📞

Kinh tế thế giới nổi bật tuần qua (13-19/8): Mỹ-Trung hoãn vô thời hạn đánh giá Thoả thuận giai đoạn 1, Apple chưa sản xuất Iphone tại Việt Nam

Chu Văn 13:45 | 19/08/2020
TGVN. Thiệt hại do trì hoãn đầu tư cho môi trường chẳng khác gì đại dịch Covid-19; Đánh giá Thoả thuận giai đoạn 1 giữa Mỹ-Trung Quốc hoãn vô thời hạn; Samsung chuyển một phần dây chuyền smartphone sang Ấn Độ?... là một số tin kinh tế thế giới nổi bật tuần qua.
Kinh tế thế giới nổi bật tuần qua (23/7-30/7): Vàng tăng trở lại sau quyết định của Fed,

Kinh tế thế giới

Thiệt hại do trì hoãn các khoản đầu tư cho môi trường chẳng khác gì đại dịch Covid-19

Theo nghiên cứu của Viện nghiên cứu toàn cầu McKinsey & Co., khu vực châu Á-Thái Bình Dương sẽ liên tục phải trải qua các đợt nắng nóng, hạn hán, lũ lụt và bão. Khu vực này cũng đang phải đối mặt với các tác động tiềm ẩn nghiêm trọng từ biến đổi khí hậu hơn so với nhiều nơi trên thế giới.

Báo cáo cũng chỉ ra những rủi ro kinh tế của việc trì hoãn các khoản đầu tư nhằm giảm thiểu hoặc thích ứng với biến đổi khí hậu. Theo McKinsey, khả năng bị thiệt hại trên diện rộng sẽ có tác động tương tự như những gì khu vực châu Á phải trải qua trong giai đoạn đại dịch Covid-19 hiện nay.

Châu Á đang chịu rủi ro đặc biệt do tỷ lệ người nghèo, người có xu hướng phụ thuộc nhiều vào công việc ngoài trời, sống ở những khu vực dễ bị tổn thương nhất do nhiệt độ và độ ẩm tăng cao. Đến năm 2050, việc mất đi lượng lao động này có thể làm giảm từ 7-13% GDP tại ba quốc gia: Ấn Độ, Bangladesh và Pakistan, có thể khiến khu vực châu Á thiệt hại tới 4,7 nghìn tỷ USD/năm trong GDP. Đồng nghĩa với khoảng 2/3 tổng lao động toàn cầu đang gặp rủi ro.


Mỹ-Trung Quốc

Cuộc họp đánh giá 6 tháng thực hiện Thoả thuận giai đoạn 1 giữa Mỹ và Trung Quốc dự định tổ chức vào 15/8 đã bị hoãn và chưa rõ khi nào sẽ tiến hành.

Một nguồn tin thân cận cho biết, các quan chức Mỹ muốn cho Trung Quốc thêm thời gian để tăng mua hàng hoá Mỹ như đã thoả thuận và cải thiện bầu không khí chính trị cho cuộc rà soát. Cố vấn của Chính phủ Trung Quốc cho rằng Bắc Kinh cần lập một danh sách những gì có thể nhân nhượng để giải tỏa căng thẳng, đặc biệt là gửi đi một thông điệp nhất quán về cải tổ doanh nghiệp nhà nước, đây vốn là chủ đề tranh cãi; và không nên đánh giá thấp căng thẳng với Mỹ, dù cho quan hệ thương mại vẫn giữ ổn định và cần phải sẵn sàng cho sự chia tách về chính trị, có thể xảy ra trước sự chia tách về kinh tế. (CNBC, SCMP)


Mỹ

Theo Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed), sản lượng công nghiệp của Mỹ trong tháng 7 tăng tháng thứ 3 liên tiếp, cho thấy dấu hiệu phục hồi chậm của nền kinh tế. Chỉ số sản lượng công nghiệp tăng 3% trong tháng 7, cao hơn mức dự báo 2,8%. Trong khi đó, Bộ Lao động Mỹ công bố ngày 14/8 cho thấy, số đơn đăng ký thất nghiệp tại Mỹ lần đầu tiên giảm xuống mức dưới 1 triệu, đánh dấu tuần giảm thứ hai liên tiếp; số người hưởng trợ cấp từ chương trình cứu trợ thông thường của các bang cũng giảm xuống khoảng 15,5 triệu người.

Bộ Thương mại Mỹ cũng cho biết, doanh số bán lẻ đã tăng 1,2% trong tháng 7, tăng tháng thứ 3 liên tiếp. Các hộ gia đình chi tiêu mạnh hơn cho các sản phẩm điện tử, máy móc, sản phẩm y tế và nhà hàng. Tyler Goodstpeed, Giám đốc Hội đồng cố vấn kinh tế của Nhà trắng nhận định, “kinh tế Mỹ sẽ tiếp tục phục hồi và sẽ phục hồi nhanh hơn nhiều và để lại ít hậu quả hơn nếu có các gói cứu trợ bổ sung". Tuy nhiên, đến nay, hai đảng Dân chủ và Cộng hoà vẫn chưa giải quyết được mâu thuẫn về gói cứu trợ này. (Wall Street Journal)

Apple có thể sẽ tạm ngừng triển khai kế hoạch sản xuất iPhone tại Việt Nam sau khi đại diện của Apple đã đến thăm nhà máy của Luxshare, một trong những đối tác lắp ráp iPhone của Apple, đặt tại khu công nghiệp Vân Trung (tỉnh Bắc Giang, Việt Nam) để đánh giá khả năng sản xuất iPhone tại cơ sở này. Ông Tang Due Bang, Giám đốc đối ngoại của Luxshare, cho biết quá trình kiểm tra của Apple nhằm đảm bảo quy mô và đánh giá nhà máy đặt tại Việt Nam có đáp ứng đúng quy mô và cơ sở vật chất để bắt đầu lắp ráp iPhone hay không.

Tuy nhiên, một phần trong của cơ sở sản xuất này vẫn chưa đáp ứng được các yêu cầu của Apple, đặc biệt là những yêu cầu liên quan đến điều kiện sống và ký túc xá dành cho công nhân. Hiện chưa rõ Luxshare không đáp ứng được yêu cầu từ phía Apple về tiêu chí nào, nhưng có vẻ như điều này đã khiến Apple tạm ngừng kế hoạch sản xuất iPhone tại Việt Nam.

Dù vậy, động thái này nhiều khả năng chỉ mang tính tạm thời và nếu Luxshare có thể đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của Apple, nhà máy tại Việt Nam vẫn sẽ được chấp thuận để bắt đầu quá trình lắp ráp iPhone. (AppleInsider)


Trung Quốc

Ngày 14/8, Cục thống kê Quốc gia Trung Quốc công bố các số liệu thống kê cho thấy, tăng trưởng sản lượng công nghiệp của nước này thấp hơn dự kiến và doanh số bán lẻ tiếp tục giảm tháng thứ 7 liên tiếp.

Doanh số bán lẻ của Trung Quốc giảm 1,1% trong tháng 7, trái với mức dự báo tăng 0,1% của giới phân tích và thấp hơn mức giảm 1,8% trong tháng 6. Trong khi đó, sản lượng công nghiệp của nước này trong tháng 7 tăng 4,8% so với cùng kỳ năm 2019, tương tự số liệu của tháng 6, song thấp hơn mức dự báo tăng 5,1% đưa ra trước đó.

Tỷ lệ thất nghiệp dựa trên khảo sát trên toàn quốc trong tháng 7 của Trung Quốc vẫn ở mức 5,7%, tương tự số liệu của tháng 6. Một số nhà phân tích cho rằng, sự “hụt hơi” của đà hồi phục kinh tế Trung Quốc là do những trận mưa lớn gây ngập lụt ở khu vực miền Nam Trung Quốc kể từ tháng 6 và dịch Covid-19 bùng phát đã khiến một số địa phương của nước này phải áp dụng lệnh phong tỏa, từ đó khiến các hoạt động kinh tế bị ngưng trệ. (ĐSQVN tại Trung Quốc)


Châu Âu

Niềm tin nhà đầu tư tại Eurozone cải thiện trong tháng 8/2020. Chỉ số niềm tin nhà đầu tư trong Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đã cải thiện từ mức âm 18,2 điểm trong tháng 7/2020 lên âm 13,4 điểm, song khu vực này vẫn đang trong tình trạng suy thoái trong quý thứ ba do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Đây là mức cao nhất kể từ thời điểm trước khi áp lệnh phong tỏa trong tháng 2 và so với dự báo âm 15,1 điểm mà Reuters đưa ra. Chỉ số niềm tin vào tình hình hiện nay đã tăng từ âm 49,5 điểm trong tháng 7/2020 lên âm 41,3 điểm, mức cao nhất kể từ tháng 3/2020.

Giám đốc điều hành của Sentix - Patrick Hussy cho hay, quá trình phục hồi vẫn đang diễn ra chậm chạp tại Eurozone. Điều đáng chú ý trong bối cảnh này là đợt lây nhiễm Covid-19 thứ hai không để lại “di chứng” mới trong các chỉ số kinh tế, sau khi Đức chứng kiến số ca mắc Covid-19 gia tăng trong những tuần gần đây.

Theo khảo sát 1.078 nhà đầu tư từ ngày 6-8/8, niềm tin của nhà đầu tư tại Đức đã tăng lên trong tháng thứ tư liên tiếp, trong đó các nhà đầu tư cảm thấy lạc quan hơn về cả tình hình hiện tại và tương lai. Sentix cho rằng, điều này có thể liên quan đến lượng đơn đặt hàng công nghiệp tăng trong tháng 6/2020. (Reuters)


Nhật Bản-Hàn Quốc

Báo cáo của Trung tâm nghiên cứu kinh tế Nhật Bản (JCER) cho thấy, nền kinh tế Nhật Bản sẽ suy giảm 6,8% trong năm tài khóa tính đến tháng 3/2021 và dự báo hồi phục rất chậm sau đó.

Nguyên nhân chính là tình hình dịch Covid-19 phức tạp khiến nhiều thị trường xuất khẩu lớn của nước này, bao gồm Mỹ, chịu ảnh hưởng. Con số suy giảm 6,8% của JCER cao hơn so với mức dự báo 5,1% theo khảo sát của hãng tin Bloomberg và 4,7% của Ngân hàng trung ương Nhật Bản.

Báo cáo cũng nhấn mạnh, dịch Covid-19 sẽ tạo nên vết thương khó lành cho nền kinh tế Nhật Bản khi Chính phủ nước này buộc phải tăng thuế để xử lý khoản nợ khổng lồ, các công ty hạn chế đầu tư, tiền lương không tăng khiến tiêu dùng của người dân sụt giảm. JCER cũng dự báo, tổng GDP của Nhật Bản năm 2035 sẽ thấp hơn 2,3% so với dự đoán trước đó do ảnh hưởng từ dịch Covid-19. Từ nay đến năm 2035, nền kinh tế này sẽ mất khoảng 2,1 nghìn tỷ USD do các tác động tiêu cực từ dịch bệnh. (Bloomberg)

Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) ngày 10/8 nhận định, trong trường hợp không tái bùng phát dịch Covid-19, GDP của Hàn Quốc dự báo đạt 1.884.800 tỷ Won trong năm 2020, giảm 1,8% so với năm 2019.

Nếu quy đổi theo tỷ giá Won/USD dự báo là 1.222 Won/USD thì quy mô kinh tế Hàn Quốc đạt 1.544,93 tỷ USD, vươn từ thứ 12 năm ngoái lên thứ 9 trong 46 quốc gia được OECD dự báo. Theo Ngân hàng Citibank và cơ quan phân tích kinh tế Capital Economics của Anh, dự báo kinh tế Hàn Quốc sẽ tăng trưởng bình quân 1,76%/năm trong giai đoạn 2019-2024 (Yonhap News)


ASEAN và các nền kinh tế mới nổi

EU công bố 3 chương trình hợp tác mới trị giá 13 triệu Euro với ASEAN

Ngày 13/8, Đại sứ Liên minh châu Âu (EU) tại ASEAN Igor Driesmans, đã công bố 3 dự án hợp tác phát triển mới với ASEAN có tổng giá trị 13 triệu Euro (hơn 15 triệu USD).

Được công bố tại lễ khai mạc Ngày Hợp tác và Học bổng ASEAN-EU lần thứ 3 theo hình thức trực tuyến, 3 dự án mới nêu trên sẽ hỗ trợ đô thị hóa thông minh và bền vững, quản lý rừng bền vững và định chế kiểm toán tối cao của ASEAN. Cụ thể, EU sẽ tài trợ 5 triệu Euro cho dự án các thành phố xanh và thông minh của ASEAN; 5 triệu Euro cho dự án quản trị rừng, cấp phép và thương mại lâm sản bền vững trong toàn khu vực (FLEGT); và 3 triệu Euro cho dự án tăng cường năng lực, nâng cao nhận thức và áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế của Tổ chức các cơ quan kiểm toán tối cao Đông Nam Á (ASEANSAI). (EEAS)

Samsung sẽ chuyển một phần dây chuyền smartphone sang Ấn Độ?

Samsung đã trình kế hoạch đa dạng hoá dây chuyền sản xuất smartphone với Chính phủ Ấn Độ. Theo đó, Samsung có thể sẽ chuyển một phần dây chuyền sản xuất smartphone từ Việt Nam và các nước khác sang Ấn Độ. Trong số này, điện thoại thông minh giá xuất xưởng trên 200 USD có thể chiếm giá trị đến 25 tỷ USD và hầu hết được dùng để xuất khẩu. Tuy nhiên, theo Tuổi Trẻ, ngày 18/8 đại diện Samsung đã bác bỏ thông tin này và nhận định Samsung Việt Nam vẫn là cứ điểm sản xuất toàn cầu của Tập đoàn. (Economic Times, Tuổi Trẻ)