📞

Kinh tế thế giới nổi bật (17-23/2): Nga không sụp đổ vì trừng phạt, khí đốt Moscow ‘chơi khó’ châu Âu, bán lẻ Anh-Đức cạnh tranh

Hải An 13:29 | 23/02/2023
Nga khẳng định phương Tây không đạt được mục đích trừng phạt, châu Âu gặp khó vì khủng hoảng năng lượng, Fed sẽ tiếp tục tăng lãi suất, doanh nghiệp Trung Quốc đổ xô đầu tư sang Ai Cập… là những tin kinh tế thế giới nổi bật tuần qua.
Trong Thông điệp liên bang lần thứ 18 đọc trước hai viện Quốc hội Nga, ngày 21/2, Tổng thống Vladimir Putin khẳng định, nền kinh tế quốc gia vẫn đứng vững trước các biện pháp trừng phạt của các nước phương Tây. (Nguồn: Ruptly)

Kinh tế thế giới

Chuỗi cung ứng toàn cầu đối diện 5 thách thức

Xung đột, đại dịch và biến đổi khí hậu - các cuộc khủng hoảng xảy ra liên tiếp, đã đè nặng lên chuỗi cung ứng toàn cầu. Nhưng đây cũng là cơ hội để các công ty tính toán lại chiến lược của họ, đầu tư vào các công nghệ giúp họ giải quyết các sóng gió đang nổi lên.

Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) nhận định, có 5 thách thức mà chuỗi cung ứng toàn cầu đang phải đối diện.

Đầu tiên là lạm phát tăng vọt. Giá cả tăng khiến người tiêu dùng thắt chặt hầu bao, điều này ảnh hưởng đến nhu cầu nhưng cũng tạo ra sự không chắc chắn khiến các chuyên gia chuỗi cung ứng khó lập kế hoạch.

Thứ hai là tình trạng bất ổn của thị trường lao động. Các cuộc tuần hành và đình công diễn ra trên khắp châu Âu gần đây có ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất, vận chuyển và kinh doanh trong chuỗi cung ứng.

Thứ ba là vấn đề thiếu năng lượng. Giá năng lượng tăng đã khiến các công ty cũng phải cắt giảm hoạt động sản xuất, khiến việc hoạch định chuỗi cung ứng trở nên phức tạp hơn.

Thứ tư là sự không chắc chắn về địa chính trị. Những căng thẳng và xung đột chính trị đã tạo ra nhiều nút thắt cổ chai trong chuỗi cung ứng và các yếu tố không chắc chắn trong tương lai.

Cuối cùng là thời tiết khắc nghiệt. Hiện tượng thời tiết cực đoan và bất thường đã xảy ra ngày càng nhiều do biến đổi khí hậu.

Bên cạnh những khó khăn, nghiên cứu của WEF cũng tiết lộ rằng, 77% các nhà kinh tế kỳ vọng các doanh nghiệp sẽ phản ứng và hóa giải các thách thức bằng những nỗ lực đổi mới và tối ưu hóa chuỗi cung ứng.

Theo ông Ranjeev Menon, Giám đốc điều hành tập đoàn của GWC - công ty cung ứng và hậu cần hàng đầu có trụ sở tại Qatar, chuỗi cung ứng toàn cầu đang phục hồi sau khoảng ba năm khó khăn và đã thay đổi rất khác trước đây. Các công ty đã có những biện pháp thích nghi khác nhau để đa dạng hóa sản xuất và không phụ thuộc vào một nguồn cung ứng hay quốc gia nào.

Việc xây dựng một mạng lưới cung ứng thay cho một chuỗi cung ứng duy nhất sẽ làm tăng độ phức tạp vì có nhiều nhà cung cấp các sản phẩm giống nhau. Tuy nhiên, lựa chọn này lại có thể làm giảm rủi ro một khi xảy ra cú sốc về nguồn cung. (Euronews)

Kinh tế Mỹ

* Ngày 17/2, một số ngân hàng của Mỹ dự báo Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ có thêm ba đợt tăng lãi suất trong năm nay, sau những thông tin mới nhất cho thấy thị trường lao động tiếp tục phục hồi và giá của nhà sản xuất tăng cao.

Các ngân hàng Goldman Sachs và Bank of America (BofA) dự báo Fed sẽ tăng lãi suất thêm ba lần trong năm 2023, cao hơn dự báo được các ngân hàng này đưa ra trước đó, sau khi các số liệu mới của nền kinh tế Mỹ cho thấy lạm phát vẫn cao và thị trường lao động phục hồi.

Trước đó, các ngân hàng trên đã dự báo Fed sẽ có hai lần tăng lãi suất 25 điểm cơ bản trong các cuộc họp tháng Ba và tháng Năm. (TTXVN)

Kinh tế Trung Quốc

* Tờ Egypt Independent của Ai Cập ngày 20/2 cho biết, Trung Quốc đang chuẩn bị triển khai một loạt dự án trị giá hàng tỷ USD tại Khu Kinh tế kênh đào Suez (SCEZ) của quốc gia châu Phi.

Mới đây, Trung Quốc đã công bố bắt đầu vận hành nhà máy lớn nhất tại khu vực TEDA của SCEZ để sản xuất các thiết bị điện được xuất khẩu tới hơn 70 quốc gia trên thế giới. Tại cuộc họp, hai bên cũng bàn về một số dự án của Trung Quốc sẽ được triển khai tại khu vực TEDA trong các lĩnh vực công nghiệp khác nhau như vật liệu xây dựng và những dự án mới có tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 5 tỷ USD.

Theo truyền thông Ai Cập, những dự án của Trung Quốc sẽ tạo ra hơn 5.000 cơ hội việc làm trực tiếp và gián tiếp cho người dân của quốc gia Bắc Phi này. (TTXVN)

* Các chiến lược gia của ngân hàng Goldman Sachs (Mỹ) nhận định, sự chuyển dịch kinh tế từ “mở cửa trở lại sang phục hồi” sẽ thúc đẩy chứng khoán Trung Quốc tăng tới 24% vào cuối năm nay. Theo đó, chủ đề chính trên thị trường chứng khoán sẽ dần chuyển từ mở cửa trở lại sang phục hồi.

Chứng khoán Trung Quốc đã bước vào giai đoạn tăng điểm vào đầu năm nay với chỉ số MSCI của Trung Quốc đạt đỉnh vào cuối tháng 1/2023 khi tăng gần 60% so với mức thấp trong tháng 10/2022.

Goldman Sachs kỳ vọng nền kinh tế Trung Quốc sẽ tăng trưởng 5,5% trong cả năm 2023, nhờ tốc độ tăng trưởng của quý II và quý III dự kiến đạt tương ứng 9% và 7%. (CNBC)

Kinh tế châu Âu

* Một năm sau khi nổ ra xung đột giữa Nga và Ukraine, Pháp và các nước khác ở châu Âu rơi vào thế khó, khi chịu tác động của lạm phát, khủng hoảng năng lượng, trong khi tăng trưởng kinh tế chậm lại.

Xung đột Nga-Ukraine đã khiến lạm phát tại Pháp ở mức 5,2% trong năm 2022, so với mức 1,6% trong năm 2021 và 0,5% trong năm 2020. Riêng giá năng lượng tăng 23,1%, tiếp đến là thực phẩm tăng 6,8%, và hàng chế tạo và dịch vụ tăng 3%.

Ủy ban châu Âu dự báo kinh tế Pháp sẽ tăng trưởng ở các mức tương ứng 0,6% và 1,4% trong năm nay và năm tới trong khi kinh tế Đức thậm chí còn tăng trưởng thấp hơn, với các mức tương ứng 0,2% và 1,3%.

Trong quý IV/2022, sáu nền kinh tế ở Khu vực sử dụng đồng Euro tăng trưởng âm, trong đó có Đức và Italy, với các mức tương ứng là âm 0,2% và âm 0,1%.

Hai nền kinh tế này chịu tác động mạnh nhất do cuộc khủng hoảng Ukraine, khi cùng dựa vào xuất khẩu và phụ thuộc lớn vào khí đốt tự nhiên của Nga, trong khi nguồn cung này bị gián đoạn sau khi các biện pháp trừng phạt Nga được thực hiện. (THX)

* Tài liệu được công bố trên tạp chí chính thức của Liên minh châu Âu (EU) ngày 20/2 cho biết, Hội đồng châu Âu đã thông qua việc gia hạn các biện pháp trừng phạt Nga liên quan đến cuộc xung đột ở Ukraine đến ngày 24/2/2024.

Kể từ cuối tháng 2/2022, EU đã thông qua 9 gói trừng phạt Nga, bao gồm các hạn chế về tài chính, thương mại cũng như các biện pháp trừng phạt cá nhân. Các biện pháp trừng phạt cá nhân của khối này hiện áp dụng với 1.386 cá nhân và 171 tổ chức.

Dự kiến trong ngày 24/2, EU sẽ thông qua gói trừng phạt thứ 10 đối với Moscow. Các biện pháp này sẽ nhằm vào thêm 4 ngân hàng Nga, các mặt hàng nhập khẩu từ Nga, trong đó có cao su, và các mặt hàng xuất khẩu sang Nga, trong đó có các xe hạng nặng. (Reuters)

* Ngày 21/2, trong Thông điệp liên bang lần thứ 18 đọc trước hai viện Quốc hội Nga, Tổng thống Vladimir Putin khẳng định, nền kinh tế quốc gia vẫn đứng vững trước các biện pháp trừng phạt của các nước phương Tây.

Nhà lãnh đạo Nga nêu rõ, các nước phương Tây không đạt được mục đích "đánh bại Nga trên mặt trận kinh tế". Ông nói, những tính toán của họ đã không thành hiện thực. Nền kinh tế Nga và hệ thống quản trị cho thấy sức mạnh lớn hơn họ tưởng tượng.

Ông khẳng định trước Quốc hội rằng Nga có mọi nguồn lực tài chính cần thiết để đảm bảo an ninh và phát triển quốc gia, cho dù phương Tây áp đạt các biện pháp trừng phạt kinh tế.

Tổng thống Putin cũng cho biết Nga không cần phải vay tiền nước ngoài. Các ngân hàng trong nước hoạt động ổn định. Danh mục cho vay thế chấp đã tăng 20,4%. Lĩnh vực ngân hàng hoạt động với lợi nhuận đạt 203 tỷ Ruble.

Theo số liệu mới nhất, GDP của Nga năm 2022 chỉ giảm 2,1%, trong khi trước đó được cho là “sẽ sụp đổ”. (TTXVN)

* Bộ trưởng Năng lượng Moldova Viktor Parlikov ngày 19/2 đã ủng hộ việc xem xét lại các hợp đồng với tập đoàn năng lượng Gazprom của Nga cũng như với đơn vị vận hành nhà máy điện GRES của Moldova tại khu vực ly khai Transnistria.

Phát biểu trên kênh truyền hình Publika, Bộ trưởng Parlikov nhấn mạnh: “Các hợp đồng đã được ký kết trong một thời hạn nhất định, nhưng chắc chắn sẽ cần được xem xét, suy nghĩ lại. Vấn đề này không chỉ thuộc thẩm quyền của Bộ Năng lượng, đây là vấn đề phức tạp. Cần tính đến quan hệ với khu vực Transnistrian". Tuy nhiên, ông không đưa ra thêm chi tiết. (TTXVN)

* Bất chấp những nỗ lực gia tăng cạnh tranh của các siêu thị lớn tại Anh, khách hàng vẫn đổ xô đến các cửa hàng giảm giá của Đức như Aldi và Lidl.

Giám đốc điều hành Aldi chi nhánh tại Anh Giles Hurley đã cam kết đưa mức giá thấp nhất tại Anh "bất kể điều gì". Điều này đang buộc các công ty lớn của Anh như Tesco, Sainsbury's, Asda và Morrisons phải cắt giảm chi phí nhiều hơn để kiểm soát giá cả và thu hút người tiêu dùng đang chịu ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt.

Ryan McDonnell, Giám đốc điều hành Lidl GB, cho biết chỉ riêng trong thời gian Giáng sinh, người tiêu dùng đã chuyển 58 triệu Bảng Anh (70 triệu USD) mua hàng từ Tesco và Sainsbury's sang Lidl.

Những siêu thị giảm giá đã chứng tỏ họ là người chiến thắng lớn trong thời gian nghỉ lễ, với doanh số tháng 12/2022 của Aldi và Lidl tăng lần lượt 26% và 25%.

Bộ đôi doanh nghiệp của Đức trên đã chiếm hơn 16% thị trường Anh. Các nhà phân tích dự báo con số này sẽ tăng gấp đôi trong vòng một thập niên khi hai doanh nghiệp chi hàng trăm triệu bảng để mở rộng kinh doanh.

Để cạnh tranh, Tesco và Sainsbury's đã phản ứng bằng cách loại bỏ các quầy bán thịt, cá và đồ nguội trong cửa hàng, đồng thời thay thế một số lượng lớn nhân viên thu ngân bằng nhiều hình thức tự động hóa khác nhau. (Reuters)

Kinh tế Nhật Bản và Hàn Quốc

* Bắt đầu từ tháng 4/2023, Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) sẽ triển khai một đợt thử nghiệm mới về tính khả thi của tiền kỹ thuật số do ngân hàng trung ương phát hành (CBDC).

Theo BoJ, đợt thử nghiệm sắp tới sẽ có sự tham gia của các công ty thuộc khu vực tư nhân, bao gồm các nhà cung cấp dịch vụ thanh toán và các tổ chức tài chính. Trong đợt thử nghiệm này, BoJ sẽ tập trung nghiên cứu về các thách thức kỹ thuật trong trường hợp họ phát hành "đồng Yen kỹ thuật số", trong đó có những vấn đề liên quan đến việc sử dụng CBDC trên điện thoại thông minh và các thiết bị cá nhân khác trong lúc hệ thống của BoJ sẽ được liên kết với hệ thống của các tổ chức tài chính tư nhân. Mặt khác, BoJ sẽ ra mắt Diễn đàn CBDC với khu vực tư nhân. (TTXVN)

* Cơ quan Hải quan Hàn Quốc cho biết, xuất khẩu của nước này trong 20 ngày đầu tháng 2/2023 đã giảm 2,3% so với cùng kỳ năm trước xuống còn 33,55 tỷ USD.

Trong thời gian này, nhập khẩu tăng 9,3% lên 39,54 tỷ USD khiến thâm hụt thương mại tăng lên 5,99 tỷ USD, xuất khẩu trung bình hàng ngày giảm 14,9%.

Xuất khẩu của Hàn Quốc tiếp tục trượt dốc kể từ tháng 10/2022 trong bối cảnh nhu cầu toàn cầu đối với các sản phẩm công nghệ yếu. (THX)

Nhập khẩu kim chi của Hàn Quốc năm 2022 ghi nhận mức cao kỷ lục trong bối cảnh lạm phát phi mã. (Nguồn: Yonhap)

* Hãng tin Yonhap dẫn số liệu của chính phủ Hàn Quốc ngày 21/2 cho thấy, nhập khẩu kim chi của nước này năm 2022 đã ghi nhận mức cao kỷ lục trong bối cảnh lạm phát phi mã.

Theo Hải quan Hàn Quốc, kim ngạch nhập khẩu kim chi năm 2022 lên tới 169,4 triệu USD, tăng 20,4% so với năm 2021. Đây là tỷ lệ tăng theo năm cao nhất kể từ mức tăng 53,8% ghi nhận năm 2010.

Lý do kim ngạch nhập khẩu kim chi tăng mạnh được cho là do giá bắp cải cũng như các gia vị và các sản phẩm kim chi sản xuất trong nước tăng cao khiến các nhà hàng và các đơn vị sử dụng khác nhập khẩu kim chi giá rẻ hơn từ Trung Quốc. (TTXVN)

Kinh tế ASEAN và các nền kinh tế mới nổi

* Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) sẽ tổ chức sự kiện mua sắm trực tuyến toàn khu vực đầu tiên vào tháng Tám năm nay, nhằm thúc đẩy thương mại xuyên biên giới thông qua thương mại điện tử.

Truyền thông Thái Lan ngày 19/2 dẫn một nguồn tin nội khối cho biết, Chủ tịch mới của ASEAN là Indonesia gần đây đã đề xuất ý tưởng thúc đẩy thương mại điện tử giữa các thành viên ASEAN, nhằm thu hút sự tham gia của người tiêu dùng và các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Sự kiện đầu tiên sẽ là Ngày bán hàng trực tuyến được tổ chức vào Ngày ASEAN 8/8, để giới thiệu những sản phẩm tốt nhất của ASEAN với giá đặc biệt. (TTXVN)

* Cuộc họp thứ 20 Ủy ban hỗn hợp Khu vực thương mại tự do ASEAN-Australia-New Zealand (AANZ-FJC) và các cuộc họp liên quan, được tổ chức trực tiếp và trực tuyến từ ngày 14-17/2 tại Bandung, tỉnh Tây Java của Indonesia, đã hoàn tất toàn bộ nội dung đàm phán nâng cấp Hiệp định AANZFTA.

Bà Dina Kurniasari, Vụ trưởng Đàm phán ASEAN thuộc Bộ Thương mại Indonesia kiêm Chủ tịch FJC Indonesia cho biết, Hiệp định được nâng cấp tạo thuận lợi hơn cho giới kinh doanh trong việc khai thác thị trường ASEAN, Australia và New Zealand so với hiệp định hiện nay. Thỏa thuận mới cũng được thiết kế để phản ứng nhanh hơn, thích ứng hơn và linh hoạt hơn trước các tình huống khẩn cấp như các đại dịch hoặc thiên tai trong tương lai. (TTXVN)

* Cơ quan Xúc tiến kinh tế số Thái Lan (DEPA) vừa khởi động dự án “Du lịch số” để tăng cường nhận thức và khuyến khích các doanh nghiệp du lịch sử dụng rộng rãi các nền tảng số.

Nội dung chính của dự án là phát triển một nền tảng du lịch quốc gia với tên gọi ThailandCONNECX giúp kết nối nhanh chóng các doanh nghiệp du lịch trên khắp Thái Lan trong việc áp dụng công nghệ và sáng tạo số để cải thiện sức cạnh tranh, tăng hiệu quả, giảm chi phí hoạt động và mở ra nhiều cơ hội kinh doanh hơn.

ThailandCONNEX bao gồm 3 phần là Nền tảng du lịch số quốc gia, Mã du lịch số quốc gia và Ngân hàng dữ liệu du lịch số quốc gia. (TTXVN)

(tổng hợp)