Kinh tế thế giới
Châu Âu không thể đạt được mức dự trữ khí đốt cần thiết trong các kho chứa nếu không có nguồn cung bổ sung từ Nga qua tuyến đường ống Dòng chảy phương Bắc 2 hoặc các tuyến đường ống khác. (Nguồn: Nord Stream 2) |
Bộ trưởng Dầu mỏ Kuwait lạc quan về sự phục hồi của nền kinh tế toàn cầu
Theo hãng thông tấn nhà nước Kuwait, Bộ trưởng Dầu mỏ nước này Mohammad Al-Fares bày tỏ lạc quan rằng kinh tế toàn cầu sẽ tiếp tục phục hồi bất chấp những lo ngại về biến thể Omicron.
Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nước đồng minh, hay còn gọi là OPEC+, đã nhất trí giữ nguyên kế hoạch tăng sản lượng dầu cho tháng 2/2022 vì dự kiến biến thể Omicron sẽ chỉ tác động tới nhu cầu năng lượng toàn cầu trong thời gian ngắn.
OPEC và các đồng minh bao gồm Nga đã nâng mục tiêu sản lượng mỗi tháng kể từ tháng 8/2022 thêm 400.000 thùng/ngày.
Bộ trưởng Mohammad Al-Fares cho biết, chiến lược của OPEC+ nhằm nâng sản lượng thành công trong bối cảnh thị trường gặp nhiều thách thức.
Theo ông Mohammad Al-Fares, sự lạc quan cũng nhờ hoạt động công nghiệp gia tăng và nhu cầu phục hồi. (Reuters)
IMF hoãn công bố báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới
Ngày 5/1, người phát ngôn của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Gerry Rice cho biết, bản cập nhật Triển vọng Kinh tế Thế giới sẽ được đưa ra vào ngày 25/1 để cho phép các nhóm làm việc của IMF đưa những diễn biến mới nhất liên quan đến đại dịch Covid-19 vào các dự báo kinh tế.
Trước đó, IMF dự kiến công bố bản báo cáo vào ngày 19/1. Đây có thể là dấu hiệu về khả năng IMF sẽ hạ dự báo tăng trưởng kinh tế trong báo cáo sắp tới.
Hồi tháng trước, Tổng Giám đốc IMF Kristalina Georgieva cho biết cơ quan này có thể sẽ hạ thấp hơn nữa các dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong tháng Một do xuất hiện của biến thể Omicron.
Vào tháng 10/2021, IMF dự báo kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng 5,9% trong năm 2021 và 4,9% trong năm 2022, đồng thời nhấn mạnh sự thiếu chắc chắn do các biến thể mới gây ra. Thống kê cho thấy trong hai năm qua gần 5,8 triệu người trên toàn thế giới đã thiệt mạng do mắc Covid-19. (Reuters)
Kinh tế Mỹ
* Ngày 5/1, số liệu từ các công ty cung cấp dữ liệu tuyển dụng Homebase và UKG cho thấy số việc làm đang giảm dần đến tháng 12/2021, trùng với thời điểm biến thể Omicron xuất hiện và gây ra đợt bùng phát kỷ lục về số ca mắc mới.
Theo đó, mức giảm việc làm theo mùa trong năm 2021 lớn hơn so với mức năm 2020. Cụ thể, số việc làm tại các doanh nghiệp nhỏ do Homebase theo dõi đã giảm khoảng 15% trong những ngày cuối năm 2021 so với mức giảm khoảng 10% của năm 2020.
Cùng lúc đó, dữ liệu mới của chính phủ trong tháng 11/2021 cho thấy số lao động bỏ việc ở mức cao kỷ lục, đặc biệt là những công việc có mức lương thấp và thường là những công việc ở tuyến đầu, có nhiều rủi ro đối với sức khỏe hay những công việc khó có thể làm việc từ xa. (Reuters)
* Nền kinh tế Mỹ tăng trưởng 2,3% trong quý III/2021, với chi tiêu tiêu dùng tăng 2%. Dự báo tăng trưởng kinh tế Mỹ trong quý IV/2021 cao tới 7,2%.
Theo khảo sát của các nhà kinh tế do hãng tin Reuters thực hiện, năm 2021 nền kinh tế Mỹ dự kiến sẽ tăng trưởng 5,6%, mức tăng trưởng nhanh nhất kể từ năm 1984, sau khi đã suy giảm 3,4% trong năm 2020 do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. (TTXVN)
Kinh tế Trung Quốc
* Wenli Zheng, Giám đốc trung tâm China Evolution Equity Strategy tại T. Rowe Price (Hong Kong, Trung Quốc), cho biết, các chính sách trong nước của Trung Quốc luôn được các nhà đầu tư lớn quan tâm trong năm 2021 và có tác động nhất định tới một số ngành.
Theo đó, việc hiểu rõ mục tiêu các chính sách của chính phủ có thể giúp các nhà đầu tư điều chỉnh cho phù hợp với môi trường pháp lý. Trung Quốc vẫn là một nơi đáng đầu tư cho những người chọn cổ phiếu tăng trưởng và có nhiều cơ hội hấp dẫn ở các công ty “ngôi sao” đang lên của nước này. (Nikkei Asia)
* Cơ quan quản lý không gian mạng của Trung Quốc (CAC) ngày 4/1 cho biết CAC sẽ thực hiện các quy định, theo đó yêu cầu những công ty có dữ liệu của hơn 1 triệu người dùng phải trải qua một đợt đánh giá tính bảo mật trước khi niêm yết cổ phiếu của họ ở nước ngoài từ ngày 15/2 tới.
CAC cũng cho biết sẽ ban hành các quy định mới về công nghệ khuyến nghị thuật toán từ ngày 1/3.
Hồi tháng 11/2021, chính phủ Trung Quốc đã yêu cầu 38 ứng dụng từ một số công ty sửa đổi hoạt động mà chính phủ cho là “thu thập quá nhiều thông tin cá nhân” từ người dùng. (Reuters)
Hình ảnh tại nhà máy Gree của Trung Quốc ở Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc, ngày 16/8/2021. (Nguồn: China Daily) |
Kinh tế châu Âu
* Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn độc quyền khí đốt Nga Gazprom Alexey Miller ngày 2/1 khẳng định 2021 là một năm tập đoàn này đạt mức khai thác kỷ lục.
Theo đó, năm 2021, Gazprom khai thác được 514,8 tỷ m3 khí đốt tự nhiên, kết quả tốt nhất trong 13 năm qua. Người đứng đầu Gazprom cũng nhấn mạnh vai trò của các tuyến đường ống dẫn khí Dòng chảy phương Bắc và Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ trong việc đảm bảo nguồn cung cấp khí đốt đáng tin cậy của Nga cho châu Âu. (TTXVN)
* Giám đốc công ty Vận hành Hệ thống vận chuyển khí đốt Ukraine GTT Serhiy Makogon ngày 4/1 cho biết vào đầu năm mới, tập đoàn khí đốt Nga Gazprom đã giảm lượng khí đốt trung chuyển qua Ukraine xuống mức thấp của gần hai năm qua là 52,5 triệu m3/ngày vào hôm 3/1.
Trước đó, ông Makogon cho biết lượng khí đốt Nga trung chuyển qua Ukraine trong năm 2021 chỉ đạt 41,7 tỷ m3. So với năm 2019, lượng khí đốt Nga xuất khẩu sang Liên minh châu Âu (EU) thông qua Ukraine đã giảm gần 22%. (TTXVN)
* Hãng tin Bloomberg ngày 5/1 dự đoán rằng châu Âu sẽ hoàn toàn thiếu khí đốt trong mùa Đông này do lượng khí đốt dự trữ thấp.
Các nhà phân tích đánh giá: “Còn hai tháng lạnh nhất của mùa Đông ở phía trước và có những lo ngại rằng châu Âu có thể cạn kiệt khí đốt”. Nguyên nhân của tình trạng này là do châu Âu giảm sản lượng khai thác khí đốt tự nhiên và thiếu các thỏa thuận khí đốt với Nga.
Ông Massimo Di Odoardo, Phó Chủ tịch Công ty tư vấn Wood Mackenzie thừa nhận rằng châu Âu không thể đạt được mức dự trữ khí đốt cần thiết trong các kho chứa nếu không có nguồn cung bổ sung từ Nga qua tuyến đường ống Dòng chảy phương Bắc 2 hoặc các tuyến đường ống khác. Trong khi đó, giá khí đốt ở châu Âu lần đầu tiên trong lịch sử đã có lúc vượt ngưỡng 2.150 USD/1.000 m3. (AP)
* Giám đốc điều hành (CEO) của Tập đoàn năng lượng khổng lồ Uniper (Đức) Klaus-Dieter Maubach cho biết dự án đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2 (Nord Stream 2) chạy từ Nga sang Đức có thể được thông qua vào giữa năm 2022.
Phát biểu với báo Rheinische Post của Đức, ông Maubach nhấn mạnh: "Cơ quan Mạng lưới Khí đốt Liên bang Đức (BNetzA) đang rà soát kế hoạch. Việc thông qua có thể diễn ra vào giữa năm 2022. Dòng chảy phương Bắc 2 là dự án rất quan trọng". (Reuters)
Kinh tế Nhật Bản và Hàn Quốc
* Ngày 5/1, các nguồn tin thân cận với Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) cho hay, ngân hàng này có thể sẽ điều chỉnh dự báo lạm phát cho tài khóa tới (bắt đầu từ tháng 4/2022) do chi phí năng lượng tăng, mặc dù dự báo mới vẫn sẽ nằm dưới mức lạm phát mục tiêu 2%.
Theo đó, hội đồng điều hành BoJ có thể dự báo rằng mức lạm phát của Nhật Bản sẽ vượt quá 1% trong tài khóa tới. Con số này tăng so với dự báo mới nhất được ngân hàng này đưa ra vào tháng 10/2021 khi cho rằng lạm phát tiêu dùng cốt lõi sẽ tăng lên 0,9% trong tài khóa 2022, đồng thời giữ nguyên dự báo về mức tăng trưởng lạm phát của tài khóa hiện tại (kết thúc vào 31/3/2022).
Dự kiến, BoJ sẽ đưa ra các dự báo hàng quý mới nhất tại cuộc họp chính sách tiếp theo vào ngày 17-18/1 tới. (Reuters)
* Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida vừa thông báo rằng trong tuần này Nhật Bản lần đầu tiên sẽ "giải phóng" một phần dự trữ dầu quốc gia để giảm bớt áp lực đối với giá dầu tăng đều đặn.
Nhật Bản đã sử dụng kho dự trữ tư nhân 5 lần trước đây do hậu quả của các cuộc khủng hoảng trong nước hoặc quốc tế đã siết chặt nguồn cung cấp năng lượng. Tuy vậy, đây là lần đầu tiên chính phủ khai thác kho dự trữ của đất nước với lập luận rằng “sự ổn định giá dầu thô là một điều rất quan trọng trong việc phục hồi kinh tế từ đại dịch”. (Japan Times)
* Bộ Kinh tế và Tài chính Hàn Quốc ngày 5/1 đánh giá thị trường nhà đất nước này đang đi vào ổn định với giá nhà không chỉ ở Seoul mà còn ở nhiều địa phương khác có xu hướng giảm do thuế cao hơn và các quy định cho vay chặt chẽ hơn.
Giá bất động sản có xu hướng giảm sau khi chính phủ áp dụng hàng chục biện pháp để kiềm chế đà tăng vọt của giá nhà những năm gần đây khi ngày càng có nhiều người đổ xô vay ngân hàng để mua nhà với dự đoán giá nhà sẽ tiếp tục tăng. (Yonhap)
* Theo báo cáo công bố ngày 1/1 của chính phủ Hàn Quốc, kim ngạch xuất khẩu của nước này đã đạt mức cao kỷ lục trong năm 2021 nhờ sự phục hồi kinh tế toàn cầu sau đại dịch Covid-19.
Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc cho biết xuất khẩu, lĩnh vực đóng góp khoảng 50% cho nền kinh tế vốn phụ thuộc vào xuất khẩu này, đã tăng 25,8% trong năm 2021, lên 644,54 tỷ USD. Đây là mức tăng tính theo năm cao nhất từ trước đến nay. (TTXVN)
Kim ngạch xuất khẩu của Hàn Quốc đạt mức cao kỷ lục trong năm 2021. (Nguồn: Korea Bizwire) |
Kinh tế ASEAN và các nền kinh tế mới nổi
* Kết thúc năm 2021, Australia dự kiến sẽ sớm giành lại vị trí là nhà xuất khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) lớn nhất thế giới, xét về cả sản lượng lẫn doanh thu, trong bối cảnh nhu cầu về năng lượng toàn cầu và giá LNG đang tăng cao.
Số liệu từ Công ty tư vấn năng lượng toàn cầu EnergyQuest, lượng LNG Australia “chảy” sang các nước khác, trong năm 2021, ước tính tăng lên mức 80,9 triệu tấn, vượt xa so với con số 77 triệu tấn mà nước này đã đạt được trước đại dịch và có khả năng “đánh bại” sản lượng của Qatar, “nhà vô địch thế giới” về xuất khẩu LNG trong nhiều năm qua. (TTXVN)
* Ngày 3/1, Bộ Kinh tế Brazil cho biết, thặng dư thương mại nước này đạt trên 61 tỷ USD trong năm 2021, tăng 21% so với năm 2020.
Cụ thể, giá trị xuất khẩu hàng hóa của Brazil trong năm 2021 đạt gần 280,4 tỷ USD, tăng 34% so với năm trước đó. Trong khi đó, giá trị nhập khẩu là hơn 219,3 tỷ USD, tăng 38%. (TTXVN)
* Nội các Thái Lan ngày 4/1 đã thông qua ngân sách năm tài khóa 2023 bắt đầu từ tháng 10/2022 với trị giá 3.185 tỷ Baht (95,9 tỷ USD), tăng 2,74% (tương đương 85 tỷ Baht) so với ngân sách năm tài khóa 2022.
Theo người phát ngôn chính phủ Thanakorn Wangboonkongchana, trong tổng số tiền nói trên, ngân sách thường xuyên là 2.390 tỷ Baht, tăng 17 tỷ Baht hoặc 0,72% so với năm trước. Khoản này chiếm 75% tổng ngân sách.
Dự kiến mức thâm hụt ngân sách của năm tài khóa 2023 là 695 tỷ Baht, thấp hơn 0,71% (5 tỷ Baht) so với năm tài khóa 2022. (TTXVN)
* Ngày 3/1, Bộ trưởng Tài chính Sri Mulyani Indrawati cho biết thâm hụt ngân sách năm 2021 ở mức 783.700 tỷ Rupiah (54,92 tỷ USD), tương đương 4,65% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP), thấp hơn nhiều so với kế hoạch 1 triệu tỷ rupiah hoặc 5,7% GDP.
Trong khi đó, phát hành nợ đạt 867.400 tỷ Rupiah, tương đương 86,3% mục tiêu năm 2021, giảm 30% so với năm 2020 khi chính phủ Indonesia tăng cường phát hành trái phiếu để tài trợ cho các chương trình cứu trợ Covid-19.
Các kết quả trên giúp chính phủ tiến gần hơn đến mục tiêu đưa thâm hụt ngân sách về dưới mức luật định 3% GDP vào năm 2023. (TTXVN)