Giá vàng cao nhất trong 9 năm, đỉnh lập vào năm 2020 sẽ là bao nhiêu? (Nguồn: Seekingalpha) |
Kinh tế toàn cầu
Giá vàng cao nhất trong 9 năm, đỉnh lập vào năm 2020 là bao nhiêu?
Sau khi lên đỉnh 9 năm vào tối qua (21/7), giá vàng sáng nay tiếp tục tăng hơn 20 USD, vượt 1.860 USD/ounce. Chốt phiên 21/7, giá vàng giao ngay tăng gần 24 USD một ounce, lên 1.841 USD – cao nhất kể từ tháng 9/2011. Sáng nay, giá tiếp tục tăng mạnh, hiện giao dịch quanh 1.863 USD/ounce.
Vàng hiện được coi là tài sản trú ẩn an toàn nhất trước hàng loạt yếu tố không chắc chắn đang tồn tại ”khá phổ biến” trong nền kinh tế thế giới. Đại dịch Covid-19, sự bấp bênh của thị trường chứng khoán, các loại lãi suất đang đi xuống, USD mất giá khiến nhà đầu tư tìm đến loại tài sản khác tốt hơn... đang trợ giá cho thị trường vàng.
Theo như dự báo mà Giám đốc điều hành Metal Daily Ross Norman đưa ra tại Hiệp hội thị trường vàng thỏi London tháng 12/2019, mà hiện vị chuyên gia này cho là vẫn đúng, mức đỉnh vàng lập vào năm 2020 có thể sẽ là 2.080 USD/ounce. (MarketWatch)
Bạn có thể quan tâm:
* Công ty phân tích dữ liệu IHS nhận định, kinh tế toàn cầu sẽ suy giảm 5,5% trong năm 2020 và tăng trưởng 4,4% vào năm 2021, song không loại trừ khả năng tăng rồi lại giảm do “khách hàng và các nhà đầu tư vẫn rất thật trọng”.
IHU đánh giá làn sóng dịch Covid-19 mới làm suy giảm khả năng phục hồi hình chữ V và tăng nguy cơ phục hồi theo hình W. Dự báo xác suất xảy ra kịch bản kinh tế thế giới phục hồi hình W là 20%. (CNBC)
* Hội nghị trực tuyến Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương G20 ngày 19/7 đã ra tuyên bố chung, trong đó nhận định, kinh tế toàn cầu năm 2020 sẽ sụt giảm mạnh do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19; Khẳng định G20 sẽ tiếp tục sử dụng tất cả công cụ chính sách sẵn có để bảo vệ cuộc sống, việc làm, thu nhập của người dân; Hỗ trợ phục hồi kinh tế toàn cầu và tăng cường hệ thống tài chính.
Hội nghị cũng đã thảo luận các quy định thuế quốc tế mới đối với các công ty công nghệ lớn như Google, Facebook, Apple và Amazon trong bối cảnh nhiều ý kiến phản ánh các công ty này không nộp mức thuế công bằng. G20 cam kết sẽ tiếp tục thương lượng về quy định thuế nhằm thu hẹp bất đồng và duy trì hợp tác hướng tới một hệ thống thuế quốc tế hiện đại, công bằng và bền vững. (Reuters)
Mỹ-Trung Quốc
Mỹ đang yêu cầu Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) cho phép áp dụng thuế quan trả đũa đối với các sản phẩm của Trung Quốc trị giá 1,3 tỷ USD, vì cho rằng, Trung Quốc không thực hiện phán quyết của hội đồng giải quyết tranh chấp liên quan vi phạm các cam kết trợ cấp nông nghiệp.
Theo phán quyết tháng 2/2019 của WTO, Trung Quốc có khoảng thời gian đến 30/6/2020 để thực hiện phán quyết về việc Trung Quốc đã tính toán sai khoản trợ cấp đối với lúa mì và gạo; thực tế mức này đã vượt quá các cam kết. Nếu được WTO chấp thuận, đây sẽ là lần áp mức thuế quan trả đũa đầu tiên đối với Trung Quốc được WTO uỷ quyền cho Mỹ, mặc dù Trung Quốc thường chiếm ưu thế trong các tranh chấp của WTO. (Insidetrade)
Mỹ
Sản xuất công nghiệp Mỹ đã tăng trong tháng 6, tháng thứ hai liên tiếp, đã cho thấy dấu hiệu phục hồi của kinh tế Mỹ trước khi có hiện tượng gia tăng trở lại các ca nhiễm Covid-19 gần đây.
Theo thông tin của Cục Dự trữ Liên bang (Fed), sản xuất công nghiệp Mỹ đã tăng 5,4% trong tháng 6 so với tháng 5/2020. Các nhà máy đã mở cửa lại trong tháng 5 và tháng 6 giúp kinh tế Mỹ phục hồi so với các tháng trước đó bị ảnh hưởng do dịch Covid-19. Sản lượng công nghiệp tháng 6 tăng mạnh nhờ các lĩnh vực phục hồi tốt như sản xuất chế tạo, nhất là ô tô và phụ tùng, tăng 7,2%, sản xuất đồ tiêu dùng tăng 4,2%.
Theo báo cáo của Fed, nhiều doanh nghiệp đã tăng tuyển dụng lao động, tuy nhiên một bộ phận doanh nghiệp vẫn tiếp tục cắt giảm nhân công và lo ngại dịch bệnh tái bùng phát có thể ảnh hưởng hoạt động sản xuất kinh doanh. (Wall Street Journal)
Trung Quốc
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình mới đây đã gửi thông điệp đến Hội đồng Giám đốc điều hành toàn cầu (gồm CEO các công ty đa quốc gia đến từ 39 quốc gia và vùng lãnh thổ). Thông điệp khẳng định, Chính phủ Trung Quốc tăng cường cải cách và mở cửa, tạo dựng môi trường kinh doanh tốt hơn cho các nhà đầu tư Trung Quốc và nước ngoài; nhấn mạnh nền tảng kinh tế Trung Quốc sẽ tiếp tục phát triển tốt trong thời gian dài.
Truyền thông quốc tế nhận định, thông điệp này của Chủ tịch Trung Quốc như “liều thuốc” trấn an các công ty nước ngoài lựa chọn ở lại và phát triển tại Trung Quốc trong bối cảnh cạnh tranh Mỹ - Trung gia tăng, cũng như một số doanh nghiệp nước ngoài dịch chuyển chuỗi cung ứng nhằm phân tán rủi ro. (SCMP, Reuters)
Châu Âu
Hội nghị thượng đỉnh các nước Liên minh châu Âu (EU) bắt đầu từ 17/7 chỉ kết thúc sau 4 ngày đàm phán do lãnh đạo EU không tìm được tiếng nói chung cho kế hoạch phục hồi sau Covid-19.
Cụ thể, gói phục hồi trị giá 750 tỷ Euro gồm các khoản cho vay và hỗ trợ các nước bị ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19 đã vấp phải sự phản đối của các nước thành viên chủ trương tiết kiệm chi tiêu như Hà Lan, Áo, Thụy Điển và Đan Mạch. Tuy nhiên, kết thúc cuộc họp, EU đã nhất trí dành 1.000 tỷ Euro ngân sách cho phục hồi kinh tế trong 7 năm tới và giữ nguyên quyết định thành lập Quỹ phục hồi kinh tế trị giá 750 tỷ Euro, nhưng mức hỗ trợ đã được giảm từ 500 tỷ Euro xuống còn 390 tỷ Euro. (Bloomberg, CNBC)
Ấn Độ-EU
Chiều 15/7, Ấn Độ và Liên minh châu Âu (EU) tổ chức Hội nghị thượng đỉnh trực tuyến. Sự kiện được kỳ vọng sẽ mở ra chương mới cho quan hệ đối tác chiến lược song phương với một lộ trình phát triển 5 năm.
EU có tầm quan trọng chiến lược lớn đối với Ấn Độ và là đối tác thương mại lớn nhất của New Delhi trong năm 2018. Kim ngạch thương mại hai chiều Ấn Độ-EU trong tài khóa 2018-2019 đạt 115,6 tỷ USD, trong đó Ấn Độ xuất khẩu 57,2 tỷ USD và nhập khẩu 58,4 tỷ USD. (The Week)
Nhật Bản-Trung Quốc
Chính phủ Nhật Bản tuyên bố chi trả ít nhất 57,4 tỷ Yên (~536 triệu USD) trong đợt khuyến khích dịch chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc. Đây là khoản tiền được trích ra từ gói ngân sách hơn 243 tỷ Yên mà Chính phủ Nhật Bản thông qua hồi tháng 4 nhằm giảm phụ thuộc vào chuỗi cung từ Trung Quốc thông qua việc hỗ trợ doanh nghiệp chuyển nhà máy về nước hoặc đến các nước ASEAN.
Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản cho hay, 57 doanh nghiệp của nước này sẽ nhận tổng số tiền hỗ trợ lên tới 536 triệu USD từ Chính phủ. Ngoài ra, 30 doanh nghiệp khác sẽ được nhận tiền hỗ trợ để chuyển nhà máy đến Việt Nam, Myanmar, Thái Lan và các quốc gia Đông Nam Á khác.(Bloomberg, Nikkei Asian Review)
Hàn Quốc
Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc (BoK) cho biết, nền kinh tế nước này trong năm nay có thể sẽ suy giảm hơn 0,2% do sự phục hồi đầu tư chậm hơn dự báo và tình trạng mất việc làm vẫn tiếp tục.
Trong thông báo về kết quả cuộc họp lãi suất mới đây nhất, BoK khẳng định giữ nguyên lãi suất ở mức 0,5%. Mặc dù tiêu dùng đã phục hồi nhờ một số biện pháp hạn chế các hoạt động kinh tế nhằm ngăn chặn đại dịch Covid-19 được nới lỏng và Chính phủ thực hiện gói kích thích, xuất khẩu vẫn tiếp tục giảm. Xuất khẩu của Hàn Quốc giảm 4 tháng liên tiếp kể từ tháng 3, trong khi số việc làm bị mất nhiều hơn số việc làm tăng thêm. (Business Korea)
ASEAN-Trung Quốc
ASEAN đã trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong nửa đầu năm 2020, chiếm 14,7% tổng kim ngạch thương mại của nước này, nhờ Nghị định thư sửa đổi Hiệp định Khu vực thương mại tự do Trung Quốc-ASEAN và sự kết nối chuỗi cung ứng.
Kim ngạch thương mại của Trung Quốc với ASEAN đạt 2.090 tỷ NDT (299 tỷ USD) trong 6 tháng đầu năm, tăng 5,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Số liệu của Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GAC) được công bố ngày 14/7 cho thấy, xuất khẩu của nước này sang ASEAN tăng 3,4%, lên 1.150 tỷ NDT, trong khi nhập khẩu từ khối này tăng 8,5%, lên 938,57 tỷ NDT. (Asia Times)