Bộ Kinh tế Nga dự báo, xuất khẩu khí đốt theo đường ống do tập đoàn Gazprom quản lý sẽ giảm xuống 170,4 tỷ m3 (bcm) trong năm nay. (Nguồn: AFP) |
Kinh tế thế giới
Giá dầu thế giới chạm mức thấp nhất 6 tháng qua
Giá dầu thế giới trong phiên giao dịch ngày 16/8 giảm gần 3% xuống mức thấp nhất kể từ trước khi bùng phát xung đột tại Ukraine, do các số liệu kinh tế làm dấy lên lo ngại về khả năng suy thoái toàn cầu.
Khép lại phiên này, giá dầu Brent Biển Bắc đã giảm 2,9%, xuống 92,34 USD/thùng, sau khi có thời điểm giảm xuống 91,71 USD/thùng, mức thấp nhất kể từ ngày 18/2.
Trong khi đó, giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) có lúc giảm xuống 85,37 USD/thùng, mức thấp nhất kể từ ngày 26/1, trước khi tăng trở lại và chốt ở mức 86,53 USD/thùng, giảm 3,2% so với phiên trước đó.
Các số liệu kinh tế yếu đang đè nặng lên giá dầu. Hoạt động xây nhà tại Mỹ vào tháng 7 đã giảm xuống mức thấp nhất trong gần 1 năm rưỡi qua, do lãi suất cho vay thế chấp và giá nguyên vật liệu xây dựng tăng. Điều này cho thấy thị trường nhà ở có thể suy giảm hơn nữa trong quý III.
Trong khi đó, Ngân hàng nhân dân Trung Quốc đã hạ lãi suất để cố gắng thúc đẩy nhu cầu, khi nền kinh tế nước này bất ngờ chậm lại trong tháng 7 do chính sách “Không Covid” và cuộc khủng hoảng trong lĩnh vực bất động sản đã kìm hãm hoạt động bán lẻ và chế tạo.
Ngân hàng Barclays (Anh) đã giảm 8 USD/thùng trong dự báo giá dầu Brent năm nay và năm sau, trên cơ sở đánh giá nguồn cung dầu thô sẽ thặng dư lớn trong ngắn hạn do nguồn cung “ổn định” từ Nga. (TTXVN)
Kinh tế Mỹ
* Ngày 16/8, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ký ban hành Đạo luật Giảm lạm phát với số tiền lên tới 430 tỷ USD. Đây được coi là gói chi tiêu lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ nhằm chống biến đổi khí hậu và giảm giá thuốc kê đơn.
Trước đó, Quốc hội nước này đã thông qua dự luật trên. Được biết, dự luật áp mức thuế tối thiểu 15% đối với phần lớn các công ty có doanh thu hơn 1 tỷ USD/năm. (Reuters)
* Lạm phát của Mỹ lên mức cao nhất trong 4 thập niên, tác động không chỉ đến những người có thu nhập thấp mà còn tới những người có thu nhập cao hơn.
Theo Giám đốc điều hành tập đoàn bán lẻ Walmart Doug McMillon, ngay cả những gia đình giàu có hiện nay dường như cũng đang tiết kiệm tiền khi nhận thấy giá cả hàng hóa cao. Doanh thu trong quý II của năm tài chính 2022 của tập đoàn này tăng là nhờ khách hàng mới có thu nhập từ 100.000 USD trở lên và từ các chuyến đi dã ngoại ngày càng tăng. (Reuters)
Kinh tế Trung Quốc
* Trung Quốc sẽ xây dựng 4.000-6.000 doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) thành các mô hình chuyển đổi kỹ thuật số trong bối cảnh nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang thúc đẩy phát triển nền kinh tế kỹ thuật số.
Theo thông tư chung do liên Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin và Bộ Tài chính Trung Quốc ban hành ngày 17/8, trong giai đoạn từ năm 2022 đến năm 2025, Trung Quốc sẽ sử dụng các quỹ tài chính trung ương để hỗ trợ các doanh nghiệp SME thực hiện thí điểm chuyển đổi kỹ thuật số và cải thiện hơn nữa các nền tảng kỹ thuật số cung cấp dịch vụ công cho các SME. (THX)
* Nền kinh tế Trung Quốc đã duy trì được xu hướng phục hồi trong tháng 7/2022 với các chỉ dấu kinh tế lớn đều ghi nhận mức tăng trưởng ổn định bất chấp tình hình dịch Covid-19 trong nước và các đợt nắng nóng.
Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS) ngày 15/8 công bố số liệu cho thấy, sản lượng công nghiệp của nước này tăng 3,8% so với cùng kỳ năm trước trong tháng 7/2022. Doanh số bán lẻ hàng tiêu dùng tăng 2,7% so với cùng kỳ năm 2021, trong đó doanh số bán hàng hóa như đồ trang sức và đồ gia dụng tăng nhanh.
Theo ông Fu, đà phục hồi kinh tế của Trung Quốc trong tháng 7/2022 không dễ dàng đạt được trong bối cảnh nước này phải đối phó với các đợt bùng phát Covid-19 rải rác trong nước và nhiệt độ cao ở nhiều khu vực. (THX)
Kinh tế châu Âu:
* Bộ Kinh tế Nga dự báo, xuất khẩu khí đốt theo đường ống do tập đoàn Gazprom quản lý sẽ giảm xuống 170,4 tỷ m3 (bcm) trong năm nay, giảm so với mức 205,6 bcm được xuất khẩu trong năm 2021.
Do nguồn cung khan hiếm, giá khí đốt trung bình của Gazprom được dự báo ở mức 730 USD/1.000 m3 trong năm 2022, cao hơn gấp đôi so với mức 304,6 USD/1.000 cm được tính vào năm ngoái và tăng 40% so với dự báo trước đó là 523,3 USD/1.000 m3. (Reuters)
* Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha ngày 12/8 ủng hộ đề xuất của Đức về việc xây dựng một đường ống dẫn khí đốt nối bán đảo Iberia với trung tâm châu Âu, trong đó Tây Ban Nha cho biết một phần của đường ống có thể "hoạt động" trong vòng vài tháng.
Bộ trưởng Sinh thái Teresa Ribera hoan nghênh đề xuất trên của Đức và bày tỏ Tây Ban Nha "sẵn sàng góp phần làm giảm cuộc khủng hoảng năng lượng... bằng cách sử dụng cơ sở hạ tầng tái khí hóa của Tây Ban Nha".
Thủ tướng Bồ Đào Nha Antonio Costa cũng cho biết một đường ống dẫn đến Trung Âu là "ưu tiên" của nước này và hoan nghênh lập trường của Đức là gia tăng "sức ép đối với các thể chế châu Âu" để đạt được tiến bộ trong vấn đề này. (TTXVN)
* Trên cơ sở các tín hiệu cải thiện của nền kinh tế, mới đây, Bộ Phát triển Kinh tế Liên bang Nga (MED) đang soạn thảo một dự báo cập nhật về sự phát triển kinh tế xã hội của nước này đến năm 2025.
Theo tài liệu cập nhật, MED cải thiện dự báo lạm phát của Liên bang Nga trong năm 2022 từ mức 17,6% đưa ra trước đó về mức 13,4%, sau đó lạm phát sẽ chậm lại đáng kể vào năm 2023 và đạt 5,5%. Năm 2024, chỉ số giá tiêu dùng dự kiến tăng 4,2% và năm 2025 tăng 4%.
Về sự sụt giảm của Tổng sản phẩm quốc nội (GDP), MED dự báo năm 2022 sẽ sụt giảm 4,2% thay vì dự báo 7,8% đưa ra hồi tháng 5 năm nay; dự kiến năm 2023 chỉ còn sụt giảm 2,7% và sự phục hồi kinh tế Nga sẽ bắt đầu vào năm 2024 với tăng trưởng GDP ở mức 3,7% và 2,6% vào năm 2025. (TTXVN)
* Trả lời phỏng vấn báo RBC-Ukraine hôm 14/8, Bộ trưởng Tài chính Ukraine Serhiy Marchenko cho hay, nước này dự kiến sẽ nhận thêm từ 12-16 tỷ USD từ các đối tác phương Tây tới cuối năm 2022.
Ông Marchenko nói: “Mọi thứ phụ thuộc vào thành công của các cuộc đàm phán, có thể lên tới 30 tỷ USD. Chúng tôi đã nhận được 14 tỷ USD và đến cuối năm chúng tôi có thể được nhận thêm từ 12-16 tỷ USD”.
Theo Bộ trưởng Marchenk, ngay trong tháng 9, chính phủ Ukraine hy vọng nhận được các khoản tiền từ chương trình hỗ trợ tài chính vĩ mô từ EU. Theo chương trình này, tổng cộng Kiev có thể nhận được 8 tỷ Euro (8,18 tỷ USD) - số tiền sẽ được chuyển thành nhiều đợt. (TTXVN)
* Ngày 16/8, Đại sứ của Liên minh châu Âu (EU) ở các đảo quốc Thái Bình Dương Sujiro Seam cho biết, liên minh này đang tìm cách tăng cường sự hiện diện ở Thái Bình Dương thông qua hợp tác kinh tế và các cam kết an ninh mới, trong bối cảnh cạnh tranh địa chính trị trong khu vực đang gia tăng.
Phát biểu trong một cuộc phỏng vấn với Reuters, Đại sứ Seam cho biết, EU từ lâu đã được coi là một đối tác phát triển ở Thái Bình Dương và liên minh này muốn được nhìn nhận là một đối tác kinh tế chiến lược.
Năm 2021, EU thiết lập chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương chính thức và công bố quỹ cơ sở hạ tầng toàn cầu trị giá 300 tỷ Euro (305 tỷ USD). EU đang thực hiện một số dự án phát triển ở khu vực Thái Bình Dương và đang xem xét nhiều dự án hơn. (TTXVN)
* Theo số liệu vừa được Văn phòng Thống kê Quốc gia Anh (ONS) công bố, tỷ lệ lạm phát của Vương quốc Anh trong tháng Bảy đã tăng lên mức 10,1% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức 9,4% trong tháng Sáu, mức cao nhất kể từ tháng 2/1982 và vượt mức dự báo của các nhà kinh tế là 9,8%.
Giá lương thực trong tháng Bảy đã tăng 12,7%, mức tăng cao nhất của danh mục hàng hóa này trong hơn 20 năm. Trong khi đó, tỷ lệ lạm phát cơ bản, không bao gồm giá năng lượng và thực phẩm, cũng vượt kỳ vọng khi tăng 6,2%, trong khi các nhà kinh tế dự báo chỉ tăng 5,8%. (TTXVN)
Giá dầu thế giới giảm xuống mức thấp nhất trong 6 tháng qua. (Nguồn: AFP) |
Kinh tế Nhật Bản và Hàn Quốc
* Số liệu được Bộ Tài chính Nhật Bản công bố ngày 17/8 cho thấy, thâm hụt thương mại trong tháng Bảy của Nhật Bản vào khoảng 1.400 tỷ Yen (tương đương 10,44 tỷ USD), ghi nhận tình trạng thâm hụt thương mại tháng thứ 12 liên tiếp tại quốc gia Đông Bắc Á này.
Thâm hụt thương mại trong tháng Bảy của Nhật Bản là 1.436,8 tỷ Yen, cũng là mức chênh lệch giữa nhập khẩu và xuất khẩu cao nhất trong tháng Bảy kể từ năm 1979. (Kyodo)
* Ngày 15/8, Văn phòng Nội các Nhật Bản thông báo, trong quý II/2022, GDP thực tế của nước này ước đạt 542.120 tỷ Yen (tương đương 4.070 tỷ USD). Như vậy, GDP thực tế của Nhật Bản đã lần đầu tiên vượt mức trước đại dịch 540.840 tỷ Yen của quý IV/2019.
Kinh tế Nhật Bản tăng 0,5% so với quý trước và tăng 2,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, các mức tăng trưởng tương ứng theo dự báo của thị trường là 0,6% và 2,5%. (TTXVN)
* Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng và Giao thông Hàn Quốc ngày 16/8 cho biết, nước này sẽ cung cấp 2,7 triệu căn nhà mới trong 5 năm tiếp theo bằng cách nới lỏng các quy định về tái phát triển và tái xây dựng, đồng thời cho phép khu vực tư nhân tham gia vào các dự án phát triển thành phố.
Theo đó, chính phủ Hàn Quốc sẽ cung cấp 1,58 triệu căn nhà ở Seoul và các khu vực đô thị và 1,12 triệu căn ở các tỉnh khác trong giai đoạn từ năm 2023-2027 để ổn định thị trường bất động sản. (Yonhap)
Kinh tế ASEAN và các nền kinh tế mới nổi
* Trả lời phỏng vấn truyền thông Australia nhân kỷ niệm 75 năm ngày Độc lập của Ấn Độ (1947-2022), Cao ủy Ấn Độ tại Australia Manpreet Vohra cho biết, New Dehli nhìn thấy “tiềm năng to lớn” về các nguồn tài nguyên khoáng sản quan trọng của Australia để giúp quốc gia gần 1,4 tỷ dân này hiện thực hóa tham vọng về một tương lai xanh hơn.
Chính phủ cũng đã cam kết tài trợ hơn 3,3 tỷ AUD cho các công ty sản xuất pin địa phương để triển khai sản xuất trong nước, giúp nâng doanh số bán xe ô tô điện lên 1/3 tổng số ô tô được đưa ra thị trường vào năm 2030. (TTXVN)
* Lạm phát tại Singapore dự kiến sẽ đạt đỉnh trong vòng hai đến bốn tháng tới và sau đó sẽ bắt đầu giảm dần. Đó là nhận định của Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Singapore Lawrence Wong trong cuộc trả lời phỏng vấn hãng tin Bloomberg.
Tuy nhiên, ông lưu ý rằng, không có khả năng tỷ lệ lạm phát của Singapore sẽ quay trở lại mức đã được duy trì trong hơn một thập niên qua ở nước này do môi trường địa chính trị, các vấn đề về chuỗi cung ứng và cách thức các nền kinh tế đang chuyển đổi theo hướng trở nên bền vững hơn.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Tài chính Singapore cũng cho biết lạm phát chỉ có thể giảm xuống vào cuối năm và tỷ lệ lạm phát mới sẽ được giữ ổn định ở mức nào là điều rất không chắc chắn. (Bloomberg)
* Hội đồng Phát triển Kinh tế và Xã hội Thái Lan (NESDC) ngày 15/8 cho biết, triển vọng kinh tế chung của nước này trong năm nay vẫn tích cực, nhưng lạm phát, căng thẳng chính trị trên thế giới, lãi suất tăng và nợ tiếp tục là mối đe dọa đối với tăng trưởng của quốc gia Đông Nam Á.
GDP của Thái Lan trong quý II năm nay đã tăng 2,5% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn so với mức tăng 2,3% trong quý trước đó, góp phần giúp nền kinh tế tăng trưởng 2,4% trong 6 tháng đầu năm 2022. (TTXVN)
* Ngày 16/8, trình bày dự thảo ngân sách nhà nước (RAPBN) năm 2023 trước Quốc hội, Tổng thống Indonesia Joko Widodo cho biết, chính phủ nước này đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế đạt 5,3% vào năm tới.
Việc đặt mục tiêu tăng trưởng cho năm tới cao hơn mục tiêu 5,2% của năm nay cho thấy nền kinh tế Indonesia đang tiếp tục phục hồi sau khi ghi nhận mức tăng trưởng 3,69% vào năm 2021 do tác động của đại dịch Covid-19. (TTXVN)