Kinh tế thế giới nổi bật tuần qua (23/7-30/7): Vàng tăng trở lại sau quyết định của Fed, |
Kinh tế toàn cầu
Covid-19 giáng ba cú sốc vào các quốc gia đang phát triển
Báo cáo cập nhật tình hình kinh tế khu vực Đông Á-Thái Bình Dương tháng 10/2020 với tiêu đề “Từ Ngăn chặn đến Phục hồi” của Ngân hàng Thế giới (WB) nhận định, Covid-19 đã và đang giáng ba cú sốc vào các quốc gia đang phát triển của khu vực bao gồm: bản thân đại dịch, tác động kinh tế từ các biện pháp ngăn chặn và ảnh hưởng từ suy thoái toàn cầu do đợt khủng hoảng gây ra.
WB đồng thời khuyến nghị, cần nhanh chóng hành động để đảm bảo đại dịch không cản trở tăng trưởng và gia tăng tỷ lệ nghèo trong những năm tới. WB dự báo, khu vực Đông Á-Thái Bình Dương tăng trưởng 0,9% trong năm 2020, mức tăng trưởng thấp nhất kể từ 1967. Trong đó, Trung Quốc được dự báo tăng trưởng 2% trong năm 2020. Ngoài Trung Quốc, dự báo chỉ có thêm Việt Nam và Myanmar duy trì được tăng trưởng dương với các mức tăng lần lượt là 2,8% và 0,5%. Tất cả các nền kinh tế còn lại đều dự kiến tăng trưởng âm trong năm nay, Indonesia (-1,6%), Malaysia (-4,9%), Philippines (-6,9), Thái Lan (-8,3%), Campuchia (-2%), Lào (-0,6%).
Triển vọng khu vực năm 2021 được dự báo sẽ sáng sủa hơn với tăng trưởng đạt 7,4% dựa trên giả định khôi phục tiếp tục diễn ra, hoạt động kinh tế trở lại bình thường ở các nền kinh tế lớn và khả năng có vaccine. Tuy nhiên, tổng sản lượng dự báo vẫn thấp hơn mức trước đại dịch trong hai năm tới. (WB)
Hội nghị Thượng đỉnh G20 sẽ được tổ chức trực tuyến vào ngày 21-22/11
Theo Văn phòng Quốc vương Saudi Arabia, Hội nghị Thượng đỉnh nhóm các nền kinh tế lớn G20 sẽ được tổ chức trực tuyến vào ngày 21 và 22/11 dưới sự chủ trì của Quốc vương Salman Bin Abdulaziz.
Thông cáo báo chí cho biết, kết quả của nhiệm kỳ Chủ tịch G20 sẽ dựa trên thành công của Hội nghị Thượng đỉnh G20 trực tuyến bất thường được tổ chức vào tháng 3/2020 và dựa trên kết quả của hơn 100 cuộc họp trực tuyến của các nhóm công tác và các cuộc họp cấp Bộ trưởng. G20 đang đi đầu trong cuộc chiến chống đại dịch toàn cầu, khẩn trương thực hiện các hành động chưa từng có để bảo vệ cuộc sống, sinh kế và những người dễ bị ảnh hưởng nhất. Nội dung của Hội nghị Thượng đỉnh sắp tới sẽ tập trung vào khôi phục tăng trưởng bằng cách giải quyết các vấn đề phát sinh trong đại dịch. (TG&VN)
Mỹ-Trung Quốc
Trung Quốc cáo buộc Mỹ và Ấn Độ vi phạm quy định của WTO tại cuộc họp kín của Hội đồng Thương mại Dịch vụ WTO tại Geneva mới đây. Trung Quốc đã cáo buộc việc Mỹ và Ấn Độ áp đặt các lệnh cấm đối với các ứng dụng của Trung Quốc, bao gồm Tiktok và WeChat là không phù hợp với các quy định của WTO, hạn chế thương mại dịch vụ xuyên biên giới, vi phạm các nguyên tắc cơ bản và mục tiêu của hệ thống thương mại đa phương.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ban hành một loạt sắc lệnh cấm các thực thể Mỹ làm ăn với các tập đoàn thiết kế các ứng dụng trên, cũng như cấm tải xuống các ứng dụng trên từ kho ứng dụng của Mỹ; thúc ép việc bán Tiktok cho đối tác Mỹ trước thời hạn 14/11.
Trong tháng 6, Ấn Độ cũng cấm ứng dụng Tiktok và hơn 50 ứng dụng khác của Trung Quốc bao gồm WeChat, Baidu Maps sau đụng độ của binh lính hai nước tại khu vực biên giới Himalayas, lập luận các ứng dụng này đánh cắp và truyền các dữ liệu của người sử dụng mà không được sự cho phép đến các server bên ngoài lãnh thổ Ấn Độ.
Mỹ
Sáng 2/10, Hạ viện Mỹ do đảng Dân chủ kiểm soát đã bỏ phiếu thông qua gói cứu trợ Covid-19 trị giá 2.200 tỷ USD gồm điều khoản trợ cấp thất nghiệp 600 USD/tuần cho người lao động đến hết tháng 1/2021, hỗ trợ 1.200 USD cho hầu hết người dân Mỹ, 25 tỷ USD cho các hãng hàng không, 436 tỷ USD cho các chính quyền địa phương và hỗ trợ các hoạt động phòng chống dịch, giáo dục, chăm sóc trẻ, mua nhà trả góp.
Tuy nhiên, dù được Hạ viện thông qua song chắc chắn gói đề xuất này sẽ không thể qua được Thượng viện Mỹ, nơi đảng Cộng hòa chiếm ưu thế. Phía đảng Cộng hòa cho rằng, kế hoạch chi tiêu trên của đảng Dân chủ là "quá tốn kém" dù các nghị sỹ Dân chủ đã có sự nhượng bộ, giảm 1.000 tỷ USD so với đề xuất ban đầu. (TTXVN)
Bộ Lao động Mỹ ngày 2/10 cho hay, nước này đã tạo thêm được 661.000 việc làm trong tháng 9/2020, góp phần đưa tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ xuống mức 7,9%.
Số việc làm mới trong tháng 9/2020 chưa bằng một nửa so với con số tương ứng đã được điều chỉnh của tháng 8 là gần 1,5 triệu việc làm, cho thấy đà phục hồi của thị trường việc làm tại Mỹ đã chậm lại sau khi các hoạt động kinh doanh phải tạm ngừng từ tháng 3/2020 do dịch Covid-19. Số việc làm trong các cơ quan chính phủ cũng giảm trong tháng 9, chủ yếu ở mảng giáo dục cấp nhà nước và địa phương. (AFP)
Trung Quốc
Theo số liệu của Cục Thống kê Trung Quốc, trong tháng 9/2020, chỉ số Nhà Quản trị mua sắm (PMI) ngành sản xuất đạt 51,5%, tăng 0,5 điểm % so với tháng 8/2020; chỉ số PMI phi sản xuất đạt 55,9%, tăng 0,7 điểm % so với tháng 8/2020; chỉ số PMI tổng hợp đạt 55,1%, tăng 0,6 điểm % so với tháng 8/2020.
Ba chỉ số trên đều đạt mức cao nhất kể từ đầu năm, cho thấy nền kinh tế này đang duy trì đà phục hồi ổn định. Giáo sư Học viện Kinh tế thuộc Đại học Bắc Kinh Tào Hòa Bình nhận định, nhờ các chính sách hỗ trợ, kích thích kinh tế mạnh mẽ, kinh tế Trung Quốc đã đạt được sự phục hồi hình chữ V. Tuy nhiên, gần đây có số ý kiến cho rằng, xu hướng phục hồi của kinh tế Trung Quốc có thể sẽ có hiện tượng suy giảm trong cuối quý 3 và đầu quý 4/2020. (TG&VN)
Trong giai đoạn tháng 7-9/2020, đồng Nhân dân tệ (NDT) tiếp tục tăng giá so với USD, cụ thể đồng NDT đã tăng giá 3,71% so với USD, dao động trong biên độ tỷ giá 6,8115-6,8120/1 USD, do USD mất giá và dòng vốn đầu tư nước ngoài đang đổ lại vào nền kinh tế Trung Quốc.
HSBC dự báo, NDT sẽ tăng lên mức 6,70 NDT/1 USD vào cuối năm 2020 và tiếp tục tăng lên mức 6,60 NDT/1 USD vào cuối năm 2021. (TG&VN)
Châu Âu
Các tổ chức hàng không Châu Âu đang ra sức kêu gọi thay thế các biện pháp cách ly bằng xét nghiệm, với mong muốn tạo thuận lợi hơn cho du khách xuyên biên giới lên kế hoạch đoàn tụ gia đình và du lịch trong kỳ nghỉ cuối năm. Biện pháp này cũng được kỳ vọng sẽ tháo gỡ khó khăn của hàng triệu lao động trong ngành hàng không và du lịch hiện nay.
Sau khi đồng ký thư gửi Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Von der Leyen hôm 17/9 về vấn đề này, ACI Europe, A4E và IATA đã đề xuất một quy trình xét nghiệm phục vụ du khách trên toàn EU (EU-TPT). Số liệu của IATA cho thấy các chuyến bay quốc tế và nội bộ EU đã giảm 66,3%, trong khi ACI Europe cho biết tính đến 27/9, mức độ sụt giảm là 78%, và có thể gây thất nghiệp cho trên 52% nhân lực trong ngành hàng không và các ngành lệ thuộc vào hàng không, tương đương 7 triệu việc làm. Thiệt hại về kinh tế ước tính sẽ là 450 tỷ Euro. (Traveldailynews.com)
Covid-19 cùng với việc không đạt được thỏa thuận thương mại hậu Brexit với EU có thể khiến GDP của Anh thiệt hại khoảng 174 tỉ USD/năm trong 10 năm tới, nghiên cứu của Baker & McKenzie cho biết.
Thủ tướng Anh Johnson đã chọn 15/10 làm thời hạn để đạt thỏa thuận thương mại hậu Brexit, dự kiến sẽ có hiệu lực khi Anh chấm dứt tư cách thành viên không chính thức của EU vào cuối năm nay. Covid-19 sẽ khiến GDP của Anh giảm 2,2% so với dự báo trước dịch bệnh, trong khi Brexit, kể cả khi kèm theo thỏa thuận thương mại, cũng sẽ khiến GDP của nước này giảm thêm 3,1% so với kịch bản giả định nếu Anh còn ở lại trong EU, trong khi xuất khẩu hàng hóa sẽ giảm 6,3%. Nhưng nếu không có thỏa thuận hậu Brexit, thiệt hại có thể lên tới 3,9%. (Reuters)
Triển vọng phục hồi của khu vực Eurozone trở nên mờ mịt hơn trong tháng 9 khi ngày càng có nhiều dấu hiệu cho thấy các ngành và quốc gia trong khối đang gặp khó khăn do Covid-19 bùng phát trở lại buộc chính quyền phải tăng cường các biện pháp giãn cách xã hội.
Một cuộc thăm dò cuối tháng 9 của Reuters cho thấy, hoạt động trong ngành dịch vụ, vốn chiếm 2/3 GDP của EuroZone, đã suy giảm trở lại sau khi một số thăm dò tương tự tuần trước cho thấy khu vực công nghiệp có tín hiệu hồi phục. Tình hình giữa các quốc gia thành viên cũng có nhiều khác biệt. Khu vực dịch vụ của Đức hầu như không tăng trưởng trong tháng 9, nhưng các ngành sản xuất lại hồi phục tích cực. Trong khi đó, hoạt động kinh doanh của Pháp sụt giảm lần đầu tiên kể từ tháng 6, còn ngành dịch vụ Tây Ban Nha tiếp tục chìm sâu vào khủng hoảng do lệnh hạn chế đi lại đã ảnh hưởng sâu sắc đến mùa du lịch hè. Khu vực dịch vụ của Italy đã suy giảm tháng thứ hai liên tiếp và chưa có dấu hiệu phục hồi. (Reuters)
Nhật Bản và Hàn Quốc
Theo số liệu của Cục Thống kê ngày 30/9, tỷ lệ thất nghiệp tháng 8/2020 ở mức 3%, cao hơn mức 2,9% của tháng 7 và là mức cao nhất trong 3 năm trở lại đây kể từ tháng 5/2017 (3,1%), cho thấy sự đảo ngược của xu hướng giảm thất nghiệp dưới chính sách Abenomics. Ngoài ra, theo kết quả khảo sát hàng quý của Ngân hàng Trung ương ngày 1/10, có sự chênh lệch về tốc độ phục hồi của các ngành, cụ thể, lĩnh vực CNTT tiên tiến đã phục hồi nhờ nhu cầu ngày càng tăng về công việc từ xa và công nghệ kỹ thuật số, trong khi các doanh nghiệp truyền thống gặp khó khăn, tạo ra một nền kinh tế lưỡng cực. (Nikkei Asia Review, Reuters)
Ông Hiroshi Moriyama, Chủ tịch Ủy ban về các vấn đề quốc hội Đảng Dân chủ tự do (LDP) cho biết, Chính phủ sẽ trình lên Quốc hội khoản ngân sách bổ sung thứ ba dành cho gói kích thích kinh tế vào tháng 1/2021. Theo đề xuất trước đó của ông Suga, gói kích thích tăng trưởng kinh tế này sẽ nhằm tăng mức lương tối thiểu và mở rộng bảo hiểm quốc gia cho các phương pháp điều trị vô sinh. (Nikkei)
Xuất khẩu của Hàn Quốc trong tháng 9 đã hồi phục lần đầu tiên trong vòng 7 tháng trong bối cảnh dịch bệnh nhờ tăng xuất khẩu các sản phẩm chip điện tử và ô tô đến các đối tác thương mại lớn. Theo số liệu của Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc, tổng giá trị xuất khẩu tháng 9 đạt 48 tỷ USD, tăng 7,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, nhập khẩu tăng 1,1% đạt 39,1 tỷ USD, đánh dấu mức thặng dư thương mại 8,8 tỷ USD, lớn nhất trong vòng 2 năm. (Yonhap News)
Các công ty dược phẩm của Hàn Quốc đã tham gia cuộc chạy đua toàn cầu để phát triển vaccine và thuốc điều trị bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19. Một số công ty đã được cơ quan an toàn dược phẩm của Hàn Quốc cho phép tiến hành các thử nghiệm lâm sàng. Chính phủ Hàn Quốc trước đó đã thông báo sẽ chi tổng cộng 94 tỷ won (80,3 triệu USD) trong năm nay để giúp các công ty trong nước phát triển vaccine và thuốc điều trị Covid-19. Trong năm tới, Chính phủ Hàn Quốc tiếp tục có kế hoạch dành 260,4 tỷ won để phát triển vaccine và thuốc điều trị. (Yonhap News)
ASEAN và các nền kinh tế mới nổi
Singapore thông báo sẽ kéo dài sang năm 2021 các chương trình hỗ trợ cho các khoản thế chấp và cho vay của cá nhân và doanh nghiệp nhỏ trong bối cảnh dịch Covid-19 kéo dài. Các chương trình hỗ trợ này dự kiến được có hiệu lực từ tháng 4 đến hết tháng 12/2020, bao gồm việc cho phép hoãn thanh toán thế chấp và tính lãi suất thấp hơn đối với các khoản vay.
Singapore đã chi khoảng 100 tỷ đôla Singapore, tương đương 20% GDP, cho các hoạt động hỗ trợ các hộ gia đình và doanh nghiệp trong bối cảnh Covid-19. Chính phủ cũng đang triển khai một chương trình hỗ trợ thủ tục nhanh hơn và chi phí thấp hơn đối với các công ty nhỏ trong việc cơ cấu lại các khoản nợ hoặc đóng cửa do tác động của đại dịch. (Reuters)
Quốc hội Indonesia thông qua bộ luật nhằm đơn giản hóa và sửa đổi hơn 70 quy định về lao động hiện hành, trong đó cho phép giảm dần thuế thu nhập doanh nghiệp từ 22% xuống 20% và miễn một số loại thuế cổ tức, qua đó tạo việc làm và thu hút đầu tư. Chính phủ Indonesia trước đó đã có gắng tăng chi tiêu công, đồng thời cảnh báo tăng trưởng không thể chỉ đến từ khu vực công mà còn cần đến khu vực tư nhân. Tổng thống Joko Widodo hy vọng việc thông qua dự luật có thể giúp củng cố nền kinh tế sắp gặp thêm khó khăn do đợt lây lan mới của dịch Covid-19, dự kiến sẽ tiếp tục làm hạn chế chi tiêu và đầu tư cá nhân trong xã hội. (Business Times)
Báo cáo cập nhật về kinh tế khu vực châu Á-Thái Bình Dương của WB đã hạ triển vọng tăng trưởng kinh tế Thái Lan trong năm 2020 xuống còn -8,3% so với dự báo trước đó là -5%, và sẽ mất ít nhất 2 năm để quay trở lại mức tăng trưởng trước thời kỳ Covid-19.
Quá trình phục hồi kinh tế Thái Lan có thể bị ảnh hưởng bởi hạn hán, lũ lụt hoặc làn sóng lây nhiễm Covid-19 lần thứ hai. Nhà kinh tế học của WB Kiatipong Ariyapruchya cho biết, các nhân tố trên có thể khiến kinh tế Thái Lan sụt giảm 10,4% trong năm 2020 và quá trình phục hồi có thể mất 3 năm. (Bangkok Post)