Nếu nền kinh tế thế giới không trở lại bình thường vào năm 2022, thì thế giới cần phải chịu sự thay đổi đau đớn. (Nguồn: Minnews) |
Lạm phát và lạm phát…
Lewis Black – vị CEO nổi tiếng của Almonty Industries vừa đưa ra dự báo, năm 2022 sẽ tiếp tục là một năm khó khăn với lạm phát gây sốc, tắc nghẽn chuỗi cung ứng ngày càng trở nên tồi tệ hơn và mọi loại hàng hóa sẽ tăng giá khủng khiếp.
Mọi thứ sẽ chỉ trở nên tồi tệ hơn trước khi chúng trở nên tốt hơn, khi tỷ lệ lạm phát của nền kinh tế Mỹ đã tăng vọt lên mức cao nhất 30 năm là 6,2% vào tháng 10.
Black phân tích: "Lạm phát đã được tạo ra bởi giải pháp chống đỡ của nền kinh tế trước những ảnh hưởng nghiêm trọng của đại dịch Covid-19 là “ném tiền” vào thị trường. Cuối cùng, "số tiền khủng" được đưa vào lưu thông sẽ tạo ra lạm phát.
Hiện có một lượng lớn tiền đang trôi nổi. Điều này khá bất thường. Vì vậy, tình hình chắc chắn sẽ thúc đẩy lạm phát gia tăng mạnh trong một thời gian, ít nhất là trong ngắn hạn".
Người tiêu dùng sẽ là đối tượng bị tổn thương nhiều nhất vì lạm phát chỉ mới bắt đầu.
"Năm tới, bạn sẽ thực sự cảm nhận rõ được điều đó. Đó sẽ là một năm khó khăn. Có cả một thế hệ chưa bao giờ sống trong một môi trường lạm phát. Và tôi nghĩ nó sẽ gây sốc", Black nhận định. "Bạn sẽ thấy lạm phát thực sự tăng nhanh và sự leo thang của giá cả sẽ bắt đầu lan trên diện rộng".
Vào cuối những năm 1970, cách truyền thống để chống lại lạm phát là tăng lãi suất. Nhưng nếu Mỹ tăng lãi suất ngay bây giờ, họ sẽ không đủ khả năng trả lãi cho các khoản tiền đã vay. Vì vậy, họ đang bị kẹt giữa những "tảng đá". Đây là một tình huống rất khó khăn.
Hơn nữa, khả năng cao xảy ra các cuộc đình công trên quy mô lớn và gián đoạn chuỗi cung ứng nghiêm trọng trên quy mô toàn cầu.
Lewis Black chia sẻ, ở châu Âu, các công đoàn sẽ đình công, yêu cầu tăng lương do lạm phát. Họ sẽ không đòi hỏi tăng lương giống mức lạm phát 2%, mà sẽ là 8%, 12%, 15%. Những mức tăng chi phí đó không bền vững đối với các ngành và lĩnh vực hiện tại.
Đình công khiến chuỗi cung ứng bị đe dọa, các nút thắt trong chuỗi cung ứng vì thế cũng sẽ không sớm được nới ra, ngay cả khi nước Mỹ đã thông qua gói cơ sở hạ tầng mới.
CEO của Almonty Industries dự báo, sự tắc nghẽn của chuỗi cung ứng có thể kéo dài từ 3 đến 4 năm. Thậm chí, vị chuyên gia này còn nhận định, gói cơ sở hạ tầng mới có thể khiến mọi thứ tồi tệ hơn, khi làm tăng nhu cầu về vật liệu, gián tiếp đẩy lạm phát hơn nữa.
Kinh tế toàn cầu có thể trở lại bình thường vào năm 2022?
Trong suốt năm 2021, các ngân hàng trung ương và hầu hết các nhà kinh tế đều cho rằng, các yếu tố khiến lạm phát tăng và tăng trưởng chậm lại sẽ chỉ là tạm thời. Các nút thắt trong chuỗi cung ứng sẽ dần được tháo gỡ, giá năng lượng sẽ giảm trở lại và lao động ở các nước phát triển sẽ quay trở lại với công việc.
Nhưng những ngày cuối cùng của năm 2021 cũng đã chuẩn bị khép lại, công chúng và thậm chí chính các ngân hàng trung ương bắt đầu mất dần niềm tin. Trong khi đó, các nhà hoạch định chính sách đang phải đối mặt với tình thế tiến thoái lưỡng nan.
Trong các giáo trình về kinh tế, biện pháp ứng phó với lạm phát do gián đoạn nguồn cung là phớt lờ và để lạm phát tự biến mất.
Nhưng câu hỏi được đặt ra ở hiện tại là, tại sao lại phải gây thiệt hại cho các nền kinh tế bằng việc tăng lãi suất, trong khi việc này không giúp mở cửa các cảng biển, tạo ra nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên mới hoặc khiến đại dịch chấm dứt?
Năm 2011, lạm phát ở Anh đã tăng lên 5,2% do giá hàng hóa tăng, nhưng Ngân hàng Trung ương Anh vẫn quyết định giữ lãi suất ở mức thấp.
Nhưng tại khu vực đồng Euro, Ngân hàng Trung ương châu Âu đã tăng lãi suất, giúp đưa nền kinh tế của khu vực này vượt suy thoái và giảm lạm phát về mức thấp hơn mức mục tiêu. Giải pháp này cũng đang được kỳ vọng sẽ đưa lạm phát năm 2022 có thể về mức chấp nhận được, bất chấp những ảnh hưởng lớn từ giá năng lượng tăng cao phi mã.
Tuy nhiên, những thiệt hại trong thương mại toàn cầu vào năm 2021 không chỉ do nguồn cung bị gián đoạn, nhưng nhu cầu tăng cao cũng là yếu tố đang tác động mạnh đến nguồn cung. Kích thích tài chính tiền tệ ồ ạt, kết hợp với giãn cách xã hội, đã khiến người tiêu dùng tăng mua sắm hàng hóa, từ máy chơi game đến giày quần vợt.
Vào mùa Hè năm 2021, chi tiêu của người Mỹ cho vật dụng thể thao cao hơn 7% so với trước đại dịch. Ở các quốc gia khác cũng xảy ra tình trạng thiếu hụt hàng hóa do nhu cầu tăng cao bất thường.
Để nền kinh tế thế giới trở lại bình thường, người tiêu dùng cần chi tiêu nhiều hơn cho các dịch vụ như ăn uống tại nhà hàng và du lịch.
Các nền kinh tế đang rơi vào tình trạng thiếu lao động, trong đó, đặc biệt nghiêm trọng đối với các ngành dịch vụ phát triển, dù cho tiền lương trong lĩnh vực giải trí và khách sạn nghỉ dưỡng đang tăng vọt.
Nhiều nhà kinh tế hy vọng, người lao động sẽ quay trở lại làm việc khi các gói hỗ trợ khẩn cấp cho thị trường lao động, như các chương trình trợ cấp và bảo hiểm thất nghiệp kết thúc. Tuy nhiên, đến nay, vẫn có rất ít người trở lại thị trường lao động.
Để lạm phát chỉ là tạm thời như nhận định của Fed và một số ngân hàng trung ương lớn khác, tăng trưởng tiền lương cũng như tăng giá có lẽ cần phải giảm xuống. Tuy hiên, một số nhà hoạch định chính sách tiền tệ đang bắt đầu lo sợ điều ngược lại rằng, tăng trưởng tiền lương tiếp tục tăng khi người lao động kỳ vọng lạm phát cao hơn.
Các nước giàu có đã không còn chứng kiến vòng xoáy giá cả tiền lương kể từ những năm 1970. Nhưng nếu kỳ vọng lạm phát tăng cao chứng tỏ khả năng tự thực hiện, nhiệm vụ của các ngân hàng trung ương sẽ đột nhiên khó khăn hơn nhiều. Họ sẽ không thể giữ lạm phát ở mức mục tiêu mà không phải hy sinh việc làm.
Các thị trường mới nổi đã quen với sự đánh đổi giữa tăng trưởng và lạm phát, nhưng các nước phát triển chưa từng gặp khó khăn khi giải quyết vấn đề này từ nhiều thập kỷ trước.
Trong số các nước giàu có, Ngân hàng Trung ương Anh là cơ quan chặt chẽ nhất, để bảo toàn độ tin cậy cho mục tiêu lạm phát của mình, hơn là được đảm bảo bởi các điều kiện kinh tế cơ bản.
The Economist nhận định, các nhà hoạch định chính sách tiền tệ sẽ sớm hối hận với quyết định tăng lãi suất. Bởi lạm phát sẽ vẫn ở mức cao trong những tháng đầu năm 2022, trên thực tế phải mất khoảng một năm rưỡi để mức lãi suất cao có tác dụng đầy đủ đối với nền kinh tế.
Việc cắt giảm tài khóa sắp xảy ra ở nhiều quốc gia sẽ hạ nhiệt các nền kinh tế. Anh đã công bố các đợt tăng thuế lớn và Tổng thống Mỹ Joe Biden đang phải vật lộn để thông qua Quốc hội các dự luật chi tiêu lớn.
Và tốc độ tăng trưởng chậm hơn ở Trung Quốc, quốc gia đang phải vật lộn với sự suy thoái của thị trường bất động sản, có thể lan ra toàn cầu.
Trên hết mọi vấn đề, đại dịch chưa kết thúc. Sự lây lan của virus vẫn có thể phá vỡ nền kinh tế một lần nữa nếu khả năng miễn dịch suy giảm và các biến thể mới có thể đánh bại vaccine.
Nhưng khi các chuỗi cung ứng đang ở mức độ giới hạn, thế giới lại không thể lặp lại biện pháp duy trì tăng trưởng kinh tế bằng cách sử dụng các gói kích thích giúp tăng tiêu dùng hàng hóa. Thay vào đó, các ngân hàng trung ương sẽ phải cắt giảm chi tiêu với tỷ lệ cao hơn để tránh lạm phát quá mức.
Trong khi đó, phía cung của nền kinh tế đã thích ứng với các mô hình chi tiêu mới và tình hình hiện tại đã khác rất nhiều so với những gì đã xảy ra trong những năm 2010. Việc dùng một chiêu thức cũ để đối phó với những thách thức mới có vẻ khó ổn.
Bởi vậy, nếu nền kinh tế thế giới không trở lại bình thường vào năm 2022, thì thế giới cần phải chịu một sự thay đổi đau đớn.