Kinh tế thế giới
Châu Âu vẫn phụ thuộc vào khí đốt Nga. (Nguồn: russiabusinesstoday.com) |
IMF hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu
Ngày 19/4, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã công bố hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu xuống mức 3,6% năm 2022 trong bối cảnh xung đột Nga-Ukraine.
Theo đó, mức dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2022 và 2023 mà IMF đưa ra thấp hơn lần lượt 0,8% và 0,2% so với mức dự báo hồi tháng Một, khi giá cả cùng nợ công tăng cao. Đồng thời, cuộc xung đột cũng thúc đẩy lạm phát, đặc biệt trong lĩnh vực thực phẩm và năng lượng, làm gián đoạn thương mại trên thế giới.
Quỹ này quan ngại rằng, kinh tế sụt giảm có thể thấy rõ nhất tại các quốc gia nghèo nhất, đe dọa xóa bỏ những thành quả trong phục hồi kinh tế sau đại dịch.
Theo dự báo tăng trưởng của IMF, Mỹ và Trung Quốc sẽ chịu sự tác động của cuộc khủng hoảng Ukraine và làn sóng dịch Covid-19.
Cụ thể, năm 2022, Mỹ - nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ tăng trưởng 3,7% trong khi Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai toàn cầu sẽ tăng 4,4%.
Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) được dự báo giảm xuống mức 2,8% trong năm nay, thấp hơn 1,1% so với mức dự đoán trước đó.
Quỹ này cũng nhận định, lạm phát đang gia tăng và sẽ dai dẳng hơn nữa. Tại các nền kinh tế phát triển, lạm phát sẽ ở mức 5,7%, còn đối với các nền kinh tế đang phát triển mới nổi sẽ là 8,7% trong năm nay, tăng lần lượt 1,8% và 2,8% so với dự báo đưa ra hồi tháng Một. (Reuters)
Sản lượng ô tô toàn cầu giảm
Cuộc xung đột ở Ukraine đã khiến các nhà theo dõi ngành công nghiệp ô tô phải cắt giảm dự báo sản lượng và doanh số bán xe trong hai năm tới. Các nhà máy sản xuất ô tô ở Đông Âu phải đóng cửa và giá các nguyên liệu thô tăng vọt.
Vào tháng Ba, S&P Global Mobility dự báo sản lượng ô tô toàn cầu giảm 2,6 triệu xe trong cả năm 2022 và 2023 do cuộc xung đột Ukraine, trường hợp xấu nhất, con số này sẽ là 4 triệu xe. Sản lượng ô tô của châu Âu dự kiến sẽ giảm khoảng 9% (1 triệu chiếc)
Một phần trong số đó sẽ do doanh số bán ô tô bị sụt giảm trực tiếp ở Nga và Ukraine, nhưng các quốc gia này chỉ chiếm thị phần nhỏ của thị trường ô tô toàn cầu (khoảng 2% vào năm 2021).
Mối quan tâm lớn hơn là tình trạng thiếu nguyên liệu và phụ tùng đang ảnh hưởng đến các nhà sản xuất ô tô châu Âu, và có thể lan sang các thị trường khác nếu cuộc xung đột Ukraine kéo dài. (CNBC)
Kinh tế Mỹ
* Nền kinh tế Mỹ đang đứng trong một tình thế bấp bênh: Nhu cầu tăng cao, lạm phát leo thang và Cục Dự trữ Liên bang (Fed) đang đẩy nhanh việc tăng lãi suất trong khi cố gắng tránh cho tỷ lệ thất nghiệp tăng cao. Các nhà kinh tế tại ngân hàng đầu tư Goldman Sachs cảnh báo những yếu tố này làm gia tăng khả năng đẩy nền kinh tế rơi vào suy thoái.
Tin liên quan |
Giá vàng hôm nay 21/4, Giá vàng chịu sức ép, tiền bay hơi, chuyên gia chỉ cách đầu tư khôn ngoan, Nga tung chiêu ‘rã đông’ kho vàng bị trừng phạt |
Theo đó, ngày 18/4, Goldman Sachs tuyên bố với các khách hàng rằng, nguy cơ ngắn hạn của việc chứng kiến một cuộc suy thoái trong hai năm tới là rất cao và họ nên chuẩn bị cho khả năng này.
Những tín hiệu “cứng rắn” gần đây từ Fed là nhân tố cốt lõi thúc đẩy cảnh báo này. Khả năng kinh tế Mỹ diễn ra suy thoái trong 12 tháng tới là khoảng 15%, và 35% trong vòng 24 tháng tới. (IB Times)
* Ngày 19/4, trước sức ép từ cuộc cạnh tranh trong lĩnh vực năng lượng và tình trạng gia tăng hàng loạt chi phí, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã khởi động chương trình tín dụng hạt nhân trị giá 6 tỷ USD nhằm hỗ trợ các nhà máy điện hạt nhân đang "chật vật" tìm cách duy trì hoạt động.
Giới chức Mỹ sẽ tiếp nhận đơn đăng ký của các chủ sở hữu nhà máy điện hạt nhân nằm trong diện được hỗ trợ đầu tiên trong chương trình tín dụng hạt nhân đến ngày 19/5, trong đó ưu tiên các lò phản ứng đã thông báo ý định đóng cửa. (AP)
Kinh tế Trung Quốc
* Tổng cục Thống kê quốc gia Trung Quốc (NBS) ngày 18/4 công bố số liệu cho thấy Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong quý I/2022 tăng 4,8% so với cùng kỳ năm 2021, đồng thời cảnh báo “những thách thức lớn” phía trước trong bối cảnh tình hình dịch Covid-19 phức tạp đe dọa đến mục tiêu tăng trưởng đầy tham vọng của nước này.
GDP của Trung Quốc đã tốt hơn dự kiến ở mức 4,8% trong quý I/2022, tăng so với mức 4% trong quý cuối năm 2021. Tuy nhiên, số liệu này chưa tính đến những tác động của biện pháp phong tỏa kéo dài nhiều tháng tại Thượng Hải và cao hơn dự báo của nhà phân tích. (AFP)
* Ngày 18/4, THX dẫn lời Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc kêu gọi ổn định chuỗi cung ứng của nước này, trong đó các chính quyền địa phương phải hỗ trợ các công ty chủ chốt hoạt động trở lại.
Sự gia tăng mạnh số ca mắc Covid-19 đang tác động tiêu cực đến chuỗi logistics của Trung Quốc, khiến nhiều đường cao tốc và cảng biển bị tắc nghẽn, người lao động không thể làm việc và vô số các nhà máy phải đóng cửa. Sự gián đoạn này đang lan sang cả chuỗi cung ứng toàn cầu.
Ông Lưu Hạc nói: "Chúng tôi sẽ giải quyết từng vấn đề còn tồn tại ở các khu vực chủ chốt”, và chính phủ sẽ tạo ra một “danh sách trắng” bao gồm các công ty công nghiệp chủ chốt cần hỗ trợ để phục hồi từ tình trạng gián đoạn hiện tại. (Reuters)
Kinh tế châu Âu
* Số liệu từ nhà vận hành đường ống TSO Eustream của Slovakia cho thấy, lượng khí đốt của Nga vận chuyển sang châu Âu qua Ukraine và hệ thống ống dẫn Dòng chảy phương Bắc 1 đến Đức đã tăng đáng kể vào sáng 20/4, trong khi các dòng chảy phía Đông từ Đức đến Ba Lan thông qua hệ thống ống Yamal-Europe vẫn ổn định.
Theo đó, lượng khí đốt từ Nga tới Slovakia thông qua Ukraine ngày 20/4 gia tăng. Cụ thể, lượng khí vận chuyển qua cửa khẩu biên giới Velke Kapusany đạt khoảng 411.546 megawatt giờ (MWh)/ngày, tăng so với mức 398.668 MWh trong ngày 19/4.
Nhà sản xuất khí đốt Gazprom của Nga ngày 20/4 thông báo vẫn tiếp tục cung cấp khí đốt cho châu Âu thông qua Ukraine, phù hợp với đề nghị của các khách hàng châu Âu.
Lượng vận chuyển đến Đức thông qua hệ thống Dòng chảy phương Bắc 1 đi qua biển Baltic vẫn ở mức 73.301.709 KWh/h vào sáng 20/4, tăng nhẹ so với mức 73.000.000 KWh/h trong 24 giờ trước đó. Việc vận chuyển khí đốt ở phía Đông thông qua hệ thống ống dẫn Yamal-Europe từ Đức tới Ba Lan vẫn là 6.457.686 KW/h. (AFP)
* Giá khí đốt tại châu Âu ngày 19/4 đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ khi nổ ra cuộc xung đột tại Ukraine vào cuối tháng Hai.
Sáng 19/4, giá khí đốt trên sàn giao dịch Amsterdam giảm 12% xuống còn khoảng 84 Euro/MWh. Đây là mức thấp nhất kể từ ngày 23/2, một ngày trước khi nổ ra xung đột tại Ukraine. Sau đó giá khí đốt đã được điều chỉnh khi giao dịch ở mức 92 Euro/MWh. (AFP)
* Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga đã thông qua dự thảo luật cấm các ngân hàng Nga chia sẻ "bí mật ngân hàng" với người nước ngoài. Đây là động thái mới nhất của các nhà lập pháp Nga nhằm bảo vệ lĩnh vực tài chính của nước này.
Theo đó, giới chức Nga cho phép các doanh nghiệp và ngân hàng nước này không tiết lộ thông tin về cổ phiếu đã phát hành và danh sách người mua, để tự bảo vệ khỏi các lệnh trừng phạt có thể xảy ra. Bên cạnh đó, Ngân hàng Trung ương Nga cho biết sẽ không công bố báo cáo tài chính của các ngân hàng trên trang web cho đến tháng Mười. (Sputnik)
* Nhà kinh tế trưởng của IMF Pierre-Olivier Gourinchas mới đây cho biết, kinh tế Nga sẽ không sớm phục hồi sau các lệnh trừng phạt.
IMF dự báo GDP của Nga sẽ giảm 8,5% trong năm nay và dự kiến giảm thêm 2,3% trong năm tới.
Các lệnh trừng phạt của phương Tây nhằm vào xuất khẩu năng lượng của Nga có thể khiến sản lượng kinh tế của Nga giảm tới 17% trong năm 2023. (Reuters)
* Theo một nghiên cứu được Greenpeace công bố hôm 19/4, số tiền mà Đức sẽ phải trả cho năng lượng nhập khẩu từ Nga trong năm 2022 sẽ nhiều hơn 60% so với năm 2021, với tổng giá trị ước tính lên tới 32 tỷ Euro (34,5 tỷ USD).
Các khoản thanh toán của Đức cho dầu nhập khẩu từ Nga dự kiến sẽ tăng 25%, lên 14,2 tỷ Euro, trong khi các khoản thanh toán cho khí đốt nhập khẩu của nước này thậm chí có thể tăng gấp đôi, lên 17,6 tỷ Euro trong năm nay. (THX)
* Ngày 19/4, chính phủ Đan Mạch tuyên bố sẽ tăng đáng kể nguồn cung năng lượng tái tạo và tạm thời tăng sản xuất khí đốt tự nhiên từ các mỏ của nước này ở Biển Bắc, nhằm giảm phụ thuộc vào nguồn cung từ Nga.
Đan Mạch cũng thống nhất áp dụng thuế khí thải carbon đối với các công ty. Nước này đặt mục tiêu tăng sản lượng điện gió và điện Mặt trời của các cơ sở trên đất liền gấp 4 lần trong vòng 8 năm và tăng sản lượng điện gió ngoài khơi thêm 1-4 GW. (TTXVN)
* Trong cuộc trả lời phỏng vấn kênh truyền hình France 5, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nói Pháp không cần khí đốt của Nga, song châu Âu lại phụ thuộc vào nguồn cung cấp năng lượng này.
Ông Macron cho biết Pháp đang làm việc để mua khí đốt từ các quốc gia khác. Trước đó, nhà lãnh đạo chủ trương hạn chế hoạt động cung cấp dầu và than của Nga cho Liên minh châu Âu (EU). (Reuters)
Nhật Bản là nước mới nhất thông qua dự luật hủy quy chế thương mại "tối huệ quốc" đối với Nga. (Nguồn:russiabusinesstoday.com) |
Kinh tế Nhật Bản và Hàn Quốc
* Ngày 20/4, Quốc hội Nhật Bản đã thông qua dự luật hủy quy chế thương mại "tối huệ quốc" đối với Nga, một động thái được thực hiện đồng loạt với các nước khác trong khuôn khổ các biện pháp trừng phạt nhằm vào nước này do liên quan tới xung đột tại Ukraine.
Dự kiến, sau động thái của Quốc hội, chính phủ Nhật Bản sẽ ra sắc lệnh quy định tất cả hàng hóa nhập khẩu từ Nga phải chịu mức thuế cao hơn cho đến cuối tháng 3/2023, bao gồm thuế tăng từ 3,5% lên 5% đối với cá hồi và từ 4% lên 6% đối với cua. (AFP)
* Ngày 20/4, Bộ Tài chính Nhật Bản công bố báo cáo sơ bộ cho biết, thâm hụt thương mại hàng hóa của nước này trong tháng Ba vừa qua ở mức 412,4 tỷ yen (3,2 tỷ USD). Đây là tháng thứ tám liên tiếp Nhật Bản thâm hụt thương mại, trong bối cảnh giá năng lượng tăng cao do tác động của cuộc xung đột giữa Nga-Ukraine.
Theo báo cáo, kim ngạch nhập khẩu của Nhật Bản trong tháng 3/2022 tăng 31,2% so với cùng kỳ năm ngoái, lên 8.870 tỷ Yen và là tháng thứ 14 liên tiếp tăng. Kim ngạch xuất khẩu trong tháng này cũng tăng 14,7% lên 8.460 tỷ Yen, đánh dấu tháng tăng thứ 13 liên tiếp. (TTXVN)
* Ngày 20/4, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã phê chuẩn việc bổ nhiệm ông Rhee Chang-yong làm Thống đốc Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc (BoK).
Ông Rhee Chang-yong, sinh năm 1960, được đánh giá là có năng lực cả về lý thuyết và chính sách kinh tế, tài chính tiền tệ trong nước và quốc tế, sẽ chính thức bắt đầu nhiệm kỳ 4 năm sau lễ nhậm chức vào chiều 21/4. (TTXVN)
* Theo số liệu của Cơ quan Hải quan Hàn Quốc, giá lúa mì nhập khẩu của nước này tăng vọt lên mức cao kỷ lục trong hơn 13 năm vào tháng Ba, do tác động từ xung đột Nga-Ukraine và các nút cổ chai trong chuỗi cung ứng toàn cầu, từ đó gây sức ép lên giá thực phẩm.
Giá lúa mỳ nhập khẩu của Hàn Quốc ở mức 402 USD/tấn trong tháng trước, tăng 8,8% so với tháng Hai và là mức cao nhất kể từ tháng 12/2008. (Yonhap)
Kinh tế ASEAN và các nền kinh tế mới nổi
* Australia là một trong số ít quốc gia được IMF nâng mức dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2022, trong bối cảnh cơ quan này vừa hạ triển vọng kinh tế toàn cầu, do lo ngại ảnh hưởng từ cuộc xung đột đang diễn ra ở Ukraine.
IMF dự báo nền kinh tế Australia sẽ tăng trưởng vượt trội so với các quốc gia phát triển khác, với mức tăng trưởng GDP năm 2022 là 4,2%, cao hơn 0,1 điểm phần trăm so với dự báo đã công bố vào tháng 1/2022. (TTXVN)
* Malaysia đang nỗ lực thúc đẩy hơn nữa hợp tác kinh tế với Thái Lan nhằm thực hiện mục tiêu thương mại song phương đạt 30 tỷ USD vào năm 2025.
Đại sứ Malaysia tại Thái Lan Jojie Samuel, người đang có chuyến thăm và làm việc tại các tỉnh phía Nam Thái Lan, bày tỏ hy vọng chuyến thăm của ông lần này sẽ nối lại tình hữu nghị và thiết lập lại mối liên kết với người dân và cộng đồng doanh nghiệp ở đây trong thời kỳ hậu Covid-19.
Ông Jojie Samuel cũng kêu gọi các doanh nghiệp trong ngành hợp tác nhiều hơn nữa để tăng cường thương mại biên giới Malaysia-Thái Lan. (TTXVN)
* BI - Ngân hàng trung ương Indonesia đã điều chỉnh mức dự báo tăng trưởng kinh tế của đất nước “vạn đảo” trong năm nay xuống khoảng 4,5-5,3%, thấp hơn một chút so với ước tính trước đó là từ 4,7-5,5%.
BI tin rằng nền kinh tế Indonesia sẽ tiếp tục tăng trưởng, được hỗ trợ bởi sự gia tăng tiêu dùng và nhu cầu đi lại của người dân. (THX)
* Chính phủ Philippines đang thực hiện bước đầu tiên để xây dựng ngành điện gió ngoài khơi, nhằm đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia cũng như những nỗ lực toàn cầu trong việc giảm thiểu tác động từ quá trình biến đổi khí hậu.
Theo Lộ trình phát triển điện gió ngoài khơi được Bộ Năng lượng Philippines và tổ chức tài chính đa phương World Bank Group công bố ngày 20/4, nếu có được tầm nhìn dài hạn đúng đắn, phát triển cơ sở vật chất, đầu tư và các chính sách phù hợp, quốc gia Đông Nam Á này có tiềm năng lắp đặt hệ thống điện gió ngoài khơi công suất lên tới 21 GW. (THX)
| Giá vàng hôm nay 21/4, Giá vàng chịu sức ép, tiền bay hơi, chuyên gia chỉ cách đầu tư khôn ngoan, Nga tung chiêu ‘rã đông’ kho vàng bị trừng phạt Giá vàng hôm nay 21/4 chạm đáy gần hai tuần, vẫn có cái nhìn lạc quan về thị trường. Vàng đang được củng cố thêm ... |
| Bị phủ bóng bởi xung đột Nga-Ukraine, quan hệ EU-Trung Quốc ngày càng rạn nứt, ‘lằn ranh đỏ’ đã được vạch Bất chấp ngày càng có nhiều bất đồng, cả Trung Quốc và EU đều không muốn làm suy giảm hơn nữa quan hệ song phương. ... |