📞

Kinh tế thế giới: Lại dấy lên hy vọng phục hồi những tháng cuối năm

Thu Nhi 13:00 | 01/10/2023
Các thị trường đang nổi lên của thế giới vừa trải qua một quý đầy thử thách, nhưng những dấu hiệu chưa chính thức cho thấy triển vọng tươi sáng về cuối năm.
Lại dấy lên những hy vọng phục hồi kinh tế thế giới những tháng cuối năm. Ảnh minh họa. (Nguồn: businesslive.com.za)

Căng thẳng Mỹ-Trung, cuộc xung đột ở Ukraine đã khiến đầu tư chuyển hướng sang các quốc gia có cùng quan điểm - một dấu hiệu cho thấy các công ty đang đặt cược vào địa chính trị.

Kỳ vọng chưa thành hiện thực

Trong bối cảnh đó, các thị trường mới nổi vừa kết thúc một quý nhiều biến động, khi nền kinh tế Trung Quốc lớn thứ hai thế giới sa sút, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng vọt và giá dầu tiệm cận mốc 100 USD/thùng, dẫn đến một sự sụt giảm tồi tệ nhất trong năm nay của các thị trường chứng khoán.

Cổ phiếu toàn cầu ghi nhận sự phục hồi trong phiên giao dịch 29/9. Tuy nhiên, trong quý III/2023, các thị trường chứng khoán đã chứng kiến 470 tỷ USD giá trị tài sản bị "bốc hơi" và hàng loạt các đồng tiền khác bị sụt giá, trong khi phí bảo hiểm rủi ro có sự bảo lãnh của nhà nước vẫn dao động ở mức cao nhất trong ba tháng.

Tính đến thời điểm hiện nay, có thể thấy rằng những kỳ vọng về sự phục hồi kinh tế của Trung Quốc vào đầu năm 2024 không còn nữa và hiệu quả vượt trội của các nền kinh tế mới nổi so với các thị trường phát triển không thành hiện thực.

Diễn biến mới

Các chuyên gia hiện đang quan sát những diễn biến sẽ xuất hiện trong quý IV/2023, để đưa ra những dự báo chính xác nhất về triển vọng thị trường năm 2024.

Theo nhận định của các chiến lược gia thuộc Citigroup, nền kinh tế Trung Quốc đang dần ổn định, giá dầu thô Brent nhiều khả năng sớm đạt đỉnh và sự tăng giá của đồng USD đã chậm lại, sau khi leo đỉnh của 10 tháng. Hơn nữa, dữ liệu chi tiêu tiêu dùng tại Mỹ yếu và thước đo lạm phát ưa thích của Fed tăng chậm hơn dự kiến làm dấy lên hy vọng rằng các nhà hoạch định chính sách tiền tệ Mỹ “đóng băng” ý định tăng lãi suất.

Xu hướng thị trường lao động Mỹ sẽ đóng vai trò quan trọng trong quyết sách về lãi suất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed). Tại đây, sự mạnh mẽ của thị trường lao động khi đối mặt với các đợt tăng lãi suất liên tiếp là một trong những điều bất ngờ trong năm nay, khiến kỳ vọng lạm phát tăng cao. Trong khi Fed tuyên bố giữ nguyên phạm vi mục tiêu lạm phát cơ bản ở ngưỡng 2%, khảo sát thị trường cho kết quả 12 trong số 19 quan chức Fed ủng hộ một đợt tăng lãi suất khác trước cuối năm 2023.

Sự biến động của lãi suất ở Mỹ và tỷ giá đồng USD tác động mạnh đến nền kinh tế toàn cầu, có thể ảnh hưởng lan sang các thị trường mới nổi dưới dạng một đợt bán tháo cổ phiếu khác. Mặc dù vậy, các nhà đầu tư hy vọng những dấu hiệu cạn kiệt gần đây trong đợt phục hồi tài sản của Mỹ tiếp tục diễn ra, tạo ra sự phục hồi trong quý 4.

Tại Trung Quốc, kể từ đầu tháng 2/2023, thị trường chứng khoán lao dốc đã làm “bốc hơi” 1.700 tỷ USD giá trị tài sản của các cổ đông. Tuy nhiên, các dữ liệu không chính thức cho thấy đã xuất hiện dấu hiệu phục hồi kinh tế. Trong đó, triển vọng lợi nhuận công nghiệp được cải thiện hứa hẹn mang lại nguồn doanh thu mới cho các doanh nghiệp.

(theo Bloomberg)