📞

Kinh tế thế giới nổi bật (1-7/12): EU vẫn chưa thể đoạn tuyệt khí đốt Nga, Mỹ vững vị trí ‘ông lớn’ năng lượng, vốn FDI vào Đức tăng

Hải An 13:36 | 07/12/2023
Lượng khí tự nhiên hóa lỏng EU nhập từ Nga cao kỷ lục, Mỹ đang trên đà trở thành nước sản xuất và xuất khẩu khí đốt tự nhiên lớn nhất thế giới, Trung Quốc dừng xuất khẩu ure sang Hàn Quốc… là những tin kinh tế thế giới nổi bật tuần qua.
Tháng 11/2023, lượng khí đốt tự nhiên hóa lỏng của Nga xuất sang EU cao kỷ lục. (Nguồn: Gazprom)

Kinh tế thế giới

Ngành hàng không toàn cầu dự báo đón lượng khách kỷ lục

Trong báo cáo công bố ngày 6/12, Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA) cho biết, ngành hàng không toàn cầu phần lớn đã phục hồi sau đại dịch Covid-19, giai đoạn khiến các máy bay phải ngừng bay và hành khách ngần ngại lựa chọn phương tiện này. Nhu cầu bay hiện bùng nổ trên khắp các khu vực Bắc Mỹ, Trung Đông và châu Âu.

Theo IATA, lĩnh vực hàng không đã có lãi trở lại vào năm 2023 với lợi nhuận ròng dự kiến là 23,3 tỷ USD và tỷ suất lợi nhuận 2,6%. Năm 2024, ngành dự kiến đạt lợi nhuận ròng 25,7 tỷ USD và tỷ suất lợi nhuận 2,7%.

Tuy nhiên, trong khi doanh thu được dự đoán sẽ đạt mức kỷ lục 964 tỷ USD, chi phí đầu tư cao do lãi suất tăng đang gây lo ngại cho các hãng hàng không.

Người đứng đầu IATA, ông Willie Walsh, cho biết, trung bình các hãng hàng không sẽ chỉ giữ lại 5,45 USD thu được từ mỗi hành khách chuyên chở - một con số khá khiêm tốn nhìn từ góc độ của ngành này.

Số lượng khách du lịch trên toàn cầu dự kiến sẽ tăng lên mức cao lịch sử, với 4,7 tỷ lượt người dự kiến sẽ đi du lịch vào năm 2024 so với 4,5 tỷ hồi năm 2019.

Kinh tế Mỹ

* Mỹ đang trên đà trở thành nước sản xuất và xuất khẩu khí đốt tự nhiên lớn nhất thế giới trong năm nay, đồng thời là quốc gia xuất khẩu các sản phẩm tinh chế và khí đốt hóa lỏng hàng đầu.

Theo Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ, nước này đã sản xuất 13,2 triệu thùng dầu thô mỗi ngày trong tháng 9/2023 và là mức sản xuất hàng tháng cao nhất từ trước đến nay của đất nước này.

* Theo số liệu được Bộ Thương mại Mỹ công bố ngày 6/12, thâm hụt thương mại của nước này trong tháng 10/2023 đã tăng cao hơn dự báo do xuất khẩu giảm, khiến thương mại có thể trở thành lực cản đối với tăng trưởng kinh tế quý IV.

Thâm hụt thương mại của Mỹ trong tháng 10 đã tăng 5,1%, lên mức 64,3 tỷ USD, cao hơn mức dự báo của các nhà kinh tế tham gia khảo sát của Reuters đưa ra là 64,2 tỷ USD. Số liệu của tháng 9 cũng được điều chỉnh giảm với mức thâm hụt thương mại là 61,2 tỷ USD, thay vì 61,5 tỷ USD như báo cáo trước đó.

Kinh tế Trung Quốc

* Độ tuổi của người mua vàng tại Trung Quốc đang ngày càng trẻ. Một khảo sát người tiêu dùng Trung Quốc do hãng trang sức Chow Tai Fook thực hiện vào cuối tháng 10/2023 cho thấy, 70% số người tiêu dùng trong độ tuổi 18-40 có dự định mua vàng trang sức.

Trung Quốc lâu nay là nước tiêu thụ vàng trang sức nhiều nhất thế giới và các khách hàng thường có độ tuổi lớn hơn.

* Nguồn tin Chính phủ Hàn Quốc ngày 4/12 cho biết, Trung Quốc đã tạm dừng làm thủ tục hải quan đối với các lô hàng xuất khẩu ure sang Hàn Quốc từ ngày 3/12.

Hiện tại, Hàn Quốc đang cho rà soát lượng dự trữ và lưu kho dung dịch ure trong cả nước. Nước này đã phải chịu tác động lớn từ sự gián đoạn nguồn cung cấp dung dịch ure vào năm 2021 sau khi Trung Quốc hạn chế xuất khẩu nguyên liệu này.

Kinh tế châu Âu

* Ngày 5/12, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen khẳng định, Liên minh châu Âu (EU) muốn có các giải pháp thông qua thương lượng trong bối cảnh thâm hụt thương mại giữa các nước thành viên EU và Trung Quốc ngày càng tăng. Tuyên bố này được đưa ra trước thềm Hội nghị thượng đỉnh giữa EU và Trung Quốc.

Bà Von der Leyen nhấn mạnh, về kinh tế, châu Âu không tìm cách "xa rời" Trung Quốc, mà muốn "giảm rủi ro" cho các mối quan hệ. Theo bà, EU nhận thấy, thâm hụt thương mại giữa các nước thành viên của khối với Trung Quốc ngày càng tăng. Trong 2 năm qua, tình trạng mất cân bằng thương mại tăng gấp đôi lên tới gần 400 tỷ Euro (433,04 tỷ USD) tính đến nay.

* Nhật báo kinh doanh Kommersant mới đây dẫn số liệu từ công ty dữ liệu Kpler cho biết, lượng khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) xuất khẩu của Nga sang EU đã đạt mức cao nhất từ trước đến nay là 1,75 triệu tấn trong tháng 11 vừa qua.

Mức cao kỷ lục trước đó được ghi nhận vào tháng 12/2022, khi Nga xuất khẩu 1,737 triệu tấn LNG sang EU. Trong tháng trước, Pháp và Bỉ là hai nước mua nhiều khí hóa lỏng của Nga nhất.

* Ngày 6/12, EC đã đề xuất hoãn 3 năm việc áp thuế đối với hoạt động buôn bán xe điện giữa Anh và EU, dự kiến sẽ có hiệu lực từ tháng 1/2024, đánh dấu sự thay đổi đáng kể quan điểm so với trước đó của Liên minh.

EC đề xuất gia hạn một lần duy nhất, theo đó, việc áp thuế sẽ được thực hiện sau ngày 31/12/2026. Nội dung đề xuất có đoạn nêu rõ, không được phép tiếp tục trì hoãn áp thuế sau tháng 12/2026.

Đề xuất được đưa ra sau khi ngành công nghiệp ô tô EU bày tỏ lo ngại về chi phí khổng lồ sẽ phát sinh từ mức thuế 10% thời hậu Brexit.

* Phó Thị trưởng thủ đô Moscow của LB Nga, bà Natalya Sergunina, ngày 4/12 cho biết, hơn 100 người tham gia chương trình “Sản xuất tại Moscow” sẽ có cơ hội đưa sản phẩm của mình lên các kệ hàng tại gần 260 siêu thị ở thủ đô.

Quan chức trên lưu ý rằng, hình thức này sẽ cho phép các doanh nghiệp địa phương tăng cường khả năng nhận biết, mở rộng vòng người tiêu dùng và thúc đẩy doanh số bán hàng. Đối tác của dự án là chuỗi bán lẻ lớn Perekrestok. Đồng thời, chiến dịch khuyến mãi sẽ được tổ chức trên website và các ứng dụng di động của nhà bán lẻ.

* Ngày 5/12, Cơ quan Thương mại và Đầu tư (GTI) của Đức cho biết, Đức vẫn là quốc gia thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) nhiều nhất ở khu vực châu Âu, dù số lượng công ty nước ngoài có hoạt động đầu tư tại nước này dự kiến giảm gần 20% trong năm 2023.

Số doanh nghiệp nước ngoài đầu tư tại Đức giảm, nhưng các khoản đầu tư được cam kết có giá trị cao hơn những năm trước. Trong đó, đứng đầu danh sách là khoản đầu tư của tập đoàn năng lượng BP, với kế hoạch chi 6,8 tỷ Euro (7,36 tỷ USD) cho hai trang trại điện gió ở Biển Bắc. Bên cạnh đó, còn có các dự án trung tâm dữ liệu ở Berlin, Brandenburg và Hanau, với giá trị của mỗi trung tâm dự kiến đạt 1 tỷ Euro (1,08 tỷ USD).

Kinh tế Nhật Bản và Hàn Quốc

* Công ty Bảo hiểm đầu tư và xuất khẩu Nippon (NEXI) được chính phủ Nhật Bản hậu thuẫn sẽ bảo lãnh khoản tín dụng trị giá 100 tỷ Yen (680 triệu USD) mà Ngân hàng Sumitomo Mitsui gia hạn cho công ty năng lượng JERA để mua LNG. Đây là động thái mới nhất của chính phủ nước này nhằm đảm bảo an ninh năng lượng thông qua việc hỗ trợ các doanh nghiệp đa dạng hóa nguồn cung.

Hợp đồng bảo hiểm do NEXI cung cấp sẽ là hợp đồng đầu tiên mà Tokyo bảo lãnh cho khoản vay trong nước.

* Cơ quan Thống kê Hàn Quốc ngày 5/12 công bố số liệu cho thấy, lạm phát tại nước này đã tăng chậm lại trong tháng trước, dù vẫn ở trên mức 3% tháng thứ tư liên tiếp do giá năng lượng và các mặt hàng nông nghiệp cao.

Theo số liệu vừa được công bố, giá tiêu dùng, một thước đo lạm phát quan trọng, đã tăng 3,3% trong tháng 11 so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn mức 3,8% ghi nhận trong tháng trước đó. Đây là lần đầu tiên trong bốn tháng qua đà tăng giá theo năm giảm tốc.

So với tháng trước đó, lạm phát tháng 11 giảm 0,6%, đánh dấu lần giảm đầu tiên theo tháng kể từ tháng 11 năm ngoái. Lạm phát lõi, không tính giá năng lượng và thực phẩm vốn dễ biến động, tăng 3,3% trong tháng trước so với cùng kỳ năm ngoái, giảm tốc so với mức tăng 3,6% trong tháng 10.

* Dữ liệu vừa công bố cho thấy, Hàn Quốc đã rơi xuống vị trí thứ hai thế giới về số lượng đơn đặt hàng đóng tàu mới trên toàn cầu trong tháng 11/2023 và một lần nữa tụt lại phía sau Trung Quốc.

Theo công ty cung cấp dịch vụ nghiên cứu và thống kê có trụ sở tại Anh Clarkson Research Services Ltd, các nhà máy đóng tàu của Hàn Quốc đã giành được các đơn đặt hàng đóng tàu có tổng trọng lượng lên tới 570.000 tấn tổng hợp bù (CGT), chiếm 36% trong tổng số 1,59 triệu CGT trên toàn cầu vào tháng trước.

Trung Quốc đứng ở vị trí số 1 với lượng đơn đặt hàng đóng tàu có tổng trọng lượng 920.000 tấn, chiếm 58% tổng sản lượng toàn cầu.

Kinh tế ASEAN và các nền kinh tế mới nổi

* Đối thoại Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) lần thứ 10 đã được tổ chức vào ngày 30/11 theo hình thức trực tiếp và trực tuyến, làm nền tảng để phổ biến Hiệp định khung kinh tế kỹ thuật số ASEAN (DEFA) - công cụ ràng buộc pháp lý cấp khu vực đầu tiên trên thế giới trong lĩnh vực này.

Phát biểu khai mạc, Phó Tổng thư ký ASEAN phụ trách Cộng đồng Kinh tế Satvinder Singh nhấn mạnh rằng, DEFA tiên tiến và hướng tới tương lai sẽ thúc đẩy sự năng động và khả năng cạnh tranh của khu vực và dự kiến gia tăng 2.000 tỷ USD cho nền kinh tế kỹ thuật số ASEAN vào năm 2030.

* Phát biểu tại Hội thảo Dự báo kinh tế Indonesia 2024, nhà kinh tế học Eko Listiyanto của Viện Phát triển kinh tế và tài chính Indonesia (INDEF) dự báo, kinh tế nước này sẽ tăng trưởng 4,8% năm 2024, thấp hơn dự báo vĩ mô trong ngân sách nhà nước năm 2024 là 5,2%, do nhiều thách thức.

Tăng trưởng kinh tế quốc gia dự kiến sẽ chậm lại trong năm tới cùng với tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu, do xung đột Nga-Ukraine và Israel-Hamas được dự báo sẽ tiếp tục kéo dài trong năm 2024.

* Bộ trưởng Bộ Đầu tư, Thương mại và Công nghiệp Malaysia (MITI), Tengku Zafrul Abdul Aziz cho biết, từ tháng 1-9/2023, Bộ này đã phê duyệt các khoản đầu tư có tổng trị giá 225 tỷ Ringgit (khoảng 48 tỷ USD). Đây là một trong những thành tựu nổi bật nhất của Malaysia trong thập niên qua.

Đồng thời, ông Tengku Zafrul Abdul Aziz khẳng định, điều này cho thấy Malaysia tiếp tục là điểm đến đầu tư hấp dẫn và đang giành lại niềm tin của các nhà đầu tư.

* Ngày 5/12, chính phủ Thái Lan đã thông qua chính sách hoàn thuế mới đối với một số loại hàng hóa và dịch vụ nhằm kích thích tiêu dùng trong nước, đồng thời thúc đẩy việc sử dụng hóa đơn điện tử.

Ông Pornchai Thiraveja, người phát ngôn của Bộ Tài chính Thái Lan kiêm Giám đốc Văn phòng chính sách tài chính, cho biết, chương trình "Biên lai điện tử thuận tiện" ("Easy E-Receipt") cho phép các cá nhân có thể được khấu trừ thuế lên tới 50.000 Baht (khoảng 1.400 USD) khi mua hàng hóa hoặc sử dụng dịch vụ của các doanh nghiệp được hỗ trợ bởi hệ thống thuế điện tử từ ngày 1/1-15/2/2024.

Theo ông Pornchai, chính sách hoàn thuế nhằm mục đích thúc đẩy nền kinh tế và khuyến khích các doanh nghiệp tham gia hệ thống thuế và thuế điện tử.

Chính sách hoàn thuế là một phần trong nhóm các biện pháp kích thích kinh tế của chính phủ Thủ tướng Srettha Thavisin công bố vào đầu tháng trước.

(tổng hợp)