📞

Kinh tế thế giới nổi bật tuần qua (19-25/2): Đòn đau của Washington với Huawei, Trung Quốc vượt Mỹ lần đầu thành bạn hàng lớn nhất của EU

Chu Văn 08:30 | 25/02/2021
TGVN. Giá dầu có thể tăng 5-10 USD/thùng, Huawei sẽ giảm hơn 60% xuất khẩu điện thoại thông minh trong năm 2021, Mỹ có thể thiệt hại 1.000 tỷ USD và chứng khiến khả năng cạnh tranh toàn cầu suy giảm nếu tiếp tục cứng rắn với Trung Quốc... là các tin kinh tế thế giới nổi bật tuần qua.

Kinh tế thế giới tuần qua

G7 cam kết đẩy nhanh phát triển và triển khai vaccine trên toàn cầu

Tại Hội nghị thượng đỉnh trực tuyến của Nhóm Các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) ngày 19/2, các nhà lãnh đạo G7 đã cam kết tăng cường hợp tác ứng phó với dịch Covid-19. Trong tuyên bố chung kết thúc Hội nghị, các nhà lãnh đạo G7 cam kết sẽ đẩy nhanh quá trình phát triển và triển khai vaccine trên toàn cầu; phối hợp để nâng cao năng lực sản xuất vaccine, bao gồm cả việc thông qua cấp phép tạp thời; cải thiện việc chia sẻ thông tin như việc giải mã gen các biến thể mới; thúc đẩy các hoạt động minh bạch và có trách nhiệm và sự tin tưởng đối với vaccine. Các nhà lãnh đạo G7 cũng tái khẳng định sự ủng hộ đối với tất cả các trụ cột của Chương trình hợp tác tăng tốc tiếp cận các công cụ ứng phó với Covid-19 (ACT-A), dự án COVAX và quyền tiếp cận công bằng và hợp lý đối với vaccine, phương pháp điều trị và chẩn đoán… (TG&VN)


Giá dầu có thể tăng 5-10 USD/thùng

Theo ngân hàng JPMorgan, giá dầu thế giới trong năm 2021 có thể tăng thêm 5-10 USD/thùng trên mức hiện tại là khoảng 62 USD/thùng. Giá dầu đã tăng mạnh từ đầu năm 2021 trên cơ sở tình hình tiêm vaccine phòng chống Covid-19 và diễn biến dịch bệnh có vẻ khả quan hơn. Theo JPMorgan, tình hình kinh tế thế giới có dấu hiệu phục hồi tốt sẽ đẩy thêm giá dầu, tuy nhiên khó có thể đạt mức 80-90 USD/thùng vào cuối năm 2021. (CNBC)


Mỹ-Trung Quốc

Theo báo cáo của Phòng Thương mại Mỹ và Rhodium Group, nước Mỹ có thể thiệt hại 1.000 tỷ USD và chứng khiến khả năng cạnh tranh toàn cầu suy giảm trong dài hạn nếu Nhà Trắng tiếp tục duy trì chính sách cứng rắn với Trung Quốc.

Báo cáo ước tính về lĩnh vực thương mại, nếu mở rộng biểu thuế 25% đối với toàn bộ hoạt động thương mại hai chiều, GDP của Mỹ sẽ mất 190 tỷ USD/năm vào năm 2025. Mức thiệt hại thậm chí có thể nặng nề hơn khi tính đến tác động từ việc Mỹ mất quyền tiếp cận thị trường ở Trung Quốc đối với doanh thu và thị trường việc làm, trong khi ngân sách cho nghiên cứu và phát triển (R&D) và khả năng cạnh tranh đều giảm. Báo cáo khuyến nghị Chính phủ Mỹ nên theo đuổi những hành động có tính toán trong phạm vi hẹp, để bảo vệ an ninh quốc gia, như hạn chế xuất khẩu các giấy phép công nghệ trong những lĩnh vực cụ thể. Báo cáo cảnh báo việc cắt đứt hoàn toàn các doanh nghiệp Mỹ khỏi thị trường Trung Quốc có thể sẽ gây ra những hậu quả lớn hơn cho vai trò lãnh đạo toàn cầu của Mỹ trong dài hạn. (CNBC)

Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) ngày 18/2 cho biết, xuất khẩu nông sản của Mỹ sang Trung Quốc dự báo sẽ đạt mức kỷ lục 31,5 tỷ USD trong tài khóa 2021 (kết thúc vào ngày 30/9/2021). Trong báo cáo Triển vọng Thương mại Nông nghiệp Mỹ, USDA công bố con số này cao hơn 4,5 tỷ USD so với dự báo trước đó vào tháng 11/2020, do xuất khẩu tăng mạnh trong quý I/2021 và lượng nông sản xuất sang Trung Quốc tăng vọt. Theo USDA, Trung Quốc được dự báo sẽ là thị trường mua nông sản lớn nhất của Mỹ trong tài khóa 2021, tiếp theo là Canada và Mexico. Tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản của Mỹ trong tài khóa 2021 ước đạt 157 tỷ USD, tăng 5 tỷ USD so với dự báo hồi tháng 11/2020 nhờ xuất khẩu hạt có dầu và ngũ cốc. (USDA)


Kinh tế Mỹ

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cho biết, mặc dù kinh tế Mỹ có dấu hiệu phục hồi tốt hơn dự kiến trong các tháng đầu năm 2021, quốc gia này vẫn cần một gói kích thích lớn khác để thúc đẩy tăng trưởng, đưa nền kinh tế quay lại quỹ đạo trước Covid-19. Bà Yellen cho biết, giá trị gói kích thích này là khoảng 1.900 tỷ USD. (CNBC)


Kinh tế Trung Quốc

Theo báo cáo của Tổ chức tư vấn Capital Economics, nền kinh tế Trung Quốc được dự đoán sẽ vẫn đứng thứ 2 thế giới vào năm 2050 và xếp sau Mỹ. Capital Economics cho rằng kinh tế Trung Quốc sẽ không tăng trưởng đều như Mỹ trong thời gian tới, một phần vì lực lượng lao động của quốc gia này sẽ giảm hơn 0,5%/năm vào năm 2030. Trong khi đó, lực lượng lao động ở Mỹ sẽ tăng trưởng trong 30 năm tới nhờ tỷ lệ sinh cao hơn và chính sách nhập cư.

Trái ngược với nhận định trên, các nhà nghiên cứu tại Ngân hàng đầu tư Nomura cho rằng, nếu đồng Nhân dân tệ tăng giá hơn nữa và ở mức khoảng 6 Nhân dân tệ đổi 1 USD, nền kinh tế Trung Quốc sẽ vượt qua Mỹ vào năm 2026. Dự báo này được đưa ra dựa trên báo cáo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), trong đó ước tính GDP danh nghĩa của Trung Quốc đạt 7,9% trong năm 2025 và sẽ còn tăng nữa và đồng thời dựa trên giả định kinh tế Mỹ sẽ thụt lùi so với mức trước đại dịch. (WSJ)

Tại Kỳ họp thứ 3 Quốc hội Trung Quốc khóa XIII, phương hướng cải cách doanh nghiệp nhà nước được Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường trình bày trong Báo cáo công tác Chính phủ, được chuyên gia Trung Quốc nhận định là giai đoạn quan trọng để Trung Quốc hoàn thành cải cách doanh nghiệp nhà nước. Theo ý kiến của nhiều nhà nghiên cứu của Trung Quốc, giải pháp quan trọng để đi sâu cải cách doanh nghiệp nhà nước trong năm 2021 là phương án kế hoạch hành động 3 năm, từ đó phát huy toàn diện vai trò đi đầu của các doanh nghiệp có hiệu quả kinh doanh cao và doanh nghiệp công nghệ tiên tiến. (TG&VN)

Tập đoàn công nghệ Huawei của Trung Quốc dự kiến trong năm 2021 sẽ giảm hơn 60% xuất khẩu điện thoại thông minh so với năm 2020 do ảnh hưởng từ các lệnh trừng phạt của Mỹ. Huawei đã gặp rất nhiều khó khăn trong việc mua các thành phần quan trọng như chất dán dẫn trong bối cảnh chính quyền của cựu Tổng thống Trump đặt ra các biện pháp kiểm soát xuất khẩu. Trong năm 2020, Huawei đã xuất khẩu 189 triệu chiếc điện thoại thông minh, đứng thứ 3 thế giới. Tuy nhiên, trong năm 2021, con số này có thể sẽ giảm xuống khoảng 70 triệu chiếc. Trong quý IV/2020, xuất khẩu điện thoại thông minh của tập đoàn cũng đã giảm 42,4% so với cùng kỳ năm trước đó. (Kyodo)


Mỹ-EU

Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen khẳng định, châu Âu và Mỹ nên hợp tác trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu và đạt được một khuôn khổ mới cho thị trường kỹ thuật số, hạn chế quyền lực của các công ty công nghệ lớn.

EC đã cam kết cắt giảm lượng phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính xuống 0 vào năm 2050, trong khi Tổng thống Joe Biden cũng đưa ra cam kết tương tự cho nền kinh tế Mỹ. Ngoài ra EC cũng cho biết, EU và Mỹ có thể cùng tạo ra một bộ quy tắc về nền kinh tế kỹ thuật số có giá trị trên toàn thế giới. Chủ tịch EC đề cập tới việc Facebook tạm hoãn tính năng chia sẻ tin tức tại Australia để đáp lại dự luật yêu cầu Facebook và Google chia sẻ doanh thu với các hãng truyền thông địa phương. Bà cho rằng, sự kiện nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tìm ra cách tiếp cận toàn cầu để đối phó với những “đại gia” công nghệ. (MSN)


EU-Trung Quốc

Theo số liệu của Eurostat, trong năm 2020, Trung Quốc đã vượt qua Mỹ lần đầu tiên trở thành bạn hàng thương mại lớn nhất của Liên minh châu Âu (EU). Xuất khẩu của EU sang Trung Quốc tăng 2,2% so với 2019, trong khi nhập khẩu tăng 5,6%.

Trong khi đó, xuất khẩu của EU sang Mỹ giảm 8,2% và nhập khẩu giảm 13,2%. Bộ phận nghiên cứu trực thuộc tập đoàn ING cho rằng, lý do chính là vì Trung Quốc là nền kinh tế lớn duy nhất tăng trưởng dương trong năm 2020. Tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng, EU dường như đang tăng cường quan hệ kinh tế với Trung Quốc, hai bên đã ký thoả thuận hợp tác đầu tư hồi đầu tháng 12/2020, nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp EU tiếp cận dễ dàng hơn thị trường Trung Quốc. Tại buổi lễ, Cao uỷ thương mại EU Valdis Dombrovskis khẳng định, tình hình hiện tại khiến EU không có lựa chọn nào khác là phải hợp tác chặt chẽ với các đối tác, trong đó có Trung Quốc. (CNBC)


Châu Âu

Thống đốc Ngân hàng Trung ương Pháp Francois Villeroy de Galhau cho rằng, nước này nên giảm dần hỗ trợ tài chính cho nền kinh tế trong năm tới, khi các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 được dỡ bỏ. Người đứng đầu Ngân hàng trung ương Pháp nhận định kinh tế Pháp không có nguy cơ phát triển quá nóng. Ông Villeroy cho rằng, châu Âu nên thúc đẩy vai trò quốc tế của đồng Euro khi mức độ sử dụng đồng tiền này trong dự trữ ngoại hối toàn cầu chỉ bằng 1/3 đồng USD, trong khi quy mô nền kinh tế của Mỹ và châu Âu lại tương đương nhau. Trước đó trong tháng này, ông Villeroy nhấn mạnh kinh tế Pháp vẫn đang trên đà phục hồi với mức tăng 5% trong năm nay. Pháp đã trải qua đợt suy thoái sâu nhất sau thời kỳ hậu chiến trong năm 2020, với mức giảm đến 8,3%, do sự bùng phát dịch Covid-19 và những biện pháp phòng chống dịch, trong đó có hai đợt phong tỏa toàn quốc. (Reuters)

Chính phủ Anh ngày 21/2 cho biết, sẽ tăng cường hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp hoạt động trong ngành đánh bắt cá và nuôi trồng hải sản sau khi các doanh nghiệp này bị ảnh hưởng bởi các vấn đề liên quan đến xuất khẩu giai đoạn hậu Brexit, cũng như nhu cầu sụt giảm do đại dịch Covid-19. Bên cạnh đó, Chính phủ nước này cũng tuyên bố sẽ mở rộng đối tượng là các doanh nghiệp đánh bắt cá và nuôi trồng hải sản được hưởng lợi từ gói hỗ trợ trị giá 23 triệu Bảng Anh (32,4 triệu USD). Bộ trưởng Môi trường Anh George Eustice cho biết: “Các ngư dân là trung tâm của các cộng đồng sinh sống ven biển. Chính phủ nhận thấy tác động của đại dịch Covid-19 cũng như việc kết thúc giai đoạn chuyển tiếp Brexit đối với họ”. Theo ông George Eustice, việc mở rộng đối tượng hưởng lợi từ gói hỗ trợ sẽ đảm bảo thêm nhiều doanh nghiệp có thể tiếp cận sự hỗ trợ của Chính phủ. (CNN


Nhật Bản và Hàn Quốc

Bộ Tài chính Nhật Bản ngày 17/2 cho biết, xuất khẩu trong tháng 1/2021 đã tăng 6,4% so với cùng kỳ năm trước. Xuất khẩu của Nhật Bản sang Trung Quốc – đối tác thương mại lớn nhất của Nhật Bản - trong tháng 1/2021 tăng 37,5% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng cao nhất kể từ tháng 4/2020, với mức tăng cao nhất đối với các mặt hàng: thiết bị sản xuất chip, nhựa và kim loại màu. Tuy nhiên, xuất khẩu của Nhật Bản sang Mỹ giảm 4,8% do nhu cầu đối với phụ tùng máy bay, động cơ và ô tô giảm. (The Japan times)

Theo "Sách Xanh" báo cáo kinh tế hàng tháng được Bộ Kinh tế và Tài chính Hàn Quốc vừa công bố, hoạt động đầu tư và lĩnh vực sản xuất đã được cải thiện gần đây nhờ hoạt động xuất khẩu phục hồi. Tuy nhiên, Bộ này lưu ý rằng, nền kinh tế tiếp tục đối mặt với sự bất ổn do nhu cầu trong nước và thị trường việc làm suy yếu trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp và các biện pháp kiểm dịch được thắt chặt. Trên thị trường việc làm, báo cáo cho thấy số lượng việc làm trong tháng 1/2021 giảm 982.000 so với cùng kỳ năm ngoái, đánh dấu mức giảm nhanh nhất kể từ tháng 12/1998. (The Korea Times)


ASEAN và các nền kinh tế mới nổi

Trong nửa đầu tháng hai, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam đạt gần 9,94 tỷ USD, giảm xấp xỉ 23% so với cùng kỳ tháng trước; trong đó khối doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt trên 7,51 tỷ USD và giảm 23,82%; kim ngạch nhập khẩu hàng hóa trong kỳ đạt trên 9,24 tỷ USD, giảm tới 29,71% so với cùng kỳ tháng trước. Cán cân thương mại hàng hóa tính từ đầu năm đến hết giữa tháng hai ghi nhận xuất siêu 2,76 tỷ USD.

Chính phủ Indonesia sẽ tiếp tục các chương trình kích cầu, bao gồm trợ cấp, hỗ trợ lãi suất, tái cơ cấu tín dụng, cấp các khoản vay vi mô cho các doanh nghiệp du lịch do ngành này bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch Covid-19. Tổng cộng, Chính phủ Indonesia đã phân bổ 3.300 tỷ rupiah (gần 236,5 triệu USD) hỗ trợ ngành du lịch trong năm 2020. Trong năm 2021, chính phủ Indonesia sẽ chuyển trọng tâm ngành du lịch sang thu hút khách du lịch nội địa với số lượng dự kiến đạt 50-55 triệu lượt trong năm 2021.

Ngân hàng Trung ương Thái Lan (BoT) báo cáo trong quý IV/2020, nền kinh tế Thái Lan suy giảm 4,2% so với cùng kỳ năm 2019, dẫn đến mức giảm 6,1% cho cả năm 2020, mức giảm mạnh nhất trong hai thập niên qua. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Thái Lan trong quý IV/2020 tăng trưởng 1,3% so với quý III/2020, nhưng suy giảm 4,2% so với cùng kỳ năm 2019. Mức dự báo tăng trưởng GDP trong năm 2021 giảm còn 2,5%.

Chính phủ Malaysia vừa công bố Kế hoạch kinh tế kỹ thuật số (MyDigital) nhằm thúc đẩy sự chuyển đổi của quốc gia Hồi giáo này thành trung tâm kỹ thuật số của Đông Nam Á vào năm 2030. Chính phủ Malaysia đã thành lập Hội đồng Kinh tế kỹ thuật số (MDEC) được điều hành bởi sáu nhóm, gồm kinh tế, xã hội, công nghệ mới nổi, tài năng kỹ thuật số, cơ sở hạ tầng kỹ thuật số, và dữ liệu nhằm thiết lập các chính sách, thực hiện và giám sát các chiến lược và sáng kiến cho nền kinh tế kỹ thuật số.

Ấn Độ vừa phê duyệt Kế hoạch khuyến khích liên kết sản xuất (PLI) trị giá gần 122 tỷ rupee (khoảng 1,7 tỷ USD) đối với các sản phẩm mạng và viễn thông, nhằm tăng cường năng lực sản xuất và thúc đẩy xuất khẩu. Chính phủ Ấn Độ kỳ vọng sản xuất trong nước các thiết bị viễn thông sẽ trị giá 2.442 tỷ rupee (33,5 tỷ USD), xuất khẩu đạt 1.954 tỷ rupee (26,8 tỷ USD), tạo ra 40.000 việc làm mới và mang lại doanh thu thuế khoảng 170 tỷ rupee (2,3 tỷ USD) trong 5 năm tới.