📞

Kinh tế Nhật Bản sẽ vượt ra khỏi tác động xấu từ xung đột Nga-Ukraine bằng cách nào?

Minh Anh 08:00 | 01/05/2022
IMF vừa cắt giảm triển vọng tăng trưởng kinh tế Nhật Bản năm 2022 xuống 2,4%, so với dự báo trước đó là 3,3%, với lý do về những rủi ro gia tăng bắt nguồn từ xung đột Nga-Ukraine.
Những tòa nhà chọc trời ở khu thương mại Marunouchi của Tokyo, Nhật Bản. (Nguồn: Mainichi)

Hiệu ứng xấu từ xung đột Nga-Ukraine

Xung đột Nga-Ukraine leo thang gây ra những rủi ro đáng kể cho nền kinh tế Nhật Bản thông qua tác động tới giá cả hàng hóa, hiệu ứng lan truyền về tài chính và thương mại, gián đoạn chuỗi cung ứng và nhiều yếu tố khác, Báo cáo mới nhất của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) chỉ rõ.

Báo cáo được đưa ra dựa trên tham vấn giữa IMF và các nhà chức trách Nhật Bản, tái khẳng định rằng, sự phục hồi của nền kinh tế lớn thứ ba thế giới từ suy thoái do đại dịch Covid-19 gây ra dự kiến sẽ tiếp tục trong năm nay, thông qua hỗ trợ chính sách tài khóa mạnh mẽ và tiến độ ổn định trong việc triển khai tiêm vaccine Covid-19.

Tổ chức có trụ sở tại Washington cho biết, việc điều chỉnh này phản ánh sự suy giảm ngay trong quý đầu tiên của năm 2022 và đã kết hợp các tác động trực tiếp từ cuộc xung đột Nga-Ukraine.

Theo đó, "tốc độ phục hồi nhu cầu trong nước sẽ bị chậm lại do giá hàng hóa cao và sự gia tăng bất ổn liên quan đến cuộc xung đột tại Đông Âu". Báo cáo của IMF cũng lưu ý rằng, nhu cầu bên ngoài sẽ bị ảnh hưởng nặng nề bởi căng thẳng địa chính trị, chủ yếu là do sự suy giảm mạnh, có thể xảy ra ở châu Âu.

Do quan hệ thương mại chặt chẽ của Nhật Bản với Trung Quốc, sự suy giảm mạnh hơn dự kiến của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới cũng gây ra rủi ro giảm đối với các nhu cầu bên ngoài.

Bởi vậy, theo IMF, chính sách tài khóa ngắn hạn của Nhật Bản nên "mau lẹ và linh hoạt", bao gồm việc lập kế hoạch dự phòng trong trường hợp xung đột Nga-Ukraine leo thang.

IMF cũng vừa cắt giảm dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm 2022 và 2023, sẽ chỉ đạt 3,6%, giảm lần lượt 0,8 và 0,2 điểm % so với mức dự báo được đưa ra hồi tháng 1/2022. Tăng trưởng trung hạn cũng sẽ giảm xuống mức 3,3% - thấp hơn so với mức trung bình 4,1% trong giai đoạn từ 2004 - 2013.

Trong bản Báo cáo Triển vọng kinh tế thế giới vừa công bố, IMF nhận định, tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ suy yếu trong cả năm nay và năm 2023, trong khi lạm phát tiếp tục ở mức cao. Bên cạnh những bất ổn gây ra bởi đại dịch Covid-19 và sự đứt gãy chuỗi cung ứng, xung đột Nga-Ukraine được coi là rủi ro chính, ảnh hưởng sâu rộng đến nền kinh tế toàn cầu. Trong đó có tác động rất mạnh từ các lệnh trừng phạt kinh tế lớn đối với Nga từ Mỹ, châu Âu và các đồng minh, bao gồm cả Nhật Bản.

IMF đã kêu gọi các quốc gia cần sẵn sàng đối phó với tác động từ cuộc xung đột thông qua ba kênh chính - giá hàng hóa cao hơn sẽ đè nặng lên nhu cầu, khó khăn ở các nền kinh tế láng giềng do gián đoạn thương mại; sự gia tăng người tị nạn và niềm tin kinh doanh giảm cùng với sự không chắc chắn cao hơn của các nhà đầu tư.

Nga là một trong những nhà sản xuất dầu hàng đầu thế giới và là quốc gia xuất khẩu khí đốt tự nhiên lớn nhất thế giới vào năm 2021, theo dữ liệu của chính phủ Mỹ. Nga và Ukraine đều là những nhà sản xuất hàng hóa lớn, chiếm tới 30% tổng lượng lúa mì xuất khẩu của thế giới.

Trong bản cập nhật báo cáo Triển vọng kinh tế thế giới hồi tháng 1, IMF đã điều chỉnh tăng dự báo tăng trưởng hàng năm của Nhật Bản cho năm 2022 thêm 0,1 điểm phần trăm, lên 3,3%, sau khi triển khai các biện pháp kích thích tài khóa bổ sung. Khi đó, IMF cũng dự báo tăng trưởng toàn cầu trong năm nay là 4,4%, với cảnh báo về sự gián đoạn liên quan đến đại dịch Covid-19 và lạm phát đang đè nặng lên hai nền kinh tế hàng đầu thế giới là Mỹ và Trung Quốc.

Trong khi đó, trong báo cáo công bố mới nhất, IMF đã nâng dự báo tăng trưởng của Nhật Bản cho năm 2023 lên 2,3% so với ước tính trước đó là 1,8%.

Bứt tốc nhờ tiêu dùng cá nhân và gia tăng kim ngạch xuất khẩu

Trong báo cáo công bố cuối năm 2021, chính phủ Nhật Bản dự báo GDP thực tế sẽ tăng 2,6% trong tài khóa 2021 kết thúc vào tháng 3/2022 và 3,2% trong tài khóa 2022.

Kinh tế Nhật Bản có thể sẽ bứt tốc trong tài khóa 2022 nhờ sự phục hồi của tiêu dùng cá nhân và kim ngạch xuất khẩu tăng, sau khi sụt giảm kỷ lục 4,5% trong tài khóa 2020 do dịch bệnh Covid-19 bùng phát. Nền kinh tế Nhật Bản bắt đầu tăng trưởng trở lại vào mùa Thu năm 2021 nhờ những tiến bộ trong chương trình tiêm chủng và việc dỡ bỏ các biện pháp hạn chế vào đầu tháng 10.

Theo Văn phòng Nội các Nhật Bản, trong tài khóa 2022, chi tiêu tiêu dùng cá nhân, vốn chiếm hơn 50% quy mô của nền kinh tế nước này, có thể tăng 4%, trong khi chi tiêu vốn có thể sẽ tăng tới 5,1%. Kim ngạch xuất khẩu có thể cũng sẽ tăng 5,5% sau khi "bứt tốc" 11,4% trong tài khóa 2021 nhờ sự phục hồi của nền kinh tế toàn cầu.

Trong khi đó, các chuyên gia kinh tế tham gia cuộc thăm dò của Trung tâm Nghiên cứu kinh tế Nhật Bản (JCER) dự báo, GDP thực tế của Nhật Bản có thể tăng 3% trong tài khóa 2022. Một số chuyên gia nhận định, nền kinh tế nước này sẽ đặc biệt tăng trưởng mạnh mẽ trong nửa đầu năm 2022 nhờ các nhà hàng, quán bar và các cơ sở kinh doanh dịch vụ khác hoạt động bình thường trở lại và các chương trình kích thích kinh tế của chính phủ của Thủ tướng Fumio Kishida.

Vào tháng 11/2021, chính phủ Nhật Bản đã thông qua gói kích thích kinh tế khổng lồ, có tổng trị giá lên tới 78.900 tỷ Yen, lớn nhất từ trước tới nay. Thông qua gói kích thích này, chính quyền của Thủ tướng Kishida hy vọng sẽ đưa nền kinh tế Nhật Bản trở lại quỹ đạo tăng trưởng, đồng thời thực hiện cam kết của nhà lãnh đạo này trong chiến dịch tranh cử Hạ viện là tái phân bổ của cải xã hội thông qua việc tăng cường hỗ trợ cho các hộ gia đình và doanh nghiệp.

Mặc dù khá lạc quan về triển vọng của kinh tế Nhật Bản trong năm nay nhưng đa số chuyên gia đều cho rằng, các yếu tố cản trở đà phục hồi của nền kinh tế lớn thứ ba thế giới này trong năm 2021 sẽ không hoàn toàn biến mất trong năm 2022. Rủi ro đầu tiên có thể là sự lây lan của biến thể Omicron nếu nó thực sự nguy hiểm. Một rào cản tiềm tàng khác có thể tác động tới đà phục hồi của nền kinh tế Nhật Bản là tình trạng thiếu chip trên toàn cầu.

Vào mùa Hè năm ngoái, các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản đã phải cắt giảm sản lượng do sự gián đoạn của các chuỗi cung ứng ở Đông Nam Á và tình trạng thiếu hụt chip trên toàn cầu. Thời gian gần đây, sản lượng ô tô của nước này đang dần phục hồi. Mặc dù vậy, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, tốc độ phục hồi của ngành chế tạo ô tô có thể sẽ vẫn ở mức khiêm tốn trong năm nay vì nhu cầu chip toàn cầu có thể sẽ tiếp tục vượt xa nguồn cung ngay cả khi tình hình Covid-19 ở Đông Nam Á - trung tâm sản xuất chính của các nhà sản xuất ô tô - cải thiện.

Tổ chức World Semiconductor Trade Statistics dự báo, nhu cầu chip bán dẫn sẽ tăng 8,8% lên mức cao kỷ lục hơn 600 tỷ USD vào năm 2022 sau khi tăng tới 25,6% trong năm 2021. Tuy nhiên, theo MRI, năng lực sản xuất chip của Nhật Bản đã vượt mức trước đại dịch và còn rất ít dư địa để tăng thêm.

Cùng với sự khan hiếm nguồn cung chip, sự giảm giá gần đây của đồng Yen là một vấn đề đau đầu khác đối với nền kinh tế Nhật Bản. Theo các chuyên gia, mặc dù các hãng chế tạo ô tô định hướng xuất khẩu và các công ty liên quan đến chip có thể hưởng lợi từ sự suy yếu gần đây của đồng Yen so với USD, nhưng việc Yen giảm giá sẽ tác động tiêu cực tới kinh tế Nhật Bản do nước này vẫn phải phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu như dầu thô.

Ngoài ra, một vấn đề đáng quan ngại khác của nền kinh tế Nhật Bản là lạm phát vẫn rất thấp, ngay cả khi chính phủ đã tung ra các gói kích cầu khổng lồ. Thống đốc Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BOJ) Haruhiko Kuroda dự báo lạm phát ở Nhật Bản sẽ chỉ tăng lên khoảng 1% vào giữa năm 2022, thấp hơn nhiều so với con số mục tiêu 2% của ngân hàng trung ương này. Tỷ lệ lạm phát nếu vẫn ở mức thấp sẽ gây khó khăn cho việc thực thi chính sách tiền tệ của BOJ.

(theo Kyodo)