Kinh tế thế giới
Trạm bơm khí đốt Bovanenkovo của Nga ở bán đảo Yamal thuộc Bắc cực. (Nguồn: AFP) |
LHQ kêu gọi G20 tăng cường đóng góp tài chính cho chương trình phân phối vaccine ngừa Covid-19 toàn cầu
Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres ngày 24/10 kêu gọi các nước thuộc Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) huy động và đóng góp khoảng 8 tỷ USD cho chương trình phân phối công bằng vaccine ngừa Covid-19 trên toàn cầu.
Trong phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh về Sức khỏe Thế giới tại Berlin, Đức người đứng đầu LHQ cho rằng có tới 3/4 số lượng vaccine hiện nay thuộc về các nước có thu nhập cao và trên trung bình, đồng thời chủ nghĩa dân tộc trong vấn đề vaccine đang khiến cả thế giới ở trong tình trạng nguy hiểm.
Ông Guterres cho rằng, thế giới cần có ngay khoảng 8 tỷ USD dành cho công tác đảm bảo phân phối vaccine công bằng và chính vì vậy, LHQ kêu gọi các nước G20 hỗ trợ, giúp đỡ.
Tổng Thư ký LHQ nhấn mạnh các công ty sản xuất vaccine cũng như các nước đều có trách nhiệm hoàn thành cam kết của mình trong chia sẻ vaccine, trao đổi công nghệ và chuyển giao quyền sở hữu trí tuệ để nhiều nước khác có thể sản xuất được vaccine chống dịch. (TTXVN)
Chuỗi cung ứng công nghệ thông tin toàn cầu sẽ là mục tiêu tấn công của tin tặc
Ngày 25/10, công ty chế tạo phần mềm Microsoft (Mỹ) đưa ra cảnh báo về việc nhóm tin tặc đứng sau cuộc tấn công mạng SolarWinds đã khởi động một chiến dịch khác nhằm vào chuỗi cung ứng công nghệ thông tin toàn cầu, bao gồm các công ty và nhà cung cấp công nghệ đám mây.
Tin liên quan |
Khủng hoảng năng lượng tại châu Âu, Trung Quốc 'phủ bóng đen' lên kinh tế thế giới |
Trong thông báo, Phó Chủ tịch công ty về an ninh khách hàng của Microsoft Tom Burt cho biết, nhóm tin tặc Nobelium tìm cách tái tạo phương thức tiếp cận từng sử dụng trong các cuộc tấn công trước đây bằng cách nhắm mục tiêu vào các tổ chức quan trọng trong chuỗi cung ứng công nghệ thông tin toàn cầu.
Theo ông Burt, Nobelium đang tấn công vào một phần khác của chuỗi cung ứng là người bán hàng và các nhà cung cấp dịch vụ công nghệ khác.
Theo thông báo, Microsoft đã liên hệ với hơn 140 đại lý và nhà cung cấp dịch vụ công nghệ bị Nobelium nhắm tới kể từ tháng 5. Hiện Microsoft đang tiếp tục điều tra về các vụ việc, song cho đến nay mới chỉ xác định được 14 nhà cung cấp dịch vụ này đã bị tấn công. (TTXVN)
Kinh tế Mỹ
* Đảng Dân chủ Mỹ đang nỗ lực đạt được thỏa thuận về một dự luật quy mô lớn nhằm mở rộng các chương trình xã hội và tháo gỡ vấn đề biến đổi khí hậu.
Sau các cuộc đàm phán, một dự luật cơ sở hạ tầng trị giá 1.000 tỷ USD cũng đã được thông qua, nhờ sự thúc đẩy của 19 nghị sỹ đảng Dân chủ trong Thượng viện.
Ngày 26/10, lãnh đạo nhóm cấp tiến gồm 95 thành viên do dân biểu Pramila Jayapal dẫn đầu và Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi đã thảo luận về việc có nên nỗ lực thúc đẩy bỏ phiếu về dự luật cơ sở hạ tầng trong tuần này hay không. (Reuters)
* Ủy ban Truyền thông Liên bang Mỹ (FCC) ngày 26/10 quyết định rút giấy phép hoạt động của công ty China Telecom America, chi nhánh hoạt động tại Mỹ của China Telecom, với lý do an ninh quốc gia.
FCC cho biết, chi nhánh tại Mỹ của công ty viễn thông Trung Quốc China Telecom có 60 ngày hoàn tất việc ngừng hoạt động, chấm dứt gần 20 năm hoạt động tại Mỹ. Theo các chuyên gia kinh tế, với quyết định mới công bố của FCC, mối quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ sẽ tiếp tục kém thuận lợi trong thời gian tới. (AFP)
Kinh tế Trung Quốc
* Ngày 25/10, Trung Quốc cho biết sẽ điều tra các nhà cung cấp chỉ số giá năng lượng giữa bối cảnh các nhà lãnh đạo nước này nỗ lực kiềm chế tình trạng giá than lên mức cao kỷ lục. Tính từ đầu năm 2021 đến nay, giá than nhiệt kỳ hạn tại nước này tăng hơn 150%.
Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc (NDRC) cho biết sẽ điều tra các cáo buộc về việc một số nhà cung cấp thông tin năng lượng, trong đó có ngành than, đã sử dụng giá giao dịch sai, công bố thông tin không chính xác và dữ liệu giá "hư cấu" để thao túng chỉ số giá. (Reuters)
* Tập đoàn Evergrande của Trung Quốc hôm 24/10 cho biết, họ đã tái khởi động hơn 10 dự án bất động sản ở 6 thành phố, bao gồm cả Thâm Quyến, trong một tuyên bố được đưa ra sau khi tập đoàn này dường như đã tránh được kịch bản vỡ nợ vào phút chót hồi tuần trước.
Tuần trước, động thái hoàn trả 83,5 triệu USD tiền lãi một trái phiếu đến hạn hôm 23/9 (với thời gian ân hạn 30 ngày) đã giúp Evergrande tránh được kịch bản vỡ nợ và mang lại cho tập đoàn này thêm một tuần để chống chọi với cuộc khủng hoảng nợ đang đe dọa sự ổn định của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. (Reuters)
Văn phòng của tập đoàn bất động sản Evergrande tại Hong Kong (Trung Quốc). (Nguồn: AFP) |
Kinh tế châu Âu
* Chính phủ Đức dự kiến lạm phát của nước này sẽ tăng lên 3% vào năm 2021, trước khi giảm dần trong những năm tiếp theo. Báo cáo ngày 27/10 của Bộ Kinh tế Đức cho biết, tình trạng tắc nghẽn chuỗi cung ứng toàn cầu và giá năng lượng tăng mạnh gần đây đã đẩy tỷ lệ lạm phát của Đức lên cao.
Mức tăng lạm phát dự kiến cho năm 2021 sẽ là mức lạm phát cao nhất của cả nước này kể từ năm 1993, khi lạm phát ở mức 4,5%. Chính phủ Đức dự đoán tỷ lệ lạm phát sau đó sẽ giảm xuống 2,2% vào năm 2022 và 1,7% vào năm 2023. (AFP)
* Tại cuộc họp về phát triển các tiềm năng tài nguyên của các mỏ khí đốt Yamal ngày 27/10, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã yêu cầu Tập đoàn khí đốt Gazprom, sau khi hoàn thành việc bơm khí vào các cơ sở lưu trữ dưới lòng đất ở Nga, phải tăng cường bổ sung khí đốt cho các cơ sở lưu trữ của tập đoàn này ở châu Âu.
Tổng thống Nga cho rằng động thái trên sẽ tạo nên sự tin cậy, ổn định và nhịp nhàng trong việc thực hiện các hợp đồng cung cấp khí đốt cho các đối tác châu Âu trong mùa Thu Đông, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho thị trường năng lượng châu Âu hơn. (AFP)
* Bộ trưởng Tài chính Anh Rishi Sunak cho biết, tăng trưởng kinh tế cao hơn và nợ thấp hơn sẽ cho phép Bộ này gia tăng chi tiêu công, giữa lúc Anh đang phục hồi từ đại dịch Covid-19, đồng thời cam kết bảo vệ các hộ gia đình trước sự gia tăng của lạm phát.
Trong thông báo ngân sách ngày 27/10, ông Sunak cho biết, kinh tế Anh có thể tăng trưởng 6,5% trong năm 2021, cao hơn nhiều so với dự báo 4% được đưa ra hồi tháng 3, khi nước này vẫn còn áp dụng biện pháp phong tỏa. (Reuters)
Kinh tế Nhật Bản và Hàn Quốc
* Ngày 22/10, Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản (MIC) thông báo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cơ bản của nước này trong tháng 9/2021 đã tăng 0,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là lần đầu tiên chỉ số này tăng trong 18 tháng qua.
MIC cho rằng nguyên nhân chủ yếu là do giá nhiên liệu tăng, trong đó giá xăng tăng 16,5% và giá dầu hỏa tăng 20,2% trong tháng 9. Bên cạnh đó, giá nhà ở tăng 43,1% cũng góp phần không nhỏ vào việc đẩy CPI tăng. (TTXVN)
* Bộ Ngoại giao Nhật Bản ngày 26/10 cho biết chính phủ nước này đã quyết định viện trợ khẩn cấp không hoàn lại 65 triệu USD cho Afghanistan và các nước láng giềng, là những nơi đang có nhu cầu hỗ trợ nhân đạo ngày càng tăng.
Khoản viện trợ trên sẽ được chuyển đến Afghanistan và các nước lân cận, bao gồm Pakistan, Iran, Tajikistan, Uzbekistan thông qua 7 tổ chức quốc tế nhằm hỗ trợ nhân đạo cho người dân các nước này về nơi ở, y tế, thực phẩm, nước uống, nông nghiệp, giáo dục… (TTXVN)
* Theo báo cáo mới công bố ngày 27/10 của Ngân hàng trung ương Hàn Quốc (BoK), doanh thu của các công ty Hàn Quốc sụt giảm trong năm 2020, do ảnh hưởng tiêu cực từ đại dịch Covid-19.
Cả năm 2020, doanh thu của tổng cộng 799.399 tập đoàn phi tài chính và theo đuổi lợi nhuận của nước này, bao gồm 168.869 nhà sản xuất và 630.530 công ty phi sản xuất, đã giảm 1% so với năm trước đó. Kết quả này đánh dấu lần giảm đầu tiên kể từ khi dữ liệu trên bắt đầu được tổng hợp vào năm 2010. (Yonhap)
* Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc (BoK) vừa cho biết, niềm tin người tiêu dùng Hàn Quốc đã tăng lên mức cao nhất trong 4 tháng vào tháng 10/2021 do tốc độ tiêm chủng Covid-19 được đẩy mạnh, làm tăng hy vọng cuộc sống trở lại bình thường.
Theo BoK, chỉ số niềm tin tiêu dùng tổng hợp (CCSI) của nước này đứng ở mức 106,8 (điểm) trong tháng 10/2021, tăng 3 (điểm) so với tháng trước. Chỉ số này là mức cao nhất kể từ khi tăng lên 110,3 (điểm) vào tháng 6/2021. Chỉ số trên 100 (điểm) có nghĩa là những người lạc quan nhiều hơn bi quan. (Yonhap)
Kinh tế ASEAN và các nền kinh tế mới nổi
* Phát biểu tại lễ khai mạc Hội nghị cấp cao ASEAN-Australia ngày 27/10, Thủ tướng Malaysia Ismail Sabri Yaakob cho biết, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Australia nên chuẩn bị cho các tình huống khẩn cấp về y tế công và các bệnh mới trong tương lai thông qua trao đổi kiến thức và các chương trình nâng cao năng lực, bao gồm cả việc tận dụng các công nghệ kỹ thuật số.
Thủ tướng Ismail đánh giá cao sự hỗ trợ mạnh mẽ của Australia đối với những nỗ lực của ASEAN nhằm giảm thiểu tác động của dịch Covid-19. (TTXVN)
Thái Lan đang trên đà xuất khẩu 6 triệu tấn gạo trong năm nay như mục tiêu đã đề ra. (Nguồn: BKP) |
* Xuất khẩu gạo của Thái Lan dự kiến sẽ tăng trong quý cuối cùng của năm nay, với hơn 700.000 tấn mỗi tháng, do đồng Baht yếu hơn, khiến gạo Thái Lan trở nên cạnh tranh hơn và thúc đẩy nhu cầu toàn cầu cao hơn.
Xuất khẩu gạo trong tháng 9/2021 tăng 124,87% lên 877,555 tấn, trong khi lượng gạo xuất khẩu từ ngày 1–18/10 tăng 47,11% lên 380,234 tấn so với cùng kỳ năm ngoái.
Thái Lan đang trên đà xuất khẩu 6 triệu tấn gạo trong năm nay như mục tiêu đã đề ra. Việc giá đồng Baht giảm 13% so với đồng USD trong năm nay đã dẫn đến giá gạo xuất khẩu của Thái Lan giảm, giúp gạo Thái Lan trở nên cạnh tranh hơn với các nhà xuất khẩu đối thủ. (TTXVN)
* Ngày 25/10, Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen tuyên bố chính phủ nước này đang chuẩn bị cho quá trình phục hồi kinh tế và đưa đất nước trở lại trạng thái "bình thường mới" trước khi kết thúc năm 2021, dựa vào thành công của chiến dịch tiêm vaccine phòng Covid-19.
Phát biểu lạc quan của Thủ tướng Hun Sen được đưa ra trong bối cảnh số ca mắc mới Covid-19 tại Campuchia đang có chiều hướng giảm. Người dân Campuchia đã trải qua 26 ngày sống trong trạng thái "bình thường mới" với số ca mắc mới Covid-19 liên tục ở mức thấp.
Số liệu của trang Ourworldindata.org cho thấy, tính đến thời điểm hiện tại, Campuchia nằm trong tốp 10 nước có tỷ lệ tiêm phòng Covid-19 cao nhất thế giới. (TTXVN)
* Tờ Vientiane Times số ra ngày 28/10 đưa tin Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của Lào từ mức 4,7% đưa ra hồi tháng 4/2021 xuống chỉ còn 2,1% trong năm nay. Tốc độ tăng trưởng thấp hơn là do đại dịch Covid-19 kéo dài và các đợt phong tỏa gần đây, làm đình trệ việc nối lại các hoạt động kinh tế và khiến tỷ lệ thất nghiệp gia tăng.
Dẫn báo cáo Triển vọng Kinh tế Khu vực của IMF, tờ Vientiane Times cho biết triển vọng kinh tế của Lào trong những năm tới sẽ tươi sáng hơn. Theo đó IMF cho rằng năm 2022, tăng trưởng kinh tế của Lào sẽ phục hồi lên 4,2% và 4,5% vào năm 2023. (TTXVN)
| Đâu là những ẩn số khó lường của kinh tế thế giới? Kinh tế toàn cầu 3 tháng cuối năm tiếp tục đối mặt với không ít rủi ro, đặc biệt là những đứt gãy trong chuỗi ... |
| Kinh tế thế giới nổi bật tuần (15-21/10): Đường sắt Nga gặp khó vì hàng từ Trung Quốc, ‘bóng ma’ lạm phát ở Mỹ, FDI toàn cầu phục hồi nhanh Đường sắt Nga tắc nghẽn vì lượng hàng từ Trung Quốc tăng cao, khả năng lạm phát tại Mỹ kéo dài, FDI toàn cầu nửa ... |