Tuyến đường ống Dòng chảy phương Bắc 1 dẫn khí đốt từ Nga tới châu Âu. (Nguồn: Reuters) |
Kinh tế thế giới
IMF: Kinh tế toàn cầu "giống như một cuộc suy thoái"
Ngày 11/10, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã giảm dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu cho năm 2023, cho rằng năm tới sẽ “giống như một cuộc suy thoái” đối với nhiều người.
IMF cho rằng, triển vọng tăng trưởng kinh tế cho năm 2022 vẫn không thay đổi so với dự báo tháng 7/2022 ở mức 3,2%, song đã hạ dự báo tăng trưởng trong năm 2023 xuống còn 2,7%.
Quỹ nhấn mạnh, suy thoái kinh tế sẽ diễn ra trên diện rộng, trong đó những quốc gia chiếm 1/3 quy mô kinh tế toàn cầu được dự báo sẽ trải qua suy giảm kinh tế trong năm nay hoặc năm tới.
Trước đó, một lãnh đạo của IMF cho biết định chế này dự kiến sản lượng kinh tế toàn cầu sẽ mất 4.000 tỷ USD từ nay đến năm 2026. Đơn vị này cũng cho rằng tại Mỹ, việc thắt chặt các điều kiện tài chính và tiền tệ sẽ làm chậm tốc độ tăng trưởng kinh tế xuống 1% trong năm tới.
Tại Trung Quốc, IMF hạ dự báo tăng trưởng kinh tế xuống 4,4% do lĩnh vực bất động sản suy yếu và nước này tiếp tục đóng cửa liên quan đến đại dịch Covid-19.
Trong khi đó, khu vực đồng tiền chung châu Âu sẽ trải qua đợt suy giảm kinh tế nghiêm trọng nhất, trong bối cảnh cuộc khủng hoảng năng lượng sẽ tiếp tục gây ra những tác động tiêu cực. Mức tăng trưởng dự kiến của khu vực này chỉ đạt 0,5% vào năm 2023.
Giải Nobel Kinh tế 2022 gọi tên 3 nhà kinh tế người Mỹ
Ngày 10/10, giải Nobel Kinh tế đã được trao cho cựu Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Ben Bernanke cùng hai nhà kinh tế khác là Douglas W. Diamond và Philip H. Dybvig nhờ nghiên cứu về các ngân hàng và khủng hoảng tài chính.
Cùng với ông Bernanke, ông Douglas W. Diamond, nhà kinh tế học của Đại học Chicago, ông Philip H. Dybvig của Đại học Washington tại St. Louis đã trở thành nhóm tác giả giành giải Nobel Kinh tế 2022.
Năm ngoái, giải Nobel Kinh tế đã được trao cho 3 nhà kinh tế học người Mỹ là David Card, Joshua D. Angrist và Guido W. Imbens, với những công trình nghiên cứu đã giúp giải mã những các câu hỏi quan trọng về nền kinh tế lao động và quan hệ nhân quả trong lĩnh vực này. (AFP)
Kinh tế Mỹ
* Hãng tin Bloomberg ngày 12/10 cho hay, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đang cân nhắc áp đặt lệnh cấm hoàn toàn đối với nhôm của Nga để đối phó với hành động leo thang quân sự của Moscow ở nước láng giềng Ukraine.
Bloomberg trích dẫn các nguồn thạo tin giấu tên tiết lộ Nhà Trắng đang nghiên cứu ban hành một lệnh cấm hoàn toàn, tăng thuế quan lên mức trừng phạt để có thể áp đặt biện pháp này một cách hiệu quả, hoặc trừng phạt công ty sản xuất kim loại của Nga United Co Rusal International PJSC - nhà sản xuất nhôm lớn nhất thế giới bên ngoài Trung Quốc. (Bloomberg)
Kinh tế Trung Quốc
* Một báo cáo do Hiệp hội ô tô con Trung Quốc (CPCA) công bố hôm 9/10 cho thấy, nhà sản xuất xe điện Tesla Inc đã bán được 83.135 xe do Trung Quốc sản xuất trong tháng 9/2022, phá vỡ kỷ lục về doanh số hàng tháng tại thị trường tỷ dân.
Con số này đánh dấu mức tăng 8% so với tháng 8 và vượt xa mức tăng trưởng trung bình hơn 5% hằng tháng trong doanh số bán xe điện ở Trung Quốc.
Doanh số nêu trên cũng là kỷ lục mới cho nhà máy Tesla tại Thượng Hải kể từ khi cơ sở này bắt đầu sản xuất vào tháng 12/2019 và vượt khác xa kỷ lục doanh số bán trước đó là 78.906 xe vào tháng 6, khi Tesla tiếp tục đầu tư vào hoạt động sản xuất tại Trung Quốc. (Reuters)
* Ngày 11/10, hãng xếp hạng tín nhiệm quốc tế Moody's đã rút xếp hạng tín nhiệm đối với hai tập đoàn phát triển bất động sản lớn của Trung Quốc là Evergrande và Kaisa với lý do không có đầy đủ thông tin về hai doanh nghiệp này.
Trước đó, Moody's đã hạ xếp hạng tín nhiệm xuống mức Ca, đồng thời đưa ra triển vọng xếp hạng tiêu cực đối với Evergrande và Kaisa. (TTXVN)
Kinh tế châu Âu
* Ngày 12/10, phát biểu tại buổi họp báo sau Hội nghị không chính thức bộ trưởng năng lượng các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) tại Prague, Bộ trưởng Công Thương Czech Jozef Sikela thông báo, các Bộ trưởng năng lượng EU đã đồng thuận về việc mua chung khí đốt trước mùa Hè 2023, tăng cường đoàn kết và tiết kiệm năng lượng, đồng thời nhất trí với yêu cầu ngăn chặn tác động của giá khí đốt lên giá điện.
Theo ông Sikela, gói các biện pháp ứng phó với cuộc khủng hoảng năng lượng sẽ được cơ quan này trình bày vào tuần tới. (TTXVN)
* Ngày 12/10, lãnh đạo tập đoàn năng lượng Gazprom của Nga Alexei Miller cho rằng, khí đốt trong kho dự trữ dưới lòng đất của Đức chỉ đủ dùng trong khoảng từ 2-2,5 tháng.
Phát biểu tại Hội nghị Tuần lễ năng lượng Nga ở Moscow, ông Miller cảnh báo châu Âu về hậu quả của việc từ bỏ khí đốt Nga. Theo ông, "không có gì đảm bảo" rằng châu Âu sẽ sống sót qua mùa Đông dựa trên khả năng dự trữ khí đốt hiện tại của khối này.
Trong khi đó, phát biểu họp báo cùng ngày ở Berlin, người phát ngôn chính phủ Đức cho biết, không có lệnh cấm vận nào ngăn Nga tiếp tục cung cấp khí đốt cho Đức qua đường ống Dòng chảy phương Bắc 1 (Nord Stream 1). (Reuters)
* Phát biểu tại Tuần lễ năng lượng Moscow, Bộ trưởng Tài nguyên và năng lượng Thổ Nhĩ Kỳ Fatith Donmez ngày 12/10 đánh giá, đề xuất của Tổng thống Nga Vladimir Putin về việc xây dựng một trung tâm khí đốt ở Thổ Nhĩ Kỳ trên thực tế có thể thực hiện được.
Trước đó, tại sự kiện trên, ông Putin đề xuất chuyển khối lượng khí đốt quá cảnh từ đường ống Dòng chảy phương Bắc sang Biển Đen.
Theo đó, có thể xây dựng tuyến đường chính cung cấp khí đốt tự nhiên từ Nga đến châu Âu thông qua Thổ Nhĩ Kỳ. Để đạt mục tiêu này, ông đề nghị xây dựng một trung tâm khí đốt lớn nhất cho châu Âu tại Thổ Nhĩ Kỳ. (Sputnik)
* Phát biểu bên lề Tuần lễ năng lượng Moscow, người đứng đầu Gazprom Neft Alexender Dyukov cho hay, tập đoàn này không có ý định cung cấp dầu cho các quốc gia áp đặt mức giá trần.
Trước đó, EU đã đưa ra gói trừng phạt thứ 8 đối với Nga, bao gồm khung pháp lý để áp đặt mức giá trần đối với dầu của nước này, cũng như hạn chế vận chuyển dầu và những sản phẩm dầu mỏ bằng đường biển tới các nước thứ 3. (Reuters)
* Ngày 12/10, sau cuộc hội đàm tại Moscow với người đứng đầu Tập đoàn Năng lượng Nga Gazprom Alexei Miller, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao và Quan hệ kinh tế đối ngoại Hungary Peter Szijjarto công bố, Budapest đã đạt được thỏa thuận cuối cùng với Gazprom về việc hoãn thanh toán tiền mua khí đốt của Nga.
Ông Szijjarto xác nhận: “Để cải thiện điều kiện tài chính, Giám đốc điều hành của Akaszt Meg Sport sẽ ký thỏa thuận trả chậm (tiền mua khí đốt của Nga) vào ngày mai (13/10), để các điều khoản thanh toán của chúng tôi trở nên thuận lợi hơn”. (AFP)
* Ngày 12/10, Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak tuyên bố, Moscow sẵn sàng mở cuộc điều tra về sự cố gần đây trên các tuyến đường ống vận chuyển khí đốt Dòng chảy phương Bắc 1 và 2.
Ông Novak cũng nhấn mạnh, hoạt động khai thác dầu khí tại dự án Sakhalin-1 sẽ được khởi động lại và Nga sẽ sản xuất 9,9 triệu thùng dầu/ngày kể từ tháng 10 tới. (TTXVN)
* Ngày 12/10, Ngoại trưởng Ireland Simon Coveney cho biết, tuần trước, Anh và EU đã đạt được một số tiến bộ trong cuộc tranh cãi thương mại hậu Brexit về Bắc Ireland, sau khi nối lại đàm phán lần đầu tiên trong vòng hơn 7 tháng.
Ông Coveney nhấn mạnh: “Tôi cho rằng, giờ là lúc bắt đầu một quá trình có thể được thúc đẩy thông qua đàm phán, nhưng vẫn còn quá sớm để nói liệu điều đó có khả thi hay không”. (Reuters)
Du khách quốc tế tới sân bay Haneda tại Tokyo, Nhật Bản, ngày 11/10. (Nguồn: Kyodo) |
Kinh tế Nhật Bản và Hàn Quốc
* Ngày 11/10, Nhật Bản mở cửa trở lại cho khách du lịch sau hai năm rưỡi áp dụng chính sách hạn chế để kiểm soát dịch Covid-19. Các quan chức nước này đang kỳ vọng sự suy yếu của đồng Yen sẽ thu hút khách du lịch đến thăm “xứ phù tang” và thúc đẩy nền kinh tế.
Từ ngày 11/10, chính sách nhập cảnh miễn thị thực cho du khách đến từ 68 quốc gia và vùng lãnh thổ được nối lại. Nhật Bản cũng nâng giới hạn về số lượng khách đến và chấm dứt yêu cầu về tour du lịch trọn gói.
Tuy nhiên, du khách vẫn cần tuân thủ một số quy định như xuất trình chứng nhận tiêm phòng hoặc xét nghiệm âm tính với Covid-19 ba ngày trước khi khởi hành. (Kyodo)
* Chính quyền tỉnh Nam Jeolla (Hàn Quốc) ngày 12/10 cho biết, Bộ Địa chính và Giao thông đang trong quá trình phê duyệt kế hoạch khai thác 8 đường bay quốc tế từ sân bay quốc tế Muan tới ba quốc gia gồm Việt Nam, Nhật Bản, Thái Lan.
Nếu được phê duyệt, đường bay từ Muan tới Hà Nội sẽ được nối lại từ ngày 27/10, tới thành phố Nha Trang từ ngày 16/11, tới Đà Nẵng và Đà Lạt trong tháng 12/2022. Đường bay tới Osaka và Fukuoka Nhật Bản và tới Bangkok Thái Lan được nối lại từ ngày 3/12. (TTXVN)
Kinh tế ASEAN và các nền kinh tế mới nổi
* Bộ trưởng Ngân khố Australia Jim Chalmers ngày 11/10 nhận định, kinh tế Australia có thể tránh được nguy cơ suy thoái dù kinh tế thế giới ngay lúc này đang gặp khó khăn, khoảng 2 tuần trước khi chính phủ mới tại nước này đề xuất dự thảo ngân sách đầu tiên.
Dự kiến được công bố ngày 25/10, bản dự thảo ngân sách này là bản đầu tiên của chính phủ mới do Công đảng dẫn đầu sau khi giành chiến thắng trong cuộc bầu cử hồi tháng Năm. (AFP)
* Ngày 12/10, Bộ trưởng Thương mại Thái Lan Jurin Laksanawisit cho biết, Thái Lan và Singapore sẽ phối hợp cùng nhau để tăng cường quan hệ hợp tác kinh tế phù hợp với mô hình kinh tế Sinh học - Tuần hoàn - Xanh (BCG).
Ông Jurin cho biết, Bộ Thương mại Thái Lan sẽ tổ chức các cuộc thảo luận trực tuyến giữa các nhà xuất khẩu Thái Lan và các nhà nhập khẩu Singapore, tập trung vào các doanh nghiệp liên quan đến mô hình BCG, chẳng hạn như sản xuất protein có nguồn gốc thực vật và thực phẩm chế biến từ các thành phần tự nhiên. (TTXVN)
* Ngày 12/10, trong buổi thảo luận với Bộ trưởng Tài chính Indonesia Sri Mulyani, Tổng giám đốc IMF Kristalina Georgieva nhận định, kinh tế Indonesia là điểm sáng của nền kinh tế toàn cầu trong bối cảnh nhiều quốc gia đang đối mặt với nguy cơ tăng trưởng âm trong năm 2022.
Theo bà Kristalina, Indonesia đã đạt được tốc độ tăng trưởng cao với điều kiện ổn định chính trị và nền tảng kinh tế vững chắc.
Về phần mình, bà Sri Mulyani cho biết, tăng trưởng kinh tế của Indonesia đạt 5,4% trong quý II/2022 và lạm phát vẫn được kiểm soát ở mức 5,95%, thấp hơn so với dự báo 6,8%. Trong khi đó, nợ nước ngoài của chính phủ cũng đã giảm và tỷ suất nợ của các doanh nghiệp cũng đang ở mức thấp. (TTXVN)
* Trong báo cáo Triển vọng Kinh tế thế giới tháng 10, IMF đã nâng mức dự báo tăng trưởng kinh tế Malaysia năm 2022 lên 5,4% mặc dù tổ chức tài chính này nhận định tăng trưởng GDP toàn cầu đã giảm gần một nửa so với con số thực tế vào năm 2021.
Báo cáo cũng cho biết, tăng trưởng GDP dự kiến ở các nước Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan trong năm 2023 đã được điều chỉnh giảm xuống chủ yếu do các điều kiện bên ngoài kém thuận lợi hơn như tăng trưởng chậm hơn ở các đối tác thương mại lớn gồm Trung Quốc, Khu vực sử dụng đồng Euro và Mỹ. (TTXVN)