📞

Kinh tế thế giới nổi bật tuần (19-25/11): Dự trữ ngoại hối của Nga cao kỷ lục, Gazprom-Moldova bớt căng về khoản nợ khí đốt, Ukraine chấp nhận hạ phí

Hải An 13:50 | 25/11/2021
Nga sẵn sàng cung cấp liên tiếp khí đốt cho châu Âu, đồng ý gia hạn nợ cho Moldova, giao thương toàn cầu đang chậm lại, Trung Quốc phục hồi, WTO ra phán quyết theo hướng thuận với EU trong tranh cãi với Mỹ về mặt hàng ô liu… là những tin kinh tế thế giới nổi bật tuần qua.

Kinh tế thế giới

chỉ số thương mại hàng hóa trong tháng 11 đã giảm xuống còn 99,5 điểm, gần mức điểm cơ sở 100, sau khi ghi nhận mức kỷ lục 110,4 hồi tháng 8/2021.

Giao thương toàn cầu đang chậm lại

Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) nhận định hoạt động giao thương toàn cầu đang chậm lại sau khi phục hồi mạnh trong bối cảnh gián đoạn sản xuất, cùng sự sụt giảm của nguồn cung và nhu cầu nhập khẩu ảnh hưởng đến tăng trưởng.

Theo WTO, chỉ số thương mại hàng hóa trong tháng 11 đã giảm xuống còn 99,5 điểm, gần mức điểm cơ sở 100, sau khi ghi nhận mức kỷ lục 110,4 hồi tháng 8/2021.

Các cú sốc nguồn cung, trong đó có tình trạng dồn ứ tại cảng do nhu cầu nhập khẩu tăng cao trong 6 tháng đầu năm và gián đoạn sản xuất hàng hóa như ôtô và chất bán dẫn đã góp phần gây ra sự sụt giảm trên. Bên cạnh đó, nhu cầu đối với hàng hóa thương mại cũng đang có chiều hướng giảm, thể hiện qua số lượng đơn hàng. (Reuters)

Thế giới đã chi 19.000 tỷ USD để ứng phó dịch Covid-19

Bộ trưởng Tài chính Indonesia Sri Mulyani Indrawati ngày 19/11 cho biết, các biện pháp khuyến khích toàn cầu đã được ban hành để khắc phục tác động của đại dịch Covid-19 lên tới 19.000 tỷ USD cả từ góc độ tài khóa và tiền tệ. Bao gồm từ phía tài chính là 12.000 tỷ USD và từ phía tiền tệ là 7.000 tỷ USD.

Theo bà Sri Mulyani, nền kinh tế và tài chính của khu vực kinh doanh cũng như nền kinh tế nói chung đã bị tác động của dịch Covid-19 lớn đến mức cả thế giới đã thực hiện một hành động ngược lại.

Năm 2021, Indonesia đã giải ngân 444.770 tỷ Rupiah để giúp đỡ cộng đồng và duy trì thế giới kinh doanh trong bối cảnh áp lực của đại dịch. Trên thực tế ngân sách đã được đưa vào chương trình phục hồi kinh tế quốc gia (PEN) để thực hiện từ năm 2020 cho đến ngày 12/11/2021 đã lên tới 483.910 tỷ Rupiah.

Bà Sri Mulyani cũng cho biết những nỗ lực toàn cầu hiện nay, đặc biệt là Indonesia đã mang lại kết quả. Tình trạng thất nghiệp và nghèo đói đã bắt đầu được khắc phục khi nền kinh tế phục hồi. (TTXVN)

Kinh tế Mỹ

* Ngày 17/11, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo cho biết khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương có thể khởi động vào đầu năm tới và chuyến thăm châu Á của bà nhằm tạo cơ sở cho các mối quan hệ đối tác tiềm năng.

Tháng 10/2021, Tổng thống Biden cho biết Mỹ sẽ bắt đầu đàm phán với các đối tác tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương về việc phát triển khuôn khổ kinh tế khu vực. Trong một phát biểu, bà Raimondo nhấn mạnh việc xây dựng khuôn khổ kinh tế Ấn Độ - Thái Bình Dương không phải là động thái nhằm vào Trung Quốc. Mục tiêu của kế hoạch này là phát triển các mối quan hệ thương mại và kinh tế mạnh mẽ với các đối tác của Mỹ tại Ấn Độ Dương. (Reuters)

* Các chỉ số chính của thị trường chứng khoán Phố Wall (Mỹ) diễn biến trái chiều trong phiên giao dịch ngày 22/11 sau thông tin Tổng thống Mỹ Joe Biden đề cử ông Jerome Powell vào vị trí Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).

Kết thúc phiên này, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng chưa đầy 0,1% lên 35.619,25 điểm. Trong khi đó, chỉ số tổng hợp S&P 500 giảm 0,3% xuống 4.682,94 điểm, và chỉ số công nghệ Nasdaq Composite giảm 1,3% xuống 15.854,76 điểm. (Reuters)

Kinh tế Trung Quốc

* Kinh tế Trung Quốc ghi nhận các tín hiệu phục hồi ổn định. Dù bị ảnh hưởng trong những tháng gần đây do phải tái áp đặt các biện pháp phong tỏa nhằm khống chế sự lây lan của dịch Covid-19, việc mất điện trên diện rộng, giá than tăng và thiếu nguồn cung, nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới đã ghi nhận những tín hiệu ổn định trong tháng 10, với doanh số bán lẻ và sản lượng sản xuất vượt kỳ vọng.

Sản lượng công nghiệp trong tháng 10 vừa qua của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới vẫn đạt mức tăng 3,5% so với cùng kỳ năm ngoái, tăng 0,4% so với tháng 9 và cao hơn 0,5% so với dự báo của giới phân tích. (TTXVN)

* Ngày 15/11, Bộ Thương mại Trung Quốc đã công bố dữ liệu sử dụng vốn nước ngoài thực tế của Trung Quốc đạt 943,15 tỷ NDT (147 tỷ USD), tăng 17,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Xét từ lĩnh vực ngành nghề, vốn nước ngoài thực tế sử dụng trong ngành dịch vụ là 752,52 tỷ NDT (117,5 tỷ USD), tăng 20,3% so với cùng kỳ năm trước. Thực tế sử dụng vốn nước ngoài vào ngành công nghệ cao tăng 23,7% so với cùng kỳ năm trước.

Trong 10 tháng năm 2021, đầu tư nước ngoài vào ngành dịch vụ chiếm gần 80% tổng vốn đầu tư nước ngoài của cả Trung Quốc. Đầu tư của các quốc gia dọc tuyến “Vành đai và Con đường”, ASEAN lần lượt tăng 30,7% và 29,5% so với cùng kỳ năm ngoái. (Tân Hoa Xã)

* Sàn giao dịch chứng khoán Bắc Kinh (Trung Quốc) đã chính thức bắt đầu giao dịch. Đây là một bước tiến quan trọng trong nỗ lực cải cách thị trường vốn của Trung Quốc khi sàn giao dịch mới sẽ hướng tới các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME), thực thi chính sách "thịnh vượng chung" của Chủ tịch Tập Cận Bình nhằm thu hẹp khoảng cách giàu nghèo trên cả nước.

Sàn giao dịch chứng khoán Bắc Kinh sẽ tăng cường giám sát và đẩy mạnh nỗ lực cải thiện chất lượng của các công ty niêm yết, thực hiện các biện pháp tăng cường rà soát trước khi niêm yết, làm rõ trách nhiệm của các trung gian và các công ty niêm yết, đồng thời tạo ra các kênh thông suốt để hủy niêm yết. (THX)

Nga khẳng định Moscow sẵn sàng cung cấp liên tục và lâu dài khí đốt tự nhiên cho châu Âu, bao gồm thông qua đường ống Dòng chảy phương Bắc 2. (Nguồn: TASS)

Kinh tế châu Âu

* Cơ quan báo chí của Điện Kremlin ngày 22/11 cho hay, trong cuộc điện đàm diễn ra cùng ngày với Thủ tướng Italy Mario Draghi, Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định Moscow sẵn sàng cung cấp liên tục và lâu dài khí đốt tự nhiên cho châu Âu, bao gồm thông qua đường ống Dòng chảy phương Bắc-2.

Cũng trong cuộc điện đàm, lãnh đạo hai nước đánh giá tích cực sự phát triển của quan hệ song phương, trên có sở xây dựng và cùng có lợi. (TTXVN)

* Tập đoàn khí đốt Gazprom của Nga ngày 24/11 cho biết đã đồng ý cho Moldova gia hạn một thời gian ngắn để giải quyết khoản nợ khí đốt tự nhiên như một cử chỉ "thiện chí".

Người phát ngôn của tập đoàn, Sergei Kupriyanov, thông báo: “Chính phủ Moldova đã đề nghị Gazprom không dừng cung cấp khí đốt kể từ hôm nay. Là một ngoại lệ và là dấu hiệu thiện chí và hiểu được tình cảnh khó khăn mà người dân Moldova có thể gặp phải, Gazprom đã đồng ý với yêu cầu này”.

Trước đó, ngày 22/11, Gazprom tuyên bố sẽ cắt nguồn cung cấp khí đốt cho Moldova trong 48 giờ nếu không thanh toán tiền còn nợ. (TTXVN)

* Ngày 18/11, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết, Kiev sẵn sàng giảm phí vận chuyển khí đốt qua lãnh thổ của nước này trong nỗ lực ngăn chặn cuộc khủng hoảng năng lượng ở châu Âu.

Trong cuộc điện đàm với Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen, ông Zelensky nói Ukraine cũng có thể cung cấp các cơ sở lưu trữ khí đốt dưới lòng đất để dự trữ nhiên liệu chiến lược. Hai quan chức này cũng thảo luận về ý tưởng thiết lập một nền tảng khu vực để tăng cường an ninh năng lượng. (THX)

* Khối lượng dự trữ ngoại hối quốc tế của Nga đã tăng 0,7%, tương đương 4,1 tỷ USD trong tuần từ 5 - 12/11. Như vậy, tổng khối lượng dự trữ ngoại hối quốc tế của nước này đã xác lập kỷ lục mới, đạt 626,2 tỷ USD.

Theo Ngân hàng trung ương Nga, việc tăng dự trữ ngoại hối quốc tế là do “tác động của sự đánh giá lại tích cực”, cũng như “việc mua ngoại tệ trong khuôn khổ quy định ngân sách”.

Cơ quan kiểm toán Liên bang nhấn mạnh rằng Nga đứng vị trí thứ năm trên thế giới về lượng dự trữ ngoại hối quốc tế. (Reuters)

* Chỉ số niềm tin người tiêu dùng ở Hungary đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 4 năm nay trong bối cảnh người dân lo lắng về tương lai việc làm và khả năng tài chính trong khi lạm phát tiếp tục gia tăng.

Tỷ lệ lạm phát của nước này đã lên đến 6,5% vào tháng 10, vượt quá dự báo trước đó. Ngân hàng trung ương nước này đã dự báo lạm phát sẽ vượt quá 7% vào tháng 11 và đã phải bắt đầu tiến hành thắt chặt tiền tệ. (Reuters)

* Ngày 19/11, WTO ra phán quyết theo hướng thuận với EU về việc Mỹ áp thuế đối kháng lên mặt hàng ô liu chín nhập khẩu từ Tây Ban Nha từ năm 2018, cho rằng quyết định áp thuế của Mỹ không phù hợp với quy định của WTO. Trước đó, vào tháng 8/2018, Mỹ đã áp mức thuế đối kháng và chống bán phá giá vào khoảng 30-44% lên ô liu từ Tây Ban Nha, tùy thuộc vào từng công ty. (Ủy ban châu Âu)

Hàn Quốc dự kiến tăng cường dự trữ các kim loại hiếm và mở rộng danh mục dự trữ chiến lược. (Nguồn: Getty Images)

Kinh tế Nhật Bản và Hàn Quốc

* Theo báo cáo của Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ), lạm phát tại nước này sẽ tăng lên khoảng 1% khi nền kinh tế phục hồi về các mức trước đại dịch và chính phủ duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng nhằm kích thích kinh tế phục hồi thông qua hoạt động tiêu dùng.

Tuy nhiên, BoJ đánh giá lạm phát 1% vẫn còn khá xa mức mục tiêu 2%, là cơ sở để Nhật Bản duy trì chính sách sách tiền tệ siêu lỏng. (TTXVN)

* Ngày 24/11, Bộ trưởng Tài chính Hàn Quốc Hong Nam-ki cho biết, nước này dự kiến tăng cường dự trữ các kim loại hiếm và mở rộng danh mục dự trữ chiến lược. Động thái này nhằm đảm bảo ổn định nguồn cung các vật liệu như vậy sau khi xảy ra tình trạng thiếu urê, một chất phụ gia dùng cho xe chạy dầu diesel.

Chính phủ Hàn Quốc có kế hoạch nhanh chóng đưa lượng dự trữ kim loại hiếm lên tối đa 180 ngày sử dụng từ mức 100 ngày hiện nay. Hàn Quốc đang quy định 35 loại tài nguyên là kim loại hiếm, khác với các kim loại thông dụng như thép và đồng. (Yonhap)

Kinh tế ASEAN và các nền kinh tế mới nổi

* Ngày 17/11, ASEAN đã khởi động đàm phán Hiệp định thương mại tự do (FTA) với Canada tại Hội nghị tham vấn Bộ trưởng Kinh tế ASEAN-Canada lần thứ 10.

Việc hai bên khởi động đàm phán FTA cho thấy mối quan hệ kinh tế ASEAN-Canada ngày càng sâu rộng và sự coi trọng của cả hai bên đối với việc thúc đẩy hơn nữa quan hệ song phương. Đây cũng là cột mốc quan trọng trong quan hệ ASEAN-Canada và là bước đi có ý nghĩa trong cam kết mới của Canada đối với kinh tế và thương mại khu vực. (TTXVN)

* Hội đồng Cố vấn Kinh tế Thủ tướng chính phủ Ấn Độ (EAC-PM) đánh giá nền kinh tế nước này đang hướng tới một quỹ đạo tăng trưởng cao hơn và có khả năng tăng trưởng khoảng 10% trong giai đoạn 2021-2022. Trước đó, dự báo về tăng trưởng Ấn Độ nằm trong khoảng 8,5-12,5%.

Nguyên nhân kinh tế Ấn Độ đạt tăng trưởng cao là Ấn Độ đã đạt được nhiều thành công trong các vấn đề giảm nghèo, tạo việc làm và xây dựng hình ảnh Ấn Độ thịnh vượng, phát triển và được quản lý tốt. (TTXVN)

* Ngày 17/11, Bộ trưởng Tài chính Indonesia Sri Mulyani Indrawati dự báo thu ngân sách nhà nước năm 2021 sẽ đạt 1.916.000 tỷ Rupiah (134,6 tỷ USD), tăng 16,3% so với năm 2020 và cao hơn mức mục tiêu 1.743.600 tỷ Rupiah. Dự báo được đưa ra trên cơ sở tính đến hết tháng 10, thu ngân sách nhà nước đã đạt mức 1.510.000 tỷ Rupiah, tăng 18,2% so với cùng kỳ năm 2021.

Trong 2 tháng cuối năm 2021, Indonesia sẽ nỗ lực đạt mục tiêu thu ngân sách tăng 16,3% theo hướng thúc đẩy chi tiêu tiêu dùng và chi tiêu công. Về thâm hụt ngân sách, năm 2021 Indonesia dự báo thâm hụt chỉ ở mức 5,2-5,4% GDP (873.600 tỷ Rupiah), thấp hơn mức mục tiêu 5,7% GDP (1.006.400 tỷ Rupiah). (TTXVN)

* Theo ngân hàng Standard Chartered, có tới 83% số người trong giới nhà giàu tại Malaysia đặt mục tiêu sống mới thời kỳ hậu đại dịch Covid-19 nhằm tập trung hơn vào tương lai khi xác định lại các ưu tiên của mình.

Trong báo cáo Kỳ vọng thịnh vượng năm 2021 phát hành ngày 24/11, Standard Chartered cho biết, gần một nửa (48%) người Malaysia tham gia khảo sát đã đặt mục tiêu có một kỳ nghỉ hưu thoải mái hơn, trong khi 43% đặt mục tiêu cải thiện sức khỏe.

Cuộc khảo sát trực tuyến được Standard Chartered tiến hành tại 12 quốc gia trong tháng 6 và tháng 7 năm nay. Tại Malaysia, có 1.037 người thuộc giới giàu có, khá giả và có giá trị tài sản ròng cao mới nổi tham gia khảo sát. (TTXVN)