Kinh tế thế giới tuần này vẫn còn nhiều tin buồn, nhưng nhận tin vui khá bất ngờ từ Thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung Quốc giai đoạn 1. |
Kinh tế thế giới
Thương mại toàn cầu trong năm 2020 sẽ giảm từ 7% - 9%
Trong báo cáo cập nhật thương mại toàn cầu hàng quý vừa công bố, Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) dự báo, thương mại toàn cầu trong năm 2020 sẽ giảm từ 7% - 9% cho dù có dấu hiệu phục hồi trong quý III/2020. Cơ quan thương mại và phát triển của Liên hợp quốc ước tính thương mại thế giới trong quý III năm nay thấp hơn khoảng 5% so với cùng kỳ năm 2019. Đáng chú ý, báo cáo của UNCTAD nêu bật sự phục hồi thương mại của Trung Quốc. Xuất khẩu của Trung Quốc, sau khi giảm trong những tháng đầu của đại dịch, đã ổn định trong quý II/2020 và phục hồi mạnh mẽ trong quý III/2020, với tốc độ tăng trưởng gần 10%. (UNCTAD)
Tăng trưởng kinh tế châu Á sẽ giảm 2,2% trong năm 2020
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo, tăng trưởng kinh tế châu Á sẽ giảm 2,2% trong năm nay, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn đang tác động tiêu cực đến nhiều quốc gia trong khu vực và trên thế giới. Tháng 7 vừa qua, IMF dự báo kinh tế châu Á sẽ giảm 1,6% trong năm 2020.
Đối với năm 2021, IMF dự báo tăng trưởng kinh tế của khu vực châu Á sẽ đạt 6,9%. Tuy nhiên, ngay cả với tốc độ tăng trưởng này, GDP của toàn khu vực trong năm 2021 vẫn sẽ thấp hơn mức dự báo được IMF đưa ra trước đại dịch. Với sự sụt giảm của lực lượng lao động và đầu tư tư nhân, GDP tiềm năng của toàn khu vực vào giữa thập kỷ có thể thấp hơn 5% so với trước đại dịch Covid-19. (IMF)
Mỹ-Trung Quốc
Theo Báo cáo của Bộ Nông nghiệp Mỹ và Văn phòng Đại diện thương mại Mỹ (USTR) ngày 23/10, các điều khoản về nông nghiệp trong Thỏa thuận về kinh tế và thương mại giai đoạn 1 giữa Mỹ và Trung Quốc đã đạt được tiến bộ và mang lại kết quả lịch sử cho ngành nông nghiệp Mỹ.
Cho đến nay, Trung Quốc đã thực hiện ít nhất 50/57 cam kết kỹ thuật theo Thỏa thuận. Trung Quốc cũng đã tăng cường mua các sản phẩm nông nghiệp của Mỹ. Tính đến nay, Trung Quốc đã mua hơn 23 tỷ USD hàng nông sản của Mỹ (ngô, đậu nành, cao lương, thịt lợn, thịt bò...), đạt khoảng 71% mục tiêu theo nội dung Thỏa thuận. (TGVN)
Kinh tế Mỹ
Số liệu GDP Quý III của Mỹ được công bố ngày hôm nay 29/10 (theo giờ địa phương) được dự báo sẽ ghi nhận mức tăng trưởng kỷ lục, lên tới 30%. Trong Quý III, nền kinh tế Mỹ đã mang trở lại 4 triệu việc làm, doanh số bán lẻ trong tháng 9 tăng 1,9%; chỉ số niềm tin trong giới điều hành doanh nghiệp trong tháng 9 đã tăng lên 64 điểm (từ 45 điểm trong tháng 8); 70% các giám đốc điều hành cho rằng, điều kiện kinh tế hiện tại đã tốt hơn thời điểm 6 tháng trước (so với mức 8% vào giai đoạn đầu của Quý). Báo báo cho rằng các diễn biến tiếp theo của nền kinh tế Mỹ, trong đó có thành tựu kinh tế của Tổng thống Trump, nguy cơ suy thoái do dịch bệnh…sẽ phụ thuộc nhiều vào tình hình Quý IV chứ không phải là tình hình hiện tại. (CNBC, 20/10)
Theo số liệu mới công bố của Bộ Lao động Mỹ, mức xin trợ cấp mới là 787.000 người, cao gấp 4 lần so với mức trước giai đoạn dịch bệnh. Cho đến nay, đã có khoảng 65 triệu người lao động Mỹ, chiếm 40% lực lượng lao động quốc gia phải tìm đến các khoản trợ cấp thất nghiệp. Đáng chú ý, số liệu của Bộ lao động cũng cho biết, hiện số người đang tiếp tục nhận trợ cấp thất nghiệp 8,37 triệu người, giảm khoảng 1 triệu người so với tuần trước đấy. Chỉ số này cho thấy các công ty đang thúc đẩy tuyển dụng trở lại. (Fox Business)
Kinh tế Trung Quốc
Tổng cục Thống kê quốc gia Trung Quốc (NBS) cho biết, GDP của nước này đã tăng trưởng 0,7% trong 3 quý đầu năm nay so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng trong quý III/2020, mức tăng này là 4,9% so với cùng kỳ năm ngoái và 2,7% so với quý trước. Tỷ lệ thất nghiệp tại các đô thị theo khảo sát chính thức đã giảm xuống mức 5,4% trong tháng 9, so với mức kỷ lục 6,2% hồi tháng 2, khi đại dịch Covid-19 ở trong giai đoạn cao điểm. Thương mại toàn cầu là động lực mạnh mẽ ngoài mong đợi đối với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Bên cạnh đó, người tiêu dùng trong nước cũng đang trở nên tự tin hơn. Sự lạc quan trở lại dựa trên thành công của Trung Quốc trong việc ngăn chặn thành công đại dịch Covid-19. Tính từ đầu năm 2020 đến nay, Trung Quốc đã triển khai nhiều biện pháp hỗ trợ cho nền kinh tế như tăng chi tiêu công, hạ lãi suất cho vay, giảm thuế và giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc trong hệ thống ngân hàng. (CNBC, Bloomberg)
Đồng nhân dân tệ của Trung Quốc (CNY) đã liên tục tăng giá trong những phiên gần đây, sáng 21/10 đạt mức cao kỷ lục trong vòng hơn 27 tháng so với USD. Kinh tế Trung Quốc hồi phục nhanh chóng sau đại dịch Covid-19 là động lực chính đẩy CNY mạnh lên. Yếu tố quan trọng thứ hai khiến CNY mạnh lên là chênh lệch lãi suất giữa Trung Quốc với các cường quốc khác. Kinh tế hồi phục tốt khiến Ngân hàng TW Trung Quốc không cần nới lỏng mạnh chính sách tiền tệ như những ngân hàng trung ương khác, dẫn tới việc đầu tư CNY sẽ có lãi suất tiền gửi cao hơn so với đầu tư vào những đồng tiền khác như USD hay EUR. Một yếu tố nữa cũng đang tác động đến tỷ giá tiền tệ Trung Quốc, đó là cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ. Ý kiến chuyên gia cho rằng, nếu ông Biden đắc cử thì sẽ có một lượng tiền bơm vào nền kinh tế Mỹ lớn hơn so với việc ông Trump tái đắc cử, và điều đó sẽ gây ra áp lực giảm giá nhiều hơn đối với USD và nếu ông Biden đắc cử thì mối quan hệ thương mại Mỹ - Trung sẽ bớt căng thẳng. (Reuters)
Châu Âu
Italy đã bác bỏ thỏa thuận giữa công ty viễn thông Fastweb và tập đoàn Huawei, Trung Quốc về việc cung cấp thiết bị cho hệ thống mạng 5G của Fastweb. Quyết định nói trên được đưa ra trong một cuộc họp của Chính phủ Italy vào tối 22/10, đánh dấu lần đầu tiên nước này phủ quyết một thỏa thuận với Huawei liên quan đến việc cung cấp thiết bị cho các hệ thống mạng 5G.
Tại cuộc họp, Chính phủ Italy đã sử dụng thẩm quyền phủ quyết đặc biệt để chặn đứng việc Fastweb, chi nhánh tại Italy của tập đoàn viễn thông Swisscom của Thụy Sỹ, thực hiện thỏa thuận với Huawei về cung cấp thiết bị 5G. Trước đó, Fastweb đã chọn Huawei làm nhà cung cấp duy nhất cho mạng 5G của mình. Hiện cả Huawei lẫn Fastweb đều từ chối bình luận về vấn đề này. (Reuters)
Theo báo cáo của IHS Markit, chỉ số PMI của khu vực Eurozone tháng 10 giảm xuống mức 49,2 điểm, đánh dấu tháng giảm thứ 3 liên tiếp và đây cũng là mức thấp nhất trong 4 tháng qua. PMI tháng 9 của Eurozone là 50,4 điểm. Như vậy, đây là lần đầu tiên PMI của khu vực này rơi xuống ngưỡng suy giảm kể từ tháng 6/2020. Nhà kinh tế trưởng của IHS Markit cho biết hoạt động kinh tế trên toàn khu vực trở lại ngưỡng suy giảm trong tháng 10 khi sản lượng tiếp tục tăng trong khi lĩnh vực dịch vụ suy giảm nặng nề vì tâm lý lo ngại đại dịch Covid-19.
Dù vậy, chuyên gia này nhận định hiện chỉ số PMI của Eurozone vẫn đang ở mức cao hơn đáng kể so với những mức thấp nhất từng được ghi nhận trong thời kỳ đỉnh điểm của làn sóng dịch đầu tiên hồi quý 2/2020. Việc PMI tiếp tục giảm cũng dẫn tới khả năng kinh tế khu vực sẽ lại suy giảm trong quý 4/2020. Theo IHS Markit, Đức là điểm sáng duy nhất, trong khi Pháp và toàn bộ phần còn lại của Eurozone tiếp tục trượt sâu hơn theo hướng suy giảm. (AFP)
Theo khảo sát của Standard Eurobarometer mới công bố, tình hình kinh tế, tài chính công, vấn đề nhập cư và sức khỏe là những mối quan tâm hàng đầu của người dân Liên minh châu Âu (EU). Được thực hiện vào tháng 7 và tháng 8/2020, dựa trên ý kiến của gần 27.000 người, cuộc khảo sát cho thấy 64% người châu Âu nghĩ rằng tình hình kinh tế đang rất tồi tệ và chỉ 42% tin rằng nền kinh tế sẽ phục hồi vào năm 2023 hoặc sau đó. Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, tình hình kinh tế dường như là mối quan tâm cấp bách nhất đối với công dân EU. Tình hình tài chính công và nhập cư của các nước thành viên EU đứng ở vị trí thứ hai. Sức khỏe là vấn đề được đề cập nhiều thứ tư tại EU. Tiếp theo là vấn đề về môi trường và khí hậu với tỷ lệ người quan tâm là 20%, trong khi đó vấn đề thất nghiệp chiếm 17%. (THX)
Nhật Bản và Hàn Quốc
Nhật Bản và Anh đã ký Hiệp định Thương mại tự do song phương nhằm đảm bảo tính liên tục trong hoạt động thương mại và đầu tư giữa hai nước sau khi giai đoạn chuyển tiếp Anh rời Liên minh châu Âu (EU) kết thúc. Sau khi thỏa thuận trên có hiệu lực, Anh sẽ bỏ thuế nhập khẩu đối với toa tàu điện và phụ tùng ô tô của Nhật Bản, đồng thời giảm dần thuế suất nhập khẩu đối với mặt hàng ô tô của Nhật Bản về 0% vào năm 2026.
Với Nhật Bản, nước này sẽ giảm thuế đối với nông sản nhập khẩu từ Anh xuống bằng mức áp dụng với EU theo JEFTA. Tuy nhiên, liên quan tới thương mại điện tử và dịch vụ tài chính, thỏa thuận này cấm các chính phủ yêu cầu doanh nghiệp tiết lộ các thuật toán được sử dụng trong công nghệ trí tuệ nhân tạo và dữ liệu mã hóa. (Japan Times)
Cơ quan Hải quan Hàn Quốc ngày 25/10 cho biết, tổng giá trị trao đổi thương mại của nước này trong quý II/2020 đã giảm 18, 3% so với cùng kỳ năm ngoái, do chịu tác động của đại dịch Covid-19. Theo đó, kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu của nền kinh tế thứ tư châu Á chỉ đạt 109 tỷ USD trong giai đoạn từ tháng 4 - 6/2020, giảm 24 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2019. Kim ngạch xuất khẩu của Hàn Quốc trong 20 ngày đầu tháng 10/2020 đã giảm 5,8% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi xuất khẩu trong giai đoạn này chỉ đạt 25,2 tỷ USD, so với con số 26,7 tỷ USD ghi nhận trong cùng kỳ năm ngoái.
Tuy nhiên, Hàn Quốc hiện có mức xếp hạng tín nhiệm tương đối tốt từ các hãng xếp hạng tín nhiệm quốc tế. Moody's đang xếp hạng nợ công của Hàn Quốc ở mức Aa2, Fitch đánh giá Seoul ở mức AA-, trong khi đó S&P xếp hạng tín nhiệm nợ nước này ở mức AA. (Yonhap)
ASEAN và các nền kinh tế mới nổi
Bộ trưởng Tài chính Indonesia Sri Mulyani Indrawati ngày 21/10 cho biết nền kinh tế kỹ thuật số của Indonesia sẽ tăng từ khoảng 40 tỷ USD (5,588 nghìn tỷ Rupiah) lên 133 tỷ USD trong vòng 5 năm tới. Theo bà Sri Mulyani, giá trị nền kinh tế kỹ thuật số của Indonesia tiếp tục tăng trưởng hàng năm, hiện lên tới 40 tỷ USD, tăng gấp năm lần kể từ năm 2015. Đây là mức tăng rất nhanh và có tiềm năng rất lớn. Nếu giá trị của nền kinh tế kỹ thuật số đạt 133 tỷ USD vào năm 2025, thì sẽ cao gấp đôi giá trị nền kinh tế kỹ thuật số của Thái Lan. (The Jakarta Post)
Bộ Công Thương Ấn Độ ngày 22/10 cho biết, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tại nước này trong 5 tháng đầu của năm tài khóa 2020-2021 (tháng 4-8/2020) đạt 27,1 tỷ USD, tăng 16% so với mức 23,35 tỷ USD của cùng kỳ năm ngoái. Theo đó, tổng vốn FDI, bao gồm cả thu nhập tái đầu tư, tăng 13% lên 35,73 tỷ USD. Tổng vốn FDI lũy kế của Ấn Độ đã tăng 55% từ mức 231,37 tỷ USD trong giai đoạn 2008-2014 lên 358,29 tỷ USD trong giai đoạn 2014-2020. Các biện pháp của Chính phủ Ấn Độ về cải cách chính sách FDI, tạo thuận lợi cho đầu tư và kinh doanh đã làm gia tăng dòng vốn FDI, chứng minh vị thế của Ấn Độ như một điểm đến đầu tư ưa thích của các nhà đầu tư toàn cầu. (The Economics Times)
Theo tờ ASEAN Today, Việt Nam đã nâng các tiêu chuẩn trong ngành đánh bắt cá và tuân thủ các quy định trong khuôn khổ EVFTA. Theo đó, Việt Nam thực hiện rất tốt việc thúc đẩy nuôi cá ngừ bền vững và có thể truy xuất nguồn gốc, xây dựng chuỗi giá trị và chống khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) để xuất khẩu cá ngừ sang EU. Việt Nam hiện là quốc gia xuất khẩu thủy sản lớn thứ ba trên thế giới, với tổng giá trị xuất khẩu lên đến 8,6 tỷ USD năm 2019. EU là thị trường lớn thứ hai về xuất khẩu thủy sản của Việt Nam, sau Mỹ. (ASEAN Today)
| TGVN. Thị trường tiếp tục suy giảm, giá vàng lại có những phiên tiến nhanh rồi lui vội, khiến giới đầu tư đứng ngồi không ... |
| Bầu cử Mỹ 2020: Phi vụ mập mờ với Trung Quốc, ông con Hunter Biden có khiến ông bố Biden khó xử? TGVN. Hiện chưa có bằng chứng cụ thể nào cho thấy, cựu Phó Tổng thống Joe Biden có liên quan hoặc thu lợi từ liên ... |
| TGVN. Nỗ lực tự chủ muộn màng của Trung Quốc, nhiều thành viên EU muốn hạn chế quyền lực của những 'người khổng lồ' công ... |