Xung đột Nga-Ukraine khiến giá khí đốt toàn cầu tăng mạnh. (Nguồn: AFP) |
Kinh tế thế giới
Tăng trưởng GDP toàn cầu dự báo đạt 2,8% năm 2022
Công ty nghiên cứu thị trường Moody’s Analytics cho biết, sự biến động của thị trường hàng hóa toàn cầu và môi trường giao dịch ngày càng lo ngại rủi ro có khả năng khiến lạm phát tăng cao hơn trong năm 2022.
Trong bài phân tích “Triển vọng toàn cầu: Thách thức lớn” công bố ngày 20/6, nhà kinh tế Shahana Mukherjee của Moody’s Analytics cho biết, các ngân hàng trung ương trong những tháng sắp tới sẽ tiếp tục thu hẹp các biện pháp kích thích liên quan tới đại dịch Covid-19 và thắt chặt lãi suất.
Theo bà Mukherjee, nền kinh tế toàn cầu đang phải đối mặt với những biến động bất lợi với triển vọng ảm đạm kể từ khi xung đột Nga-Ukraine bùng phát. Đà tăng trưởng đã bị gián đoạn sau khi đạt đỉnh vào cuối năm 2021 nhờ đợt kích thích tài khóa chưa từng có tại Mỹ và sự tăng trưởng chắc chắn theo định hướng thương mại của Trung Quốc.
Đại dịch Covid-19 và gián đoạn nguồn cung liên quan đến xung đột Nga-Ukraine, sự thiếu hụt chất bán dẫn toàn cầu và áp lực lạm phát liên quan làm tăng thêm sự không chắc chắn về thời gian và tốc độ phục hồi toàn cầu. Do đó, tăng trưởng GDP toàn cầu được dự báo ở mức 2,8% vào năm 2022 và 3,1% vào năm 2023.
Bà Mukherjee dự báo cú sốc nguồn cung từ cuộc xung đột Nga-Ukraine vẫn là nguy cơ giảm chính đối với tăng trưởng toàn cầu trong năm 2022, với tác động giá hàng hóa tăng cao làm ảnh hưởng đến chi tiêu thực tế, đầu tư và tâm lý. (TTXVN)
Kinh tế Mỹ
* Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 22/6 kêu gọi Quốc hội đình chỉ thuế xăng liên bang trong ba tháng, trong bối cảnh giá năng lượng leo thang đang khiến người dân bất bình khi chỉ còn vài tháng nữa cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ sẽ diễn ra.
Một quan chức cấp cao trong chính quyền Mỹ cho biết Nhà Trắng muốn tạm ngừng áp dụng khoản thuế 18 xu Mỹ/gallon cho đến tháng 9 và sẽ kêu gọi chính quyền các bang có động thái tương tự nhằm hỗ trợ trực tiếp cho người tiêu dùng vốn đang chịu các mức giá cao do ảnh hưởng của xung đột Nga-Ukraine.
Trước đó, ông Biden đã thực hiện nhiều biện pháp để hạ nhiệt giá xăng, bao gồm việc giải phóng 1 triệu thùng dầu/ngày từ Kho xăng dầu chiến lược, đàm phán kế hoạch “xả” thêm 60 triệu thùng nữa từ các đối tác quốc tế và mở rộng khả năng tiếp cận các loại nhiên liệu sinh học. (AFP)
* Trong chuyến thăm đến Canada, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen ngày 20/6 cho biết, nước này đang thảo luận với các nước đồng minh để hạn chế hơn nữa doanh thu từ dầu của Nga bằng cách giới hạn mức giá dầu thô của nước này.
Bà Yellen nói: “Chúng tôi đang thảo luận về giới hạn giá dầu hoặc một ngoại lệ về giá để có thể củng cố và tăng cường các lệnh hạn chế về năng lượng như đề xuất (của Mỹ và các nước đồng minh)… vốn sẽ đẩy giá dầu của Nga xuống và hạn chế doanh thu của nước này trong khi vẫn cho phép nhiều nguồn cung dầu hơn tiếp cận được với thị trường toàn cầu”.
Bà giải thích, một mức giới hạn về giá sẽ “ngăn chặn các hiệu ứng lan tỏa đối với các nước đang phát triển và thu nhập thấp vốn đang vật lộn với chi phí thực phẩm và năng lượng cao”. (AFP)
Kinh tế Trung Quốc
* Nhập khẩu dầu thô của Nga vào Trung Quốc trong tháng 5 đã tăng 55% về số lượng so với cùng kỳ năm trước và tăng khoảng 25% so với tháng Tư.
Theo số liệu của hải quan Trung Quốc, tính đến cuối tháng 5, lượng dầu thô nhập khẩu đã đạt mức cao kỷ lục, đưa Nga trở thành nước dẫn đầu về cung cấp nguyên liệu thô cho Trung Quốc, vượt lên trên Saudi Arabia.
Được biết, nguyên nhân chính của việc Trung Quốc tăng mua dầu thô từ Nga là do mức chiết khấu lớn. (TTXVN)
* Ngày 20/6, Phòng Thương mại Liên minh châu Âu (EU) ở Trung Quốc cho biết, nhiều công ty châu Âu đang cân nhắc lại về đầu tư ở Trung Quốc do các biện pháp kiểm soát dịch Covid-19 nghiêm ngặt của nước này.
Trong cuộc khảo sát do phòng trên tiến hành, 60% số công ty được hỏi cho biết hoạt động của họ tại Trung Quốc trở nên khó khăn hơn chủ yếu do các biện pháp phòng chống dịch của nước này. (AFP)
Kinh tế châu Âu
* Các doanh nghiệp châu Âu nhập khẩu khí đốt của Nga đang tìm kiếm các nguồn cung nhiên liệu thay thế và thậm chí còn cân nhắc quay trở lại sử dụng than đá để bù đắp nguồn cung khí đốt sụt giảm từ Moscow, trong bối cảnh lo ngại nguy cơ xảy ra một cuộc khủng hoảng năng lượng vào mùa Đông nếu các kho không được trữ đầy.
Cuộc khủng hoảng năng lượng hiện nay gia tăng thách thức đối với các nhà hoạch định chính sách châu Âu, khu vực đang đương đầu với lạm phát tăng cao do giá lương thực và năng lượng leo thang.
Giá khí đốt theo hợp đồng của Benchmark Dutch được giao dịch ở mức 127 Euro (133,8 USD)/1 MWH trong ngày 20/6, tức tăng hơn 50% so với đầu năm 2022. (AP)
* Khi cuộc khủng hoảng tại Ukraine khiến giá nhiên liệu toàn cầu tăng mạnh, chính phủ các nước thành viên EU đang tìm kiếm các giải pháp nhằm giảm bớt những tác động kinh tế đối với người dân khi giá xăng tăng.
Giá xăng vượt mức 2 Euro (2,1 USD)/lít tại hầu hết các nước thành viên Khu vực sử dụng đồng Euro (Eurozone) trong những ngày gần đây. Yếu tố chính kéo giá tăng là các vấn đề về nguồn cung liên quan đến xung đột giữa Nga và Ukraine.
Tại Hungary, chính phủ đã thiết lập mức giá trần đối với xăng, dù việc giảm giá không được áp dụng với những người mua xăng mà biển đăng ký xe không phải tại Hungary.
Trong khi đó, Đức đã giảm giá thẻ tháng các phương tiện giao thông công cộng nhằm biến lựa chọn này trở nên hấp dẫn hơn.
Pháp, Italy, Đức và Bulgaria đều đã giảm mạnh thuế nhiên liệu như một cách để giảm giá xăng, dù một số nhà kinh tế lo ngại những chính sách như vậy về lâu dài có thể tác động tiêu cực đến ngân sách.
Croatia và Slovenia nằm trong số những nước hoặc đóng băng giá hoặc áp dụng giá tối đa tại các trạm xăng. (THX)
* Tại cuộc họp ở Luxembourg vào ngày 20/6, các ngoại trưởng EU thảo luận các giải pháp để "giải phóng" hàng triệu tấn ngũ cốc bị mắc kẹt tại Ukraine do Nga phong tỏa các cảng trên Biển Đen.
Ukraine là một trong những nước cung cấp lúa mỳ hàng đầu thế giới, nhưng hoạt động xuất khẩu của nước này bị đình trệ và hơn 20 triệu tấn ngũ cốc bị mắc kẹt do Nga tiến hành chiến dịch chiến dịch quân sự tại Ukraine và phong tỏa các cảng. (Reuters)
* Theo Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat), Bulgaria ghi nhận tỷ lệ lạm phát cao nhất trong số các quốc gia tại khu vực Đông Nam Âu (SEE) là thành viên của EU, với mức 13,4% trong tháng 5/2022.
Lạm phát của Bulgaria cũng cao thứ năm trong tổng số 27 quốc gia thành viên EU. (TTXVN)
* Hãng tin Bloomberg ngày 21/6 dẫn lời Bộ trưởng Bộ Tài nguyên Thiên nhiên Canada Jonathan Wilkinson cho biết, nước này và Đức đang đàm phán để đảm bảo nguồn cung cấp khí đốt.
Ông Wilkinson nói rõ rằng Canada đang cố gắng tìm ra phương án tốt nhất để tuân thủ các lệnh trừng phạt, đồng thời không gây tổn hại cho Đức. (TTXVN)
* Nền kinh tế Nga có thể phải cần tới một thập niên để quay trở về mức của năm 2021 - thời điểm các nước phương Tây chưa áp đặt các lệnh trừng phạt Moscow liên quan đến việc nước này triển khai chiến dịch đặc biệt tại Ukraine.
Đây là nhận định được ông German Gref, Giám đốc điều hành Sberbank - ngân hàng hàng đầu nước Nga, đưa ra ngày 17/6, trong bối cảnh các hạn chế kinh tế khiến thương mại của nước này giảm tới 50%.
Ông Gref ước tính, các nước áp đặt trừng phạt chiếm khoảng 56% kim ngạch xuất khẩu và 51% kim ngạch nhập khẩu của Nga. Theo ông, đây là mối đe dọa đối với 15% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Nga.
Nếu không có biện pháp gì, Nga có thể cần khoảng một thập niên mới có thể đưa kinh tế trở về mức của năm 2021. Do đó, Giám đốc điều hành Sberbank đã kêu gọi tái cơ cấu nền kinh tế Nga. (TTXVN)
Nền kinh tế Nga có thể phải cần tới một thập niên để quay trở về mức của năm 2021. (Nguồn: AP) |
* Hiệp hội công nghiệp Đức (BDI) ngày 21/6 cảnh báo về nguy cơ suy thoái kinh tế ở nước này nếu Nga ngừng hoàn toàn nguồn cung khí đốt cho Berlin.
BDI đã giảm dự báo tăng trưởng kinh tế của Đức trong năm 2022 từ mức 3,5% đưa ra trước khi bùng phát cuộc xung đột ở Ukraine xuống 1,5%. (TTXVN)
* Ngày 21/6, Bộ trưởng chuyển đổi sinh thái Italy Roberto Cingolani cho biết, nước này cần tăng tốc nỗ lực nạp đầy kho khí đốt dự trữ cho mùa Đông.
Theo ông Cingolani, lượng khí đốt tồn kho của Italy hiện đạt 54%. Mục tiêu của EU trên toàn khối là 80% vào tháng 10 và 90% vào tháng 11.
Hiện tại, Bộ trưởng chuyển đổi sinh thái Italy đang tìm cách giúp các công ty năng lượng đảm bảo nguồn tài chính rẻ hơn để mua khí đốt dự trữ.
Một nguồn tin chính phủ tiết lộ, bảo lãnh của nhà nước là một lựa chọn tiềm năng.
Theo ông Cingolani, khí đốt hiện nay đắt đến mức các nhà khai thác không thể đổ tiền vào và Italy cần giải quyết vấn đề này. (Reuters)
Kinh tế Nhật Bản và Hàn Quốc
* Chính phủ Nhật Bản ngày 20/6 giữ nguyên đánh giá rằng nền kinh tế nước này đang tiếp tục phục hồi từ đại dịch Covid-19, song vẫn cảnh báo tác động của tình hình xung đột kéo dài tại Ukraine và hoạt động kinh tế giảm tốc tại Trung Quốc.
Báo cáo hàng tháng của chính phủ Nhật Bản cho rằng tình hình hiện tại của nền kinh tế nước này đang cho thấy sự phục hồi. Đây là tháng thứ ba Nhật Bản giữ nguyên đánh giá này, trước sự cải thiện trong hoạt động tiêu dùng tư nhân và đầu tư doanh nghiệp. (Kyodo)
* Viện CXO Hàn Quốc ngày 22/6 cho biết, thu nhập của các công ty lớn tại nước này đã tăng gần gấp đôi lên mức cao nhất trong 20 năm vào năm 2021, bất chấp đại dịch Covid-19 kéo dài.
Theo đó, kết quả tổng doanh thu của 1.000 công ty hàng đầu đất nước đạt 127,1 nghìn tỷ Won (98 tỷ USD) trong năm 2021, tăng 99,6% so với năm trước đó và là con số lớn nhất kể từ năm 2001.
Tổng cộng có 21 công ty đã đạt lợi nhuận ròng từ 1 nghìn tỷ Won trở lên trong năm 2021, tăng so với con số 13 công ty trong năm trước đó.
Tổng thu nhập hoạt động của 1.000 công ty nói trên trong năm 2021 đã tăng 55% so với năm 2020 lên 145,5 nghìn tỷ Won. (Yonhap)
* Ngân hàng trung ương Hàn Quốc (BoK) ngày 21/6 cho biết, lạm phát toàn phần của nước này trong năm nay dự kiến sẽ đạt mức cao nhất trong 14 năm do áp lực lạm phát gia tăng cả từ cung và cầu.
BoK nhận định, có khả năng lạm phát giá tiêu dùng năm nay sẽ vượt mức 4,7% của năm 2008, đồng thời lưu ý rằng lạm phát dự báo sẽ vượt triển vọng tháng 5 do các điều kiện thay đổi như giá dầu thô toàn cầu tăng.
Ngân hàng trên dự báo lạm phát sẽ vượt xa mức 5% trong thời điểm hiện tại do áp lực tiếp tục cả từ phía cung và cầu, chủ yếu là do giá dầu thô và ngũ cốc toàn cầu tăng cao. (THX)
Kinh tế ASEAN và các nền kinh tế mới nổi
* Tờ Vientine Times số ra ngày 20/6 đưa tin, Lào sẽ sớm bán điện cho Singapore trong khuôn khổ Dự án Hội nhập năng lượng Lào-Thái Lan-Malaysia-Singapore (LTMS-PIP).
Cuối tuần qua, Công ty Điện lực Lào (EDL) và Công ty Keppel Infrastructure Holdings của Singapore đã ký Thỏa thuận mua bán điện. Theo đó, phía Lào sẽ xuất khẩu 30 MW điện sang Singapore vào mùa khô và 100 MW vào mùa mưa trong giai đoạn 2022-2023. (Vientine Times)
* Indonesia có kế hoạch xuất khẩu 200.000 tấn gạo sang Trung Quốc và một số thị trường khác vào tháng 7 tới. Động thái này phản ánh niềm tin của Indonesia đối với khả năng phục hồi kinh tế đất nước giữa bối cảnh quốc gia Đông Nam Á này đang phải đối mặt với nguy cơ suy thoái toàn cầu và lạm phát tăng cao.
Indonesia đã phải vật lộn với giá dầu ăn tăng cao trong vài tháng qua và phải tăng ngân sách trợ cấp để giảm bớt tác động từ việc giá cả năng lượng toàn cầu tăng vọt. Tuy nhiên, chính phủ cảm thấy đủ tự tin rằng áp lực sẽ không đến từ gạo - loại lương thực chính của quốc gia 271 triệu dân này. (TTXVN)
* Bộ Thương mại Thái Lan cho biết, nước này sẽ tái khởi động đàm phán về hiệp định thương mại tự do (FTA) với Hiệp hội thương mại tự do châu Âu (EFTA) nhằm cải thiện thương mại, dịch vụ và đầu tư.
EFTA là một trong những mục tiêu của Thái Lan cho một FTA vì khối mậu dịch tự do gồm 4 quốc gia Iceland, Liechtenstein, Na Uy và Thụy Sỹ đã áp dụng chính sách thương mại tự do, đồng thời có sức mua và sức mạnh kinh tế cao. (TTXVN)