Nhỏ Bình thường Lớn

Kinh tế thế giới nổi bật (16-22/8): Nga-Trung Quốc hợp tác ở Bắc Cực, Bắc Kinh-Washington tìm tiếng nói chung, du khách tới Nhật Bản cao kỷ lục

Nga-Trung Quốc có kế hoạch mở rộng hợp tác cùng có lợi ở Bắc Cưc, Bắc Kinh-Washington nỗ lực tìm tiếng nói chung, nền kinh tế số dự báo chiếm 17% GDP toàn cầu, du khách tới Nhật Bản đạt mức cao nhất mọi thời đại… là những tin kinh tế thế giới nổi bật tuần qua.
Thương mại Trung Quốc-Nga đạt mức cao nhất kể từ khi xung đột với Ukraine bắt đầu. Nguồn: rianovosti
Nga-Trung Quốc nhất trí mở rộng hợp tác kinh tế và thương mại song phương.

Kinh tế thế giới

Nền kinh tế số dự báo chiếm 17% GDP toàn cầu

Theo một báo cáo do công ty tư vấn và nghiên cứu Forrester công bố ngày 19/8, nền kinh tế số toàn cầu dự kiến sẽ đạt mức 16.500 tỷ USD vào năm 2028, chiếm 17% Tổng sản phẩm quốc nội toàn cầu.

Công ty này cho biết, quy mô nền kinh tế số sẽ tăng trưởng trung bình 6,9% mỗi năm từ năm 2023 đến 2028. Hai lĩnh vực chính đóng góp vào sự tăng trưởng này là thương mại điện tử và du lịch trực tuyến, với mức tăng lần lượt 9% và 7% mỗi năm.

Mỹ và Trung Quốc sẽ chiếm gần 70% nền kinh tế số toàn cầu. Trong khi Mỹ dẫn đầu về chi tiêu công nghệ (42%), Trung Quốc lại thống trị lĩnh vực thương mại điện tử, với dự báo 41% tổng doanh số bán lẻ sẽ diễn ra trực tuyến vào năm 2028.

Ông Michael O’Grady, nhà phân tích dự báo chính của Forrester, cho biết theo ước tính của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), gần 70% giá trị mới được tạo ra trong thập niên tới sẽ đến từ các nền tảng kỹ thuật số.

Để thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế số, các quốc gia cần tập trung vào các doanh nghiệp kỹ thuật số, dịch vụ công trực tuyến, kỹ năng số, nghiên cứu và phát triển, cũng như đầu tư vào công nghệ ảnh hưởng đến các hoạt động phi kỹ thuật số.

Báo cáo cũng chỉ ra rằng Hàn Quốc là quốc gia chi tiêu nhiều nhất cho nghiên cứu và phát triển, với trọng tâm vào các lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo (AI), bán dẫn cho AI, 5G và 6G, metaverse và an ninh mạng.

Ngược lại, đầu tư kỹ thuật số ở châu Âu còn chậm chạp, với mức tăng trưởng trung bình hàng năm từ năm 2024 đến năm 2027 dự kiến đạt 83 tỷ euro (91,8 tỷ USD), thấp hơn đáng kể so với mức 125 tỷ euro mà Ủy ban châu Âu đề ra.

Sáu nền kinh tế số lớn nhất thế giới là Mỹ, Trung Quốc, Anh, Nhật Bản, Đức và Hàn Quốc.

Mỹ

* Theo đa số các nhà kinh tế tham gia khảo sát của Reuters, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ hạ lãi suất 25 điểm cơ bản tại mỗi cuộc họp trong ba cuộc họp còn lại trong năm nay, nhiều hơn một lần so với dự báo vào tháng trước.

Dự báo về các lần hạ lãi suất của Fed có sự thay đổi sau khi báo cáo việc làm tháng 7/2024 của Mỹ kém tích cực hơn dự kiến, khiến các nhà giao dịch đầu hồi đầu tháng nhận định lãi suất có thể giảm đến 120 điểm cơ bản trong năm 2024. Con số này hiện đã giảm xuống gần 100 điểm.

Trung Quốc

* Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) cho biết đã đạt được thỏa thuận với Bộ Tài chính Mỹ về việc chỉ định những người được liên lạc để xử lý bất kỳ tình huống căng thẳng tài chính nào trong tương lai. Đây là một ví dụ hiếm hoi về nỗ lực tìm kiếm tiếng nói chung giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Tin liên quan
Bất động sản mới nhất: Xuyên đêm đấu giá đất ở Hà Nội, giá nhà chênh lệch lớn so với thu nhập, TPHCM khảo sát ý kiến về bảng giá đất điều chỉnh Bất động sản mới nhất: Xuyên đêm đấu giá đất ở Hà Nội, giá nhà chênh lệch lớn so với thu nhập, TPHCM khảo sát ý kiến về bảng giá đất điều chỉnh

Hai bên cũng đã trao đổi danh sách liên lạc về ổn định tài chính trong cuộc họp thứ 5 của Nhóm công tác tài chính, được thành lập sau chuyến thăm Trung Quốc của Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen vào năm ngoái.

Đây là lần đầu tiên các quan chức cấp cao của Mỹ và Trung Quốc gặp mặt kể từ khi “gã khổng lồ châu Á” công bố các ưu tiên dài hạn vào tháng trước.

* Trung Quốc ngày 21/8 thông báo sẽ mở một cuộc điều tra các khoản trợ cấp của Liên minh châu Âu (EU) đối với một số sản phẩm sữa nhập khẩu vào nước này. Động thái diễn ra một ngày sau khi EU thông báo kế hoạch áp thuế nhập khẩu đối với xe điện của Trung Quốc.

Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết đã quyết định mở cuộc điều tra chống trợ cấp đối với các sản phẩm sữa nhập khẩu từ EU, trong đó có phô mai tươi và sữa đông, phô mai xanh và một số sản phẩm sữa và kem. Cuộc điều tra sẽ xem xét một số khoản trợ cấp theo Chính sách nông nghiệp chung của EU và kết thúc trong vòng một năm, nhưng có thể gia hạn thêm 6 tháng.

Hiện Bắc Kinh đang tiến hành một số cuộc điều tra khác đối với các hoạt động thương mại của khối 27 quốc gia thành viên.

Châu Âu

* Theo thông cáo chung ra tối 21/8 (giờ địa phương) sau cuộc họp thường kỳ lần thứ 29 giữa những người đứng đầu chính phủ Nga và Trung Quốc tại Moscow, hai nước nhất trí mở rộng hợp tác kinh tế và thương mại song phương.

Hai bên nhất trí cam kết tối ưu hóa cơ cấu thương mại, tạo ra các mũi nhọn tăng trưởng mới cho nền kinh tế của hai nước và kim ngạch thương mại song phương, đồng thời thúc đẩy phát triển thương mại điện tử.

Thông cáo nhấn mạnh hai nước sẽ nỗ lực mở rộng hợp tác cùng có lợi ở Bắc Cực, tăng cường hợp tác trong phát triển vận tải biển, an toàn hàng hải, công nghệ tàu cực và xây dựng.

* Nhà cung cấp phụ tùng ô tô của Đức, tập đoàn AE group vừa đệ đơn xin phá sản sau nhiều tháng tái cấu trúc doanh nghiệp, trở thành công ty thứ ba trong ngành công nghiệp sản xuất ô tô của Đức chính thức tuyên bố phá sản trong hai tuần qua.

Ngành công nghiệp ô tô của Đức đang trải qua một chuỗi khủng hoảng liên tiếp, theo tạp chí kinh doanh Đức WirtschaftsWoche. Việc chuyển đổi sang xe điện và nhu cầu đều đang trì trệ cũng ảnh hưởng đến các nhà cung cấp.

Tuần trước, công ty dẫn đầu ngành Muerdter Group đã tuyên bố phá sản, ngay sau nhà cung cấp phụ tùng ô tô Recaro với lịch sử hơn 110 năm. Recaro dẫn ra những lý do như giá tăng đột biến, thay đổi thị trường và mất một đơn hàng lớn là nguyên nhân dẫn đến công ty phá sản.

* Ngày 21/8, Thủ tướng Belarus Roman Golovchenko cho biết nước này có kế hoạch nâng kim ngạch xuất khẩu 5,4%, lên mức 52 tỷ USD trong năm 2025. Phát biểu trong cuộc họp chính phủ Belarus, Thủ tướng Roman Golovchenko nói: "Xuất khẩu dự kiến sẽ tăng 5,4%... dự báo về sự phát triển của thị trường nước ngoài cho phép tăng nguồn thu ngoại tệ thêm 2,8 tỷ USD”.

Bên cạnh đó, Thủ tướng Belarus nhận định tỷ lệ lạm phát của nước này trong năm 2025 sẽ được ổn định ở mức không quá 5% và tăng trưởng kinh tế được dự báo ở mức 4,1%, cao hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

* Vụ trưởng Vụ Khối thịnh vượng chung Cộng đồng các quốc gia độc lập thuộc Bộ Ngoại giao Nga Mikael Agasandyan ngày 20/8 thông báo tiến trình đàm phán giữa Liên minh kinh tế Á-Âu (EAEU) và Indonesia về hiệp định thương mại tự do (FTA) đang ở giai đoạn cuối và dự thảo thỏa thuận hợp tác đang được hoàn thiện.

Trước đó, hồi tháng 7, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã gặp Tổng thống đắc cử Indonesia Prabowo Subianto, trong đó, hai nhà lãnh đạo nhấn mạnh FTA giữa EAEU và Indonesia sẽ đóng vai trò quan trọng trong tiến trình phát triển quan hệ thương mại giữa hai nước.

* Trong cuộc phỏng vấn mới đây, Giám đốc Chương trình lương thực thế giới (WFP) ở Ukraine Richard Ragan cho biết, tổ chức này đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc xuất khẩu ngũ cốc và các sản phẩm thực phẩm khác của Ukraine từ các cảng Biển Đen để hỗ trợ các quốc gia đang phải đối mặt với khủng hoảng lương thực, cũng như ngành nông nghiệp của nước này.

Hiện nay, theo sáng kiến Ngũ cốc từ Ukraine của Tổng thống Volodymyr Zelensky, WFP đã vận chuyển 164.000 tấn thực phẩm đến các quốc gia đang phải đối mặt với khủng hoảng lương thực, và sẽ phân bổ thêm 47 triệu USD để mua 35.000 tấn thực phẩm cho các hoạt động của mình.

Nhật Bản và Hàn Quốc

* Số liệu chính thức từ Tổ chức Du lịch quốc gia Nhật Bản (JNTO) cho thấy, “xứ hoa anh đào” đã ghi nhận kỷ lục mới về lượng khách du lịch trong tháng thứ hai liên tiếp vào tháng 7/2024, giữa bối cảnh đồng Yen yếu và kỳ nghỉ Hè thúc đẩy sự bùng nổ về du lịch.

Cụ thể, số lượng khách quốc tế đến Nhật Bản vì mục đích kinh doanh và du lịch đạt 3,29 triệu lượt, mức cao nhất mọi thời đại, vượt qua kỷ lục được thiết lập trước đó trong tháng 6 là 3,14 triệu lượt.

JNTO cho biết các kỳ nghỉ ở Đông Á và châu Âu đã góp phần đáng kể vào sự gia tăng số lượng khách từ các khu vực này. Tính đến tháng 7/2024, hơn 21 triệu lượt du khách đã đến Nhật Bản. Con số này dự kiến sẽ phá mốc kỷ lục hằng năm là 31,9 triệu lượt vào năm 2019, thời điểm trước khi đại dịch Covid-19 gây ra làn sóng đóng cửa biên giới toàn cầu.

* Theo số liệu chính phủ được công bố ngày 21/8, Nhật Bản đã ghi nhận thâm hụt thương mại 621 tỷ Yen (4,3 tỷ USD) vào tháng 7/2024, do giá hàng nhập khẩu tăng vọt.

Bộ Tài chính Nhật Bản cho biết, kim ngạch nhập khẩu của nước này tăng gần 17% so với cùng kỳ năm ngoái lên 10.200 tỷ Yen, trong khi xuất khẩu tăng 10% lên 9.600 tỷ Yen (66 tỷ USD).

* Tập đoàn Hyundai Motor của Hàn Quốc bao gồm Genesis và Kia đã chiếm được 10% thị trường xe điện tại Mỹ trong 7 tháng đầu năm 2024, vượt qua 2 hãng xe địa phương là Ford và General Motors để đạt vị trí thứ 2 về thị phần.

Có được kết quả trên là nhờ doanh số bán hàng mạnh mẽ của các mẫu xe điện tiểu biểu của Hyundai Motor như IONIQ5 và IONIQ6. Trong tháng 7, doanh số bán hàng của 2 mẫu này tăng lần lượt 25% và 54% so với cùng kỳ năm 2023.

* Chính phủ Hàn Quốc đã gia hạn việc cắt giảm thuế nhiên liệu thêm hai tháng cho đến cuối tháng 10 tới với lý do bất ổn địa chính trị và biến động giá dầu thô gia tăng.

Theo Bộ trưởng Bộ Kinh tế và Tài chính Hàn Quốc Choi Sang-mok, biến động giá dầu thô đã tăng lên gần đây do căng thẳng địa chính trị gia tăng ở Trung Đông, trong khi việc cắt giảm thuế nhiên liệu hết hạn có thể gây thêm gánh nặng cho sinh kế.

Thuế nhiên liệu hiện tại là 656 Won (49 xu) cho một lít xăng, giảm 20% so với mức thuế tiêu chuẩn và 407 Won cho một lít dầu diesel, giảm 30%.

Quyết định mới nhất của Hàn Quốc đánh dấu lần gia hạn cắt giảm thuế nhiên liệu thứ 11 kể từ tháng 11/2021, khi lạm phát tăng vọt trong thời kỳ đại dịch COVID-19.

ASEAN và các nền kinh tế mới nổi

* Bộ trưởng Tài chính tạm quyền của Thái Lan Pichai Chunhavajira ngày 21/8 nhấn mạnh rằng, nền kinh tế nước này đang tiệm cận với tình trạng “khủng hoảng” do xuất khẩu giảm và sức sản xuất yếu. Theo ông Pichai, xuất khẩu chiếm tới 70% giá trị nền kinh tế nhưng sản xuất trong nước không đáp ứng được nhu cầu thị trường.

Nền kinh tế lớn thứ hai Đông Nam Á trong quý II/2024 chỉ tăng trưởng 2,3% so với cùng kỳ năm ngoái và được dự báo chỉ tăng trưởng 2,7% trong cả năm 2024, thấp hơn so với các quốc gia khác trong khu vực này.

* Theo báo cáo ngày 16/8 của Enterprise Singapore (EnterpriseSG), xuất khẩu phi dầu mỏ của Singapore đã có sự phục hồi mạnh mẽ vào tháng 7/2024, tăng 15,7% so với tháng trước đó. Đây là tín hiệu tích cực sau một thời gian giảm sút.

Mức tăng này được thúc đẩy bởi nhu cầu cao đối với các sản phẩm điện tử như máy tính, thiết bị ngoại vi và mạch tích hợp. Bên cạnh đó, các mặt hàng phi điện tử như vàng, hóa dầu và máy móc chuyên dụng cũng đóng góp đáng kể.

* Ngày 20/8, Hiệp hội Địa nhiệt Indonesia (API) tuyên bố ủng hộ những nỗ lực quốc gia để đưa Indonesia dẫn đầu toàn cầu trong lĩnh vực phát triển và sử dụng năng lượng địa nhiệt.

Theo Chủ tịch API, Julfi Hadi, địa nhiệt là nguồn năng lượng tái tạo có tiềm năng lớn tại Indonesia. Để tối ưu hóa tiềm năng này, cần có sự hợp tác hiệu quả giữa chính phủ thông qua Bộ Năng lượng và Tài nguyên Khoáng sản, các nhà sản xuất điện độc lập (IPP) với tư cách là nhà phát triển, Tổng Công ty Điện lực quốc gia (PLN) với tư cách là bên mua và API với tư cách là chuyên gia.

Ông Hadi đưa ra 3 mô hình hợp tác có thể đẩy nhanh quá trình phát triển tiềm năng năng lượng địa nhiệt quốc gia, một trong số đó là thông qua các nhà máy điện địa nhiệt (nhà máy điện nhị phân), để tăng hiệu quả sử dụng tài nguyên địa nhiệt.

Kinh tế thế giới nổi bật (26/7-1/8): Nga thử nghiệm tiền số, EU ‘dọn đường’ nếu ông Trump thắng bầu cử Mỹ, sản lượng vàng Trung Quốc tăng

Kinh tế thế giới nổi bật (26/7-1/8): Nga thử nghiệm tiền số, EU ‘dọn đường’ nếu ông Trump thắng bầu cử Mỹ, sản lượng vàng Trung Quốc tăng

Nga thử nghiệm giao dịch tiền kỹ thuật số, EU chuẩn bị kế sách thương mại nếu ông Donald Trump giành chiến thắng trong cuộc ...

Kinh tế thế giới nổi bật (5-11/7): Ba ‘con nợ’ lớn nhất của IMF, ra mắt tàu container đầu tiên chạy bằng methanol, Mỹ giảm tốc, Trung Quốc đáp trả EU

Kinh tế thế giới nổi bật (5-11/7): Ba ‘con nợ’ lớn nhất của IMF, ra mắt tàu container đầu tiên chạy bằng methanol, Mỹ giảm tốc, Trung Quốc đáp trả EU

OPEC nâng dự báo tăng trưởng toàn cầu, xuất khẩu dầu của Nga giảm mạnh nhất kể từ khi nổ ra xung đột với Ukraine, ...

Thủ tướng Italy thăm Trung Quốc: Bật 'công tắc' khởi động lại hợp tác song phương, Bắc Kinh muốn Rome 'bắc cầu' với EU

Thủ tướng Italy thăm Trung Quốc: Bật 'công tắc' khởi động lại hợp tác song phương, Bắc Kinh muốn Rome 'bắc cầu' với EU

Thủ tướng Italy Giorgia Meloni đang có chuyến thăm Trung Quốc từ ngày 27-31/7, với mục tiêu thúc đẩy hợp tác với nền kinh tế ...

Giá tiêu hôm nay 21/8/2024: Thị trường bật tăng, Việt Nam là nguồn cung hồ tiêu lớn thứ hai cho Trung Quốc

Giá tiêu hôm nay 21/8/2024: Thị trường bật tăng, Việt Nam là nguồn cung hồ tiêu lớn thứ hai cho Trung Quốc

Giá tiêu hôm nay 21/8/2024 tại thị trường trong nước bật tăng ở các địa phương trọng điểm, giao dịch từ 139.000 – 141.000 đồng/kg.

Giá tiêu hôm nay 22/8/2024: Nối dài đà tăng, xuất nhập khẩu tiêu Việt giảm, nguồn cung khan hiếm

Giá tiêu hôm nay 22/8/2024: Nối dài đà tăng, xuất nhập khẩu tiêu Việt giảm, nguồn cung khan hiếm

Giá tiêu hôm nay 22/8/2024 tại thị trường trong nước tiếp tục tăng ở các địa phương trọng điểm, giao dịch từ 140.000 – 141.000 ...