Bên trong cơ sở cung cấp khí đốt Bovanenkovo trên bán đảo Yamal, Nga. (Nguồn: AFP/TTXVN) |
Kinh tế thế giới
Lượng khí thải của các công ty thuộc Nhóm G7 không đáp ứng mục tiêu khí hậu toàn cầu
Nền tảng công khai thông tin phi lợi nhuận CDP và công ty tư vấn quản lý toàn cầu Oliver Wyman ngày 6/9 cho biết, các công ty lớn tại các nước thuộc Nhóm các nước công nghiệp hàng đầu thế giới (G7) đã không đáp ứng được các mục tiêu của Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu khi tính toán dựa trên cam kết cắt giảm khí thải hiện tại của những công ty này.
Theo Hiệp định Paris, các quốc gia đã đồng ý cắt giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính đủ nhanh để hạn chế mức độ nóng lên toàn cầu ở khoảng 2 độ C và hướng tới mục tiêu giữ mức tăng dưới 1,5 độ C - điều mà các nhà khoa học cho rằng sẽ ngăn chặn một số tác động tồi tệ nhất của quá trình biến đổi khí hậu.
Tuy nhiên, phân tích của CDP và Oliver Wyman cho thấy, trong số các nước G7, bao gồm Anh, Canada, Pháp, Đức, Italy, Nhật Bản và Mỹ, các mục tiêu phát thải của các công ty đang trên đà khiến Trái đất ấm thêm trung bình 2,7 độ C.
Tổng lượng phát thải của các công ty Mỹ và Canada được cho là sẽ dẫn đến sự nóng lên toàn cầu tương ứng ở mức 2,8 độ C và 3,1 độ C. Nghiên cứu nói rằng, đó phần lớn là kết quả của việc các công ty hoàn toàn thiếu mục tiêu môi trường, thay vì có những mục tiêu thiếu tham vọng.
Cũng theo phân tích, các công ty ở Đức, Italy và Hà Lan có mục tiêu giảm khí thải “tham vọng nhất trong G7” khi các cam kết khí hậu của họ dẫn đến mức nóng lên trung bình của Trái đất khoảng 2,2 độ C, còn của Pháp là 2,3 độ C và Anh là 2,6 độ C.
Bản phân tích cũng làm nổi bật sự khác biệt lớn về tham vọng và sự sẵn sàng của các công ty về mục tiêu khí hậu của họ, đồng thời nhấn mạnh nhu cầu cấp thiết phải nhanh chóng phổ biến rộng rãi các phương pháp chống biến đổi khí hậu hợp lý nhất.
Gần 200 quốc gia sẽ tham dự Hội nghị lần thứ 27 các Bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (COP27) dự kiến tổ chức ở Ai Cập vào tháng 11 tới. Hội nghị trên diễn ra sau khi thế giới đã trải qua trong một mùa Hè khắc nghiệt với những đợt hạn hán, nắng nóng bất thường cùng các hiện tượng cực đoan khác liên quan đến khí hậu. (Reuters)
Kinh tế Mỹ
* Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) ngày 7/9 đã công bố báo cáo Sách Be (Beige Book) định kỳ về tình hình kinh tế Mỹ, trong đó dự báo nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ tăng trưởng chậm cho đến cuối năm và lạm phát sẽ giảm.
Fed nhận định, kinh tế Mỹ từ đầu tháng Bảy đã phát triển cân bằng và chi tiêu cho tiêu dùng ổn định, trong đó chi tiêu cho thực phẩm và các mặt hàng thiết yếu tăng lên. Doanh số bán ô tô thấp do không có nhiều hàng tồn kho và giá cả tăng cao.
Các hoạt động du lịch và dịch vụ đã tăng trưởng trở lại. Tuy nhiên, trên nhiều vùng của nước Mỹ, tốc độ tăng giá đã không còn mạnh mà ở mức vừa phải.
Cũng theo báo cáo, áp lực tăng giá sẽ còn kéo dài ít nhất cho đến cuối năm nay trong bối cảnh chi phí đầu vào cho sản xuất và xây dựng còn cao. Song giá nhiên liệu và nhu cầu chung về năng lượng dự kiến sẽ giảm, qua đó giúp nhẹ bớt áp lực lên giá cả, đặc biệt là chi phí vận tải. (TTXVN)
Mỹ giữ nguyên mức thuế đối với hàng hóa Trung Quốc do cựu Tổng thống Donald Trump áp đặt. (Nguồn: AFP) |
* Chính phủ Mỹ ngày 2/9 xác nhận sẽ tiếp tục giữ nguyên mức thuế đối với hàng hóa Trung Quốc do cựu Tổng thống Donald Trump áp đặt, sau khi nhận được yêu cầu từ hàng trăm công ty Mỹ.
Tuyên bố của Văn phòng đại diện thương mại Mỹ (USTR) nêu rõ: "Do tiếp tục nhận được các yêu cầu, nên các hành động thuế quan vẫn chưa bị bãi bỏ và USTR sẽ tiến hành xem xét các hành động thuế quan".
USTR lưu ý rằng, chính quyền ông Biden có thể thực hiện các thay đổi và quyết định cuối cùng sẽ đánh giá "tác động của những hành động đó đối với nền kinh tế Mỹ, bao gồm cả người tiêu dùng". (Reuters)
Kinh tế Trung Quốc
* Dữ liệu do chính phủ Trung Quốc công bố ngày 7/9 cho thấy, từ tháng 1-8/2022 kim ngạch thương mại của nước này đã tăng 10,1% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 27.300 tỷ NDT (tương đương 3.950 tỷ USD).
Cụ thể, trong khoảng thời gian nói trên, kim ngạch xuất khẩu của nước này đạt 15.480 tỷ NDT - tăng 14,2% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi kim ngạch nhập khẩu tăng 5,2% lên mức 11.820 tỷ NDT. (THX)
* Theo trang guancha.cn ngày 7/9, trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế phương Đông lần thứ 7, Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí quốc gia Trung Quốc (CNPC) Đới Hậu Lương đã có cuộc họp trực tuyến với Chủ tịch tập đoàn khí đốt Gazprom của Nga Alexey Miller về mở rộng hợp tác trong lĩnh vực khí đốt tự nhiên.
Hai bên đã ký thỏa thuận bổ sung có liên quan về "Thỏa thuận mua bán khí đốt tự nhiên Trung - Nga tuyến phía Đông", trong đó bao gồm việc xác định hai bên chuyển đổi sang thanh toán bằng đồng nội tệ, tức là phương thức thanh toán bằng đồng Ruble và Nhân dân tệ (NDT) cho việc cung cấp khí đốt tự nhiên cho Trung Quốc. (TTXVN)
Kinh tế châu Âu
* Trong bài phát biểu quan trọng tại phiên toàn thể Diễn đàn Kinh tế phương Đông, diễn ra ở thành phố Vladivostock, vùng Viễn Đông của Nga, ngày 7/9, Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định, nền kinh tế nước này đã ổn định và tình hình được cải thiện hơn so với trước đây.
Nhà lãnh đạo Nga nêu rõ, tình hình cơ bản đã tốt lên dù vẫn tồn tại những vấn đề ở một số ngành, lĩnh vực và các doanh nghiệp nhất định, đặc biệt là những doanh nghiệp gắn với nguồn cung từ châu Âu hoặc cung cấp sản phẩm cho châu Âu.
Ông cho biết tỷ lệ thất nghiệp ở Nga trong tháng 6/2022 ở mức thấp lịch sử, chưa tới 4% và “trong điều kiện ngày nay, đây là thành tựu rất quan trọng”.
Tổng thống Putin khẳng định Nga có lẽ là quốc gia duy nhất trên thế giới có thể tự cung, tự cấp đầy đủ các nguồn tài nguyên thiên nhiên và nước này đã bảo vệ lĩnh vực khai thác mỏ của mình. (TTXVN)
* Cũng tại Diễn đàn Kinh tế phương Đông, Tổng thống Nga Putin để ngỏ khả năng nước này sẽ ngừng cung cấp dầu mỏ và khí đốt nếu các nước phương Tây áp giá trần đối với các mặt hàng năng lượng của nước này.
Nhà lãnh đạo Nga chỉ trích các ý kiến kêu gọi thực hiện áp giá trần đối với các nguồn năng lượng của Nga, khẳng định Moscow sẽ chấm dứt các hợp đồng cung cấp năng lượng nếu điều này xảy ra.
Trước đó, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen cho biết, cơ quan này sẽ đề xuất áp giá trần đối với dầu mỏ và khí đốt nhập khẩu từ Nga. (TTXVN)
* Liên minh châu Âu (EU) đang đề xuất áp thuế quốc gia đối với phần siêu lợi nhuận mà các công ty năng lượng hưởng lợi do giá điện tăng cao.
Theo tờ Financial Times ngày 6/9, giá điện bán buôn tăng mạnh do được gắn với giá khí đốt tự nhiên và xu hướng này diễn ra bất kể điện được sản xuất bằng khí đốt hay không. Trong khi đó, giá khí đốt hiện đang cao gấp 12 lần so với một năm trước.
Dự kiến các bộ trưởng năng lượng EU sẽ thảo luận về khả năng áp thuế này trong cuộc họp ngày 9/9 tới. (Financial Times)
* Phát biểu trước báo giới nhân Diễn đàn kinh tế Karpaz lần thứ 31 tại Ba Lan tối 6/9, Thủ tướng Czech Petr Fiala cho biết, Czech và Ba Lan vừa gia hạn hợp tác liên quan đến việc chuẩn bị hệ thống đường ống dẫn khí đốt Stork II kết nối 2 quốc gia Trung Âu này.
Khẳng định hệ thống đường ống dẫn khí đốt mới sẽ cho phép đa dạng hóa hơn nguồn cung khí đốt tự nhiên tại châu Âu, Thủ tướng Czech cũng tiết lộ, Slovakia, quốc gia láng giềng của cả Czech và Ba Lan, gần đây đã kết nối khí đốt với Ba Lan, còn Czech hiện đang triển khai ở giai đoạn đầu. (TTXVN)
* Sau các cuộc đàm phán kéo dài, liên minh cầm quyền ở Đức gồm ba đảng Dân chủ Xã hội (SPD), đảng Dân chủ Tự do (FDP) và đảng Xanh đã đạt được thỏa thuận về gói cứu trợ thứ ba trị giá hàng tỷ Euro.
Thông báo vắn tắt trên tài khoản Twitter sáng 4/9, Bộ trưởng Tư pháp liên bang Đức Marco Buschmann đánh giá đàm phán đã hoàn tất và đạt kết quả rất tốt.
Truyền thông sở tại cho hay việc tiếp tục vận hành các nhà máy điện hạt nhân ở Đức, theo mong muốn của FDP, dường như không được đưa ra thảo luận trong các cuộc đàm phán. (TTXVN)
Đồng Yen của Nhật Bản liên tục giảm giá so với đồng USD. (Nguồn: Reuters) |
Kinh tế Nhật Bản và Hàn Quốc
* Ngày 7/9, chính phủ Nhật Bản tỏ ý sẵn sàng can thiệp thị trường tiền tệ nếu đồng Yen tiếp tục mất giá do các động thái tiền tệ "một chiều".
Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Shunichi Suzuki nhấn mạnh, đồng Yen cần phải ổn định và phản ánh nền tảng kinh tế, đồng thời kêu gọi ổn định các thị trường tiền tệ.
Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Hirokazu Matsuno cũng bày tỏ lo ngại về việc đồng Yen mất giá. Ông nêu rõ, Tokyo sẵn sàng thực hiện các biện pháp cần thiết nếu các xu hướng gần đây tiếp diễn, song ông không công bố chi tiết về kế hoạch này.
Các tuyên bố trên được đưa ra trong bối cảnh đồng Yen liên tục giảm giá so với đồng USD, ngày 5/9 ghi nhận mức giá thấp nhất trong 24 năm qua và ngày 7/9 tiếp tục ghi nhận mức thấp kỷ lục mới - cụ thể 1 USD đổi hơn 144 Yen. (TTXVN)
* Trong nỗ lực vực dậy ngành du lịch, ngày 7/9, Nhật Bản nâng giới hạn về số lượng người được cấp phép nhập cảnh mỗi ngày từ mức 20.000 người hiện nay lên 50.000 người.
Từ ngày 7/9, Tokyo cũng quyết định nới lỏng hơn nữa các biện pháp kiểm soát biên giới theo hướng, người nhập cảnh đã tiêm đủ 3 mũi vaccine Covid-19 sẽ không phải làm xét nghiệm trong vòng 72 giờ trước khi khởi hành và phải nộp giấy chứng nhận có kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2. (Kyodo)
* Viện Phát triển Hàn Quốc (KDI) ngày 7/9 cho biết, nền kinh tế Hàn Quốc đang đi xuống do xuất khẩu chậm lại trong bối cảnh nhu cầu toàn cầu yếu.
Theo KDI, khu vực dịch vụ của Hàn Quốc đã duy trì được sự phục hồi, dẫn đầu bởi sự phục hồi của các dịch vụ trực tiếp, nhưng rủi ro suy thoái kinh tế gia tăng do suy thoái kinh tế toàn cầu.
Trong bối cảnh các ngân hàng đưa ra nhiều đợt tăng lãi suất ở cả trong và ngoài nước, việc các thành phố lớn của Trung Quốc đóng cửa để phòng chống Covid-19 đã gây thêm áp lực sụt giảm đối với hoạt động kinh tế. (Yonhap)
Kinh tế ASEAN và các nền kinh tế mới nổi
* Australia vừa ghi nhận thặng dư tài khoản vãng lai lần thứ 13 liên tiếp, sau khi đạt con số thặng dư thương mại kỷ lục hơn 43 tỷ AUD (30,1 tỷ USD), nhờ sự bùng nổ về nhu cầu và giá than thế giới.
Số liệu kinh tế do Cơ quan Thống kê Australia (ABS) công bố ngày 7/9 cho thấy, trong quý II/2022, thặng dư tài khoản vãng lai của Australia đã tăng từ 2,8 tỷ lên 18,3 tỷ AUD (1,96 – 12,8 tỷ USD), Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tăng 0,9%, cao hơn 0,2% so với quý trước, nâng tốc độ tăng trưởng GDP hàng năm từ 3,3% lên 3,6%.
Những con số này phù hợp với kỳ vọng của các nhà kinh tế học rằng nền kinh tế “xứ chuột túi” sẽ mở rộng thêm trung bình 1%. (TTXVN)
* Theo Bộ Thương mại Thái Lan, xuất khẩu gạo của nước này dự kiến sẽ vượt mức 7,5 triệu tấn trong năm nay sau khi có được đà tăng trưởng tốt trong giai đoạn từ tháng 1-8/2022.
Từ ngày 1/1-31/8/2022, Thái Lan đã xuất khẩu 4,92 triệu tấn gạo, tăng 51,4% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi giá trị đạt 2,54 tỷ USD, tăng 30,5%.
Bộ Thương mại nước này tin rằng, xuất khẩu gạo có thể vượt mục tiêu 7,5 triệu tấn được đề ra trước đó. (TTXVN)
* Cơ quan Dịch vụ Tài chính Indonesia (OJK) đang có kế hoạch kéo dài chương trình cho vay hỗ trợ dành cho một số lĩnh vực vẫn chưa phục hồi hậu đại dịch Covid-19 tới sau thời điểm tháng 3/2023.
Kể từ tháng 3/2020, OJK đã cung cấp các động lực cho các ngân hàng nhằm tái cơ cấu các khoản nợ của các công ty chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch.
Các động lực nói trên bao gồm cho phép các bên cho vay không phải trích lập dự phòng nợ xấu, qua đó giúp ngăn chặn tỷ lệ nợ xấu (NPL) tăng đột biến.
Ông Dian Ediana Rae, Trưởng ban giám sát ngân hàng thuộc OJK, cho biết các nhà hoạch định chính sách đã nhất trí kéo dài chương trình một cách có chọn lọc, song vẫn đang thảo luận về thời hạn và các lĩnh vực áp dụng. (TTXVN)