Novikombank, thuộc tập đoàn Rostec, trở thành ngân hàng Nga đầu tiên mở chi nhánh tại Cuba. (Nguồn: Cuba Herald) |
Kinh tế thế giới
USD vẫn là đồng tiền dự trữ chính của toàn cầu
Theo báo cáo "Giám sát sự thống trị của đồng USD" của Trung tâm Địa kinh tế của Hội đồng Đại Tây Dương, đồng USD vẫn là đồng tiền dự trữ chính của thế giới. Đồng Euro cũng như Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS) đều không thể làm giảm sự phụ thuộc của toàn cầu vào đồng bạc xanh.
Báo cáo cho rằng, USD vẫn là đồng tiền chủ yếu trong dự trữ ngoại hối, thanh toán thương mại và các giao dịch tiền tệ trên toàn cầu và vai trò đồng tiền dự trữ chính của toàn cầu sẽ được duy trì trong ngắn và trung hạn.
Sự thống trị của đồng USD, vai trò quá lớn của đồng bạc xanh trong nền kinh tế toàn cầu, gần đây được củng cố nhờ nền kinh tế Mỹ mạnh, chính sách tiền tệ thắt chặt hơn và rủi ro địa chính trị gia tăng, dù sự phân mảnh về kinh tế khiến các nền kinh tế BRICS chuyển sang các đồng tiền dự trữ và quốc tế khác.
Theo báo cáo, các lệnh trừng phạt của Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới nhằm vào Nga sau khi xảy ra xung đột tại đã thúc đẩy nỗ lực của BRICS trong việc phát triển một liên minh tiền tệ, nhưng nhóm này không thể đạt tiến triển trong việc phi USD hóa.
Hội đồng Đại Tây Dương nhấn mạnh, Trung Quốc đã tích cực tăng thanh khoản của đồng Nhân dân tệ thông qua các thỏa thuận hoán đổi với các đối tác thương mại, nhưng tỷ trọng của đồng tiền này trong dự trữ ngoại hối của toàn cầu giảm xuống 2,3% so với mức đỉnh 2,8% vào năm 2022.
Trong khi đó, Euro - đồng tiền từng được coi là đối thủ của USD trong vai trò đồng tiền quốc tế, cũng yếu đi, khi những nước muốn giảm rủi ro đã chuyển sang vàng.
Tin liên quan |
Bị Nga chặn nguồn cung khí đốt, EU đặt trọn niềm tin vào quốc gia Kavkaz này, ‘trái ngọt’ đã trong tầm tay? |
Mỹ
* Ngày 25/6, Thống đốc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) Michelle Bowman cho biết, thời điểm hiện tại chưa thích hợp để bắt đầu hạ lãi suất, bà sẽ để ngỏ khả năng tăng lãi suất nếu lạm phát không giảm.
Những bình luận đó phản ánh tâm lý chung tại ngân hàng trung ương, khi hầu hết các nhà hoạch định chính sách trong những tuần gần đây đều nói rằng mặc dù vẫn kỳ vọng lạm phát sẽ quay trở lại mục tiêu 2% của Fed, nhưng Fed vẫn cần thêm bằng chứng.
Các số liệu gần đây cho thấy lạm phát đang giảm dần, với chỉ số ưa thích của Fed chỉ dưới 3%, nhưng bà Bowman cho biết sẽ vẫn thận trọng trong cách tiếp cận của mình để xem xét những thay đổi về lập trường chính sách trong tương lai.
* Bộ Lao động Mỹ cho biết, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu đã giảm 5.000 xuống 238.000 trong tuần kết thúc vào ngày 15/6. Trong tháng 5, tỷ lệ thất nghiệp lần đầu tiên tăng lên 4% kể từ tháng 1/2022 trong bối cảnh có dấu hiệu cho thấy những người lao động đã bị sa thải có thể gặp khó khăn hơn khi tìm việc làm mới.
Một báo cáo riêng từ Cục Điều tra Dân số của Bộ Thương mại Mỹ cho thấy số lượng nhà ở mới xây dựng đã giảm 5,5% xuống 1,277 triệu căn vào tháng trước, mức thấp nhất kể từ tháng 6/2020.
Trung Quốc
* Các công ty nước ngoài ngày càng gia tăng đầu tư vào thị trường khổng lồ của Trung Quốc.
Tháng 1t năm nay, nhà sản xuất ô tô hạng sang Đức Audi AG đã bắt đầu sản xuất trước loạt sản phẩm tại cơ sở sản xuất đầu tiên dành riêng cho xe điện tại Trung Quốc. Tháng 3, một liên doanh giữa hai hãng sản xuất ô tô là Mercedes-Benz và BMW được thành lập tại Bắc Kinh, với kế hoạch xây dựng ít nhất 1.000 trạm sạc điện siêu nhanh và khoảng 7.000 trụ sạc công suất cao vào năm 2026.
Cũng trong tháng 3/2024, Trung tâm kiểm soát chất lượng lớn nhất Trung Quốc của ZEISS, nhà sản xuất hệ thống quang học và quang điện tử của Đức, đã khai trương tại thành phố Đông Hoản (hay còn gọi là Đông Quản), tỉnh Quảng Đông, miền Nam Trung Quốc.
Cuộc khảo sát nhanh mới được công bố bởi Phòng Thương mại Đức tại Trung Quốc cho thấy, các công ty nước ngoài tại Trung Quốc lạc quan hơn về triển vọng kinh tế của nước này so với năm ngoái.
* "Gã khổng lồ" sản xuất xe điện Trung Quốc BYD Co. vừa ra mắt mẫu xe sedan Seal tại Nhật Bản, và là mẫu xe EV thứ ba tại thị trường này. Động thái trên của BYD nhằm vươn lên dẫn đầu ở phân khúc thị trường xe chạy hoàn toàn bằng điện còn mới mẻ.
Mẫu xe Seal mới này có giá khởi điểm từ 5,28 triệu yen (33.100 USD) và có thể chạy tới 640 km trong một lần sạc, quãng đường dài hơn so với mẫu xe thể thao đa dụng ATTO 3 và mẫu xe cỡ nhỏ Dolphin đã được bán ở Nhật Bản.
Châu Âu
* Trong bối cảnh Ủy ban châu Âu (EC) có kế hoạch áp đặt thuế bổ sung đối với xe điện nhập khẩu từ Trung Quốc, chuyên gia Josep Maria Gomes, nhà phát triển kinh doanh quốc tế tại Phòng Thương mại Barcelona (Tây Ban Nha), đã cảnh báo rằng, người tiêu dùng sẽ là đối tượng hứng chịu thiệt hại nặng nề nhất từ xung đột thương mại leo thang.
Theo ông, động thái của Liên minh châu Âu (EU) sẽ không giúp thúc đẩy sự thịnh vượng kinh tế của khối. Ông nói: "Trong nhiều năm qua, chúng tôi nhận thấy chủ nghĩa bảo hộ đã không mang lại một nền kinh tế cạnh tranh hơn và nó cũng không bảo vệ việc làm".
Ông nói: “Cho dù đó là ô tô điện, pin hay các loại hình đầu tư khác của Trung Quốc, nếu gây khó khăn cho các nhà đầu tư thông qua việc áp đặt thuế quan hoặc các rào cản bảo hộ khác, thì chúng tôi (châu Âu) sẽ chỉ tự làm tổn thương chính mình”.
* Theo số liệu do Viện nghiên cứu thị trường GfK của Đức công bố ngày 26/6, phong vũ biểu tâm trạng tiêu dùng ở nước này trong tháng 6 bất ngờ giảm xuống mức âm 21,8 điểm, từ mức âm 21 điểm trong tháng 5. Đây là lần giảm đầu tiên sau 4 tháng liên tiếp tâm trạng tiêu dùng của người dân Đức phục hồi, mặc dù vẫn ở mức rất thấp.
Theo Viện GfK, kỳ vọng của người dân về thu nhập cũng như tăng trưởng kinh tế đều giảm, trong khi lạm phát tăng trở lại, khiến người dân Đức phải hạn chế chi tiêu hơn trước. Sau bốn lần tăng liên tiếp, kỳ vọng về thu nhập của người tiêu dùng giảm 4,3 điểm, xuống mức 8,2 điểm. Kỳ vọng về sự phục hồi kinh tế cũng giảm 7,3 điểm, xuống mức 2,5 điểm.
* Ngày 24/6, giới chức Chile và các nước thành viên Hiệp hội Thương mại tự do châu Âu (EFTA), gồm Iceland, Liechtenstein, Na Uy và Thụy Sỹ đã ký kết thỏa thuận nâng cấp Hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương.
Việc ký kết nâng cấp FTA đánh dấu thêm một mốc quan trọng trong mối quan hệ thương mại đang phát triển giữa Chile và 4 quốc gia thành viên của EFTA.
Thỏa thuận nâng cấp FTA lần này có một loạt điều khoản mới liên quan đến phát triển bền vững và các vấn đề về giới, phù hợp với chính sách đối ngoại do Chính phủ của Tổng thống Gabriel Boric thúc đẩy.
* Ngày 20/6, Novikombank, thuộc tập đoàn nhà nước Rostec của Nga, thông báo rằng đơn vị này đã trở thành ngân hàng Nga đầu tiên mở chi nhánh tại Cuba.
Tuyên bố của ngân hàng nhấn mạnh rằng, bước đi này góp phần đảm bảo mục tiêu chiến lược là duy trì sự ổn định trong thanh toán giữa Nga và Cuba, đồng thời cung cấp hỗ trợ ngân hàng cho các mối quan hệ kinh tế-thương mại và đầu tư. Chi nhánh của Novikombank tại Cuba sẽ tập trung hỗ trợ tài chính cho hoạt động của các công ty Nga có mặt tại đảo quốc Caribbean này trong các lĩnh vực như chế tạo máy bay, sản xuất động cơ và ô tô, khai thác dầu hoặc công nghiệp điện tử vô tuyến.
Nhật Bản và Hàn Quốc
* Ngày 25/6, Hàn Quốc và Nhật Bản đã tiến hành vòng đối thoại tài chính lần thứ 9, với sự tham dự của Bộ trưởng Tài chính hai nước.
Theo tuyên bố chung đưa ra sau cuộc đối thoại tại Seoul, hai bên chia sẻ quan ngại sâu sắc về tình trạng mất giá mạnh của đồng nội tệ hai nước trong thời gian gần đây; ghi nhận tầm quan trọng của việc tiếp tục thận trọng trong các hành động chính sách nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và bảo đảm ổn định tài chính.
Hai bên nhất trí thực hiện các biện pháp phù hợp nhằm hạn chế sự biến động quá mức của đồng Won (Hàn Quốc) và đồng Yen (Nhật Bản), đồng thời tăng cường hợp tác song phương cũng như đa phương về các vấn đề kinh tế, tài chính và xã hội.
* Theo số liệu của Hiệp hội chuỗi cửa hàng Nhật Bản, doanh số bán của các siêu thị tại nước này trong tháng 5/2024 tăng 0,1% so với cùng kỳ năm ngoái trên cơ sở so sánh cùng cửa hàng, đánh dấu tháng tăng thứ 15 liên tiếp, nhờ giá rau và các nông sản khác tăng.
Doanh số bán của 9.183 siêu thị thuộc 47 công ty đạt tổng 1.030 tỷ Yen (6,5 tỷ USD). Doanh số bán thực phẩm, chiếm 70% tổng doanh số, tăng 2,2%.
* Một cuộc khảo sát ngày 25/6 cho thấy, khoảng 6 trong số 10 người tiêu dùng toàn cầu đã ghé thăm ít nhất một nhà hàng Hàn Quốc ở nước ngoài trong năm qua, với tần suất trung bình là 1,7 lượt ghé thăm mỗi tháng.
Theo khảo sát hàng năm của Viện Xúc tiến thực phẩm Hàn Quốc, 64,6% trong số 9.000 người được hỏi trong độ tuổi từ 20 đến 59 sống ở 18 thành phố trên thế giới đã từng ghé thăm một nhà hàng Hàn Quốc. Cuộc khảo sát được thực hiện trong 2 tháng, từ tháng 8 đến tháng 10/2023, tại các thành phố bao gồm New York, Paris, London, Thượng Hải, Tokyo và Bangkok.
ASEAN và các nền kinh tế mới nổi
* Trong báo cáo mới nhất có tiêu đề Triển vọng kinh tế Indonesia ấn bản tháng 6/2024, Ngân hàng Thế giới (WB) tuyên bố rằng, khuôn khổ chính sách kinh tế vĩ mô thận trọng và nhất quán đã trở thành cơ sở cho sự thành công của hoạt động kinh tế Indonesia, được thị trường công nhận.
Theo báo cáo trên, tỷ lệ hoán đổi nợ xấu và chênh lệch chỉ số trái phiếu thị trường mới nổi JP-Morgan (EMBI) ở Indonesia đã tiếp tục giảm kể từ đại dịch Covid-19 và thấp hơn so với một số quốc gia tương đương.
* Ngày 25/6, Bộ trưởng Kỹ thuật số Malaysia Gobind Singh Deo cho biết, nền kinh tế số dự kiến sẽ đóng góp 25,5% vào Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) vào cuối năm tới, tăng so với mức 23% hiện tại.
Ông nhấn mạnh, mục tiêu 25,5% GDP sẽ phụ thuộc vào tốc độ các cơ quan công quyền áp dụng công nghệ và mức độ thực thi để cải thiện nền kinh tế số, đồng thời bày tỏ hy vọng, đây là một mục tiêu có thể đạt được.
* Mới đây, Viện phát triển quản lý quốc tế - Trường kinh doanh Thụy Sỹ – công bố Báo cáo năng lực cạnh tranh Thế giới (WCR) năm 2024. Theo đó, WCR đã xếp Singapore dẫn đầu trong bảng xếp hạng cạnh tranh toàn cầu một phần nhờ vào tình trạng minh bạch tài chính, Thụy Sỹ và Đan Mạch là những quốc gia đứng tiếp theo trong danh sách 67 quốc gia khảo sát.
Trong khi đó, Malaysia là quốc gia có mức độ cạnh tranh cao thứ 34 trên thế giới, tụt 7 bậc so với năm ngoái khi nước này đứng ở vị trí thứ 27.
* Lào sẽ miễn thị thực cho du khách Trung Quốc nhằm thu hút thêm du khách. Dự kiến, chính sách miễn thị thực sẽ được công bố trong tháng này và chỉ áp dụng trong 6 tháng cuối năm đối với những du khách đi du lịch theo nhóm do các công ty du lịch tổ chức.
Trung Quốc hiện là một trong 3 nguồn du khách nước ngoài có nhiều du khách đến Lào nhất kể từ sau đại dịch Covid-19.
Cùng với đó, tuyến đường sắt Lào-Trung Quốc cũng đã giúp du khách Trung Quốc đến Lào được thuận lợi hơn với chi phí thấp hơn di chuyển bằng đường bộ và đường hàng không.
| Kinh tế thế giới nổi bật (14-20/6): Nga vượt Mỹ, gây ngạc nhiên khi làm được điều này ở châu Âu, giới siêu giàu Trung Quốc ngày càng kín đáo Thị trường xa xỉ toàn cầu đổi hướng, Nga vượt Mỹ trở thành nhà cung cấp khí đốt lớn nhất cho châu Âu, NATO đầu ... |
| Kinh tế thế giới nổi bật (7-13/6): Nga sẽ giảm nguồn cung ngũ cốc, Mỹ điều tra pin năng lượng Mặt trời nhập khẩu, Trung Quốc nhận tin vui Nga có kế hoạch giảm nguồn cung ngũ cốc ra thị trường toàn cầu, Đức kêu gọi tái thiết Ukraine, Mỹ sẽ điều tra việc ... |
| Giá tiêu hôm nay 26/6/2024, nhận định đằng sau cú lao dốc không phanh, động thái cần thiết để thị trường trở nên cân bằng hơn Giá tiêu hôm nay 26/6/2024 tại thị trường trong nước bất ngờ giảm mạnh ở các địa phương trọng điểm, giao dịch từ 145.000 - ... |
| Giá tiêu hôm nay 27/6/2024, thị trường tăng nóng, nông dân bán hàng ‘nhỏ giọt’, nhiều đại lý trước nguy cơ thua lỗ nặng Giá tiêu hôm nay 27/6/2024 tại thị trường trong nước tiếp đà giảm ở các địa phương trọng điểm, giao dịch từ 144.000 - 146.000 ... |
| Bất động sản mới nhất: Chỉ số nhà tại Hà Nội và TP.HCM đối lập, nhiều dự án lớn ‘đổ bộ’ Thanh Hóa, quy định đổi sổ đỏ ghi sai vị trí đất Chỉ số nhà ở tại Hà Nội tăng 8 điểm phần trăm, đề xuất phải công bố xếp hạng chung cư trước khi mở bán, ... |