Báo cáo nêu rõ, các tính toán đều cho thấy, nếu nền kinh tế không nhận được động lực tăng trưởng mới từ sự cải thiện yếu tố năng suất lao động tổng hợp, trong khi đó các nguồn lực cơ bản là vốn và lao động không có nhiều khả năng cải thiện đột biến, dẫn đến nhiều khả năng tăng trưởng khó thoát khỏi khuynh hướng suy giảm dài hạn.
Mặc dù một số dấu hiệu tích cực đã xuất hiện trong sản xuất từ cuối năm 2013 đến nửa đầu năm 2014, và dự kiến sẽ tiếp tục diễn biến tích cực hơn, nhưng tăng trưởng kinh tế vẫn chưa nhiều khả quan. Cho tới nay tăng trưởng vẫn dựa trên các yếu tố lao động và vốn, nên quyết tâm cải cách mạnh mẽ tổng thể nền kinh tế có ý nghĩa quyết định trong việc tái tạo khuynh hướng tăng trưởng cao. Việc cải cách sẽ mang lại những cải thiện trong chủ yếu trong hiệu quả sử dụng vốn (giảm chỉ số ICOR), tăng kỹ năng trong lao động, và đặc biệt là cải thiện nhân tố năng suất tổng hợp (TFP) thông qua sự chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo chiều sâu, ứng dụng khoa học công nghệ và mở rộng hợp tác quốc tế theo hướng đa dạng hóa và tăng cao chất lượng các mặt hàng xuất khẩu, nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Trong trường hợp không có các cải cách tích cực, kịch bản khả quan nhất có thể xảy ra khi các hiệp định thương mại lớn như TPP được thực hiện. Hiệp định thương mại tự do EU-Việt Nam phát huy hiệu lực. Xuất khẩu của Việt Nam tới các thị trường lớn như Mỹ, EU tăng nhanh. Khi đó, nền kinh tế kỳ vọng sẽ tăng trưởng bình quân trong khoảng 5,06-5,52%/năm trong giai đoạn 2016-2020. Tuy nhiên, trong kịch bản này, giả thiết yếu tố cải thiện nhân tố năng suất tổng hợp (TFP) phải tăng bình quân 3%/năm là một mức tăng rất cao. Để đạt mức này, bản thân nền kinh tế phải có những cải cách và thay đổi rất tích cực.
Trong Báo cáo, VEPR đưa ra ý kiến, để cải thiện tốc độ tăng trưởng và chất lượng của nền kinh tế, chắc chắn cần phải có quyết tâm cải cách thực sự mạnh mẽ quyết liệt nhằm tăng năng suất của toàn bộ nền kinh tế, tái cơ cấu nguồn lực theo hướng chất lương cao hơn. Cải cách thể chế kinh tế, hành chính có ý nghĩa quyết định. Ngoài ra, việc cải thiện nguồn nhân lực cho nền kinh tế và mở rộng thị trường xuất khẩu với mô hình liên kết quốc tế theo kiểu mới. Chỉ với những nỗ lực cải cách với cam kết cao, Việt Nam mới có hy vọng kiểm soát được mức tăng trưởng khoảng trên 6% (trong điều kiện bối cảnh quốc tế thuận lợi).
Minh Anh