📞

Kinh tế thế giới nổi bật (11-17/10): Phương Tây không thể tịch thu tài sản Nga, EU khởi động kết nạp quốc gia Balkan, Hàn Quốc hy vọng vượt Nhật

Hải An 13:36 | 17/10/2024
Quan ngại việc Fed cắt giảm lãi suất, hàng trăm tỷ USD dự trữ của Nga vẫn ngoài tầm với của phương Tây, EU khởi động quy trình kết nạp Albania, xuất khẩu Trung Quốc đạt kỷ lục, Hàn Quốc hy vọng vượt Nhật Bản về xuất khẩu… là những tin kinh tế thế giới nổi bật tuần qua.
Không giống như dự trữ ngoại hối, vàng dự trữ của Nga không thể bị phương Tây tịch thu. (Nguồn: Kitco)

Kinh tế thế giới

WB cảnh báo về tác động kinh tế toàn cầu do xung đột leo thang tại Trung Đông

Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) Ajay Banga ngày 15/10 cảnh báo xung đột ở Trung Đông leo thang có thể dẫn đến những tác động lớn đối với nền kinh tế toàn cầu, đồng thời cho rằng việc các thường dân trong khu vực bị thiệt mạng là "không thể chấp nhận được".

Ông Banga cho biết, cuộc xung đột tại Trung Đông cho đến nay mới có tác động tương đối nhỏ đối với nền kinh tế toàn cầu, nhưng cuộc xung đột lan rộng sẽ kéo theo sự tham gia của các quốc gia khác, những nước đóng góp lớn hơn cho tăng trưởng toàn cầu, bao gồm cả các nước xuất khẩu hàng hóa.

Lãnh đạo WB nói: "Trước hết, tôi cho rằng những tổn thất về người đáng kinh ngạc là điều không thể chấp nhận được ở tất cả các bên tham gia xung đột. Mặt khác, tác động kinh tế của cuộc xung đột này phụ thuộc rất nhiều vào mức độ lan rộng của nó”.

Một số quốc gia phương Tây đang thúc đẩy lệnh ngừng bắn giữa Israel và Lebanon, cũng như ở Dải Gaza. Ông Banga cho biết thiệt hại kinh tế do các cuộc tấn công của Israel vào dải Gaza hiện nay có thể ở mức từ 14-20 tỷ USD, và sự tàn phá do Israel ném bom vào miền Nam Lebanon sẽ cộng thêm vào tổng số thiệt hại của khu vực.

Ông Banga cho biết WB đã cung cấp 300 triệu USD, gấp 6 lần mức hỗ trợ bình thường, cho chính quyền Palestine để giúp họ quản lý khủng hoảng trên thực địa, nhưng con số đó là rất nhỏ so với những gì mà họ sẽ cần trong tương lai.

Kinh tế Mỹ

* Thống đốc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) Christopher Waller mới đây đã bày tỏ quan ngại về tốc độ cắt giảm lãi suất của Fed, cho rằng ngân hàng này nên thận trọng hơn sau khi dữ liệu lạm phát gần đây "không như mong đợi”.

Tháng trước, Fed đã bắt đầu chu kỳ giảm lãi suất bằng cách cắt giảm 0,5 điểm phần trăm, với lý do lạm phát đã giảm đáng kể và tiệm cận mục tiêu dài hạn là 2%. Tuy nhiên, ông Waller cho biết các dữ liệu được công bố trong 3 tuần kể từ quyết định hạ lãi suất đó "không đồng đều" và ông gọi chỉ báo lạm phát mới nhất là "kết quả gây thất vọng".

Ông Waller khẳng định ủng hộ việc giảm lãi suất với tốc độ vừa phải hơn trong thời gian tới.

Kinh tế Trung Quốc

* Theo một cuộc khảo sát của Reuters, tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc dự kiến sẽ đạt 4,8% trong năm 2024, thấp hơn mục tiêu mà chính phủ đặt ra. Thậm chí, con số này có thể giảm xuống còn 4,5% vào năm 2025. Điều này phản ánh áp lực đối với các nhà hoạch định chính sách trong bối cảnh họ đang cân nhắc đưa ra các biện pháp kích thích nhiều hơn.

Trong quý III/2024, kinh tế Trung Quốc được dự báo tăng trưởng 4,5% so với cùng kỳ năm trước, giảm từ mức 4,7% của quý II/2024. Đây là mức tăng trưởng thấp nhất kể từ đầu năm 2023.

* Theo SCMP ngày 14/10, số liệu Trung Quốc công bố cho thấy tổng giá trị xuất nhập khẩu hàng hóa của nước này trong ba quý đầu năm nay là 32.330 tỷ NDT (khoảng 4.561 tỷ USD), lần đầu tiên vượt mức 32.000 tỷ NDT trong cùng kỳ trong lịch sử. Số liệu trên tăng 5,3% so với cùng kỳ năm trước.

Trong 3 quý đầu năm 2024, nhập khẩu của Trung Quốc đạt 13.710 tỷ NDT, tăng 4,1% so với cùng kỳ năm trước và xuất khẩu đạt 18.620 tỷ NDT, tăng 6,2%.

Kinh tế châu Âu

* Albania đã mở ra một chương mới trong lịch sử khi chính thức bắt đầu đàm phán gia nhập Liên minh châu Âu (EU) tại hội nghị diễn ra hôm 15/10 tại Luxembourg. Sự kiện này đánh dấu một cột mốc quan trọng trong quá trình hội nhập châu Âu của quốc gia Balkan này.

Tại hội nghị, phía EU đã thể hiện cam kết mạnh mẽ đối với quá trình mở rộng. Trong khi đó, sự hiện diện của Thủ tướng Edi Rama đã khẳng định quyết tâm của Albania trong việc hội nhập châu Âu.

Tại hội nghị, các cuộc đàm phán về cụm nội dung đầu tiên – bao gồm những lĩnh vực then chốt trong quá trình gia nhập EU – đã chính thức bắt đầu. Đây là cột mốc quan trọng đối với Albania, khi quốc gia này đã có những tiến bộ đáng kể trong việc đáp ứng các yêu cầu cơ bản, đặc biệt ở các chương 23 và 24, liên quan đến pháp quyền và các tiêu chuẩn cốt lõi của EU.

* Theo một cuộc khảo sát của hãng tin Bloomberg, kinh tế Đức đang trải qua một cuộc suy thoái nhẹ và GDP của năm 2024 sẽ đi ngang, nhấn mạnh sự bất ổn trong lòng nền kinh tế lớn nhất châu Âu.

Các nhà phân tích trong cuộc khảo sát cho rằng GDP của Đức sẽ giảm 0,1% trong quý III/2024, sau sự suy giảm bất ngờ trước đó ở mức tương tự trong quý II. Cách đây một tháng, họ vẫn dự báo nền kinh tế này sẽ trì trệ trong quý III.

Dự báo cả năm của khảo sát cũng điều chỉnh giảm so với mức tăng trưởng 0,1% được đưa ra hồi tháng 9. Nhưng con số này vẫn lạc quan hơn một chút so với ước tính của chính phủ Đức, khi Berlin hồi tuần trước đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế quốc gia xuống mức suy giảm 0,2%.

* Tập đoàn xa xỉ phẩm Moët Hennessy Louis Vuitton SE (LVMH) dự kiến sẽ phải đóng khoản thuế bổ sung 800 triệu Euro (870 triệu USD) trong năm tới, sau khi Pháp công bố kế hoạch tăng thuế đối với các tập đoàn lớn nhất để củng cố tài chính công.

Tuần trước, Pháp đã công bố một dự thảo ngân sách, trong đó bao gồm việc tăng thuế đối với các doanh nghiệp và người giàu nhằm giảm bớt gánh nặng nợ công. Theo kế hoạch này, các khoản thuế tạm thời sẽ được áp dụng cho hơn 400 tập đoàn kinh doanh có lãi, với doanh thu hàng năm trên 1 tỷ Euro, nhằm đóng góp vào nguồn thu ngân sách 8 tỷ Euro trong năm 2025 và 4 tỷ Euro vào năm 2026.

* Theo tờ The Jerusalem Post (Jpost), bất chấp lệnh trừng phạt dẫn đến việc tài sản của Ngân hàng Trung ương Nga (BoR) bị đóng băng, nước này vẫn giữ được hàng trăm tỷ USD ngoài tầm với của phương Tây nhờ một số nỗ lực đặc biệt.

Bài viết của Jpost nhấn mạnh rằng, Nga đã bắt đầu tích cực tích lũy vàng từ vài năm trước. Một phần dự trữ của BoR đã được chuyển thành vàng, được cất giữ trong nước. Không giống như dự trữ ngoại hối, vàng không thể bị tịch thu. Do đó, phần lớn nhờ vào vàng mà kinh tế Nga đã có thể trụ vững.

Theo bài viết, khoản thu nhập này phần lớn là “trên giấy” nhưng nếu cần thiết thì có thể được sử dụng để lách các biện pháp trừng phạt.

Tỷ trọng vàng trong dự trữ ngoại hối của Nga đã đạt mức kỷ lục. Theo BoR, tính đến ngày 1/10/2024, dự trữ vàng đạt 199,764 tỷ USD. Trong tháng 9/2024, vàng chiếm 30,8% tổng dự trữ ngoại hối của đất nước và hiện đã tăng lên mức cao nhất kể từ năm 1999 là 31,5%.

Kinh tế Nhật Bản và Hàn Quốc

* Số liệu thống kê do Tổ chức Du lịch Quốc gia Nhật Bản công bố ngày 16/10 cho thấy, số lượng du khách nước ngoài đến nước này đang tăng nhanh trong năm nay, với lượng khách từ tháng 1-9/2024 đã vượt qua tổng số của cả năm 2023.

Cụ thể, khoảng 26,88 triệu du khách nước ngoài đã đến Nhật Bản trong giai đoạn từ tháng 1-9/2024, tăng 54,7% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn con số 25,07 triệu du khách của cả năm 2023.

Chỉ tính riêng trong tháng 9 vừa qua, ước tính lượng khách du lịch tăng 31,5% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt mức kỷ lục 2,87 triệu lượt. Con số này cũng tăng 26,4% so với cùng kỳ năm 2019 - thời điểm trước khi bùng phát đại dịch Covid-19.

* Bộ Kinh tế và Tài chính Hàn Quốc hôm 16/10 cho biết, chính phủ nước này sẽ cung cấp các khoản vay lãi suất thấp và các hỗ trợ khác trị giá 8.800 tỷ Won (tương đương 6,45 tỷ USD) cho ngành công nghiệp bán dẫn vào năm 2025 trong nỗ lực tăng cường khả năng cạnh tranh của lĩnh vực tiên tiến này.

Đây là một phần trong kế hoạch thực hiện gói hỗ trợ toàn diện trị giá 26.000 tỷ won do Tổng thống Yoon Suk Yeol công bố vào tháng Sáu năm nay cho ngành công nghiệp chủ chốt của Hàn Quốc trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu ngày càng gia tăng.

* Tờ The Korea Times số ra mới đây đăng bài viết “Tăng trưởng xuất khẩu tăng vọt làm dấy lên hy vọng Hàn Quốc vượt qua Nhật Bản” trích dẫn ý kiến các chuyên gia nhận định rằng, xuất khẩu của Hàn Quốc đang tăng trưởng với tốc độ nhanh hơn khi chỉ còn chưa đầy 3 tháng nữa là hết năm 2024. Những số liệu thống kê kinh tế và khảo sát được công bố trong năm nay bởi các tổ chức trong nước và quốc tế cho thấy, nước này có thể vượt qua Nhật Bản về lượng hàng xuất khẩu lần đầu tiên trong lịch sử.

Theo Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc, kim ngạch xuất khẩu của Hàn Quốc trong 9 tháng đầu năm 2024 đã đạt 508,8 tỷ USD, trở thành tổng kim ngạch xuất khẩu cao thứ hai từ trước đến nay trong lịch sử nước này. Trong giai đoạn từ tháng 6-9/2024, lượng hàng xuất khẩu tăng 10,7% so với cùng kỳ năm trước, đạt 173,9 tỷ USD. Đây cũng là con số xuất khẩu trong quý III của Hàn Quốc cao thứ hai trong bất kỳ quý thứ III nào của năm kể từ trước đến nay.

Kinh tế ASEAN và các nền kinh tế mới nổi

* Chính phủ Indonesia cho biết, trong giai đoạn từ tháng 1-9/2024 đã thu hút 1.261.400 tỷ Rp (gần 81 tỷ USD) vốn đầu tư từ các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Tính đến thời điểm hiện tại, Indonesia đã đạt được gần 76,5% so với mục tiêu đạt 1.650.000 tỷ Rp cả năm 2024.

Bộ trưởng Đầu tư Rosan Roeslani ngày 15/10 cho biết, “các khoản đầu tư mà chúng tôi ghi nhận trong giai đoạn từ tháng 1-9/2024 tăng gần 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Vì vậy, tôi nghĩ rằng chúng tôi đang trên đà đạt được mục tiêu 1.650.000 tỷ Rp vào cuối năm nay”.

* Bộ Giao thông Vận tải Malaysia cần được cấp thêm kinh phí trong ngân sách năm 2025 nhằm giải quyết tình trạng thiếu hụt lao động có kỹ năng trong lĩnh vực ô tô, đặc biệt là xe điện (EV).

Theo Tiến sĩ Mohd Azman Abas, Giám đốc Trung tâm phát triển Ô tô (ADC) tại đại học Công nghệ Malaysia (UTM), mặc dù đã có nhiều chương trình đào tạo kỹ năng trong lĩnh vực xe điện, song Malaysia cần phải tiếp tục nâng cao trình độ của người lao động để đáp ứng sự thay đổi ngày càng nhanh của công nghệ.

Nguồn tài chính được phân bổ trong Ngân sách là yếu tố quan trọng giúp cải thiện chương trình đào tạo.

* Ngày 16/10, tại Tòa nhà Chính phủ ở thủ đô Bangkok, Thủ tướng Thái Lan Paetongtarn Shinawatra đã chính thức phát động dự án phục hồi kinh tế toàn quốc nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ, nới lỏng chi tiêu và giảm chi phí sinh hoạt cho người dân.

Để thực hiện dự án này, Bộ Thương mại Thái Lan đang làm việc với các cơ quan chính phủ cùng với hơn 150 đại diện của các tổ chức khu vực tư nhân để tìm kiếm sự phối hợp và hợp tác giữa các bên, bao gồm Bộ Quốc phòng, Bộ Nội vụ, Bộ Kinh tế và Xã hội số, Bộ Y tế, Phòng Thương mại Thái Lan, Liên đoàn Công nghiệp Thái Lan, Hiệp hội Bán lẻ Thái Lan, các cửa hàng bách hóa bán buôn và bán lẻ, các trạm xăng.

Các cơ quan có kế hoạch hỗ trợ các hoạt động của văn phòng thương mại tỉnh, chẳng hạn tìm kiếm các doanh nghiệp tham gia, đảm bảo địa điểm và phối hợp với các nhà sản xuất địa phương để cung cấp các sản phẩm giảm giá.