📞

Kinh tế thế giới nổi bật (15-21/12): Nga ra tay với nhà đầu tư từ ‘nước không thân thiện’, một quốc gia Đông Nam Á nghiên cứu đất hiếm

Hải An 13:36 | 21/12/2023
Thương mại toàn cầu gặp khó trước các cuộc tấn công trên Biển Đỏ, Nga gia hạn lệnh cấm nhà đầu tư từ “các nước không thân thiện” bán cổ phần, lạm phát tại Czech cao nhất châu Âu, Indonesia lập bản đồ tiềm năng đất hiếm… là những tin kinh tế thế giới nổi bật tuần qua.
Tổng thống Nga Vladimir Putin quyết định kéo dài đến cuối năm 2025 lệnh cấm các nhà đầu tư từ “các nước không thân thiện” bán cổ phần trong một số doanh nghiệp và ngân hàng chiến lược của Nga.(Nguồn: Shutterstock)

Kinh tế thế giới

Các cuộc tấn công trên Biển Đỏ cản trở hoạt động thương mại toàn cầu

Các cuộc tấn công trên Biển Đỏ, một phần của tuyến vận tải huyết mạch Đông-Tây của thế giới, trong những ngày gần đây càng làm gia tăng tâm lý lo ngại rằng thương mại quốc tế đứng trước nguy cơ tiếp tục gián đoạn khi chỉ vừa chớm phục hồi sau đại dịch Covid-19.

Biển Đỏ nối với Địa Trung Hải qua kênh đào Suez, hình thành nên tuyến vận tải biển ngắn nhất kết nối châu Âu và châu Á. Khoảng 15% lưu lượng vận tải biển của thế giới đi qua kênh đào này. Lực lượng Houthi ở Yemen đã thừa nhận tiến hành một số vụ tấn công bằng tên lửa nhằm vào Israel, cũng như các tàu thương mại hướng đến nước này đi qua Biển Đỏ kể từ khi xung đột giữa Israel và Phong trào Hồi giáo Hamas bùng phát hồi đầu tháng 10 vừa qua.

Sau khi một số tàu bị tấn công, ngày càng nhiều tàu chở hàng quyết định neo đậu trên Biển Đỏ trong khi nhiều tàu khác tắt các hệ thống định vị, các nhà buôn điều chỉnh lịch trình và chi phí vận chuyển. Theo giới phân tích, những quyết định này được cho là sẽ gây tác động đối với hoạt động thương mại toàn cầu, mức độ tác động tùy thuộc vào thời gian khủng hoảng tiếp diễn.

Cụ thể, nhiều hãng tàu biển lớn như Hapag Lloyd, MSC và Maersk hay các công ty dầu mỏ hàng đầu gồm BP và Frontline đều thông báo sẽ tránh di chuyển qua tuyến đường biển này, điều hướng lộ trình sang phía mũi Hảo Vọng ở miền Nam châu Phi.

Từ cuối tuần trước, Maersk Đan Mạch đã tạm dừng mọi hoạt động vận tải qua khu vực Biển Đỏ sau khi tàu Maersk Gibraltar của công ty suýt mất tích. Rất nhiều tàu của Maersk đang neo đậu tại Biển Đỏ. Ngày 19/12, công ty thông báo các tàu tạm dừng lịch trình và dự định qua vùng biển phía Nam Biển Đỏ và Vịnh Aden sẽ được điều hướng đi qua châu Phi.

Giới phân tích trong ngành nhận định, tác động đối với thương mại toàn cầu còn phụ thuộc vào thời gian khủng hoảng tiếp diễn, nhưng phí bảo hiểm và việc phải điều chỉnh lộ trình dài hơn sẽ tác động trực tiếp. Vortexa ước tính chi phí để một tàu cỡ lớn chở dầu thô đi qua kênh đào Suez từ châu Âu tới Trung Đông đã tăng 25% trong 1 tuần. Các nhà môi giới cho biết một số chủ tàu chở dầu đang bổ sung một điều khoản mới để bao gồm phương án đi qua mũi Hảo Vọng trong hợp đồng vận chuyển như một biện pháp phòng ngừa.

Kinh tế Mỹ

* Theo báo cáo được Bộ Thương mại Mỹ công bố ngày 19/12, hoạt động xây dựng nhà đơn lập trong tháng 11 vừa qua đã tăng lên mức cao nhất trong hơn một năm rưỡi và có thể sẽ tiếp tục tăng thêm trong bối cảnh lãi suất thế chấp giảm và các ưu đãi từ các nhà xây dựng có khả năng thu hút người mua tiềm năng quay trở lại thị trường.

Tổng số nhà ở được khởi công xây dựng mới trong tháng 11/2023 tăng 14,8%, lên mức 1,560 triệu căn. Số đơn xin cấp phép xây dựng nhà đơn lập, chỉ số cho thấy tình trạng xây dựng trong tương lai, cũng tăng 0,7%, lên mức 976.000 căn, mức cao nhất kể từ tháng 5/2022.

Sức mạnh trong lĩnh vực xây dựng nhà ở mới đang mang lại tín hiệu tốt cho đầu tư nhà ở, vốn đã phục hồi trong quý III/2023 sau 9 quý giảm liên tiếp. Điều này cũng thúc đẩy các chuyên gia kinh tế nâng ước tính tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ trong quý IV/2023 lên mức 2,6%.

Kinh tế Trung Quốc

* Kinh tế Trung Quốc đã phục hồi và đạt được tiến triển vững chắc trong quá trình phát triển chất lượng cao vào năm 2023 bất chấp áp lực bên ngoài và những khó khăn trong nước. Đây là nhận định được đưa ra tại Hội nghị Công tác Kinh tế Trung ương Trung Quốc thường niên diễn ra tuần trước.

Theo dữ liệu từ Tổng cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS), trong số nhiều yếu tố thúc đẩy tăng trưởng, chi tiêu tiêu dùng đang đóng vai trò ngày càng quan trọng trong nền kinh tế, chiếm 83,2% tăng trưởng kinh tế trong ba quý của năm.

*Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường đã ký một sắc lệnh của Quốc vụ viện (Chính phủ) ban hành các quy định về giám sát và quản lý các tổ chức thanh toán phi ngân hàng. Sắc lệnh có hiệu lực từ ngày 1/5/2024.

Các quy định này được xây dựng nhằm tăng cường công tác quản lý và giám sát dựa trên luật pháp đối với các tổ chức thanh toán phi ngân hàng và hoạt động kinh doanh của các tổ chức này, tạo điều kiện cho sự phát triển lành mạnh của ngành, bảo vệ các quyền hợp pháp và lợi ích của khách hàng, đồng thời giúp các tổ chức này phục vụ tốt hơn cho nền kinh tế thực và đáp ứng nhu cầu của khách hàng về các phương thức thanh toán đa dạng.

Kinh tế châu Âu

*Liên minh châu Âu (EU) và Kenya hôm 18/12 đã ký kết một thỏa thuận thương mại được Tổng thống Kenya William Ruto mô tả là “lịch sử”, thỏa thuận lớn đầu tiên kể từ năm 2016 giữa EU và một quốc gia châu Phi.

Hiệp định thương mại tự do EU-Kenya được đàm phán trong thời gian dài và thông qua hồi tháng 6/2023, đảm bảo cho các sản phẩm của Kenya được miễn thuế và không hạn ngạch tiếp cận thị trường châu Âu và giảm thuế đối với các sản phẩm châu Âu dành cho quốc gia Đông Phi này. Hiệp định thể hiện mong muốn của EU nhằm củng cố mối quan hệ kinh tế chặt chẽ hơn trên lục địa châu Phi.

*Ngày 19/12, EU thông báo sẽ kéo dài thời gian đình chỉ việc áp thuế trả đũa đối với hàng hóa của Mỹ sau khi hai bên đạt được thỏa thuận trong tranh chấp thép và nhôm.

Tuyên bố của Ủy ban châu Âu (EC) nêu rõ, sẽ đình chỉ hoạt động áp thuế trả đũa đến ngày 31/3/2025 sau khi Mỹ cho biết họ sẽ đưa ra các bổ sung miễn trừ thuế cho các nhà xuất khẩu EU.

Ủy viên Thương mại EU Valdis Dombrovskis cho biết, quyết định “gia hạn quan trọng" nói trên là "kết quả của sự cam kết sâu với Mỹ".

* Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat) ngày 19/12 công bố số liệu cho thấy Cộng hòa Czech đã trở thành quốc gia thành viên có tỷ lệ lạm phát trong tháng 11/2023 cao nhất trong toàn EU với mức 8%.

Trong khi đó, Bỉ tiếp tục là quốc gia thành viên ghi nhận tỷ lệ lạm phát thấp nhất trong EU trong tháng 11/2023 với -0,8%. Tiếp theo lần lượt là Đan Mạch (0,3%), Italy (Italy 0,6%) và Phần Lan (0,7%).

Theo Eurostat, tỷ lệ lạm phát trung bình chung của EU trong tháng 11/2023 đã giảm 0,5% so với tháng 10/2023, xuống còn 3,1% và đây là mức thấp nhất trong hai năm qua.

* Theo sắc lệnh được gia hạn ngày 19/12, Tổng thống Nga Vladimir Putin quyết định kéo dài đến cuối năm 2025 lệnh cấm các nhà đầu tư từ “các nước không thân thiện bán cổ phần trong một số doanh nghiệp và ngân hàng chiến lược của Nga.

Lệnh cấm lẽ ra hết hiệu lực vào ngày 31/12/2022, song sau đó được gia hạn đến cuối năm 2023 và tiếp tục được gia hạn theo động thái mới nhất. Theo đó, giao dịch chỉ có thể được thực hiện khi có sự cho phép đặc biệt của Tổng thống.

* Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Rustem Umerov ngày 15/12 cho biết, nước này đã đạt được hàng chục hợp đồng sản xuất chung hoặc trao đổi công nghệ với các đối tác phương Tây. Ông Umerov lấy dẫn chứng một diễn đàn công nghiệp quốc phòng do Kiev tổ chức hồi tháng 9 với sự tham gia của hơn 250 nhà sản xuất vũ khí phương Tây và sau đó là hội nghị quốc phòng chung Ukraine-Mỹ tại Washington trong tháng 12 này, đồng thời nhấn mạnh Ukraine đã ký với Mỹ một biên bản ghi nhớ về việc chia sẻ dữ liệu kỹ thuật và sản xuất chung.

* Hiệp hội Năng lượng Đức (BDEW) ngày 18/12 cho biết, hơn một nửa lượng điện tiêu thụ của nước này trong năm 2023 lần đầu tiên được tạo ra từ nguồn năng lượng tái tạo.

BDEW dự báo, tổng lượng tiêu thụ điện trong năm nay của Đức khoảng 517 tỷ kWh, trong đó khoảng 52% được sản xuất từ năng lượng tái tạo, tăng so với mức 540 tỷ kWh trong năm 2022, trong đó 47% sản xuất từ năng lượng tái tạo. Đức đang đặt mục tiêu đạt 80% điện năng từ năng lượng gió và Mặt trời vào năm 2030.

Kinh tế Nhật Bản và Hàn Quốc

* Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) hôm 19/12 đã quyết định duy trì chính sách lãi suất siêu thấp để đảm bảo tăng trưởng tiền lương và lạm phát ổn định, một động thái ngược lại kỳ vọng của thị trường.

Trong tuyên bố chính sách được đưa ra sau cuộc họp kéo dài hai ngày, BoJ cho biết, lãi suất ngắn hạn sẽ vẫn ở mức -0,1%. Hướng dẫn lãi suất trái phiếu chính phủ Nhật Bản kỳ hạn 10 năm được giữ nguyên quanh khoảng 0%, đồng thời cho phép lợi suất tăng trên 1% như đã quyết định trong cuộc họp chính sách trước đó vào tháng 10/2023.

* Bộ Quốc phòng Hàn Quốc ngày 20/12 công bố, kim ngạch xuất khẩu của ngành công nghiệp quốc phòng nước này trong năm 2023 hiện đã đạt trên 10 tỷ USD và dự kiến cả năm sẽ đạt 13-14 tỷ USD. Quy mô xuất khẩu ngành này của Hàn Quốc từng xác lập mức cao kỷ lục 17,3 tỷ USD vào năm 2022.

Kim ngạch xuất khẩu giảm trong năm nay nhưng vẫn đạt bình quân trên 15 tỷ USD trong hai năm gần đây. Đối tác xuất khẩu đã tăng từ 4 nước trong năm 2022 lên 12 nước trong năm nay.

* Bộ Kế hoạch và Tài chính Hàn Quốc ngày 15/12 công bố báo cáo "Xu hướng đầu tư trực tiếp ra nước ngoài quý III/2023" cho biết, tổng vốn đầu tư trực tiếp ra nước ngoài của doanh nghiệp Hàn Quốc trong quý III chỉ ở mức 14,62 tỷ USD, giảm 20,4% so với cùng kỳ năm 2022.

Trong quý IV/2022, đầu tư trực tiếp ra nước ngoài đã giảm tới 51,9%, sau đó giảm tiếp 40,1% trong quý I và 21,1% trong quý II/2023.

Trong quý III/2023, đầu tư vào lĩnh vực chế tạo đạt 4,86 tỷ USD, tăng 11,8% so với cùng kỳ năm trước. Đầu tư vào các ngành còn lại đều bị giảm, như tài chính bảo hiểm đạt 6,66 tỷ USD, giảm 21%; bất động sản đạt 920 triệu USD, giảm 36,9% so với cùng kỳ 2022.

Kinh tế ASEAN và các nền kinh tế mới nổi

* Nền kinh tế toàn cầu đã ghi nhận một năm 2023 tăng trưởng yếu, một phần do chính sách thắt chặt tiền tệ của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) và đà phục hồi còn chậm của kinh tế Trung Quốc sau đại dịch Covid-19. Những yếu tố này được ví như "cơn gió ngược" tác động đến các nền kinh tế Đông Nam Á, đặc biệt là thông qua thương mại.

Tuy vậy, kinh tế khu vực năm 2004 được dự báo sẽ tiếp tục phục hồi dù với tốc độ chậm hơn và lạm phát sẽ quay trở lại "vùng an toàn" của các ngân hàng trung ương.

* Bộ Năng lượng và Tài nguyên Khoáng sản Indonesia (ESDM) đã bắt đầu nghiên cứu để lập bản đồ về tiềm năng khoáng sản đất hiếm trong than đá, cũng như xem xét các cách khác để gia tăng giá trị từ mặt hàng này ngoài việc sử dụng làm nguyên liệu cho các nhà máy nhiệt điện.

Than đá của Indonesia có khả năng chứa nhiều nguyên tố đất hiếm (REE), có thể làm tăng giá trị xuất khẩu. Ngoài ra, than đá có thể được tinh chế để phù hợp cho các hoạt động luyện kim hoặc được chế biến thành graphene tổng hợp.

*Bộ Du lịch, Nghệ thuật và Văn hóa Malaysia đã công bố nới lỏng các điều kiện cho Chương trình Ngôi nhà thứ hai của tôi ở Malaysia (MM2H). Theo đó, đơn giản hóa quy trình đăng ký MM2H, vốn bị chỉ trích là quá phức tạp.

Bộ trưởng Bộ Du lịch, Nghệ thuật và Văn hóa, Tiong King Sing cho biết “phiên bản đặc biệt” dành cho MM2H mới có các quy định ứng dụng linh hoạt và rõ ràng hơn.

Ông cho biết, các điều kiện mới đang trong thời gian thử nghiệm kéo dài một năm, với các tiêu chí và điều kiện hợp lý, phù hợp với nhu cầu hiện tại. Đồng thời hoan nghênh các ứng viên từ tất cả các nước trên toàn thế giới.