Ba Lan: EU đang thảo luận về gói trừng phạt mới nhằm vào Nga. Ảnh minh họa. (Nguồn: RIA Novosti) |
Kinh tế thế giới
Thị trường trò chơi điện tử toàn cầu sẽ tăng trưởng trở lại
Công ty nghiên cứu thị trường trò chơi điện tử Newzoo dự đoán thị trường trò chơi điện tử toàn cầu tăng trưởng trở lại trong năm 2023, trong bối cảnh doanh số bán máy chơi game như Playstation 5 (PS5) của Sony tăng mạnh.
Theo Newzoo, doanh thu của ngành này sẽ tăng 2,6% lên 187,7 tỷ USD trong năm 2023. Trước đó, doanh thu trò chơi điện tử đã giảm 5% trong năm 2022.
Chuyên gia phân tích Tom Wijman của Newzoo cho biết ,một số tựa game được mong đợi đã ra mắt trong năm 2023 và sẽ có thêm nhiều tựa game "trình làng" trong nửa cuối năm nay. Bên cạnh đó, nguồn cung máy chơi game đã có thể đáp ứng được nhu cầu.
Hồi tháng Bảy, Sony dự đoán hãng có thể bán được 25 triệu máy PS5 trong năm nay, con số cao kỷ lục đối với các phiên bản PlayStation, trong bối cảnh các vấn đề về chuỗi cung ứng đã dịu xuống.
Tin liên quan |
Nga-Trung Quốc bắt tay, BRICS trỗi dậy, nhưng mục tiêu không phải hạ bệ đồng USD bị ‘vũ khí hóa’? Các quốc gia muốn gì? |
Công ty nghiên cứu thị trường Circana cho biết, chi tiêu tiêu dùng tại Mỹ cho các phần cứng trò chơi điện tử đã tăng 23% trong nửa đầu năm nay. Trước đó trong tháng này, Electronic Arts, nhà phát hành game "Apex Legends", đưa ra dự báo doanh số kém lạc quan cho quý III/2023.
Newzoo dự đoán trò chơi trên các thiết bị di động sẽ chiếm gần 50% doanh thu game toàn cầu trong năm 2023, dù các chính sách về quyền riêng tư của Apple và Google sẽ hạn chế khả năng kiếm tiền của các ứng dụng game.
Newzoo cũng cho biết dịch vụ trò chơi trên đám mây có khả năng thu hút 43,1 triệu người dùng trả phí trong năm nay. (Reuters)
Kinh tế Mỹ
* Ngày 7/8, hãng xếp hạng tín nhiệm Moody's đã hạ bậc xếp hạng tín nhiệm một số ngân hàng Mỹ, đồng thời cảnh báo đánh giá lại tình trạng của một số ngân hàng lớn nhất nước này.
Moody's đã hạ một bậc tín nhiệm đối với 10 ngân hàng Mỹ và đưa một số ngân hàng lớn khác vào diện xem xét hạ tín nhiệm. Trong số các ngân hàng bị hạ bậc tín nhiệm có M&T Bank, Pinnacle Financial Partners, Prosperity Bank và Tập đoàn tài chính BOK, trong khi các ngân hàng bị đưa vào diện xem xét hạ tín nhiệm là BNY Mellon, US Bancorp, State Street và Truist Financial.
Moody's cũng đã thay đổi triển vọng từ ổn định xuống tiêu cực đối với một số ngân hàng, trong đó có Capital One, Citizens Financial và Fifth Third Bancorp. Tổng cộng, Moody's điều chỉnh đánh giá đối với 27 ngân hàng. (Reuters)
* Ngày 7/8, Thống đốc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Michelle Bowman cho biết, cơ quan điều hành chính sách tiền tệ Mỹ có thể sẽ cần thêm vài đợt tăng lãi suất nữa, để đưa lạm phát về mức mục tiêu 2%.
Bà Bowman lưu ý thị trường lao động tiếp tục thắt chặt, với số lượng việc làm vượt xa con số lao động có sẵn. Điều kiện này mở thêm giới hạn để Fed cân nhắc tăng lãi suất mà không tạo ra rủi ro giảm phát lớn hơn.
Trước đó, trong một bài phát biểu tại sự kiện tổ chức ở bang Colorado vào ngày 5/8, bà Bowman đưa ra nhận xét tương tự và nhấn mạnh việc tăng lãi suất hơn nữa là điều cần thiết khi lạm phát có dấu hiệu đình trệ và vẫn ở mức cao. (Reuters)
Kinh tế Trung Quốc
* Trung Quốc chính thức rơi vào tình trạng giảm phát khi giá tiêu dùng của nước này sụt giảm lần đầu tiên trong hơn hai năm. Hoạt động chi tiêu trong nước yếu gây sức ép lên quá trình phục hồi kinh tế hậu đại dịch Covid-19.
Báo cáo công bố ngày 9/8 của Cơ quan Thống kê quốc gia Trung Quốc (NBS) cho thấy, Chỉ số giá tiêu dùng (CPI), thước đo chủ chốt của lạm phát, trong tháng 7/2023 đã giảm 0,3% so với cùng kỳ năm ngoái, sau khi đi ngang trong tháng Sáu. Trung Quốc trải qua một giai đoạn giảm phát ngắn vào cuối năm 2020 và đầu năm 2021 do sự lao dốc của giá thịt lợn - loại thịt được tiêu thụ nhiều nhất ở nước này. (AFP, Reuters)
* Số liệu chính thức được công bố ngày 8/8 cho thấy, xuất khẩu của Trung Quốc ghi nhận mức giảm mạnh nhất trong hơn ba năm qua vào tháng trước, khi nền kinh tế lớn thứ hai thế giới gặp các “cơn gió ngược” cả ở môi trường trong nước và quốc tế.
Xuất khẩu của Trung Quốc đã giảm 14,5% trong tháng Bảy so với cùng kỳ năm ngoái, đánh dấu tháng giảm thứ ba liên tiếp. Mức giảm nói trên lớn hơn dự đoán và là mức giảm mạnh nhất kể từ khi xuất khẩu của nước này giảm 17,2% vào đầu năm 2020, khi nền kinh tế chững lại trong những tuần đầu bùng phát dịch Covid-19. Ngoại trừ sự phục hồi ngắn ngủi trong tháng 3 và tháng 4, xuất khẩu của Trung Quốc giảm gần như liên tục kể từ tháng 10 năm ngoái. (AFP)
Kinh tế châu Âu
* Tờ Thời báo Tài chính (FT) ngày 7/8 dẫn đánh giá của giới chuyên gia cho biết, các biện pháp trừng phạt mà phương Tây áp đặt đối với Nga giáng đòn đầu tiên vào các công ty phương Tây làm ăn ở Nga. Kể từ khi cuộc xung đột Nga - Ukraine bùng phát (tháng 2/2022), thiệt hại của các doanh nghiệp châu Âu ở xứ sở bạch dương đã lên tới hơn 100 tỷ Euro.
FT lưu ý rằng, 176 doanh nghiệp làm ăn tại thị trường Nga bị sụt giảm giá trị tài sản, cũng như tăng các chi phí lớn bổ sung liên quan đến ngoại hối. Trên hết, tình hình tiêu cực này đã ảnh hưởng đến khu vực dầu khí của phương Tây.
Ba công ty lớn của châu Âu trong ngành này chịu khoản lỗ tổng cộng hơn 40 tỷ Euro. Ngoài ra, các nhà sản xuất ô tô và tổ chức tài chính từ các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) ghi nhận những khoản lỗ lớn. (TTXVN)
* Đồng Ruble của Nga giảm xuống mức thấp nhất trong hơn 16 tháng qua với 96 Ruble đổi 1 USD vào trong phiên giao dịch 7/8 do nhu cầu ngoại tệ mạnh trong nước, nhưng xuất khẩu lại sụt giảm vào đầu tháng 8/2023.
Đồng Ruble tiếp tục giảm sau khi giảm hơn 4% so với USD và Euro, ghi nhận một trong những tuần giao dịch kém nhất từ đầu năm đến nay. Các nhà chức trách Nga cho biết, xuất khẩu sụt giảm và nhập khẩu phục hồi là nguyên nhân chính khiến đồng Ruble giảm.
Trong chiều 7/8, đồng Ruble giảm 0,3% so với đồng USD xuống mức 96,01 Ruble đổi 1 USD. Trước đó, nội tệ Nga chạm mức 96,3675 Ruble đổi 1 USD và là mức thấp nhất kể từ ngày 28/3/2022.
Những người tham gia thị trường cho rằng do các công ty phương Tây rời khỏi Nga khiến nhu cầu ngoại tệ lớn, làm gia tăng sự biến động của thị trường tiền tệ. (Reuters)
* Ngày 8/8, Văn phòng Thống kê Liên bang (Destatis) công bố số liệu cho biết, lạm phát của Đức trong tháng 7/2023 là 6,2%, tương đương so với thống kê sơ bộ được đưa ra vào cuối tháng trước.
Tuy nhiên, giá tiêu dùng ở Đức dù đã giảm nhưng trên thực tế vẫn cao hơn so với mức trung bình của toàn bộ Khu vực sử dụng đồng Euro (Eurozone).
Theo Destatis, mặc dù số liệu vừa công bố thấp hơn 0,2 điểm phần trăm so với tháng 6/2023, nhưng giá lương thực cao tiếp tục là yếu tố giữ lạm phát cao hơn mức bình thường. (TTXVN)
* Theo Bộ Nông nghiệp Ukraine, xuất khẩu ngũ cốc của nước này đã tăng lên 2,56 triệu tấn từ đầu vụ đến nay (tính theo niên vụ 2023/24 từ tháng 7/2023 đến tháng 6/2024), cao hơn so với mức 2 triệu tấn cùng kỳ năm trước.
Xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine bị ảnh hưởng kể từ khi Nga rút khỏi thỏa thuận ngũ cốc do Liên hợp quốc hậu thuẫn vào tháng 7/2023 nhưng bộ trên không đề cập vấn đề này. Tổng khối lượng xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine trong niên vụ này gồm 1,27 triệu tấn ngô, 977.000 tấn lúa mỳ và 329.000 tấn lúa mạch. (Reuters)
* Viện Nghiên cứu kinh tế và xã hội quốc gia (NIESR), một cơ quan tư vấn chính sách độc lập, ngày 9/8 công bố một báo cáo về triển vọng kinh tế, trong đó dự báo Anh đang đối mặt với viễn cảnh “đánh mất” tăng trưởng kinh tế trong 5 năm và có 60% khả năng rơi vào suy thoái từ cuối năm 2024.
Báo cáo của viện này cho rằng, Anh đang trên đà trải qua 5 năm tăng trưởng kinh tế “bị mất”, lâu nhất kể từ hậu quả của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.
Các nhà nghiên cứu của NIESR dự báo, GDP của Anh sẽ chỉ tăng 0,4% vào năm 2023 và 0,3% vào năm 2024, thậm chí có khả năng tăng trưởng GDP của Anh "sẽ giảm vào cuối năm 2023”. (TTXVN)
Kinh tế Nhật Bản và Hàn Quốc
* Bộ Y tế, Lao động và phúc lợi xã hội Nhật Bản (MHLW) vừa công bố báo cáo nhanh cho biết, tiền lương thực tế của người lao động tại nước này trong tháng 6/2023 đã giảm 1,6% so với cùng kỳ năm trước, ghi nhận tháng giảm thứ 15 liên tiếp.
Theo MHLW, mức tiền lương danh nghĩa của người lao động tại Nhật Bản trong tháng 6/2023 đạt 462.040 Yen (3.227 USD), tăng 2,3% so với cùng kỳ năm trước, ghi nhận tháng thứ 2 liên tiếp tỷ lệ tăng trên 2%. Mặc dù mức tiền lương danh nghĩa tăng, song đà tăng lương không theo kịp xu hướng vật giá gia tăng, khiến tiền lương thực tế tiếp tục đà giảm tháng thứ 15 liên tục. (TTXVN)
Cán cân thương mại hàng hóa của Hàn Quốc đạt thặng dư 3,98 tỷ USD trong tháng 6/2023. Trong ảnh: cảng Pusan, Hàn Quốc. (Nguồn: Reuters) |
* Theo Bộ Nông-Lâm-Ngư nghiệp Nhật Bản, tỷ lệ tự cung cấp lương thực của nước này tính theo lượng calo ở mức 38% trong năm tài chính 2022, không thay đổi so với năm trước đó nhưng vẫn gần mức thấp kỷ lục, gây áp lực đối với an ninh lương thực của đất nước. Tỷ lệ 38% của năm tài khóa 2022 gần với mức thấp kỷ lục 37% năm tài khóa 2020.
Khi tính theo giá trị sản xuất, tỷ lệ này là 58%, giảm 5 điểm phần trăm so với năm tài chính 2021, và là mức thấp nhất trong số các số liệu so sánh kể từ năm 1965, do giá ngũ cốc toàn cầu tăng và xu hướng giảm giá của đồng Yen làm tăng giá trị nhập khẩu.
Chính phủ Nhật Bản nỗ lực để đạt được tỷ lệ 45% vào năm tài khóa 2030. Tính theo giá trị sản xuất, chính phủ đặt mục tiêu đạt được tỷ lệ 75% vào năm tài khóa 2030. (Kyodo)
* Theo Ngân hàng trung ương Hàn Quốc (BoK), nước này ghi nhận thặng dư tài khoản vãng lai tháng thứ hai liên tiếp vào tháng 6/2023 nhờ thặng dư thương mại tăng.
Theo BoK, thặng dư tài khoản vãng lai của Hàn Quốc đạt 5,87 tỷ USD trong tháng 6/2023, sau khi đạt 1,93 tỷ USD vào tháng trước đó.
Cán cân thương mại hàng hóa của quốc gia Đông Bắc Á đạt thặng dư 3,98 tỷ USD trong tháng 6/2023, sau khi đạt 1,82 tỷ USD trong tháng trước đó. Tuy nhiên, cán cân dịch vụ tiếp tục sụt giảm trong tháng 6/2023 xuống 2,61 tỷ USD. (Yonhap)
Kinh tế ASEAN và các nền kinh tế mới nổi
* Malaysia và Indonesia - hai quốc gia sản xuất dầu cọ lớn nhất thế giới - đồng ý với EU thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau và giải quyết những quan ngại của EU về Quy định chặt phá rừng (EUDR) và những tiêu chuẩn liên quan đến vấn đề này. Theo đó, ba bên đã thành lập một lực lượng đặc nhiệm chung (JTF) do ba bên đồng chủ trì.
Ba bên đồng ý về nhiệm vụ của lực lượng đặc nhiệm gồm: Truy xuất nguồn gốc sản phẩm từ nhà sản xuất đến người tiêu dùng cuối cùng, cung cấp dữ liệu khoa học về ngày, giờ thu hoạch và chế biến sản phẩm, hái lượm, chặt phá cây cọ và bảo vệ dữ liệu. (TTXVN)
* Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Malaysia, Tiến sĩ Ammar Abdul Ghapar ngày 8/8 dự báo, lượng du khách quốc tế đến quốc gia này trong năm nay sẽ vượt mục tiêu đề ra, khi ước đạt ít nhất 18 triệu lượt khách, so với mục tiêu ban đầu là 16,1 triệu lượt khách.
Malaysia ban đầu nhắm mục tiêu đón 16,1 triệu khách du lịch quốc tế. Song chỉ ngay trong quý đầu tiên của năm 2023, nước này đã ghi nhận 4,5 triệu lượt khách du lịch. Dựa trên mức tăng trưởng tích cực hiện thời, Malaysia này có thể dễ dàng đón 18 triệu lượt khách du lịch quốc tế trong năm nay. (TTXVN)
* Bộ trưởng Thương mại Thái Lan Jurin Laksanawisit ngày 7/8 cho biết, nước này đang được hưởng lợi từ lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ và không có lý do gì để ngừng xuất khẩu mặt hàng này.
Theo ông Jurin Laksanawisit, chính phủ Thái Lan sẽ đảm bảo đủ lượng gạo cho cả tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, đồng thời bình ổn giá gạo ở trong nước. Trong thời gian từ tháng 1-7/2023, nước này xuất khẩu 4,8 triệu tấn gạo, với mức bình quân hằng tháng là từ 700.000-800.000 tấn.
Thái Lan, nước xuất khẩu gạo lớn thứ hai thế giới sau Ấn Độ, dự kiến xuất khẩu hơn 8 triệu tấn gạo trong năm nay, tăng so với mức 7,71 triệu tấn của năm ngoái. (TTXVN)
* Tập đoàn năng lượng quốc doanh khổng lồ Saudi Aramco của Saudi Arabia ngày 7/8 thông báo đạt lợi nhuận ròng 30 tỷ USD trong quý II/2023, giảm 37,8% so với cùng kỳ năm ngoái, chủ yếu do giá dầu thấp hơn.
Tổng doanh số bán của Aramco trong quý II/2023 chỉ đạt hơn 106 tỷ USD, giảm mạnh từ con số 150 tỷ USD ghi nhận trong quý II/2022. Lợi nhuận ròng của Aramco trong quý II/2022 đạt 48 tỷ USD.
Mặc dù lợi nhuận ròng giảm sút, Aramco vẫn nâng mức chi trả cổ tức cho các nhà đầu tư lên 29,38 tỷ USD trong quý II/2023, so với 18,8 tỷ USD trong quý II năm ngoái. (TTXVN)
| Giá tiêu hôm nay 10/8/2023, xuất khẩu sang EU giảm sốc, chưa tương xứng tiềm năng; sản lượng tiêu Việt vụ 2023 không tăng như dự đoán Giá tiêu hôm nay tại thị trường trong nước đi ngang ở một số địa phương trọng điểm, giao dịch từ 71.000 – 74.000 đồng/kg. |
| Bất động sản mới nhất: Tồn kho lớn, nhà đầu tư ‘thờ ơ’, mặt bằng nhà phố cho thuê ế ẩm, doanh nghiệp ‘bỏ cuộc chơi’ tăng Lượng tìm mua giảm 33%, hàng tồn kho lớn lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng; tỷ lệ doanh nghiệp giải thể tăng mạnh, Đà ... |
| Lý do một công ty con thuộc tập đoàn khí đốt Nga Gazprom đệ đơn kiện 3 ngân hàng của Đức và Italy Một tài liệu của tòa án Nga, được tiết lộ ngày 7/8 cho thấy, RusKhimAlyans, công ty con của tập đoàn khí đốt khổng lồ ... |
| Vướng lệnh trừng phạt từ Mỹ, một dự án đường ống dẫn khí đốt Pakistan-Iran bị tạm dừng vô thời hạn, Tehran nói gì? Ngày 7/8, các nguồn tin chính thức cho biết Pakistan đã hoãn dự án đường ống dẫn khí đốt trị giá hàng tỷ USD với ... |
| Bù đắp doanh thu dầu mỏ giảm mạnh, Nga ghi nhận tin vui từ khoản thu chính ngoài năng lượng Bảy tháng đầu năm, doanh thu phi dầu khí của Nga đạt 10,332 nghìn tỷ Ruble (khoảng 106,2 tỷ USD), tăng 19,8% so với cùng ... |