📞

Kinh tế thế giới nổi bật (28/7-3/8): Nga kiên định với thỏa thuận ngũ cốc, ‘đầu tàu’ châu Âu đang ‘tụt lại sau’, Australia bắn tin tới Trung Quốc

Hải An 13:36 | 03/08/2023
Moscow vẫn kiên định với thỏa thuận ngũ cốc, thương mại khí đốt Nga-Trung Quốc lập kỷ lục; Eurozone phục hồi, Đức có dấu hiệu “hụt hơi”… là những tin kinh tế thế giới nổi bật tuần qua.
Nga sẵn sàng quay lại đàm phán về thỏa thuận ngũ cốc ngay lập tức, nhưng là sau khi các điều kiện của nước này được đáp ứng. Trong ảnh: Công nhân vận hành máy đưa ngũ cốc lên xe tải khi thu hoạch lúa mạch ở Odesa, Ukraine. (Nguồn: AFP)

Kinh tế thế giới

Theo kết quả khảo sát của hãng tin Reuters được công bố ngày 31/7, sản lượng dầu của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đã giảm xuống trong tháng Bảy sau khi Saudi Arabia cắt giảm thêm sản lượng theo thỏa thuận mới nhất của OPEC và các nước đồng minh, hay còn gọi là OPEC+, và nguồn cung từ Nigeria bị hạn chế.

OPEC đã sản xuất 27,34 triệu thùng/ngày trong tháng 7 vừa qua, giảm 840.000 thùng/ngày so với tháng 6 và là mức thấp nhất kể từ tháng 9/2021. Như vậy, sản lượng của OPEC vẫn thấp hơn mức mục tiêu gần 1 triệu thùng/ngày, một phần do Nigeria và Angola không thể sản xuất như mức đã thống nhất.

Trong đó, theo khảo sát, sản lượng của Saudi Arabia đã giảm 860.000 thùng/ngày trong tháng 7 so với tháng trước đó. Mức giảm lớn thứ hai là ở Nigeria, nơi tập đoàn năng lượng Shell đã tạm dừng vận chuyển dầu thô Forcados do khả năng rò rỉ ở cảng xuất khẩu này. Bên cạnh đó, sản lượng tại Libya cũng giảm xuống khi hoạt động ở nhiều mỏ bị đình trệ do biểu tình. (Reuters)

Kinh tế Mỹ

* Chưa đầy một tuần sau khi quyết định tăng lãi suất lần thứ 11 kể từ tháng 3/2022, các quan chức Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) bày tỏ hy vọng sẽ kiểm soát được lạm phát mà không cản trở thị trường việc làm, dù điều này sẽ đòi hỏi phải tiếp tục duy trì mức lãi suất cao.

Chủ tịch Fed tại Chicago Austan Goolsbee tin rằng, lạm phát sẽ giảm không phải ngay lập tức mà với một tốc độ vừa phải, không làm tăng mạnh tỷ lệ thất nghiệp. Các quan chức hy vọng tình hình lạm phát sẽ tiếp tục cải thiện và đây là yếu tố đưa đến quyết định tại cuộc họp vừa qua cũng như cuộc họp sắp tới của Fed.

Trong khi đó, Chủ tịch Fed tại Atlanta Raphael Bostic cho biết, ông ủng hộ quyết định tăng lãi suất tại cuộc họp vào tháng 7, nhưng nếu nền kinh tế tiếp tục mạnh lên, ông sẽ không đồng tình với một quyết định như vậy tại cuộc họp vào tháng 9 tới. (Reuters)

* Tại báo cáo việc làm quốc gia, do Công ty Xử lý dữ liệu tự động (ADP) của Mỹ công bố ngày 2/8, các chuyên gia nhận định, thị trường lao động Mỹ đã cho thấy khả năng phục hồi mạnh mẽ, ngay cả trong điều kiện lãi suất liên tục tăng, làm tăng chi phí và khiến việc vay vốn để mở rộng kinh doanh trở nên đắt đỏ hơn.

Theo ADP, mức tăng việc làm của tháng 7 đạt 324.000 việc làm, thấp hơn mức 455.000 việc làm đã điều chỉnh của tháng 6, nhưng cao hơn gần gấp đôi so với con số ước tính 185.000 việc làm mà hầu hết các nhà phân tích đã đưa ra trước đó.

Số lượng việc làm dồi dào và các dữ liệu kinh tế đáng khích lệ khác đã làm dấy lên hy vọng về một kịch bản "hạ cánh mềm” cho nền kinh tế lớn nhất thế giới, khi lạm phát giảm, nhưng không gây ra suy thoái kinh tế lớn. (AFP)

Kinh tế Trung Quốc

* Lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc đang có hy vọng hồi sinh nhờ sự hỗ trợ từ chính sách khi chính phủ khẳng định tầm quan trọng của lĩnh vực này trong việc thúc đẩy đà phục hồi của nền kinh tế.

Bộ trưởng Nhà ở và Kiến thiết Thành thị, Nông thôn Trung Quốc Ni Hong khẳng định, việc ổn định lĩnh vực xây dựng và bất động sản quyết định sự phục hồi của nền kinh tế.

Trước đó, một cuộc họp của các quan chức cấp cao vào cuối tháng Bảy đã yêu cầu điều chỉnh và cải thiện kịp thời các chính sách trong lĩnh vực bất động sản trong tình hình mới, khi có những thách thức lớn trong quan hệ cung cầu. (THX)

* Trung Quốc ngày 31/7 đã ban hành các quy định kiểm soát xuất khẩu đối với một số sản phẩm phương tiện bay không người lái (drone) để bảo vệ “lợi ích và an ninh quốc gia” trong bối cảnh bất đồng giữa nước này và Mỹ ngày càng gia tăng về vấn đề công nghệ.

Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết lệnh hạn chế xuất khẩu thiết bị, bao gồm một số động cơ drone, thiết bị tia laser, thiết bị liên lạc và các hệ thống phòng thủ drone, sẽ có hiệu lực vào ngày 1/9. (Reuters)

Kinh tế châu Âu

* Theo những số liệu mới nhất, tăng trưởng kinh tế ở Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) đã phục hồi trong quý II/2023, nhưng giới quan sát vẫn còn nhiều quan ngại về tỷ lệ lạm phát cao dai dẳng và tình trạng đình trệ của nền kinh tế Đức.

Cơ quan thống kê châu Âu (Eurostat) cho biết, nền kinh tế khu vực Eurozone gồm 20 quốc gia, đã tăng trưởng 0,3% trong khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 6/2023 sau khi ghi nhận mức tăng trưởng bằng 0 trong ba tháng đầu năm nay.

Trong khi đó, đà tăng giá cả đã giảm nhẹ, từ 5,5% trong tháng 6/2023 xuống còn 5,3% trong tháng 7/2023. Lạm phát lõi, không bao gồm giá lương thực và năng lượng, giữ nguyên ở mức 5,5%. (AFP)

* Kế hoạch áp thuế nhiên liệu hàng không của Liên minh châu Âu (EU) đã vấp phải trở ngại khi 27 quốc gia thành viên khối này chưa thể đồng thuận về các mức giá đối với nhiên liệu xanh và các nhiên liệu hóa thạch.

Một quan chức ngoại giao EU cho biết sự bất đồng giữa các quốc gia thành viên EU khó có thể được giải quyết trong thời gian Tây Ban Nha đảm nhiệm Chủ tịch luân phiên EU từ nay đến cuối năm.

Theo đề xuất của EU, mức thuế tối thiểu đối với nhiên liệu hàng không dành cho các chuyến bay trong châu Âu sẽ tăng dần trong vòng 10 năm, trong khi đó nhiên liệu hàng không bền vững sẽ được miễn thuế trong 10 năm nhằm khuyến khích sử dụng. (TTXVN)

* Trong bối cảnh xung đột tại Ukraine vẫn tiếp diễn, nền kinh tế Đức tiếp tục phải đối mặt với hàng loạt khó khăn. Theo đánh giá của các hiệp hội kinh tế hàng đầu nước này, triển vọng của nền kinh tế đầu tàu châu Âu là ảm đạm trong những tháng tới.

Về mặt kinh tế, Đức đang tụt lại sau so với các nền kinh tế khác. Các chỉ số kinh tế quan trọng đều có xu hướng đi xuống. Theo dự báo hiện tại của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Đức là nền kinh tế duy nhất trong số 22 quốc gia và khu vực được xem xét có GDP giảm trong năm hiện tại. (TTXVN)

* Ngày 1/8, Đại diện thường trực của Mỹ tại Liên hợp quốc (LHQ) Linda Thomas-Greefield cho hay, có thông tin nói rằng Nga sẵn sàng đàm phán để nối lại thỏa thuận trong khuôn khổ Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen, song Mỹ chưa thấy bất kỳ bằng chứng nào liên quan đến hành động đó.

Quan chức ngoại giao Mỹ chia sẻ, Washington đã chứng kiến những dấu hiệu cho thấy Moscow có thể quan tâm đến việc quay lại những cuộc thảo luận và Mỹ đang chờ đợi hành động của Nga.

Về phần mình, Nga cho biết, nếu những yêu cầu cải thiện hoạt động xuất khẩu ngũ cốc và phân bốn được đáp ứng, Nga sẽ xem xét khôi phục thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen do LHQ và Thổ Nhĩ Kỳ làm trung gian hồi tháng 7/2022 để xoa dịu cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu sau khi xảy ra xung đột tại Ukraine.

Hãng thông tấn quốc gia RIA dẫn lời phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov ngày 1/8 cho biết, Nga sẵn sàng quay lại đàm phán về thỏa thuận ngũ cốc ngay lập tức, nhưng là sau khi các điều kiện của nước này được đáp ứng. (TTXVN)

* Thông báo ngày 1/8 của Tập đoàn năng lượng Nga Gazprom cho biết, vào ngày 31/7, nguồn cung cấp khí đốt của Nga thông qua đường ống dẫn khí Sức mạnh Siberia đến Trung Quốc một lần nữa vượt khối lượng được quy định theo hợp đồng hàng ngày và lập kỷ lục mới.

Phó Thủ tướng Nga phụ trách năng lượng Alexander Novak cho hay, vào cuối năm 2022, Nga đã xuất khẩu 15,5 tỷ m3 sang Trung Quốc thông qua đường ống dẫn khí Sức mạnh Siberia. Nguồn cung cấp khí đốt của Nga cho Trung Quốc thông qua đường ống Sức mạnh Siberia sẽ lên tới 22 tỷ m3 vào năm 2023. (TTXVN)

* Chính phủ Ukraine kỳ vọng nền kinh tế nước này sẽ tăng trưởng khoảng 5% trong năm 2024, nhờ hoạt động đầu tư vào tái thiết đất nước và nhu cầu tiêu dùng tăng mạnh.

Bộ Kinh tế Ukraine ước tính, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của đất nước sẽ tăng trưởng với tốc độ khoảng 2,8% trong năm nay. Nền kinh tế Ukraine đã sụt giảm hơn 30% vào năm 2022, ghi dấu mức sụt giảm hàng năm lớn nhất kể từ hơn 30 năm trước. (Reuters)

Kinh tế Nhật Bản và Hàn Quốc

* Theo báo Nikkei Asia ngày 3/8, mặc dù lợi suất trái phiếu Nhật Bản đang tăng sau khi Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) điều chỉnh chính sách vào tuần trước, nhưng các suy đoán cho rằng BoJ không có kế hoạch chấm dứt nới lỏng tiền tệ đã đẩy đồng Yen giảm giá trở lại.

Lợi suất trái phiếu chính phủ Nhật Bản kỳ hạn 10 năm mới đã tăng tới 0,625% vào ngày 2/8, mức cao nhất kể từ tháng 4/2014. Ngân hàng cũng đã tiến hành một hoạt động mua trái phiếu theo lịch trình vào ngày 2/8.

Đồng Yen giảm giá được cho là một yếu tố thúc đẩy ngân hàng hành động. Thế nhưng đồng tiền Nhật Bản đã suy yếu khoảng 5 Yen so với đồng USD kể từ động thái của BoJ, giao dịch trong phạm vi 143 Yen/USD vào ngày 2/8. (TTXVN)

Tháng 6/2023, lạm phát của Hàn Quốc lần đầu tiên giảm xuống dưới 3% kể từ tháng 9/2021. (Nguồn: Getty Images)

* Theo Cơ quan Thống kê Hàn Quốc, giá tiêu dùng tại nước này vào tháng 7/2023 đã tăng chậm lại trong tháng thứ sáu liên tiếp, chạm mức thấp nhất trong 25 tháng do giá dầu giảm.

Giá tiêu dùng, thước đo chính của lạm phát, trong tháng 7/2023 đã tăng 2,3% so với cùng kỳ năm trước, nhưng thấp hơn so với mức tăng 2,7% trong tháng 6/2023, ghi dấu mức tăng thấp nhất kể từ tháng 6/2021.

Vào tháng 6/2023, lạm phát của Hàn Quốc lần đầu tiên giảm xuống dưới 3% kể từ tháng 9/2021. (Yonhap)

* Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc cho biết, nhu cầu điện của nước này trong mùa Hè dự báo sẽ đạt đỉnh vào tuần tới. Chính phủ sẽ theo dõi chặt chẽ tình hình cung ứng do một nhà máy điện tạm ngừng hoạt động và một cơn bão đang di chuyển nhanh.

Theo Bộ trên, nhu cầu điện tối đa của đất nước dự kiến sẽ tăng lên 92,5-97,8 GW vào khoảng ngày 10/8, mức cao nhất trong mùa Hè này. Con số này cao hơn mức 91,1 GW vào năm 2022 do điều kiện thời tiết mùa Hè này nóng hơn.

Hàn Quốc cũng đang chuẩn bị cho khả năng chịu ảnh hưởng của cơn bão Khanun khi cơn bão đang tiến gần các đảo phía Tây Nam của Nhật Bản.

Dự trữ năng lượng của nước này dự kiến sẽ giảm xuống từ 6-11,3 GW và chính phủ khẳng định sẽ ưu tiên đảm bảo nguồn cung năng lượng. (Yonhap)

Kinh tế ASEAN và các nền kinh tế mới nổi

* Ngày 28/7, Bộ Thương mại Indonesia và Cơ quan quản lý giao dịch hàng hóa tương lai (Bappebti) đã khai trương Sàn giao dịch tiền điện tử (CFX) đầu tiên ở quốc gia Đông Nam Á này, như một phần trong nỗ lực nhằm đảm bảo an toàn cho những người kinh doanh tài sản tiền điện tử.

Động thái này phản ánh cam kết của chính phủ Indonesia về việc tạo sự chắc chắn cho các doanh nghiệp, đồng thời tạo lập một hệ sinh thái giao dịch tài sản tiền điện tử công bằng.

Sàn giao dịch mới sẽ cung cấp các quy định rõ ràng để bảo vệ những người tiêu dùng và mang lại cho họ cảm giác an toàn khi tiến hành giao dịch tiền điện tử, từ đó đóng góp cho nền kinh tế và thương mại của đất nước. (TTXVN)

* Hội đồng Dầu cọ quốc gia Malaysia (MPOC) ngày 1/8 cho biết, giá dầu cọ thô của nước này sẽ giao dịch ở mức 3.700-4.200 Ringgit (RM) (818-929 USD)/tấn trong nửa cuối năm 2023 và sẽ vẫn được hỗ trợ trong dài hạn.

Phó giám đốc MPOC Mohd Izham Hassan cho biết, nhiều khả năng giá dầu cọ có thể tăng trên 4.300 RM/tấn vào năm 2024.

Sản lượng dầu cọ của Malaysia - nhà sản xuất dầu cọ lớn thứ hai thế giới - trong nửa đầu năm 2023 thấp hơn gần 3% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá dầu cọ thô kỳ hạn của nước này cũng đã giảm 7% từ đầu năm đến nay. (TTXVN)

* Bộ trưởng Thương mại Australia Don Farrell ngày 2/8 đã bày tỏ hy vọng cuộc tranh cãi của nước này với Trung Quốc về thuế quan đối với lúa mạch Australia sẽ được giải quyết trong vòng vài ngày tới.

Trong cuộc trả lời phỏng vấn Đài truyền hình nhà nước ABC, ông Farrell nói: "Chúng tôi đã tạm ngừng vụ tranh chấp ở Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) với niềm tin rằng Trung Quốc sẽ nhanh chóng xem lại hệ thống thuế quan của nước này đối với lúa mạch. Thời hạn chót để Trung Quốc hành động và đưa ra quyết định sẽ kết thúc vào tuần tới. Vì vậy, tôi hy vọng rằng, trong vòng vài ngày tới chúng tôi sẽ nhận được một quyết định tích cực từ phía Trung Quốc". (TTXVN)