📞

Kinh tế thế giới nổi bật (21-27/4): Hàn Quốc kiểm soát hàng xuất sang Nga-Belarus, thêm một quốc gia ‘xa lánh’ USD, G7 sắp ‘ra tay’ với Moscow

Hải An 13:29 | 27/04/2023
G7 xem xét cấm gần như tất cả các mặt hàng xuất khẩu sang Nga, các quốc gia láng giềng Ukraine sẽ sớm đạt thỏa thuận cho phép quá cảnh ngũ cốc Ukraine, tác động tích cực từ việc Trung Quốc phục hồi… là những tin kinh tế thế giới nổi bật tuần qua.
G7 đang xem xét cấm gần như tất cả các mặt hàng xuất khẩu sang Nga, như một phần mở rộng của các biện pháp trừng phạt đối với nước này liên quan tới xung đột tại Ukraine. (Nguồn: miningir.com)

Kinh tế thế giới

Lĩnh vực ngân hàng toàn cầu không rơi vào khủng hoảng

Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành (CEO) ngân hàng Morgan Stanley James Gorman nhận định, sẽ không xảy ra khủng hoảng ngân hàng trên toàn cầu, dù việc ngân hàng Silicon Valley Bank của Mỹ phá sản và ngân hàng Credit Suisse của Thụy Sỹ bị thâu tóm ngay sau đó, đã khiến lĩnh vực tài chính biến động.

Theo ông, "các nền tảng của ngành ngân hàng vẫn rất mạnh" và không cần thiết phải thắt chặt các quy định đối với lĩnh vực ngân hàng.

Nhà lãnh đạo của Morgan Stanley cho rằng, một số ngân hàng rơi vào khủng hoảng và nguyên nhân là do việc quản lý yếu kém và rủi ro lãi suất. Hầu hết các ngân hàng tránh được vấn đề này, hệ thống ngân hàng vẫn ổn định và lành mạnh.

Điều đó khác với những gì diễn ra vào năm 2008, khi không phải một cuộc khủng hoảng mang tính hệ thống. Có một số ngân hàng đã quản lý thiếu hợp lý trong giai đoạn này. Đây không phải là khởi đầu của một cuộc khủng hoảng tài chính.

Ông cho rằng các ngân hàng lớn nhất được quản lý rất chặt và tất cả đều rất ổn định trong giai đoạn biến động vừa qua. Quyết định trong việc có tăng cường quản lý các ngân hàng nhỏ hay không là tùy thuộc vào chính phủ. (Nikkei Asia)

Kinh tế Mỹ

* Ngày 25/4, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen đã cảnh báo việc Quốc hội bế tắc trong nâng trần nợ của chính phủ sẽ gây ra một "thảm họa kinh tế" và khiến lãi suất tăng cao trong nhiều năm tới.

Theo bà Yellen, việc vỡ nợ sẽ đe dọa đến những tiến bộ về kinh tế mà Mỹ đã đạt được từ sau đại dịch Covid-19, dẫn đến mất việc làm, đẩy chi phí các khoản thanh toán hộ gia đình như vay thế chấp, vay mua ô tô và thẻ tín dụng tăng cao.

Bà Yellen lưu ý thêm, nếu trần nợ không được nâng lên, các doanh nghiệp Mỹ sẽ phải đối mặt với thị trường tín dụng xấu đi và chính phủ có thể sẽ ngừng cấp khoản thanh toán cho các gia đình quân nhân và người cao tuổi sống dựa vào an sinh xã hội. Vì vậy, Quốc hội Mỹ cần nâng hoặc duy trì trần nợ của chính phủ ở mức 31.400 tỷ USD hiện tại. (Reuters)

* Theo bộ phận nghiên cứu Moody's Analytics thuộc hãng xếp hạng tín nhiệm Moody's, kế hoạch mà Chủ tịch Hạ viện Mỹ Kevin McCarthy đề xuất trong việc nâng trần nợ với điều kiện cắt giảm chi tiêu của chính phủ sẽ làm chậm tăng trưởng và làm mất việc làm.

Moody's Analytics cho rằng, nếu kế hoạch mà ông McCarthy trình bày vào ngày 17/4 được thông qua, tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ năm 2024 sẽ hụt 0,6 điểm phần trăm và 780.000 việc làm bị cắt giảm. Tỷ lệ thất nghiệp sẽ tăng lên 4,6%, so với mức 3,5% vào tháng 3/2023. (AFP)

Kinh tế Trung Quốc

* Tại cuộc họp lần thứ 4 của Hội đồng Hợp tác toàn diện Singapore-Thượng Hải (SSCCC) ngày 24/4, hai bên đã ký 15 thỏa thuận nhằm tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực như kinh tế kỹ thuật số, chăm sóc sức khỏe và du lịch.

15 thỏa thuận mới được ký kết trong dịp này bao gồm thỏa thuận giữa ngân hàng OCBC và UnionPay International nhằm thiết lập hợp tác về thanh toán kỹ thuật số trong thời gian tới. Một thỏa thuận đã được ký kết giữa Tổng cục Du lịch Singapore và Cục Văn hóa và Du lịch Thành phố Thượng Hải nhằm thúc đẩy trao đổi và hợp tác du lịch giữa hai thành phố. Đồng thời, Bộ Y tế Singapore (MOH) cũng đã ký một thỏa thuận với Ủy ban Y tế Thành phố Thượng Hải để tăng cường hợp tác trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe…. (TTXVN)

* Ông Kelvin Chisanga, một nhà kinh tế người Zambia cho rằng, khởi đầu tích cực của nền kinh tế Trung Quốc trong năm nay báo trước những triển vọng sáng cho nền kinh tế các quốc gia khác trên thế giới.

Khẳng định đà phục hồi là một dấu hiệu cho thấy Trung Quốc đang dần khắc phục những tác động bất lợi của đại dịch Covid-19, chuyên gia Chisanga đồng thời khen ngợi khả năng phục hồi của Trung Quốc trong việc ứng phó các thách thức.

Số liệu do Cục Thống kê Quốc gia công bố vào tuần trước cho thấy trong quý I/2023, GDP của nước này tăng 4,5% so với cùng kỳ năm ngoái, đánh dấu mức tăng trưởng cao nhất trong một năm. (THX)

Kinh tế châu Âu

* Ngày 25/4, Ủy viên phụ trách nông nghiệp Liên minh châu Âu (EU) Janusz Wojciechowski bày tỏ lạc quan các quốc gia láng giềng Ukraine sẽ sớm đạt được thỏa thuận cho phép quá cảnh ngũ cốc Ukraine qua lãnh thổ các nước.

Theo ông Wojciechowski, các bên đang gần đạt được "thỏa thuận tốt" và nhiều nước thành viên EU cũng ủng hộ kế hoạch này.

Thỏa thuận được Ủy ban châu Âu (EC) công bố hồi tuần trước chỉ cho phép quá cảnh 5 mặt hàng chiếm khoảng 80-90% tỷ trọng xuất khẩu thay vì 8 mặt hàng, bao gồm mật ong, gia cầm và sữa như đề xuất trước đó. Đổi lại, nông dân chịu ảnh hưởng từ các nước Ba Lan, Hungary, Slovakia… sẽ nhận được 100 triệu Euro tiền đền bù trích từ quỹ EU. (TTXVN)

* Phát biểu họp báo trước khi kết thúc chuyến thăm chính thức Uzbekistan ngày 25/4, Thủ tướng Cộng hòa Czech Petr Fiala khẳng định, nước này muốn tăng cường hợp tác với Uzbekistan để góp phần bảo đảm an ninh năng lượng.

Thủ tướng Fiala cho biết, tại các cuộc hội đàm với người đồng cấp chủ nhà Abdullah Aripoc cũng như với Tổng thống Uzbekistan Savkat Mirziyojev, hai bên đã thảo luận về việc Tashkent sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp Czech hợp tác làm ăn tại Uzbekistan, cũng như việc Uzbekistan có thể cung cấp nguyên liệu thô cho Czech. (TTXVN)

* Một nguồn tin chính phủ Nhật Bản hôm 21/4 cho biết, Nhóm bảy quốc gia công nghiệp hàng đầu thế giới (G7) đang xem xét cấm gần như tất cả các mặt hàng xuất khẩu sang Nga, như một phần mở rộng của các biện pháp trừng phạt đối với nước này liên quan tới xung đột tại Ukraine.

Hãng tin Bloomberg trước đó cũng đưa tin rằng, quan chức từ các quốc gia G7 đang thảo luận về ý tưởng này trước cuộc gặp thượng đỉnh tại Nhật Bản vào tháng tới.

Khi được hỏi về những đồn đoán trên, Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Hirokazu Matsuno cho biết, chính phủ đã biết về các thông tin đó. Nhưng nước này sẽ không đưa ra bình luận về các cuộc trao đổi giữa các thành viên G7 với những quốc gia có cùng chí hướng về khả năng áp đặt thêm nhiều biện pháp trừng phạt đối với Nga. (TTXVN)

* Nguồn tin của Nga cho biết, Mỹ đã cho phép JPMorgan Chase & Co thực hiện các khoản thanh toán cho Ngân hàng Nông nghiệp Nga, nhưng giải pháp tạm thời này không thay thế cho việc tái kết nối ngân hàng này với hệ thống thanh toán toàn cầu SWIFT.

Theo Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov, một ngân hàng đã được phép thực hiện giao dịch nhưng đây không phải giải pháp lâu dài.

Một nguồn tin thân cận khác cho biết, Bộ Ngoại giao và Bộ Tài chính Mỹ đã yêu cầu JPMorgan xử lý các giao dịch được giám sát chặt chẽ và rất hạn chế liên quan đến xuất khẩu nông sản. (Reuters)

* Chính phủ Đức ngày 26/4 đã nâng dự báo tăng trưởng kinh tế trong năm 2023 lên 0,4%, cao hơn so với dự báo tăng 0,2% đưa ra trước đó.

Theo báo cáo về dự báo kinh tế mùa Xuân, các đơn đặt hàng nhận được và môi trường kinh doanh cho thấy nền kinh tế sẽ phục hồi trong năm nay.

Dự báo lạm phát cũng được điều chỉnh giảm, với tỷ lệ trong cả năm 2023 và 2024 đều thấp hơn 0,1 điểm phần trăm, lần lượt ở mức 5,9% và 2,7%. Lạm phát của Đức trong năm 2022 là 6,9%. (TTXVN)

Kinh tế Nhật Bản và Hàn Quốc

* Ngày 25/4, chính phủ Nhật Bản công bố báo cáo kinh tế hàng tháng, trong đó giữ nguyên đánh giá tích cực về nền kinh tế nước này trong tháng 4, khi tiêu dùng và chi tiêu doanh nghiệp hồi phục, mặc dù nhu cầu nước ngoài yếu ảnh hưởng đến triển vọng kinh tế.

Trong báo cáo kinh tế tháng 4, chính phủ đánh giá kinh tế nước này “tăng trưởng vừa phải”. Đây là tháng thứ 4 liên tiếp Nhật Bản đưa ra đánh giá này đối với tăng trưởng kinh tế. Báo cáo đã nâng đánh giá về nhập khẩu lần đầu tiên trong 7 tháng qua, cho rằng nhập khẩu trong tháng 4 “ổn định”, sau khi yếu đi trong tháng 3. (Kyodo)

* Nhật Bản đặt mục tiêu thu hút 100.000 tỷ Yen (khoảng 750 tỷ USD) vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào năm 2030 và nhân tài từ nước ngoài trong nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và khả năng cạnh tranh.

Theo kế hoạch, Nhật Bản sẽ sử dụng kinh phí và các nguồn lực khác để thu hút đầu tư vào các lĩnh vực chiến lược như chất bán dẫn, số hóa, công nghệ xanh và chăm sóc sức khỏe. Nước này cũng sẽ tìm cách phát triển nguồn nhân lực cần thiết thông qua hợp tác ba bên giữa chính phủ, các công ty và giới học thuật. (Kyodo)

* Hàn Quốc công bố quyết định thắt chặt kiểm soát xuất khẩu đối với các sản phẩm công nghiệp chủ chốt đối với Nga và Belarus, biện pháp này sẽ có hiệu lực vào ngày 28/4. Giờ đây, danh mục hàng hóa xuất khẩu sang hai nước nói trên cần xin giấy phép đặc biệt không phải là 57 mặt hàng mà đã lên tới 798 mặt hàng.

Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc giải thích, động thái này được thực hiện do khả năng cao là những mặt hàng đó được Nga và Belarus nhập khẩu để phục vụ mục đích quân sự. Seoul sẽ tiến hành phân tích cụ thể từng "trường hợp đặc biệt" các mặt hàng xuất khẩu sang hai nước trên. (Yonhap)

* Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc ngày 26/4 cho biết, liên minh Hàn-Mỹ cũng đã mở rộng ra lĩnh vực kinh tế, thể hiện qua các khoản đầu tư mà doanh nghiệp Mỹ công bố sẽ đầu tư vào Hàn Quốc.

Tổng quy mô đầu tư mà Seoul gặt hái được sau ngày thứ hai Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol thăm Mỹ là 5,9 tỷ USD, bao gồm 2,5 tỷ USD từ Netflix và 1,9 tỷ USD từ 6 doanh nghiệp khác, cùng với 1,5 tỷ USD của công ty công nghệ Corning đã bất ngờ tuyên bố đầu tư thêm vào Hàn Quốc trong vòng 5 năm tại Hội nghị bàn tròn kinh doanh cùng ngày. (TTXVN)

Kinh tế ASEAN và các nền kinh tế mới nổi

* Ngân hàng Thế giới (WB) cho hay, Malaysia có Chỉ số Hoạt động hậu cần (LPI) năm 2023 cao thứ hai trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), chỉ xếp sau Singapore.

LPI là công cụ so sánh giúp các quốc gia xác định những thách thức và cơ hội, cũng như tìm kiếm cách thức phù hợp để cải thiện hoạt động hậu cần thương mại.

Trong tuyên bố liên quan, Tổng Giám đốc Latif Haji Abu Seman của Malaysia Productivity Corp (MPC) thuộc Bộ Đầu tư, Thương mại và Công nghiệp Malaysia (MITI) nhấn mạnh rằng, nước này đã tăng 15 bậc lên vị trí thứ 26 trong bảng xếp hạng LPI của WB. Mức tăng trên cho thấy sự cải thiện đáng kể so với vị trí thứ 41 hồi năm 2018 và thứ 32 hồi năm 2016. Thành tích tốt nhất của Malaysia trong bảng xếp hạng là vị trí thứ 25 vào năm 2014. (TTXVN)

Indonesia tìm cách ngừng thanh toán bằng đồng USD đối với các thương vụ giao dịch toàn cầu. (Nguồn: Money Control)

* Indonesia đang theo chân các nước thành viên Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS) trong việc tìm cách ngừng thanh toán bằng đồng USD đối với các thương vụ giao dịch toàn cầu.

Theo tờ SINDOnews, Indonesia có kế hoạch sử dụng đồng Rupiah trong các giao dịch xuyên biên giới, nhằm giảm bớt sự phụ thuộc vào USD, đồng thời thúc đẩy sử dụng nội tệ trong thương mại quốc tế.

Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã thúc giục Bộ Tài chính đa dạng hóa các giao dịch bằng đồng Rupiah với các nước châu Á. Nước này đặt mục tiêu tạo ra các giao dịch bằng nội tệ (LCT) nhằm đa dạng hóa các khoản thanh toán trên trường quốc tế. (TTXVN)

* Số liệu do Cục Hải quan thuộc Bộ Tài chính Thái Lan công bố cho thấy, kim ngạch nhập khẩu các sản phẩm xa xỉ và làm đẹp của Thái Lan - gồm túi hàng hiệu, chất làm đầy và Botox - trong nửa đầu tài khoá 2023 (bắt đầu từ ngày 1/10/2022) đã tăng tới 40% so với cùng kỳ tài khoá trước.

Điều này phản ánh tâm lý kinh tế tích cực, sức mua ngày càng tăng của người tiêu dùng và sự phục hồi trong du lịch ở “xứ sở Chùa Vàng”.

Theo Cục phó Cục Hải quan Panthong Loykulnan, việc thu thuế nhập khẩu của cơ quan này trong 6 tháng đầu tài khóa hiện hành đã tăng 67,3 tỷ Baht, tương đương 27,7% so với cùng kỳ tài khoá trước đó. (TTXVN)

* Tỷ lệ lạm phát của Australia trong quý I/2023 đã giảm xuống 7% trong bối cảnh giá thực phẩm, quần áo và chi phí xây dựng nhà ở có dấu hiệu hạ nhiệt.

Đây được cho là số liệu đóng vai trò quyết định trong việc xác định liệu Ngân hàng Dự trữ Australia (RBA) có giữ nguyên lãi suất ở mức 3,6% trong tháng 5 tới hay không.

Mặc dù số liệu lạm phát mới công bố chỉ cao hơn một chút so với mức dự báo lạm phát hàng năm là 6,9%, nhưng con số trên phù hợp với đánh giá của các nhà kinh tế và RBA cho rằng áp lực giá đã chạm đỉnh vào cuối năm 2022.

Giá cả các mặt hàng đã tăng 1,4% trong quý I/2023, đây là mức tăng theo quý chậm nhất trong vòng một năm. (TTXVN)