Kinh tế thế giới
EU ngày 15/3 chính thức thông qua một loạt biện pháp trừng phạt mới đối với Nga liên quan đến tình hình Ukraine. (Nguồn: Reuters) |
IEA hạ dự báo nhu cầu dầu toàn cầu và cảnh báo về “cú sốc” nguồn cung
Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) ngày 16/3 đã hạ dự báo nhu cầu dầu thế giới năm 2022, đồng thời cảnh báo rằng các lệnh trừng phạt với Nga có thể gây ra một “cú sốc” về nguồn cung trên toàn cầu.
Trong báo cáo hằng tháng, IEA đã giảm gần 1 triệu thùng/ngày trong dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu xuống còn 99,7 triệu thùng/ngày trong năm nay.
IEA nhận định: "Đối mặt với điều có thể trở thành cuộc khủng hoảng nguồn cung lớn nhất trong hàng chục năm qua, thị trường năng lượng toàn cầu đang ở ‘ngã tư đường’”. Dù vẫn còn quá sớm để biết được tình hình hiện nay sẽ diễn biến như thế nào, nhưng cuộc khủng hoảng này có thể dẫn đến những sự thay đổi lâu dài cho thị trường năng lượng.
Nga, nước xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới, đã bị áp đặt một loạt các lệnh trừng phạt quốc tế vì hành động quân sự của nước này tại Ukraine. Điều này đã khiến giá dầu thế giới tăng mạnh.
Dù các biện pháp trừng phạt này không nhằm vào thị trường năng lượng, nhưng IEA cho biết các công ty dầu lớn, các hãng vận tải và nhiều ngân hàng đã “tránh hoạt động kinh doanh với Nga”. Ngoài ra, Mỹ và Anh đã công bố các lệnh cấm nhập khẩu dầu từ nước này.
Theo IEA, không thể đánh giá thấp tác động của khả năng mất nguồn cung dầu từ Nga cho các thị trường toàn cầu. Cơ quan này cho rằng khả năng gián đoạn trên quy mô lớn trong hoạt động sản xuất của Nga do các lệnh trừng phạt diện rộng cũng như việc các công ty tránh mua dầu của Nga đang đe dọa gây ra một cú sốc về nguồn cung dầu trên toàn cầu. (AFP)
IMF: Căng thẳng Nga-Ukraine có thể tái định hình trật tự kinh tế toàn cầu
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ngày 15/3 cho rằng căng thẳng Nga-Ukraine sẽ tác động tới kinh tế toàn cầu bằng cách làm chậm tăng trưởng và khiến lạm phát tăng cao, cũng như có thể tái định hình về cơ bản trật tự kinh tế toàn cầu trong dài hạn.
Trên trang mạng chính thức của mình, IMF nêu rõ: “Cuộc xung đột Nga-Ukraine là một đòn giáng mạnh đối với nền kinh tế toàn cầu, vốn sẽ gây tổn hại đối với tăng trưởng và làm giá cả gia tăng”.
Theo IMF, ngoài việc tạo ra những dòng người tị nạn lịch sử, cuộc chiến đang đẩy giá thực phẩm và năng lượng tăng cao, thúc đẩy lạm phát và làm xói mòn giá trị thu nhập, đồng thời làm gián đoạn thương mại, chuỗi cung ứng và kiều hối ở các nước láng giềng của Ukraine.
Tin liên quan |
Nếu Nga kết thúc chiến dịch quân sự tại Ukraine, giá dầu và khí đốt có còn ‘cuồng loạn’? |
IMF cũng lưu ý rằng cuộc xung đột Nga-Ukraine làm suy giảm niềm tin kinh doanh và tạo ra sự không chắc chắn đối với các nhà đầu tư, điều này sẽ làm giảm giá tài sản, thắt chặt các điều kiện tài chính và có thể kích hoạt dòng vốn chảy ra từ các thị trường mới nổi.
Các quan chức IMF đã cho biết, họ dự kiến sẽ giảm dự báo trước đó của tổ chức này về tăng trưởng kinh tế toàn cầu của năm 2022. Các quốc gia phải đối mặt với những nguy cơ trực tiếp về thương mại, du lịch và tài chính sẽ cảm thấy áp lực ngày càng lớn.
Ngoài ra, tình trạng mất an ninh lương thực có khả năng gia tăng hơn nữa tại các khu vực của châu Phi và Trung Đông, nơi các quốc gia như Ai Cập nhập khẩu 80% lúa mì từ Nga và Ukraine.
Như vậy, trong dài hạn, cuộc xung đột về cơ bản có thể làm thay đổi trật tự kinh tế và địa chính trị toàn cầu nếu thương mại năng lượng thay đổi, chuỗi cung ứng được tái cấu trúc, mạng lưới thanh toán chia rẽ. (TTXVN)
Kinh tế Mỹ
* Ngày 16/3, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) quyết định tăng lãi suất lần đầu tiên trong năm 2022, và báo hiệu sẽ có nhiều đợt tăng lãi suất nữa nhằm ứng phó với lạm phát. Điều này đặt dấu chấm hết cho chính sách tiền tệ nới lỏng được triển khai trong giai đoạn đại dịch Covid-19.
Theo đó, Ủy ban Thị trường Mở Liên bang Mỹ (FOMC) đã tăng lãi suất liên bang thêm 0,25 điểm phần trăm lên phạm vi 0,25 - 0,5%. (TTXVN)
* Liên minh châu Âu (EU) ngày 15/3 đã thông qua thương vụ mua lại hãng phim Metro Goldwyn Mayer (MGM) của tập đoàn công nghệ Amazon (Mỹ). Mặc dù vậy, việc mua bán này vẫn cần vượt qua các rào cản pháp lý tại Mỹ.
Thương vụ trị giá 8,4 tỷ USD nói trên sẽ hỗ trợ cho mảng Prime Video của Amazon với khoảng 4.000 bộ phim và 17.000 chương trình truyền hình khi doanh nghiệp này cạnh tranh với hai hãng Netflix và Disney trong một thị trường đang phát triển nhanh chóng.
Trong khi đó, vào tháng 3 này, Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ sẽ đưa ra quyết định liệu có phê chuẩn thương vụ trên hay không. (AP)
Kinh tế Trung Quốc
* Trung Quốc ghi nhận doanh số bán lẻ và sản lượng công nghiệp trong tháng 2/2022 tăng vượt dự báo.
Cụ thể, doanh số bán lẻ đã tăng 6,7% so với tháng 2/2021, cao gấp đôi mức dự báo 3% của các nhà phân tích thuộc hãng tin Bloomberg (Mỹ). Trong đó, doanh số bán lẻ các sản phẩm xăng dầu, vàng, bạc và đồ trang sức ghi nhận mức tăng lớn nhất. (THX)
* Thị trường nhà ở Trung Quốc nhìn chung vẫn ổn định trong tháng 2/2022, với giá nhà tại 70 thành phố lớn tăng nhẹ so với tháng trước đó.
Theo đó, giá nhà mới tại 4 thành phố hạng nhất gồm Bắc Kinh, Thượng Hải, Thâm Quyến và Quảng Châu trong tháng 2 đã tăng 0,5% so với tháng trước đó, sau khi ghi nhận mức tăng 0,6% hồi tháng 1/2022.
Giá nhà mới ở 31 thành phố hạng hai tại Trung Quốc vẫn giữ nguyên so với hồi tháng Một. Trong khi đó, giá nhà ở 35 thành phố hạng ba giảm 0,3% so với tháng trước đó. (THX)
Kinh tế châu Âu
* EU ngày 15/3 chính thức thông qua một loạt biện pháp trừng phạt mới đối với Nga liên quan đến tình hình Ukraine, bao gồm các lệnh cấm đầu tư vào lĩnh vực năng lượng của Nga, xuất khẩu hàng hóa xa xỉ và nhập khẩu các sản phẩm thép từ nước này. Các biện pháp trừng phạt có hiệu lực từ cuối ngày 15/3.
Cùng ngày, EU nhất trí rút lại quy chế thương mại "tối huệ quốc" của Nga, mở đường cho việc áp các mức thuế trừng phạt đối với hàng hóa của quốc gia này, thậm chí là một lệnh cấm nhập khẩu hoàn toàn. (AFP)
* Thủ tướng Anh Boris Johnson ngày 14/3 cho rằng, phương Tây sẽ phải đối mặt với thời kỳ khó khăn nếu từ bỏ các nhà cung cấp năng lượng Nga và cần nhanh chóng chuyển sang các nguồn năng lượng tái tạo.
Theo Thủ tướng Anh, trước cuối tháng 3/2022, London sẽ đưa ra chiến lược an ninh năng lượng mới, trong đó tập trung vào việc sử dụng năng lượng hạt nhân và tất cả các nguồn năng lượng tái tạo, kể cả các nhà máy điện thủy triều, thủy điện và địa nhiệt ở Anh. Và cũng có thể tạm gia tăng sản lượng dầu và khí đốt ở các mỏ ngoài khơi của vương quốc này.
Trước đó, Chính phủ Anh ngày 8/3 thông báo nước này sẽ chấm dứt nhập khẩu dầu mỏ và các sản phẩm chế biến từ dầu mỏ của Nga vào cuối năm nay. (AFP)
* Thủ tướng Ukraine Denys Shmygal cho biết, dự trữ khí đốt của nước này vào khoảng 9,5 tỷ m3 và việc sản xuất vẫn tiếp diễn ở tất cả các cơ sở, trừ các nhà máy ở những khu vực đang xảy ra giao tranh.
Ukraine tiếp tục nhập khẩu khí đốt từ Hungary, Slovakia và Ba Lan. Kiev từng nhập khẩu khí đốt của Nga nhưng chuyển sang sử dụng năng lượng của châu Âu vào tháng 11/2015 sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea vào năm 2014 và bùng nổ căng thẳng ở miền Đông Ukraine. (Reuters)
* Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Tài chính Đức Christian Lindner ngày 16/3 cho rằng, cuộc xung đột ở Ukraine, ảnh hưởng từ giá năng lượng tăng cao cùng với các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga sẽ khiến Đức phải gánh mức nợ lớn hơn trong năm nay.
Theo ông Lindner, sau khi hoàn tất dự thảo ngân sách chủ chốt cho năm 2022, bao gồm 99,7 tỷ Euro (110 tỷ USD) nợ mới, chính phủ Đức đang tính toán một ngân sách bổ sung trong bối cảnh những tác động từ cuộc chiến ở Ukraine cũng như những hậu quả kinh tế đi kèm.
Ông cho biết, cuộc khủng hoảng ở Ukraine sẽ khiến Đức phải đối mặt với gánh nặng gia tăng về ngân sách liên bang và chi tiêu bổ sung. (TTXVN)
* Bộ Kinh tế Nga ngày 16/3 cho biết, lạm phát tại nước này đã tăng lên mức 12,54% trong 12 tháng tính đến ngày 11/3, mức cao nhất kể từ cuối năm 2015 và cao hơn mức 10,42% ghi nhận một tuần trước. Đồng Ruble mất giá đã khiến giá cả tăng vọt trước các lệnh trừng phạt chưa từng có tiền lệ của phương Tây.
Trong khi đó, lạm phát tính theo tuần lại giảm nhẹ xuống 2,09% trong tuần kết thúc vào ngày 11/3, từ mức 2,22% một tuần trước đó, vốn là mức tăng giá mạnh nhất trong một tuần kể từ cuộc khủng hoảng năm 1998, theo số liệu của Cơ quan Thống kê Rosstat. (Reuters)
Một trạm xăng ở Tokyo, Nhật Bản. Ảnh chụp ngày 16/3. (Nguồn: AFP) |
Kinh tế Nhật Bản và Hàn Quốc
* Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida ngày 16/3 thông báo nước này sẽ bãi bỏ quy chế tối huệ quốc đối với Nga nhằm tăng cường trừng phạt nước này liên quan đến chiến dịch quân sự tại Ukraine.
Ông Kishida nói Nhật Bản sẽ tăng quy mô đóng băng tài sản của giới tinh hoa Nga và cấm nhập khẩu một số mặt hàng.
Nhật Bản đã áp đặt trừng phạt đối với việc xuất khẩu chip và thiết bị công nghệ cao sang Nga cũng như với nhiều quan chức, các giám đốc doanh nghiệp và các ngân hàng Nga và Belarus với việc đóng băng tài sản. (Reuters)
* Ngày 16/3, Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản thông báo, nước này sẽ tổ chức bán đấu giá khoảng 1,89 triệu thùng dầu thô (tương đương 300 triệu lít dầu) từ kho dự trữ quốc gia vào ngày 8/4 tới. Đây là đợt "xả kho" thứ ba và cũng là cuối cùng của Nhật Bản theo đề nghị phối hợp của Mỹ nhằm hạ nhiệt giá dầu thế giới.
Lượng dầu trên sẽ lấy từ kho chứa ở thành phố Shirashima, miền Nam Nhật Bản và sẽ được chuyển giao cho bên trúng thầu từ ngày 20/5. (TTXVN)
* Theo số liệu của chính phủ Hàn Quốc công bố ngày 16/3, sản xuất và xuất khẩu ô tô của nước này tăng trong tháng 2/2022, do việc xây dựng hoàn thiện cơ sở vật chất ở một số nhà sản xuất ô tô địa phương và nhu cầu toàn cầu phục hồi từ đại dịch Covid-19.
Trong tháng 2/2022, số lượng xe, được sản xuất tại các nhà máy địa phương, đạt 263.959 chiếc, tăng 1,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Số lượng xe Hàn Quốc xuất khẩu cũng tăng 5,1% so với cùng kỳ năm trước lên 167.682 chiếc. (THX)
* Kim ngạch thương mại song phương Hàn Quốc – Mỹ đã tăng 67% trong vòng 10 năm qua kể từ khi Hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa hai nước có hiệu lực.
Theo đó, từ 2011-2021, kim ngạch thương mại Hàn Quốc-Mỹ đã tăng từ mức 100,8 tỷ USD (trong năm 2011) trước khi FTA Hàn Quốc - Mỹ có hiệu lực (15/3/2011) lên 169,1 tỷ USD trong năm 2021. Mỹ đã trở thành đối tác thương mại lớn thứ hai của Hàn Quốc với tỷ trọng thương mại hàng hóa tăng từ 9,3% lên 13,4% sau 10 năm. (TTXVN)
Kinh tế ASEAN và các nền kinh tế mới nổi
* Chính phủ Australia ngày 16/3 công bố khoản kinh phí 240 triệu AUD (168 triệu USD) để phát triển ngành công nghiệp khoáng sản đất hiếm nhằm giảm sự phụ thuộc vào nguồn cung từ Trung Quốc.
Australia có trữ lượng đất hiếm khổng lồ nhưng cho đến nay vẫn chưa có năng lực sản xuất trong nước. Khoản kinh phí được công bố bao gồm 30 triệu AUD (21 triệu USD) cho một nhà máy tách đất hiếm ở miền Trung Australia do công ty Arafura Resources điều hành. (TTXVN)
* Ngày 14/3, chính phủ Brazil công bố kế hoạch "bơm" 165 tỷ Real (khoảng 32 tỷ USD) vào nền kinh tế, trong đó, một phần khoản kinh phí này được trích từ Quỹ An sinh xã hội. Đây là biện pháp nhằm hỗ trợ người lao động gặp khó khăn về tài chính, cũng như giúp tạo ra thêm hàng triệu việc làm mới.
Theo đó, mỗi người lao động Brazil sẽ được phép rút 1.000 Real (gần 200 USD) trong năm nay từ Quỹ Trợ cấp thời gian làm việc (FGTS) do các nhà tuyển dụng lao động chi. Đây là lần thứ ba trong nhiều năm qua Brazil cho phép người dân rút tiền từ quỹ trợ cấp này. (TTXVN)
* Nội các Thái Lan ngày 15/3 đã thông qua việc dỡ bỏ các giới hạn vay cho Quỹ Dầu mỏ nhà nước để cho phép quản lý linh hoạt, một động thái giúp chính phủ có thêm không gian để đối phó với giá nhiên liệu tăng cao do xung đột Nga-Ukraine gây ra.
Theo đó, Nội các đã đồng ý xóa bỏ giới hạn vay vốn được đặt ra ở mức 40 tỷ Baht (khoảng 1,2 tỷ USD) theo quyết định của Ủy ban Chính sách Năng lượng Quốc gia vào ngày 9/3.
Tuy nhiên, việc dỡ bỏ hạn mức trần vay mượn của Quỹ Dầu mỏ vẫn cần có những sửa đổi về mặt pháp lý. Luật quản lý Quỹ Dầu mỏ không cho phép ban quản lý quỹ này vay quá 40 tỷ Baht. (TTXVN)
Mẫu xe điện IONIQ 5 do PT Hyundai Motor Manufacturing Indonesia sản xuất. (Nguồn: Huyndai) |
* Ngày 16/3, Indonesia đã ra mắt chiếc ô tô điện đầu tiên được lắp ráp tại nước này, với tên gọi IONIQ 5 do PT Hyundai Motor Manufacturing Indonesia (HMMI) sản xuất.
Hai mẫu xe IONIQ 5 sẽ được đưa ra thị trường là IONIQ 5 với hệ dẫn động bốn bánh có giá bán 473 triệu Rupiah (33.051 USD) và IONIQ 5 2WD có giá 450 triệu Rupiah. (TTXVN)
* Ngày 15/3, Bộ Khoa học, Công nghệ và Đổi mới Malaysia (MOSTI) tuyên bố, Hội nghị thượng đỉnh thương mại hóa Malaysia 2021 mới đây đã chứng kiến các lễ ký kết tổng cộng 13 thỏa thuận liên doanh trị giá 107 triệu RM (25,44 triệu USD).
13 thỏa thuận liên quan các lĩnh vực sản phẩm, công nghệ và dịch vụ trong công nghệ nông nghiệp/công nghệ kỹ thuật số, khoa học y tế và chăm sóc sức khỏe, công nghệ/ kỹ thuật công nghiệp, công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) và người máy.
Các thỏa thuận này cũng liên quan 6 Biên bản thỏa thuận (MoA) và 7 Biên bản ghi nhớ (MoU) từ 22 tổ chức chính phủ và tư nhân. (TTXVN)
| Tin thế giới 16/3: Ukraine nói phản công; Nga nêu hình mẫu của Kiev; Nhật Bản tuyên bố tước quy chế tối huệ quốc của Nga Cập nhật diễn biến xung đột Nga-Ukraine, Ukraine từ bỏ gia nhập NATO? Quan hệ Nga-Nhật Bản, Triều Tiên lại phóng thử tên lửa, khởi ... |
| Ảnh ấn tượng tuần (7-13/3): EU không ra đòn với khí đốt Nga, nói kết nạp Ukraine ‘không phải nay mai’, Moscow sẽ cấp thiết bị quân sự cho Belarus Thượng đỉnh EU đề cập vấn đề trừng phạt dầu mỏ và khí đốt Nga, kết nạp Ukraine, Tổng thống Putin gặp người đồng cấp ... |