Thị trường chứng khoán Mỹ bật tăng mạnh mẽ sau khi ông Donald Trump tái đắc cử Tổng thống. (Ảnh minh họa - Nguồn: Bloomberg) |
Kinh tế thế giới
Nhu cầu dầu toàn cầu có thể đạt đỉnh trong vòng 10 năm tới
Giám đốc điều hành hãng kinh doanh năng lượng Vitol lớn nhất thế giới, ông Russell Hardy, ngày 5/11 nhận định nhu cầu dầu toàn cầu có thể đạt đỉnh trong vòng 10 năm tới, giữa lúc tiêu thụ ngày càng tăng ở các nước đang phát triển bù đắp cho sự sụt giảm ở các nền kinh tế tiên tiến.
Ông Hardy đã nêu bật những khó khăn trong việc dự đoán chính xác nhu cầu dầu đạt đỉnh, đặc biệt do sự không chắc chắn xung quanh mức tăng trưởng tiêu thụ ở các nước đang phát triển. Doanh nhân này nói thêm: "Tốc độ chuyển đổi từ động cơ đốt trong sang các hình thức vận tải khác ở các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) sẽ là động lực quan trọng nhất. Chúng tôi tin rằng tăng trưởng nhu cầu ở khu vực ngoài OECD sẽ vượt xa sự sụt giảm nhu cầu trong OECD".
Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) mới đây dự báo nhu cầu thế giới về dầu, than và khí đốt sẽ đạt đỉnh vào năm 2030, trong bối cảnh nhu cầu sử dụng xe điện và năng lượng tái tạo ngày càng gia tăng. Cuộc tranh luận xung quanh nhu cầu dầu trong tương lai đã "nóng" lên trong những năm gần đây, với việc Tổ chức các nước xuất khẩu du mỏ (OPEC) có quan điểm đối lập với IEA.
Mỹ
* Thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm mạnh trong phiên giao dịch 6/11, với cả ba chỉ số chính đồng loạt đạt mức cao kỷ lục, sau khi ông Donald Trump được các hãng truyền thông lớn dự báo thắng cử trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ trước đó một ngày. Giá dầu thô đi xuống vì đồng USD tăng giá mạnh, dù giới đầu tư cho rằng chính sách đối ngoại của ông Trump có thể khiến nguồn cung dầu toàn cầu thắt lại.
Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones tăng 1.508,05 điểm, tương đương tăng 3,57%, chốt ở mức cao chưa từng thấy 43.729,93 điểm. Lần gần đây nhất chỉ số blue-chip này tăng hơn 1.000 điểm trong một phiên là vào tháng 11/2022.
Chỉ số S&P 500 tăng 2,53%, đạt mức cao nhất mọi thời đại 5.929,04 điểm. Chỉ số Nasdaq cũng lập kỷ lục mới, tăng 2,95%, chốt ở 18.983,47 điểm.
Tin liên quan |
Bầu cử Mỹ 2024: Cả ông Trump và bà Harris đều đánh vào ‘điểm ảnh’ chi tiết của nền kinh tế, người hiểu cảm xúc cử tri hơn sẽ chiến thắng |
* Hoạt động của ngành dịch vụ Mỹ đã bất ngờ tăng tốc trong tháng 10, đạt mức cao nhất trong hơn hai năm qua, cùng với sự cải thiện về việc làm. Đây là bằng chứng cho thấy nền kinh tế Mỹ đang trong trạng thái vững chắc.
Viện Quản lý Nguồn cung (ISM) ngày 5/11 cho biết chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) trong lĩnh vực phi sản xuất đã tăng từ mức 54,9 điểm của tháng Chín lên 56 điểm trong tháng trước. Đây là mức cao nhất kể từ tháng 8/2022. Chỉ số PMI trên 50 điểm cho thấy sự tăng trưởng trong lĩnh vực dịch vụ, vốn chiếm hơn hai phần ba nền kinh tế Mỹ. Trước đó, trong cuộc khảo sát của hãng tin Reuters, các chuyên giá kinh tế dự báo PMI dịch vụ sẽ giảm xuống 53,8 điểm.
Trung Quốc
* Thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC, ngân hàng trung ương) Phan Công Thắng đã cam kết duy trì chính sách tiền tệ phù hợp và tăng cường các điều chỉnh phản chu kỳ để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế của nước này.
Việc duy trì chính sách tiền tệ phù hợp và tăng cường các điều chỉnh phản chu kỳ sẽ tạo ra môi trường tiền tệ và tài chính lành mạnh cho tăng trưởng kinh tế ổn định và phát triển chất lượng cao. Ông Phan Công Thắng cũng nhấn mạnh việc cần phải chủ động phòng ngừa và xử lý rủi ro hệ thống tài chính bằng cách tăng cường giám sát quy định.
* Theo cuộc khảo sát của Reuters, xuất khẩu của Trung Quốc có thể tăng trưởng nhanh hơn trong tháng 10/2024, nhờ thời tiết thuận lợi và các chương trình giảm giá mạnh, dù các nhà sản xuất và các nhà xuất khẩu lớn khác báo cáo sự giảm sút trong nhu cầu toàn cầu.
34 nhà kinh tế tham gia cuộc khảo sát dự đoán trong tháng 10 xuất khẩu của Trung Quốc tăng 5,2% so với cùng kỳ năm ngoái, so với mức tăng 2,4% trong tháng 9. Trong khi đó, nhập khẩu của nước này trong tháng trước có thể đã giảm 1,5%, đảo ngược hoàn toàn so với mức tăng 0,3% của tháng 9.
Châu Âu
* Để đối phó với tình trạng trốn thuế và cạnh tranh không lành mạnh trong nền kinh tế số, Liên minh châu Âu (EU) vừa thông qua một loạt quy định mới về thuế giá trị gia tăng (VAT). Theo đó, các nền tảng trực tuyến như Airbnb, Uber sẽ phải chịu trách nhiệm thu và nộp thuế VAT đối với các dịch vụ mà họ cung cấp, giúp tạo ra sân chơi công bằng cho các doanh nghiệp truyền thống, trong khi tăng cường nguồn thu của EU.
Hôm 5/11, sau gần hai năm đàm phán, Hội đồng EU công bố rằng gói cải cách VAT đã được chấp thuận, nhằm khắc phục những bất cập trong việc thu thuế và hỗ trợ quá trình chuyển đổi số của các quốc gia châu Âu. Hội đồng ỳ vọng các quy định mới sẽ giúp ngăn chặn tình trạng thất thu VAT nghiêm trọng, khi năm 2021, các quốc gia thành viên đã thất thoát đến 61 tỷ euro do những lỗ hổng trong hệ thống thu thuế.
* Theo ước tính của Bloomberg dựa trên dữ liệu chính thức do chính phủ Nga công bố ngày 5/11, giá dầu thấp hơn và các khoản trợ cấp cho các nhà máy lọc dầu trong nước đã khiến doanh thu dầu mỏ của Nga trong tháng 10/2024 đạt 10,8 tỷ USD, giảm 29% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong tháng 10/2024, giá dầu quốc tế và giá dầu Urals, loại dầu chủ lực của Nga, đã giảm so với cùng kỳ năm 2023. Tình trạng này đã làm xói mòn doanh thu của Nga khi giá dầu Urals trung bình ở mức 63,57 USD/thùng, thấp hơn đáng kể so với mức 83,18 USD/thùng hồi tháng 10/2023.
* Báo Vedomosti dẫn số liệu của tập đoàn độc quyền khí đốt Nga Gazprom ngày 2/11 cho biết nguồn cung cấp khí đốt Nga cho các nước thành viên EU và Moldova, quá cảnh qua Ukraine, trong tháng 10/2024 đã tăng lên mức gần mức tối đa có thể về mặt kỹ thuật. Theo Gazprom, tổng cộng 1,31 tỷ m3 khí đốt đã được cung cấp qua tuyến đường này tới EU và Moldova trong tháng 10.
Khối lượng cung cấp khí đốt Nga trung bình hằng ngày qua hệ thống chuyển tải khí đốt (GTS) của Ukraine trong tháng trước ở mức 42,3 triệu m3 - tăng 5% so với cùng kỳ năm trước.
Trước đó, báo Thương gia cho biết LB Nga đã xuất khẩu 3,06 triệu tấn khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) trong tháng 10/2024, khối lượng kỷ lục kể từ đầu năm 2024 đến nay.
* Vương quốc Anh đang nhập khẩu lượng điện kỷ lục từ châu Âu để duy trì nguồn cung cấp điện bởi việc đóng cửa các nhà máy điện than và điện hạt nhân đã gây áp lực lên lưới điện quốc gia.
Lượng điện nhập khẩu tăng mạnh sau khi hai tuyến đường dây truyền tải mới giữa Anh và lục địa già được lắp đặt, làm tăng hơn 30% sản lượng điện nước ngoài có thể sử dụng ở Anh về mặt lý thuyết.
Theo dữ liệu do Cơ quan điều hành hệ thống năng lượng quốc gia (Neso) công bố, tổng lượng điện nhập khẩu ròng của Anh đạt kỷ lục mới 26,3 terawatt giờ từ tháng 1 đến tháng 9/2024. Con số này đã vượt mức 24,6 terawatt giờ đạt được cách đây ba năm.
Từ đầu năm đến nay phần lớn lượng điện nhập khẩu của Anh đến từ Pháp.
* Trái ngược với nhiều lo ngại trước đây, nền kinh tế Đức không bị ảnh hưởng bởi Đạo luật Giảm lạm phát (IRA) của Mỹ, theo kết quả nghiên cứu của Viện Kinh tế Đức (IW).
Phân tích của IW cho biết: “Nhiều lập luận và số liệu có sẵn cho đến nay cho thấy IRA thúc đẩy xuất khẩu của Đức hơn là gây thiệt hại”. Theo các nhà nghiên cứu của IW, mối lo ngại rằng các công ty Đức sẽ chuyển địa điểm sang Mỹ do các chương trình tài trợ hào phóng “vẫn chưa được minh chứng trên thực tế”.
Nhật Bản và Hàn Quốc
* Mới đây, Tập đoàn năng lượng khổng lồ của Nhật Bản - Iwatani thông báo đã hoàn thành việc chế tạo một chiếc thuyền chạy hoàn toàn bằng pin nhiên liệu hydro và sẽ để thuyền vận chuyển hành khách tại Triển lãm Osaka Kansai Expo 2025.
Đây sẽ là lần đầu tiên thuyền chạy bằng hydro được đưa vào hoạt động thương mại tại Nhật Bản.
Công ty sẽ tiến hành các hoạt động thử nghiệm và đặt mục tiêu đưa thuyền vào hoạt động trong thời gian diễn ra Triển lãm Osaka Expo 2025 khai mạc vào tháng 4/2025.
* Theo số liệu được Bộ Nông nghiệp, Thực phẩm và Nông thôn Hàn Quốc công bố ngày 5/11, tính đến tháng 10 năm nay, kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp của Hàn Quốc đã đạt mức cao kỷ lục, nhờ sự phổ biến của các sản phẩm thực phẩm chế biến trên toàn cầu.
Trong bối cảnh văn hóa giải trí Hàn Quốc ngày càng phổ biến trên toàn thế giới, từ tháng 1-10/2024, tổng kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp của Hàn Quốc, bao gồm cả hàng tươi và hàng chế biến, đạt 8,18 tỷ USD, tăng 8,7% so với cùng kỳ năm trước.
* Lạm phát của Hàn Quốc trong tháng 10/2024 đã giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 45 tháng, duy trì dưới 2% trong tháng thứ hai liên tiếp.
Trong tháng 10/2024, giá tiêu dùng, thước đo chính của lạm phát, đã tăng 1,3% so với cùng kỳ năm 2023. Đây là tháng thứ 2 liên tiếp lạm phát của Hàn Quốc dưới 2% sau khi chỉ tăng 1,6% trong tháng 9. Lạm phát trong tháng 10 đánh dấu mức tăng thấp nhất kể từ tháng 1/2021, khi giá tiêu dùng tăng 0,9%.
Lạm phát tiêu dùng ở Hàn Quốc đã duy trì dưới 3% kể từ tháng 4/2024 và lần đầu tiên giảm xuống dưới mức mục tiêu là 2% vào tháng 9.
Bộ Tài chính Hàn Quốc cho biết nước này dự kiến sẽ đạt được mục tiêu kiềm chế lạm phát năm 2024 ở mức 2,6%.
ASEAN và các nền kinh tế mới nổi
* Tổng thống Indonesia Prabowo Subianto ngày 5/11 đã ký quy định xóa nợ cho các cá nhân và doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSME) trong lĩnh vực nông nghiệp, đánh bắt cá và đồn điền. Biện pháp nhằm cải thiện khả năng tiếp cận các khoản vay mới cho các doanh nghiệp nhỏ trên cả nước.
Quy định này chỉ áp dụng cho các khoản vay từ các ngân hàng nhà nước. Việc xóa nợ sẽ áp dụng cho khoản nợ tối đa là 500 triệu Rp (31.595 USD) đối với các tổ chức kinh doanh và 300 triệu Rp đối với cá nhân. Việc áp dụng được xem xét đối với các MSME trong lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản và đồn điền gặp khó khăn như động đất, thiên tai và Covid-19.
* Ngành du lịch Thái Lan phục hồi mạnh mẽ với hơn 29 triệu lượt khách quốc tế đã tới thăm xứ sở chùa Vàng trong 10 tháng của năm nay, tạo ra doanh thu du lịch 1.350 tỷ Baht (39,59 tỷ USD).
Tính từ đầu năm đến ngày 3/11 vừa qua, 29.080.399 lượt du khách nước ngoài đã đến Thái Lan và họ đã chi khoảng 1.360 tỷ Baht trong thời gian lưu trú. Trong số du khách nước ngoài đến Thái Lan, dẫn đầu là du khách từ Trung Quốc (5.756.998 lượt), tiếp theo là Malaysia với 4.187.399 lượt, Ấn Độ (1.725.659 lượt), Hàn Quốc (1.539.516 lượt) và Nga (1.309.395 lượt).
* Bộ Lao động Thái Lan gần đây đã đặt mục tiêu xuất khẩu nhiều lao động Thái Lan hơn sang Singapore, đặc biệt là trong lĩnh vực đóng tàu.
Ngày 3/11, Bộ trưởng Bộ Lao động Thái Lan Phiphat Ratchakitprakarn, người vừa có chuyến công tác tới Singapore, cho biết có khoảng gần 4.000 lao động Thái Lan đang làm việc tại Singapore. Phần lớn những lao động này làm trong các ngành xây dựng, sản xuất, thợ hàn, tiếp viên hàng không, sản xuất linh kiện điện tử, thợ lắp ráp ống và lao động phổ thông.
Trong chuyến thăm tới Singapore, ông Phiphat đã có cuộc thảo luận với các quan chức và doanh nhân Singapore để tìm phương hướng mở rộng thị trường xuất khẩu lao động tại đảo quốc này.
| Bầu cử Mỹ 2024: Cả ông Trump và bà Harris đều đánh vào ‘điểm ảnh’ chi tiết của nền kinh tế, người hiểu cảm xúc cử tri hơn sẽ chiến thắng Các nhà kinh tế và người dân Mỹ dường như sống trong hai thực tế khác nhau - sự bất đồng quan điểm này cuối ... |
| Ông Trump tái đắc cử Tổng thống Mỹ, đây là điều Trung Quốc, châu Âu và phần còn lại của thế giới cần làm ngay Chiến thắng của ông Donald Trump trong cuộc bầu cử Mỹ năm 2024 và lời đe dọa áp thuế đối với tất cả hàng nhập ... |
| Bầu cử Mỹ 2024: Sẽ thế nào nếu ông Trump trở lại Nhà Trắng và áp thuế khủng? Kinh tế thế giới 'chịu đòn' Gần một thế kỷ trước, khi Mỹ tăng thuế đối với hầu hết hàng hóa nhập khẩu vào nước này, hậu quả đã rất nghiêm ... |
| Kinh tế thế giới nổi bật (25-31/10): Lãi suất ở Nga cao kỷ lục, Trung Quốc phản ứng mạnh với EU, Đức thoát suy thoái trong ‘gang tấc’ Châu Á là động lực tăng trưởng toàn cầu, Nga chống lạm phát tăng cao, Mỹ sẽ tiếp tục giảm lãi suất, Trung Quốc phản ... |
| Giá tiêu hôm nay 7/11/2024: Thị trường đang được điều chỉnh về đúng giá trị thật, khả năng bước vào chu kỳ tăng mới Giá tiêu hôm nay 7/11/2024 tại thị trường trong nước ổn định ở một số địa phương trọng điểm, giao dịch từ 140.000 - 141.000 ... |