Kinh tế thế giới
Tăng trưởng GDP toàn cầu có thể chậm lại ở 1,1% do lãi suất tăng kích thích giới đầu tư bán tháo các tài sản rủi ro. (Nguồn: Economic Times) |
Nga cảnh báo khủng hoảng tài chính toàn cầu
Ngân hàng trung ương Nga nhận định một cuộc khủng hoảng tài chính có thể xảy ra trong vòng chưa đầy 18 tháng tới nếu lạm phát toàn cầu không được kiểm soát.
Nga cảnh báo việc nợ ở khối nhà nước và tư nhân tăng mạnh trong thời kỳ hậu đại dịch Covid-19 có thể khiến kinh tế thế giới suy giảm mạnh và nhanh nếu Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) phải tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát.
Tăng trưởng GDP toàn cầu có thể chậm lại ở 1,1% do lãi suất tăng kích thích giới đầu tư bán tháo các tài sản rủi ro. Các nền kinh tế mới nổi có mức nợ nước ngoài cao sẽ bị tổn thương nặng nề. (FT)
OPEC nhất trí sẽ tăng sản lượng dầu
Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ cùng các nhà sản xuất liên minh (OPEC+) đã họp vào ngày 1/9 và nhất trí sẽ tăng sản lượng dầu trong thời gian tới, cụ thể tiếp tục cung cấp thêm 400.000 thùng mỗi ngày ra thị trường.
Động thái này diễn ra sau khi OPEC+ đánh giá triển vọng kinh tế thế giới đang từng bước phục hồi, cũng như trước áp lực yêu cầu tăng sản lượng dầu của Mỹ. OPEC+ cũng nâng dự báo mức tăng nhu cầu dầu thô năm 2022 lên 4,2 triệu thùng/ngày, so với mức tăng 3,28 triệu thùng/ngày dự báo trước đó. (Reuters)
Kinh tế Mỹ
* Nền kinh tế Mỹ ghi nhận thêm 235.000 việc làm mới trong tháng 8, giảm mạnh so với số lượng của tháng 7 là 1,1 triệu việc làm, và thấp hơn nhiều so với mức dự báo 733,000 việc làm trước đó. Tỷ lệ thất nghiệp của nước này trong tháng 8 là 5,2%, giảm nhẹ so với mức 5,4% trong tháng 7.
Tin liên quan |
Sống chung với đại dịch Covid-19: 'Phao cứu sinh' của nền kinh tế toàn cầu? |
Theo Cục Thống kê Lao động Mỹ, số việc làm mới trong lĩnh vực giải trí và khách sạn trong tháng 8 không thay đổi sau khi tăng trung bình 350.000 việc làm/tháng trong 6 tháng trước đó. Lượng nhân viên ở các nhà hàng đã giảm 42.000 vị trí và các nhà bán lẻ cũng cắt giảm 29.000 việc làm. (Financial Times)
* Ngày 3/9, chính quyền của Tổng thống Biden đề xuất kế hoạch trị giá 65 tỷ USD để giúp Mỹ chống lại các đại dịch trong tương lai. Kế hoạch này hướng tới cải thiện vắc-xin, phương pháp điều trị và nâng cấp cơ sở hạ tầng y tế công cũng như thiết bị bảo vệ cá nhân.
Các chuyên gia nhận định đại dịch Covid-19 đã cho thấy những vấn đề cơ bản trong hệ thống y tế công của Mỹ, bao gồm việc thiếu nguồn tài chính và thiếu sự phối hợp giữa các chính quyền liên bang và địa phương.
Theo bản tài liệu về kế hoạch ứng phó với đại dịch trong tương lai của chính quyền Mỹ, nếu các đại dịch lớn tương tự như Covid-19 gây thiệt hại cho Mỹ khoảng 16 nghìn tỷ USD, xảy ra với tần suất 20 năm một lần thì tác động kinh tế hàng năm đối với Mỹ sẽ là 800 tỷ USD mỗi năm. (CNBC)
Kinh tế Trung Quốc
* Quan chức Liu Xiaonan của Ủy ban Phát triển và Cải cách Quốc gia Trung Quốc ngày 8/9 cho biết vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện đổ vào Trung Quốc dự báo sẽ tăng cao hơn kỳ vọng trong năm 2021.
Theo quan chức Liu Xiaonan, vốn FDI thực hiện đổ vào Trung Quốc trong 6 tháng cuối năm nay sẽ tiếp tục đà tăng trưởng tốt khi Trung Quốc kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, kinh tế phục hồi ổn định và ổn định chuỗi cung ứng.
Theo Bộ Thương mại, vốn FDI thực hiện đổ vào Trung Quốc đại lục trong giai đoạn tháng 1-7/2021 tăng 25,5% so với cùng kỳ năm trước, đạt 672,19 tỷ NDT (100,74 tỷ USD). (THX)
* Phó Tổng thư ký Ủy ban Phát triển và Cải cách Trung Quốc Cao Cảo đã đưa ra đánh giá trong giai đoạn “Quy hoạch 5 năm lần thứ 14”, phát triển kinh tế và xã hội của Trung Quốc sẽ bước vào một giai đoạn mới.
Mặc dù công tác thúc đẩy việc làm trong thời gian tới sẽ gặp nhiều khó khăn và thách thức với nhiều yếu tố không xác định, nhưng Trung Quốc có đủ niềm tin để duy trì ổn định việc làm, tạo nền tảng vững chắc cho việc làm chất lượng cao. (CCTV)
| Cạnh tranh kinh tế Mỹ-Trung Quốc: Điều gì quyết định sức mạnh và vị thế của Bắc Kinh? |
Kinh tế châu Âu
* Khu vực dịch vụ của Đức hồi phục mạnh trong tháng 8 và thế chỗ khu vực chế biến chế tạo để trở thành động lực chính cho tăng trưởng. Chỉ số PMI khu vực dịch vụ và chỉ số PMI chung trong tháng 8 của nước này đạt lần lượt là 60,8 và 60,0 điểm, đều giảm nhẹ so với tháng 7.
Trong khi đó, kinh tế Anh tiếp tục mất động lực phục hồi, với chỉ số PMI giảm xuống còn 55,0 điểm, giảm mạnh so với tháng 7 và thấp hơn nhiều do với dự báo. Nguyên nhân được cho là do tình trạng thiếu nhân lực và đứt gãy chuỗi cung ứng. (Reuters)
* Nga đang triển khai dự án lập các hành lang hậu cần không người lái, cơ sở hạ tầng kỹ thuật số để đảm bảo xe tự lái của tất cả các nhà sản xuất ô tô trên thế giới có thể di chuyển an toàn giữa Á và Âu. Đây là hành động hiện thực hóa chiến lược tăng gấp 10 lần lưu lượng vận chuyển hàng hóa giữa châu Á và châu Âu đến năm 2030, được đưa ra tại Diễn đàn Kinh tế phương Đông ngày 2/9.
Đoạn đường đầu tiên được thử nghiệm sẽ là xa lộ M-11 Neva nối Moscow với St. Petersburg, con đường đầu tiên trên thế giới đến năm 2024 sẽ vận chuyển bằng xe tải không người lái. Hơn 20 doanh nghiệp của Nga đã tham gia vào dự án này, trong đó có doanh nghiệp nước ngoài duy nhất là Volvo Vostok. (TTXVN)
* Theo Eurostat, lạm phát tháng 8 của khu vực Eurozone tăng 3% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi tỷ lệ này ở nhiều nước lên cao hơn nhiều so với dự đoán như Bỉ (4,7%), Đức (3,9%), Tây Ban Nha (3,3%) và Pháp (2,4%).
Nhiều chuyên gia cho rằng đây có thể vừa do tác động cơ học của việc cắt giảm thuế VAT vào năm ngoái, vừa do chi phí nguyên liệu thô và vấn đề nguồn cung gây áp lực lên giá tiêu dùng, song lạm phát có thể tăng tiếp trong những tháng tới.
ECB đã phải liên tiếp nâng dự báo lạm phát từ đầu năm 2021 đến nay, song vẫn chưa có ý định dừng nới lỏng chính sách tiền tệ. (Le Figaro)
Kinh tế Nhật Bản và Hàn Quốc
* Theo nguyên Phó Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản, nước này nên điều chỉnh mục tiêu lạm phát (2%) nhằm tránh trình trạng liên tục triển khai các chính sách kích thích kinh tế và nới lỏng chính sách tiền tệ.
Nhật Bản nên tập trung duy trì chính sách tiền tệ linh hoạt; nâng cao giá trị của đồng Yen thông qua các biện pháp ưu đãi, hỗ trợ, nâng cao sự bền bỉ của doanh nghiệp; giải quyết vấn đề dư thừa thanh khoản do các biện pháp nới lỏng định lượng. (Bloomberg)
* Viện Phát triển Hàn Quốc (KDI) ngày 7/9 cho biết nền kinh tế nước này đang chịu nhiều áp lực từ những khó khăn ngày càng tăng do số ca mắc Covid-19 tăng đột biến gần đây. Điều này có khả năng trì hoãn đà phục hồi tiêu dùng tại nền kinh tế lớn thứ tư châu Á.
Báo cáo của KDI cho thấy nền kinh tế Hàn Quốc đang trên đà phục hồi nhờ xuất khẩu tăng mạnh, nhưng các biện pháp hạn chế sự lây lan của làn sóng dịch Covid-19 lần thứ tư, có thể làm giảm nhu cầu trong nước vốn đang được cải thiện.
Đây là tháng thứ hai liên tiếp KDI đưa ra cảnh báo về tình trạng không chắc chắn ngày càng tăng trước làn sóng dịch bệnh lần thứ tư. (Yonhap)
Kinh tế ASEAN và các nền kinh tế mới nổi
* Bộ Du lịch và Thể thao Thái Lan đã xây dựng kế hoạch mở cửa toàn bộ đất nước mà không cần phải cách ly từ tháng 1/2022. Trong giai đoạn thứ hai, các tỉnh Chiang Mai, Prachuap Khiri Khan (Hua Hin) và Chon Buri (Pattaya) sẽ mở cửa từ 1/10 theo đúng kế hoạch, trong khi thủ đô Bangkok lùi ngày mở cửa trở lại vào tháng 11/2021.
Một số tỉnh được bổ sung vào giai đoạn ba của chương trình mở cửa theo mô hình 7 + 7, theo đó từ ngày 15/10, có 25 tỉnh mà du khách có thể nhập cảnh theo chương trình “hộp cát” sau khi đã hoàn thành 7 ngày cách ly ở các địa điểm như Phuket, Samui, Chiang Mai, Chon Buri, Prachuap Khiri Khan, Phetchaburi và Bangkok.
Bộ Du lịch và Thể thao cho biết chỉ những địa điểm an toàn mới có thể mở cửa trở lại từ 1/11, trong khi đó du khách quốc tế phải đến tháng 1/2022 mới không phải cách ly sau khi nhập cảnh, tiếp đó là đến ngày 15/1/2022 thì Thái Lan sẽ áp dụng bong bóng du lịch với các nước láng giềng. (TTXVN)
Bộ Du lịch và Thể thao Thái Lan xây dựng kế hoạch mở cửa toàn bộ đất nước mà không cần phải cách ly từ tháng 1/2022. (Nguồn: AFP) |
* Bộ trưởng Tài chính Indonesia Sri Mulyani Indrawati cho biết, chính phủ và Hạ viện đã nhất trí nâng giới hạn mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2022 từ mức 5%-5,5% lên 5,2%-5,5%; nhấn mạnh chính phủ sẽ tiếp tục cam kết tăng cường lĩnh vực y tế.
Bộ trưởng Indrawati đồng thời khẳng định giảm số ca mắc Covid-19 là điều kiện phục hồi kinh tế quốc gia, tiếp tục thúc đẩy kinh tế thông qua các chương trình bảo trợ xã hội dành cho người lao động và các gói kích thích cho khu vực kinh doanh. Ngoài mục tiêu tăng trưởng kinh tế, Indonesia đặt mục tiêu tỷ lệ lạm phát ở mức 3%. (TTXVN)
* Bộ trưởng Tài chính Malaysia cho biết chính phủ sẽ thảo luận việc tăng trần nợ công từ 60% GDP lên 65% GDP. Theo các chuyên gia kinh tế, việc tăng trần nợ công sẽ mang lại nhiều tác động tiêu cực đối với nền kinh tế Malaysia, trong đó có tăng gánh nặng trả nợ cho thế hệ tương lai, đồng tiền nội tệ yếu hơn làm tăng lạm phát, làm giảm uy tín của chính phủ Malaysia và niềm tin của các nhà đầu tư, hạn chế các khoản đầu tư tư nhân, dẫn đến giảm cơ hội việc làm. (TTXVN)
* Cơ quan Thống kê Australia (ABS) cho biết Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nền kinh tế Australia trong quý II/2021 tăng 9,6% so với cùng kỳ năm 2020. Đây là mức tăng trưởng tính theo năm lớn nhất trong lịch sử của Australia, chủ yếu là nhờ phục hồi hoạt động nhanh chóng của các doanh nghiệp và thị trường lao động vào nửa cuối năm 2020.
GDP của Australia trong quý II/2021 cũng tăng 0,7% so với quý I/2021 dù dịch Covid-19 bùng phát gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới hoạt động kinh tế của các địa phương. (TTXVN)
| PGS. TS Đào Thế Anh: Hợp tác nông nghiệp Việt Nam-châu Phi sang trang mới, bình đẳng, cùng có lợi Trao đổi với TG&VN, PGS.TS Đào Thế Anh, Phó Giám đốc, Viện Khoa học Nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẳng ... |
| Kinh tế thế giới nổi bật tuần (27/8-2/9): Mỹ phục hồi chậm lại; châu Á lúng túng vì biến thể Delta; Lào sẽ phát triển Đặc khu kinh tế Tam giác Động lực phục hồi kinh tế Mỹ chậm lại; thảo luận về đơn xin gia nhập CPTPP của Anh; Lào sẽ phát triển Đặc khu ... |