📞

Kinh tế thế giới nổi bật tuần (29/10-4/11): Nga không quan tâm giá năng lượng, Ukraine bị giảm khí đốt trung chuyển, Mỹ-EU bắt tay đối phó Trung Quốc

Hoàng Nam 13:50 | 04/11/2021
RCEP sẽ có hiệu lực vào ngày 1/1/2022, Nga nêu mong muốn về thị trường năng lượng, Mỹ-EU bắt tay đối phó Trung Quốc, kinh tế toàn cầu còn nhiều rủi ro… là những tin kinh tế thế giới nổi bật tuần qua.

Kinh tế thế giới

Tại COP26, khoảng 450 ngân hàng, công ty bảo hiểm và nhà đầu tư trên toàn thế giới đã cam kết sẽ đặt vấn đề hạn chế biến đổi khí hậu làm trọng tâm trong hoạt động của mình. (Nguồn: The Nation)

Các tổ chức tài chính, ngân hàng toàn cầu chung tay ứng phó biến đổi khí hậu

Khoảng 450 ngân hàng, công ty bảo hiểm và nhà đầu tư trên toàn thế giới đã cam kết sẽ đặt vấn đề hạn chế biến đổi khí hậu làm trọng tâm trong hoạt động của mình.

Trong tuyên bố được đưa ra trong khuôn khổ Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) tại Glasgow, Scotland, Vương quốc Anh, nhóm các tổ chức tài chính khẳng định sẽ thực hiện một cách công bằng phần trách nhiệm của ngành tài chính trong nỗ lực toàn cầu giảm thiểu sử dụng nhiên liệu hóa thạch.

Nhóm các công ty và ngân hàng tham gia cam kết nói trên có tổng giá trị vốn lên tới 130.000 tỷ USD (tương đương 40% vốn toàn cầu).

Trọng tâm của Hội nghị COP26 là thúc đẩy các quốc gia đưa ra những cam kết phù hợp, đủ để cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính - chủ yếu là giảm sử dụng than đá, dầu mỏ và khí đốt - để kiềm chế nhiệt độ toàn cầu tăng không quá 1,5 độ C so với thời kỳ trước Cách mạng công nghiệp.

Tuy nhiên, các nước vẫn chưa thể tìm ra cách thức cụ thể để hoàn thiện những cam kết này, đặc biệt là ở các nước đang phát triển, trong đó điều quan trọng nhất là các kế hoạch sẽ cần đến nguồn hỗ trợ tài chính lớn để hoàn thiện. (TTXVN)

Kinh tế toàn cầu phục hồi vững chắc nhưng còn nhiều rủi ro

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ngày 27/10 nhận định kinh tế toàn cầu phục hồi khá vững chắc nhưng còn nhiều rủi ro. Các biện pháp chính sách chưa có tiền lệ của Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) và việc triển khai tiêm vaccine Covid-19 đang tạo cơ sở cho đà phục hồi kinh tế toàn cầu.

Tuy nhiên, các biến thể virus mới, lạm phát và gián đoạn chuỗi cung ứng cũng gây ra những rủi ro theo hướng suy giảm đối với kinh tế thế giới.

Các nước có thể triển khai những cải cách để nâng cao tăng trưởng, bao gồm các chương trình hỗ trợ tìm kiếm việc làm và đào tạo lại kỹ năng cho người lao động, giảm bớt các rào cản quy định đối với việc gia nhập thị trường cho các doanh nghiệp mới.

Những chính sách này có thể giúp GDP thực tế ở các nước G20 tăng thêm khoảng 4.900 tỷ USD cho đến năm 2026. (Reuters)

Nỗ lực phục hồi chuỗi cung ứng

Ngày 31/10, Tổng thống Mỹ Joe Biden và lãnh đạo 16 quốc gia đã thảo luận về hành động để giúp chuỗi cung ứng linh hoạt hơn khi đối mặt với bất kỳ cuộc khủng hoảng y tế trong tương lai.

Các vấn đề về chuỗi cung ứng đã nổi lên khi nền kinh tế toàn cầu dần thoát khỏi tình trạng sụt giảm do đại dịch Covid-19 và có nguy cơ làm chậm đà phục hồi.

Một bản tóm tắt bằng văn bản của Nhà Trắng về các cuộc đàm phán này cho thấy các nước bày tỏ sự sẵn sàng hợp tác để giúp chuỗi cung ứng linh hoạt hơn.

Ngoài ra, các nước nhất trí hợp tác minh bạch và chia sẻ thông tin giữa các nước với nhau và về các nhà cung cấp nguyên liệu thô, hàng hóa trung gian và thành phẩm đáng tin cậy. (Reuters)

Kinh tế Mỹ

* Khép lại cuộc họp hai ngày từ 2-3/11, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell cho biết cơ quan này sẽ bắt đầu thu hẹp quy mô chương trình mua trái phiếu trong tháng 11/2021 khi kinh tế Mỹ phục hồi vững chắc sau đại dịch Covid-19, song sẽ chưa vội tăng lãi suất.

Ủy ban Thị trường Mở Liên bang Mỹ (FOMC), cơ quan hoạch định chính sách của Fed, thông báo sẽ bắt đầu giảm quy mô chương trình mua trái phiếu chính phủ và chứng khoán đảm bảo bằng thế chấp lần lượt 10 tỷ USD và 5 tỷ USD trong tháng này.

FOMC dự kiến sẽ tiếp tục giảm số tiền tương tự qua mỗi tháng. Điều này đồng nghĩa với việc chương trình mua trái phiếu sẽ chấm dứt vào giữa năm tới. Tuy nhiên, FOMC sẵn sàng điều chỉnh tốc độ cắt giảm nói trên nếu triển vọng kinh tế thay đổi. (AFP)

* Đại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai dự kiến đến Ấn Độ trong tháng 11 này để thảo luận về cam kết của Mỹ đối với khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh hai nước dự định tổ chức Diễn đàn chính sách thương mại Ấn-Mỹ sau 4 năm, trong đó vấn đề thương mại song phương, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ, dự kiến sẽ được trao đổi. (TTXVN)

Kinh tế Trung Quốc

* Trung Quốc có kế hoạch giảm lượng than tiêu thụ trung bình trong quá trình sản xuất điện tại các nhà máy điện để nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng và giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính.

Trong một thông báo ngày 3/11, các nhà hoạch định chính sách của Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc cho biết đến năm 2025, các nhà máy nhiệt điện than phải điều chỉnh tỷ lệ tiêu thụ than xuống mức 300 gam tiêu chuẩn cho mỗi kWh.

Các nhà máy điện sử dụng than trung bình trên 300 gam/kWh mà không thể nâng cấp hoạt động để đáp ứng yêu cầu tiết kiệm, nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng sẽ dần bị đóng cửa. (Reuters)

* Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc cho biết, trong tháng 9, doanh số bán nhà tính theo giá trị ở Trung Quốc đã giảm 16,9% so với một năm trước, sau khi đã giảm 19,7% vào tháng 8.

Cũng theo số liệu mới công bố, giá nhà mới tại 70 thành phố trong tháng 9 đã giảm 0,08% so với tháng 8. Đây là mức giảm đầu tiên kể từ tháng 4-2015. Ngoài ra, giá nhà trên thị trường thứ cấp cũng giảm 0,19% – giảm hai tháng liên tiếp. (China Economic Network)

* Theo số liệu chính thức được công bố ngày 31/10, hoạt động sản xuất của các nhà máy Trung Quốc đã suy giảm mạnh hơn dự báo trong tháng 10. Chỉ số PMI tháng 10 giảm xuống còn 49,2 điểm, dưới ngưỡng 50 điểm phân cách giữa suy giảm và mở rộng. Đây cũng là tháng giảm thứ 2 liên tiếp.

Nhiều chuyên gia nhận định nền kinh tế Trung Quốc đang xuất hiện nhiều dấu hiệu của tình trạng giảm phát. Giá cả tiếp tục tăng nhanh nhưng các số liệu mới nhất cho thấy hoạt động sản xuất đang giảm tốc đáng kể. (CNBC)

Trạm bơm khí đốt Bovanenkovo của Nga ở bán đảo Yamal thuộc Bắc cực. (Nguồn: AFP)

Kinh tế châu Âu

* Phát biểu tại Hội nghị Flame, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn năng lượng Gazprom, Tổng Giám đốc Gazprom Export, bà Elena Burmistrova cho biết Tập đoàn không quan tâm đến giá năng lượng cao hay thấp, mà muốn có một thị trường ổn định và dễ dự đoán.

Bà Burmistrova nói: “Chúng tôi không quan tâm giá khí đốt thấp kỷ lục hay cao kỷ lục. Điều này sẽ dẫn tới sự sụt giảm nhu cầu ở châu Âu và mâu thuẫn với lợi ích của chúng tôi với tư cách là nhà sản xuất và cung cấp.

Chúng tôi muốn thấy một thị trường cân bằng và dễ dự đoán, nơi chúng tôi và các khách hàng của mình có thể phát triển công việc kinh doanh một cách thành công”. (TTXVN)

* Ông Sergei Makogon, Giám đốc công ty vận hành hệ thống vận chuyển khí đốt (GTS) của Ukraine ngày 1/11 cho biết tập đoàn độc quyền khí đốt Nga Gazprom đã giảm thêm 1/3 khối lượng khí đốt vận chuyển qua Ukraine.

Ông Makogon viết trên Facebook: “Từ ngày 1/11, lượng (khí đốt) vận chuyển qua Ukraine đã một lần nữa giảm xuống - còn 57 triệu m3/ngày”.

Ukraine đang muốn Nga tăng khối lượng khí đốt cung cấp. Moscow đã hơn một lần tuyên bố sẵn sàng gia hạn thỏa thuận vận chuyển khí đốt với Ukraine nếu nó thấy khả thi về mặt kinh tế. (TTXVN)

* Thủ tướng Anh Boris Johnson dự kiến sẽ cam kết thêm 1 tỷ Bảng Anh (1,3 tỷ USD) hỗ trợ tài chính cho các nước đang phát triển vào năm 2025 nếu nền kinh tế Anh tăng trưởng như dự báo. Khi đó, tổng cam kết hỗ trợ tài chính của Anh cho các nước đang phát triển đối phó với biến đổi khí hậu sẽ tăng lên 12,6 tỷ Bảng Anh vào năm 2025. (Reuters)

* Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đã nhất trí giải quyết tranh chấp thương mại song phương dai dẳng liên quan đến chính sách thuế quan của Mỹ đối với thép và nhôm, qua đó tránh được nguy cơ EU áp thuế trả đũa đối với mô tô, rượu whisky và các sản phẩm khác nhập khẩu từ Mỹ.

Thỏa thuận sẽ cho phép nhập khẩu số lượng hạn chế các sản phẩm của EU vào thị trường Mỹ và hỗ trợ cả hai nền kinh tế đối phó với "thách thức chung" xuất phát từ tình trạng dư thừa năng lực sản xuất trên toàn cầu, chủ yếu do Trung Quốc gây ra. (The Guardian)

* Nền kinh tế các nước thuộc Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) duy trì đà phục hồi sau tác động của dịch Covid-19, với tăng trưởng kinh tế trong quý III đạt mức 2,2%, tăng nhẹ so với dự báo.

Tuy nhiên, lạm phát của Eurozone trong tháng 10 tăng mạnh, cao hơn tới 4,1% so với cùng kỳ năm 2020. Đây là mức cao kỷ lục trong 13 năm qua, cao hơn gấp đôi so với mục tiêu của Ngân hàng Trung ương châu Âu, trong bối cảnh giá năng lượng tăng 23,5%. (TTXVN)

Kinh tế Nhật Bản và Hàn Quốc

* Nhật Bản thực hiện lộ trình nới lỏng các biện pháp hạn chế nhập cảnh, rút ngắn thời gian cách ly đối với người nhập cảnh vì mục đích kinh doanh từ 10 ngày xuống còn 3 ngày, dự kiến bắt đầu áp dụng từ 8/11.

Điều kiện đối với người nước ngoài nhập cảnh là hoàn thành tiêm 2 mũi vaccine và có kết quả xét nghiệm âm tính trong vòng 72 giờ trước khi nhập cảnh. Nước này dự kiến nâng số lượng người nước ngoài được phép nhập cảnh từ 3.500 người/ngày lên 5.000 người/ngày, bắt đầu áp dụng từ cuối tháng 11/2021. (TTXVN)

* Hàn Quốc bắt đầu thực hiện Kế hoạch 3 giai đoạn sống chung với Covid-19, Bộ Lao động Hàn Quốc dự kiến nới lỏng quy định nhập cảnh với lao động nước ngoài từ cuối tháng 11/2021.

Theo đó, người lao động nước ngoài thuộc các nước phái cử sẽ được phép nhập cảnh vào Hàn Quốc nếu có xác nhận đã tiêm vaccine ngừa Covid-19 ở trong nước và có kết quả xét nghiệm RT-PCR âm tính. (TTXVN)

Hiệp định RCEP sẽ có hiệu lực từ 1/1/2022. (Nguồn: CGTN)

Kinh tế ASEAN và các nền kinh tế mới nổi

* Campuchia bắt đầu lộ trình khôi phục và thúc đẩy ngành du lịch trong và sau đại dịch trong bối cảnh số ca mắc Covid-19 giảm liên tục kể từ đầu tháng 10.

Nước này sẽ áp dụng "cơ chế hộp cát” - mô hình thử nghiệm mở cửa du lịch - cho phép khách du lịch quốc tế đến thành phố Sihanoukville, đảo Koh Rong (tỉnh Sihanoukville) và Dara Sakor (tỉnh Koh Kong) kể từ ngày 30/11 tới mà không cần cách ly là bước đi đầu tiên trong chiến lược tổng thể từng bước mở cửa trở lại đón khách quốc tế. (TTXVN)

* Ngày 3/11, Bộ trưởng Thương mại và Tăng trưởng xuất khẩu New Zealand Phil Twyford cho biết nước này đã phê chuẩn Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).

Trước đó, hôm 2/11, Bộ trưởng Thương mại Australia Dan Tehan cũng thông báo nước này đã phê chuẩn RCEP.

RCEP gồm 10 quốc gia thành viên ASEAN cùng 5 quốc gia khác là Australia, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và New Zealand. Hiện hiệp định đã được phê chuẩn bởi 6 thành viên ASEAN và các nước ngoài ASEAN là Trung Quốc, Nhật Bản, lần lượt vào tháng 4 và tháng 6/2021.

Theo quy định, RCEP có hiệu lực 60 ngày sau khi tối thiểu 6 thành viên ASEAN và 3 thành viên ngoài khối phê chuẩn.

Như vậy, việc New Zealand và Australia, phê chuẩn RCEP đã kích hoạt hiệp định thương mại tự do lớn nhất thế giới có hiệu lực từ tháng 1/2022 và đẩy nhanh hơn nữa quá trình phục hồi kinh tế sau dịch Covid-19 của các quốc gia này. (TTXVN)