Nền kinh tế toàn cầu đang bước vào vùng nước đầy sóng gió khi bước sang năm 2023. (Nguồn: Bloomberg) |
2022 là một năm đầy sóng gió đối với kinh tế toàn cầu khi phải đối mặt với những tác động tồi tệ nhất của đại dịch Covid-19 đối với sức khỏe cộng đồng, chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine và các biện pháp hạn chế Covid-19 cứng rắn của Trung Quốc. Những vấn đề này khiến chuỗi cung ứng toàn cầu hỗn loạn, giá lương thực, năng lượng tăng vọt và lạm phát ở nhiều nền kinh tế đạt mức cao nhất trong 4 thập niên.
Sau một năm đầy biến động, nền kinh tế toàn cầu bước sang năm 2023 trong "vùng nước đầy sóng gió".
Chiến dịch quân sự đặc biệt của Tổng thống Nga Vladimir Putin ở Ukraine tiếp tục làm sôi động thị trường năng lượng và thực phẩm, trong khi đó, lãi suất tăng có nguy cơ "bóp nghẹt" quá trình phục hồi sau đại dịch vẫn còn mong manh.
Về mặt tích cực, việc Trung Quốc mở cửa trở lại sau ba năm thực hiện các biện pháp kiềm chế đại dịch nghiêm ngặt mang lại niềm tin cho sự phục hồi toàn cầu.
Lạm phát giảm, tăng trưởng chậm và suy thoái
Lạm phát dự kiến sẽ giảm trên toàn cầu vào năm 2023 nhưng vẫn ở mức cao.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự đoán, lạm phát toàn cầu sẽ đạt 6,5% vào năm tới, giảm từ mức 8,8% vào năm 2022. Các nền kinh tế đang phát triển vẫn phải đối mặt với lạm phát cao, ở mức 8,1% vào năm 2023.
Giảng viên kinh tế cấp cao Alexander Tziamalis tại Đại học Sheffield Hallam nhận định: “Có khả năng lạm phát sẽ vẫn cao hơn mức 2% - mức chuẩn của hầu hết các ngân hàng trung ương phương Tây. Năng lượng và nguyên liệu thô sẽ vẫn còn đắt đỏ trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, quá trình toàn cầu hóa đảo ngược một phần có nghĩa là hàng nhập khẩu đắt đỏ hơn và tình trạng thiếu lao động ở nhiều nước phương Tây dẫn đến chi phí sản xuất tăng vọt".
Song song với đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế thế giới chắc chắn sẽ chậm lại cùng với việc lãi suất tăng.
IMF ước tính rằng, kinh tế toàn cầu chỉ tăng trưởng 2,7% vào năm 2023, giảm từ mức 3,2% vào năm 2022.
Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) cũng dự báo, tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2023 sẽ ở mức 2,2%, so với mức 3,1% vào năm 2022.
"Tóm lại, điều tồi tệ nhất vẫn chưa đến và đối với nhiều người, năm 2023 sẽ giống như một cuộc suy thoái" - IMF nhận định. |
Nhiều nhà kinh tế bi quan hơn và tin rằng, suy thoái kinh tế toàn cầu có thể xảy ra vào năm 2023 - chỉ ba năm sau cuộc suy thoái do đại dịch Covid-19 gây ra.
Bà Zanny Minton Beddoes, Tổng biên tập Tạp chí The Economist đã vẽ nên một bức tranh ảm đạm về kinh tế thế giới qua một bài báo với tiêu đề: "Tại sao một cuộc suy thoái toàn cầu là không thể tránh khỏi vào năm 2023?"
Ngay cả khi nền kinh tế toàn cầu không rơi vào suy thoái về mặt kỹ thuật (hai quý tăng trưởng âm liên tiếp), IMF cũng cảnh báo rằng, bước sang năm 2023, ba nền kinh tế lớn nhất là Mỹ, Trung Quốc và khu vực đồng Euro sẽ tiếp tục chững lại.
IMF khẳng định: "Tóm lại, điều tồi tệ nhất vẫn chưa đến và đối với nhiều người, năm 2023 sẽ giống như một cuộc suy thoái".
Trung Quốc mở cửa trở lại và các vụ phá sản tăng thêm
Đầu tháng 12, Trung Quốc bắt đầu quá trình dỡ bỏ các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt vì Covid-19. Biên giới quốc tế của quốc gia này sẽ mở cửa trở lại từ ngày 8/1.
Việc mở cửa trở lại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sẽ tạo động lực mới cho sự phục hồi toàn cầu.
Sự phục hồi nhu cầu của người tiêu dùng Trung Quốc sẽ tạo động lực cho các nhà xuất khẩu lớn như Indonesia, Malaysia, Thái Lan và Singapore. Trong khi đó, việc dỡ bỏ các hạn chế mang lại sự cứu trợ cho các thương hiệu toàn cầu từ Apple và Tesla - vốn liên tục bị gián đoạn trong thời gian qua.
Năm 2020 và 2021, bất chấp tác động mạnh của đại dịch Covid-19 và các đợt phong tỏa, các vụ phá sản trên thực tế đã giảm ở nhiều quốc gia, một phần nhờ các gói kích thích lớn của chính phủ.
Ví dụ, tại Mỹ, 16.140 và 22.391 doanh nghiệp đã nộp đơn xin phá sản lần lượt vào năm 2021 và 2020.
Xu hướng đó dự kiến sẽ đảo ngược vào năm 2023, trong bối cảnh giá năng lượng và lãi suất tăng cao.
Công ty bảo hiểm tín dụng Allianz Trade ước tính, tỷ lệ phá sản trên toàn cầu sẽ tăng hơn 10% vào năm 2022 và 19% vào năm 2023.
Ông Tziamalis cho biết: “Đại dịch Covid-19 đã buộc nhiều doanh nghiệp phải vay các khoản vay lớn, làm trầm trọng thêm tình trạng phụ thuộc vào các khoản vay với lãi suất ưu đãi. Tuy nhiên, năm tới, những doanh nghiệp này sẽ gặp rủi ro lớn khi phải đối mặt với 'một cơn bão hoàn hảo' về lãi suất cao hơn, giá năng lượng cao hơn, nguyên liệu thô đắt hơn và chi tiêu tiêu dùng ít hơn".
Toàn cầu hóa... tăng tốc
Những nỗ lực nhằm đẩy lùi quá trình toàn cầu hóa đã tăng tốc trong năm nay và có vẻ sẽ tiếp tục tăng tốc vào năm 2023.
Sau cựu Tổng thống Trump, cuộc chiến thương mại và công nghệ Mỹ-Trung ngày càng sâu sắc dưới thời Tổng thống Mỹ Joe Biden.
Vào tháng 8, ông Biden đã ký Đạo luật CHIPS và khoa học bao gồm khoản trợ cấp hơn 50 tỷ USD cho hoạt động sản xuất chất bán dẫn - vốn được sử dụng trong mọi sản phẩm điện tử, từ ô tô và vũ khí công nghệ cao đến các thiết bị công nghệ, trò chơi điện tử.
Đạo luật này nhằm ngăn chặn việc xuất khẩu chip và thiết bị sản xuất tiên tiến sang Trung Quốc - một động thái nhằm kìm hãm sự phát triển của ngành công nghiệp bán dẫn của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và thúc đẩy khả năng tự cung tự cấp trong lĩnh vực sản xuất chip.
Ngoài ra, đạo luật cũng sẽ “rót” 200 tỷ USD trong 10 năm để thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học của Mỹ nhằm cạnh tranh tốt hơn với Trung Quốc. Tổng thống Biden kỳ vọng, đạo luật này sẽ giúp nước Mỹ giành thắng lợi trong cuộc cạnh tranh về kinh tế trong thế kỷ XXI.
Việc thông qua luật này chỉ là một ví dụ mới nhất về xu hướng ngày càng tăng từ tự do hóa thương mại và tự do hóa kinh tế sang chủ nghĩa bảo hộ và khả năng tự cung tự cấp.
| Những yếu tố nào sẽ định hình kinh tế thế giới năm 2023? Theo trang mạng abc.net.au, năm 2022 là một năm có nhiều thay đổi lớn, và có thể nói nền kinh tế thế giới đang trải ... |
| Khi năm 2022 đầy khó khăn sắp khép lại, không khó để hiểu vì sao các nhà đầu tư toàn cầu bước vào năm 2023 ... |
| Lạm phát tràn lan định hình kinh tế thế giới năm 2022 Viễn cảnh ảm đạm bao trùm kinh tế thế giới năm 2022 khi lạm phát tràn lan, Mỹ và các đồng minh châu Âu gia ... |
| Kinh tế thế giới năm 2023 còn tệ hơn? Trong một kịch bản cực đoan, nếu tất cả các yếu tố bất lợi xảy ra cùng lúc, sản lượng kinh tế toàn cầu sẽ ... |
| Các nhà phân tích tin rằng, Trung Quốc sẽ tiếp tục là động lực đáng tin cậy và quan trọng của tăng trưởng kinh tế ... |