📞

Kinh tế thế giới nổi bật (26/4-2/5): Mỹ áp trừng phạt liên quan Iran, cấm cửa uranium Nga, xe điện Trung Quốc bán giá cao tại EU

Hải An 13:36 | 02/05/2024
Mỹ thông báo những biện pháp trừng phạt mới đối với các cá nhân và thực thể liên quan hỗ trợ chương trình UAV cho quân đội Iran, cấm nhập khẩu uranium của Nga; EU có thể áp thuế cao với xe điện Trung Quốc; Đức đón tín hiệu vui… là những tin kinh tế thế giới nổi bật tuần qua.
Toàn bộ Thượng viện Mỹ ngày 30/4 đã nhất trí thông qua dự luật cấm nhập uranium của Nga. (Nguồn: Reuters)

Kinh tế thế giới

WEF: Sự gắn kết và hợp tác là chìa khóa để đạt được an ninh và thịnh vượng

Phát biểu trong phiên đối thoại đặc biệt trong khuôn khổ cuộc họp đặc biệt của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) diễn ra ngày 29/4 tại Riyadh, Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman kêu gọi thúc đẩy hợp tác toàn cầu nhằm giúp xây dựng một nền kinh tế kiên cường và hội nhập hơn.

Nêu bật những thách thức địa chính trị và kinh tế hiện nay mà thế giới đang phải đối mặt, Thái tử Mohammed khẳng định cam kết của Riyadh đối với vai trò là lực lượng ổn định khu vực. Ông cho rằng, sự gắn kết và hợp tác với các đối tác khu vực và toàn cầu là chìa khóa để đạt được an ninh và thịnh vượng.

Thái tử Mohammed cũng nhấn mạnh những thành tựu của Saudi Arabia sau 8 năm triển khai kế hoạch "Tầm nhìn 2030", đồng thời lưu ý quốc gia Trung Đông này đang tiếp tục tạo ra các cơ hội đầu tư mang tính chuyển đổi trong các lĩnh vực mới nổi trong nền kinh tế của mình.

Đề cập nền kinh tế đa dạng hóa nhanh chóng của Saudi Arabia, ông Mohammed cho biết, hoạt động kinh tế phi dầu mỏ đóng góp 50% vào GDP của nước này vào năm 2023, ghi dấu mức cao nhất từ trước đến nay.

Thái tử Saudi Arabia cũng nêu bật tầm quan trọng của việc đẩy mạnh đầu tư vào hoạt động nghiên cứu và phát triển, cho rằng những khoản đầu tư như vậy đã thúc đẩy đà tăng trưởng của các tập đoàn khổng lồ ở Saudi Arabia như ACWA Power, Ceer Motors và Alat.

Mỹ

* Ngày 25/4, Mỹ thông báo những biện pháp trừng phạt mới đối với các cá nhân và thực thể mà Washington cho rằng đã tham gia hỗ trợ và hậu thuẫn tài chính cho các hoạt động bán thiết bị bay không người lái (UAV) cho quân đội Iran. Danh sách trừng phạt mới gồm 15 thực thể, 8 cá nhân và 5 tàu thuyền.

Trước đó, ngày 18/4, Bộ Tài chính Mỹ công bố các biện pháp trừng phạt nhằm vào 16 cá nhân và hai thực thể liên quan đến chương trình UAV của Tehran. Ngày 17/4, các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) cũng nhất trí tăng cường các biện pháp trừng phạt quốc gia Tây Nam Á.

* Toàn bộ Thượng viện Mỹ ngày 30/4 đã nhất trí thông qua dự luật cấm nhập uranium của Nga, giữa lúc Washington đang tiếp tục tìm cách ngăn chặn những nỗ lực của Moscow trong xung đột ở Ukraine. Trước đó, hồi tháng 12 năm ngoái, Hạ viện Mỹ đã phê chuẩn dự luật này.

Dự luật sẽ cấm các hoạt động nhập khẩu uranium từ Nga 90 ngày sau khi phát sinh hiệu lực. Tuy vậy, dự luật cũng bao gồm các quy định miễn trừ trong trường hợp xuất hiện những lo ngại về nguồn cung dành cho các lò phản ứng ở Mỹ.

Trung Quốc

* Theo dữ liệu tổng hợp từ các nền tảng dịch vụ du lịch lớn của Trung Quốc, trong dịp nghỉ lễ nhân Ngày quốc tế Lao động kéo dài 5 ngày, người dân nước này đang ưa chuộng các loại hình du lịch như thăm các thành phố xa xôi, các chuyến dã ngoại bằng xe tự lái và du ngoạn kết hợp thưởng thức âm nhạc.

Dự báo thị trường của Trip.com cho thấy lượng đặt phòng khách sạn tại các thị trường cấp quận, huyện đã tăng 68% so với cùng kỳ năm ngoái trong kỳ nghỉ lễ, vượt xa tốc độ tăng trưởng trung bình toàn quốc. Dữ liệu cũng cho thấy số chuyến đi về miền nông thôn tăng 42% so với cùng kỳ năm ngoái.

* Cơ quan Thống kê quốc gia Trung Quốc (NBS) ngày 30/4 công bố số liệu cho thấy, hoạt động sản xuất của nước này đã tăng trưởng hai tháng liên tiếp trong tháng 4 và 3/2024.

Theo NBS, Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đạt 50,4, cao hơn một chút so với mức 50, là ngưỡng ranh giới giữa tăng trưởng và suy giảm.

Mặc dù giảm so với tháng 3, nhưng chỉ số PMI trong tháng 4/2024 của Trung Quốc đã vượt mức dự báo 50,3 của các nhà phân tích Bloomberg.

Châu Âu

* Phân tích mới nhất của công ty nghiên cứu Rhodium Group cho thấy, EU sẽ cần phải đánh thuế cao hơn dự kiến, có thể lên tới 55%, để hạn chế xe ô tô điện Trung Quốc tràn vào thị trường nội khối.

Phân tích trên được thực hiện trong bối cảnh liên minh đang tiến hành điều tra chống trợ cấp đối với xe điện nhập khẩu từ quốc gia châu Á. Rhodium Group, với dự đoán EU sẽ áp thuế từ 15-30% đối với xe điện Trung Quốc, cho biết mức thuế này là không đủ để kiểm soát cạnh tranh từ Trung Quốc.

Hiện các nhà sản xuất xe điện Trung Quốc đang lao vào cuộc chiến giá khốc liệt tại "sân nhà". Theo Rhodium Group, mẫu Seal U của BYD, được bán với giá 20.500 Euro/xe ở Trung Quốc và 42.000 Euro/xe ở EU, ước tính mang lại lợi nhuận 1.300 Euro cho mỗi sản phẩm tại thị trường nội địa, so với mức 14.300 Euro tại châu Âu. Thậm chí, ngay cả sau khi áp thuế 30%, một công ty như BYD vẫn sẽ thu được lợi nhuận cao hơn tại thị trường EU.

* Ngày 30/4, EU mở cuộc điều tra đối với Facebook và Instagram của tập đoàn công nghệ Meta do nghi ngờ những nền tảng này không thực hiện đầy đủ các biện pháp chống tin giả trên mạng trước cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu (EP) vào tháng 6 tới.

Cuộc điều tra nhằm "đảm bảo rằng các hành động hiệu quả được thực hiện, đặc biệt là để ngăn chặn việc lợi dụng các lỗ hổng của Instagram và Facebook do sự can thiệp từ nước ngoài".

* Tổng thống Nga Valdimir Putin tuyên bố khởi động giai đoạn ba mở rộng tuyến đường sắt Baikal-Amur (BAM, một trong những tuyến đường sắt dài nhất thế giới) và tuyến xuyên Siberia-Transsib.

Mục tiêu của giai đoạn này là tăng công suất cho toàn Mạng lưới đường sắt phía Đông. Theo đó, BAM sẽ được xây dựng thêm đường tàu thứ hai, tổng cộng sẽ phải thực hiện hơn 300 dự án hạ tầng.

Theo chỉ thị của Tổng thống, trong 10 năm tới, lượng hàng hóa vận tải qua Mạng lưới đường sắt phía Đông phải tăng lên 270 triệu tấn/năm, tăng năng lực xuất khẩu và vận chuyển của Nga. Nhờ đó Nga có thể trở thành một mắt xích quan trọng của cả hệ thống giao thông Á-Âu.

* Văn phòng Thống kê Liên bang Đức (Destatis) ngày 30/4 công bố số liệu cho thấy, nền kinh tế nước này có thể phục hồi nhẹ trong nửa đầu năm nay, mang lại hy vọng đầu tàu châu Âu có thể thoát khỏi tình trạng kinh tế ảm đạm kéo dài.

Theo thống kê, nền kinh tế lớn nhất châu Âu đã tăng trưởng trong quý đầu tiên của năm 2024, đảo ngược tình trạng suy thoái hồi cuối năm ngoái. GDP của Đức tăng 0,2% trong quý I/2024 so với quý trước đó, khi nền kinh tế suy giảm ở mức 0,5% sau khi đã điều chỉnh số liệu.

Theo nhà phân tích Carsten Brzeski của ngân hàng ING, sự khởi sắc này cho thấy "nền kinh tế Đức xét cho cùng vẫn có tiềm năng phát triển". Ông cho rằng “sự lạc quan đã quay trở lại với kinh tế Đức”.

Nhật Bản và Hàn Quốc

* Một khảo sát của khu vực tư nhân công bố ngày 1/5 cho thấy, hoạt động sản xuất của Nhật Bản đã giảm với tốc độ chậm lại trong tháng 4/2024. Khảo sát này cũng chứng minh, sức ép lạm phát vẫn lớn, song các doanh nghiệp nhận thấy nhu cầu thị trường đủ mạnh để cho phép họ tăng chi phí sản xuất.

Chỉ số PMI của au Jibun Bank đã tăng từ 48,2 trong tháng 3/2024 lên 49,6 trong tháng 4/2024, nhưng không đạt được mức 49,9 như khảo sát sơ bộ trước đó. Chỉ số này vẫn thấp hơn ngưỡng 50, mốc phân chia giữa tăng trưởng và giảm sản xuất, nhưng đây là mức giảm chậm nhất trong 8 tháng.

Chuyên gia Paul Smith tại công ty nghiên cứu thị trường S&P Global Market Intelligence cho biết, số liệu PMI mới nhất tiếp tục cho thấy bức tranh ảm đạm về hoạt động của lĩnh vực sản xuất Nhật Bản. Tuy vậy, mức tăng nhẹ của chỉ số này cho thấy lĩnh vực sản xuất đang tiến gần đến "sự ổn định trong thời gian ngắn".

* Đồng Yen đã phải vật lộn để duy trì tỷ giá ổn định so với đồng USD trong phiên 30/4, sau khi đã tăng mạnh vào phiên trước.

Phiên 30/4, đồng Yen giảm nhẹ 0,30% xuống 156,79 Yen đổi 1 USD, nhưng đã thoát khỏi mức thấp nhất trong 34 năm là 160,245 Yen/USD được ghi nhận hôm 29/4.

Chính phủ Nhật Bản chưa xác nhận về khả năng Tokyo can thiệp vào thị trường tiền tệ để hỗ trợ đồng Yen trong phiên 29/4.

* Bộ Lao động Hàn Quốc ngày 30/4 công bố, trong vòng từ tháng 5 tới tháng 12 năm nay, bộ sẽ triển khai dịch vụ "tư vấn tận nơi" cho các doanh nghiệp tuyển dụng người lao động nước ngoài nhập cảnh vào Hàn Quốc theo diện visa lao động phổ thông (E-9) và visa thăm thân kết hợp làm việc ngắn hạn (H-2).

Theo đó, doanh nghiệp sẽ được tư vấn tổng hợp về các hạng mục pháp luật cần tuân thủ liên quan tới việc tuyển dụng lao động người nước ngoài, quản lý cư trú như thay đổi chỗ ở, địa điểm kinh doanh, điều kiện lao động như tiền lương, thời gian làm việc, ngày nghỉ lễ, được đánh giá về hệ thống quản lý an toàn và sức khỏe nghề nghiệp.

Đặc biệt, các doanh nghiệp lần đầu được cấp phép tuyển dụng lao động nước ngoài, hoặc có người lao động mới nhập cảnh vào trong nước, sẽ được hỗ trợ phiên dịch, giải tỏa mâu thuẫn tại nơi làm việc, tư vấn tâm lý.

* Theo số liệu của Tổng cục du lịch, số lượng khách du lịch nước ngoài đến thăm Hàn Quốc riêng trong tháng 3/2024 đạt 1,392 triệu người, ghi nhận con số lớn nhất tính theo đơn vị tháng kể từ khi bùng phát đại dịch Covid-19. Như vậy, lượng khách du lịch nước ngoài đến xứ sở kim chi trong quý I/2024 đã phục hồi lên 88,6% so với cùng kỳ năm 2019 và lượng khách du lịch đến thăm nước này trong tháng trước đã phục hồi lên 97,1% so với cùng kỳ năm 2019.

Đặc biệt, một nửa trong số 10 thị trường khách du lịch lớn đến Hàn Quốc trong quý I đã vượt lượng khách đến quốc gia Đông Bắc Á trong năm 2019.

ASEAN và các nền kinh tế mới nổi

* Theo hãng thông tấn quốc gia Malaysia Bernama, Thủ tướng nước này Anwar Ibrahim cho rằng, Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) nên tìm ra các cơ chế để thúc đẩy thương mại, đầu tư, hợp tác và nghiên cứu.

Trong bài phát biểu khai mạc tại Đối thoại Chiến lược khu vực chung về ASEAN-GCC bên lề cuộc họp đặc biệt của WEF diễn ra tại Saudi Arabia, Thủ tướng Anwar cho biết, sự hợp tác giữa hai bên là cùng có lợi.

Ông nhấn mạnh, ASEAN không chỉ hoan nghênh sự tham gia của GCC về mặt đầu tư và hợp tác, mà còn muốn có nhiều công ty ASEAN hơn hoạt động tại Saudi Arabia, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Qatar và các nước láng giềng.

Theo ông, Đông Nam Á là một trong những khu vực phát triển nhanh nhất, do đó, các quốc gia thành viên Hiệp hội đã thực hiện cách tiếp cận thực tế hơn để thảo luận về cả quan hệ song phương và đa phương giữa các nước láng giềng.

* Ngày 30/4, Thứ trưởng Điều phối cơ sở hạ tầng và giao thông vận tải của Bộ Điều phối hàng hải và đầu tư Indonesia Rachmat Kaimuddin cho biết, so với năm ngoái, mục tiêu doanh số bán ô tô điện năm 2024 của nước này tăng gấp ba lần.

Theo dữ liệu từ Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Indonesia (Gaikindo), doanh số bán ô tô điện ở Indonesia năm 2023 chỉ đạt 17.051 chiếc.

Nhiều chương trình do chính phủ đưa ra nhằm khuyến khích phát triển ô tô điện sẽ tiếp tục có hiệu lực trong năm nay cho đến khi Tổng thống Joko Widodo mãn nhiệm và chuyển giao cho Tổng thống mới.

* Sau nhiều tháng người dân Malaysia "quay lưng" với các doanh nghiệp liên kết với Mỹ để bày tỏ sự ủng hộ đối với người Palestine trong cuộc xung đột ở Gaza, chuỗi đồ ăn nhanh KFC đã buộc phải giảm hoạt động tại nước này và tạm thời đóng cửa 108 nhà hàng.

Làn sóng tẩy chay bắt đầu vào tháng 10/2023. Từ đó đến nay, KFC đã thay đổi chiến lược xây dựng thương hiệu của mình, với các biển hiệu trên bảng thực đơn và tờ rơi nhấn mạnh rằng công ty thuộc sở hữu của Johor Corporation, thuộc chính quyền bang Johor, Malaysia. Trong quý IV/2023, QSR cũng thay đổi chiến lược xây dựng thương hiệu theo hướng mang tính Hồi giáo hơn trên trang web của mình. Tuy nhiên nhiều người Malaysia vẫn tiếp tục quay lưng với thương hiệu này.

* Bộ Thương mại Thái Lan ngày 29/4 cho biết, xuất khẩu qua hải quan của nước này đã giảm 10,9% trong tháng 3/2024 so với cùng kỳ năm trước đó, yếu hơn kỳ vọng của các nhà phân tích, trong đó xuất khẩu sang hai thị trường Trung Quốc và Nhật Bản giảm lần lượt là 9,7% và 19,3%.

Mức giảm này cao hơn so với dự báo giảm 4,5% trong một cuộc thăm dò của hãng tin Reuters và theo sau mức tăng 3,6% của tháng 2/2024.