt chưa từng có tiền lệ từ phương Tây đối với nền kinh tế lớn thứ tám thế giới. Nga hiện là quốc gia bị trừng phạt nhiều nhất trên thế giới, vượt qua Iran và Triều Tiên.

Ngành năng lượng Nga dường như chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, khi nguồn thu từ dầu và khí đốt giai đoạn 5 tháng đầu năm 2023 chỉ bằng gần một nửa so với cùng kỳ năm trước, do giá dầu thấp hơn và khối lượng xuất khẩu khí đốt tự nhiên giảm.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng dự đoán, nền kinh tế của đất nước chỉ tăng trưởng 0,7% trong năm nay.

Về phía Nga, mới đây, Tổng thống Vladimir Putin cho biết, nền kinh tế đang hoạt động tốt hơn mong đợi. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) dự kiến tăng trưởng hơn 2% và kiểm soát lạm phát tốt.

Dù vậy, dưới đây là ba vấn đề chứng minh rằng, những rắc rối đang tồn tại trong nền kinh tế này.

Người Nga mua ít ô tô hơn

Ngành công nghiệp ô tô của Nga là một phần của nền kinh tế đang bị siết chặt bởi khoảng 11.000 lệnh trừng phạt.

Số liệu Insider thu thập được cho thấy rằng, doanh số bán ô tô ở Moscow đã giảm gần 75% kể từ khi chiến dịch quân sự tại Ukraine bắt đầu. Sự suy giảm đã được thúc đẩy bởi sự kết hợp của ba yếu tố: Giá cả tăng cao, nguồn cung giảm và tâm lý người tiêu dùng xấu đi.

Những hạn chế về kinh tế và áp lực chính trị đã khiến nhiều nhà sản xuất ô tô gặp khó khăn trong việc tiếp tục hoạt động tại Nga trong năm 2022.

Điều này đã khiến các nhà sản xuất ô tô của Mỹ, châu Âu và Nhật Bản rút lui khỏi thị trường này hoặc tạm dừng giao xe và linh kiện, ngừng sản xuất ở nước này vô thời hạn.

Nhà nghiên cứu Steven Tian tại Đại học Yale (Mỹ) nói: “Người Nga đang mua ít ô tô hơn. Đây gần như là một dấu hiệu cho thấy tâm lý của người tiêu dùng đang xấu đi".

Không chỉ thế, số lượng người Nga mua ô tô mang nhãn hiệu nước ngoài - thường được coi là mua hàng xa xỉ - gần như chững lại. Thay vào đó, người tiêu dùng đang mua những chiếc xe có nguồn gốc địa phương.

Thặng dư tài khoản vãng lai giảm mạnh

Một dấu hiệu khác cho thấy nền kinh tế Nga đang gặp khó là sự sụt giảm nghiêm trọng trong cán cân tài khoản vãng lai.

Quý II/2023, Ngân hàng trung ương của Moscow đã công bố thặng dư tài khoản vãng lai giảm 93% so với cùng kỳ. Như vậy, thặng dư tài khoản vãng lai đã giảm từ mức kỷ lục 76,7 tỷ USD xuống còn 5,4 tỷ USD.

Các báo cáo tài chính khó khăn cho thấy, các biện pháp trừng phạt của phương Tây tác động tương đối lớn đến nền kinh tế lớn thứ tám thế giới.

Trong lĩnh vực năng lượng, xuất khẩu dầu khí của nước này đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi các lệnh cấm vận và giá trần của các nước phương Tây. Moscow kiếm được một phần lớn doanh thu từ việc bán các sản phẩm dầu khí, nhưng các hình phạt của phương Tây đã làm xói mòn nguồn thu nhập đó.

Vào tháng 6/2023, Bộ Tài chính Nga cho biết, doanh thu từ thuế dầu khí đã giảm 36% so với một năm trước, xuống còn khoảng 571 tỷ Ruble. Trong khi đó, lợi nhuận từ các sản phẩm dầu thô và dầu mỏ giảm 31%, xuống còn 426 tỷ Ruble.

Đồng Ruble rơi tự do

Thêm vào những rắc rối của Nga là đồng Ruble đang lao dốc. Đồng tiền của nước này đã giảm xuống mức thấp nhất trong 15 tháng là 94,48 so với đồng USD vào đầu tháng 7/2023. Trước đó, nội tệ Nga đã mất hơn 9% giá trị trong tháng 6/2023 và giảm khoảng 20% từ đầu năm 2023 đến nay.

Những lo ngại về sự biến động của tiền tệ đã thúc đẩy một làn sóng người dân trong nước rút tiền khỏi ngân hàng trung ương của đất nước. Số tiền lên tới hơn 1 tỷ USD. Làn sóng này chủ yếu do cuộc binh biến của tập đoàn quân sự tư nhân Wagner tiến hành đã tác động đến các thị trường.

Các biện pháp kiểm soát vốn đã giúp hỗ trợ đồng Ruble suốt 16 tháng kể từ khi Nga mở chiến dịch quân sự tại Ukraine. Tháng 6/2022, có thời điểm đồng tiền này còn lên đỉnh bảy năm so với USD. Khi đó, 50 Ruble đổi được một USD.

Đồng tiền suy yếu đã khiến nước này phải thực hiện các bước đi mạnh mẽ. Mới đây, Bộ Ngoại giao Nga đang tiếp cận các quốc gia Đông Nam Á về việc chuyển đổi sang các đồng tiền quốc gia trong thương mại để loại bỏ các giao dịch bằng USD và Euro.

(theo Business Insider)